Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”
TCCS - Ngày 26-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ có: Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo các tổ chức, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Dự hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức và 1.200 đại biểu đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp cả trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nắm bắt tình hình, kiến nghị của doanh nghiệp và đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trên tinh thần “càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải đoàn kết, càng dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau để vượt qua khó khăn, thách thức”, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm tiếp tục lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, cùng cả nước “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lây lan ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...
Tuy nhiên, năng lực, thời gian có hạn; dịch bệnh chưa có tiền lệ, diễn biến khó lường, cần tập trung cao nên có những vấn đề đã làm được, song cũng có những vấn đề chưa làm được. Thông qua hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp để tạo ra sự đồng thuận, cùng nhau đưa đất nước phát triển.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua; hoan nghênh chủ trương chuyển mục tiêu “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; đồng thời tỏ rõ quyết tâm cùng Chính phủ và nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh, khôi phục, thúc đẩy sản, xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ rào cản làm ách tắc lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương; công nhận kết quả xét nghiệm, kiểm dịch một lần, cách ly một lần đối với người di chuyển giữa các địa phương; linh hoạt trong thực hiện các quy định về chính sách nhập cảnh đối với chuyên gia; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ; tiếp tục có chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, phí; chuẩn bị mặt bằng khu công nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ: Giao thông Vận tải; Lao động - Thương binh và Xã hội; Công Thương; Thông tin và Truyền thông... đã phát biểu tiếp thu, làm rõ hơn và giải đáp các phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã sát cánh, chia sẻ, đóng góp cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19 và nỗ lực duy trì, phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung.
Theo Thủ tướng, trong quá trình phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua cho thấy, mặc dù có nhiều thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới, song đất nước ta vẫn còn những khó khăn, nhất là trong điều kiện phải chống dịch. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau chung tay để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, trong đó có nâng cao năng lực về y tế và quản trị y tế tốt hơn.
Thủ tướng cho biết, các đại biểu dự hội nghị đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” và Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, do chính sách có phạm vi rộng lớn, song lại khoanh hẹp đến tận phường, xã, thị trấn, thậm chí đến tổ dân phố, ấp, bản, thôn và tác động tới toàn bộ các đối tượng là nhân dân, doanh nghiệp…, nên phải có bước đi thận trọng, chắc chắn, rõ đến đâu làm đến đó, vừa làm vừa bổ sung, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm rồi hoàn thiện dần.
Thủ tướng cho biết, với phương châm doanh nghiệp, doanh nhân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể nên Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp hơn, để doanh nghiệp đến với chính quyền nhanh hơn. Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác công - tư để các doanh nghiệp, doanh nhân nghiên cứu tham gia sâu hơn, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực y tế... trên tinh thần những gì người dân làm được, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, thì người dân, doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước chỉ làm những gì cần kiểm soát về mặt an ninh, quốc phòng và các cân đối lớn, vĩ mô...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bảo đảm an toàn dịch bệnh, thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh  (26/09/2021)
Một số kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19  (26/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ: Nghiên cứu các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19  (24/09/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển