1. Diễn biến trên chính trường Thái Lan

Ngày 17-9-2008, Quốc hội Thái Lan đã chấp thuận ông Xôm-chai Vông-xa-vat giữ chức Thủ tướng, kế nhiệm ông Xạ-mạc. Ông Xôm-chai Vông-xa-vat là em rể của ông Thạc-xỉn. Sau khi được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn làm Thủ tướng, ông Somchai khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà quan sát, mối quan hệ mật thiết với cựu Thủ tướng Thạc-xỉn là một bất lợi đối với tân Thủ tướng, bởi chính PAD là lực lượng dẫn đầu chiến dịch chống Chính phủ của ông Thạc-xỉn cuối năm 2005. Người phát ngôn của PPP, ông Ku-đep Xai-rai-ăng (Kudeb Saikrajang), tuyên bố rằng, Đảng PPP xác định rõ rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng là khuyến khích sự hòa giải dân tộc, đem lại tình đoàn kết dân tộc, tránh sự đối đầu với bất cứ nhóm người nào trong xã hội. Tối 16-9-2008, Quốc hội Thái Lan cũng đã phê chuẩn Hiến chương ASEAN và trở thành quốc gia thứ 8 phê chuẩn văn kiện này.

2. Hợp tác ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)

Ngày 15-9-2008, kết thúc chuyến thăm và làm việc của Tổng thư ký ASEAN, tiến sĩ Xu-rin Pit-xu-van (Surin Pitsuwan) tại A-rập Xê-út, phát biểu với giới báo chí tại Đô-ha (Ca-ta) về triển vọng hợp tác ASEAN - GCC, tiến sĩ Xu-rin Pit-xu-van cho biết, ASEAN và GCC có kế hoạch tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên vào quý 1 năm 2009. Ba-ranh được chọn là điều phối viên của GCC, Thái Lan là điều phối viên của ASEAN. Tại cuộc gặp này các bộ trưởng sẽ xem xét việc tổ chức cuộc họp chính thức hàng năm ở cấp bộ trưởng 6 nước GCC và 10 nước ASEAN. Đây cũng là mô hình các nước EU đang theo đuổi. ASEAN và GCC cùng quan tâm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như du lịch, đầu tư kinh doanh, ngành công nghiệp chế tạo, tài nguyên thiên nhiên, sản xuất thực phẩm, trong đó, lĩnh vực du lịch được xem xét đầu tiên vì số lượng khách từ GCC thăm các nước ASEAN tăng vọt trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại giữa ASEAN và GCC (chỉ tính riêng xuất khẩu) đạt 57 tỉ USD năm 2006 so với 37,6 tỉ USD năm 2005. Dân số 10 nước ASEAN là 570 triệu trong khi dân số của GCC là 24,6 triệu. Theo số liệu thống kê năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của GCC là 17.700 USD, trong khi của ASEAN chỉ đạt 2.227 USD.

3. NATO mở đường cho Gru-di-a gia nhập liên minh này

NATO mở đường cho Gru-di-a
 gia nhập liên minh này

Ngày 15-9-2008, Đoàn đại biểu NATO với đại diện của 26 nước thành viên Liên minh do Tổng thư ký, ông Gia-ap Đe Hốp Se-phơ (Jaap de Hoop Scheffer), dẫn đầu đã đến Gru-di-a trong hai ngày. Đoàn tham dự cuộc họp Ủy ban NATO - Gru-di-a, đánh giá tình hình để trao cho Gru-di-a Kế hoạch hành động thành viên NATO (MAP). Tình hình tại Cáp-ca và xung đột Nga - Gru-di-a là chủ đề chính của cuộc họp này. Đại diện thường trực của Nga tại NATO tuyên bố rằng, tháng 12-2008, Gru-di-a không thể nhận được Kế hoạch hành động thành viên NATO, vì trong nội bộ NATO không có sự đồng thuận về vấn đề này. Chuyến thăm của Đại diện NATO đến Gru-di-a diễn ra trước thềm cuộc gặp không chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng NATO tổ chức tại Luân Đôn trong 2 ngày 18-9 và 19-9-2008. Ngày 16-9-2008, sau khi kết thúc cuộc họp ở Tbi-li-xi, Tổng thư ký NATO tuyên bố, Nga không thể ngăn cản Gru-di-a gia nhập tổ chức này trong thời gian tới. Theo ông, con đường vào NATO của Gru-di-a vẫn đang rộng mở và Nga không thể làm gián đoạn liên hệ mật thiết giữa tổ chức này với Gru-di-a.

4. Liên hợp quốc tạo điều kiện mở rộng Hội đồng Bảo an

Liên hợp quốc
tạo điều kiện mở rộng Hội đồng Bảo an

Ngày 15-9-2008, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã mở đường cho việc mở rộng Hội đồng Bảo an qua lời kêu gọi tiếp tục thương thuyết để bổ sung thêm thành viên vào cơ quannày. Kết quả thương thuyết là, Đại hội đồng đã nhất trí thông qua một nghị quyết phê chuẩn "đàm phán liên chính phủ" về việc mở rộng Hội đồng Bảo an, bắt đầu từ ngày 28-2-2009. Động thái trên là một bước đột phá, mang tính "lịch sử", làm tăng khả năng Hội đồng Bảo an sẽ trở nên lớn hơn và đại diện nhiều hơn cho thế giới trong thế kỷ XXI. Tiến trình mở rộng Hội đồng Bảo an bắt đầu được đề xướng từ năm 1993 khi một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch mở rộng cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc gồm 15 thành viên. Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc, ông Y-u-ki-ô Ta-xa-cu (Yukio Takasu) gọi quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc là "có ý nghĩa lịch sử". Nhật Bản là một trong những nước ứng viên hàng đầu vào ghế thường trực của Hội đồng Bảo an mở rộng cùng với Đức, Ấn Độ, Bra-xin và một nước châu Phi.

5. Khủng hoảng tài chính ở Mỹ

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ

Ngày 15-9, sau nhiều cố gắng không thành, Ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ - Lehman Brothers, đã chính thức đệ đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Cùng với sự sụp đổ của Lehman Brothers, ngày 15-9-2008, Tập đoàn Tài chính Merrill Lynch (trước nguy cơ phá sản) cũng bị Bank of America mua lại với giá 50 tỉ USD. Trước đó, Chính phủ Mỹ cũng đã phải bỏ ra 200 tỉ USD để tiếp quản hãng cho vay thế chấp lớn nhất là Fannie Mae và cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ ngày càng trở nên trầm trọng. Theo các chuyên gia kinh tế, Lehman Brothers (và cả các ngân hàng khác) đều là nạn nhân của cơn bão tín dụng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ. Sau khi có tin Lehman Brothers phá sản, thị trường chứng khoán thế giới đã đồng loạt giảm giá. FED đã quyết định bơm ngay 100 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng. FED tuyên bố, nới lỏng quy định về thế chấp đối với các khoản vay khẩn cấp dành cho các hãng tài chính và thông báo chấp nhận cho sử dụng cổ phiếu để cầm cố lấy các khoản vay bằng tiền mặt. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hen-ry Pôn-xơn cho rằng, giải pháp này sẽ đẩy mạnh khả năng thanh toán bằng tiền mặt, hỗ trợ thị trường vận hành nhịp nhàng và giảm bớt những quan ngại trên thị trường tín dụng. 10 ngân hàng lớn trên thế giới gồm Bank of America, Barclays, Citibank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Merrill Lynch, Morgan Stanley và UBS đã tuyên bố thành lập quỹ hỗ trợ 70 tỉ USD, nhằm nới lỏng tín dụng trước nguy cơ phá sản của nhiều tập đoàn tài chính Mỹ. Các "đại gia" này cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau để cung cấp thêm tiền mặt và bảo vệ thị trường vốn cũng như hệ thống ngân hàng. Các nhà chức trách nhiều nước khẳng định vẫn đang giám sát chặt chẽ ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính mới xuất phát từ Mỹ.

6. Chính phủ “da cam” của U-crai-na tan rã

Chính phủ “da cam” của U-crai-na tan rã

Ngày 16-9-2008, ông Ac-xe-ni Y-at-xen-uych (Arseniy Yatsenyuk), Chủ tịch Quốc hội U-crai-na, tuyên bố, Chính phủ liên minh thân phương Tây, sản phẩm của cuộc “cách mạng da cam” đang cầm quyền ở U-crai-na chính thức tan rã. Từ giờ trở đi, trách nhiệm là của Quốc hội U-crai-na. Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với “nền dân chủ da cam” ở U-crai-na. Từ lâu, Tổng thống Vich-to Y-u-xen-cô (Viktor Yushchenko) và Thủ tướng Y-u-li-a Chi-mô-xen-cô (Yulia Tymoshenko) đã có nhiều bất đồng. Hai nhà lãnh đạo này từng sát cánh bên nhau trong cuộc “cách mạng da cam” năm 2004, nhưng dư luận cho đây là cuộc “hôn nhân đồng sàng dị mộng”.

7. Hội nghị cấp Bộ trưởng Cu-ba với các quốc đảo Thái Bình Dương lần I

Ngày 16-9-2008, tại khách sạn Pan-cô ở Thủ đô La Ha-ba-na đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng Cu-ba và các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ I với sự có mặt của Tổng thống Ki-ri-ba-ti, A-no-te Tong; Thủ tướng Tu-va-lu, A-pi-san Le-le-mi-a; Ngoại trưởng các nước Na-u-ru, Ki-e-ren Ke-ke; Đảo Sô-lô-mông, Uy-li-am Hao-mai-e (William Haomae); Đảo Fi-gi, Ra-tu E-pe-li Nai-la-ti-kau cùng các Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực tại Liên hợp quốc của các quốc đảo Ton-ga, Va-nu-a-tu, Sa-moa, Mi-cro-ne-si-a và Pa-pua -Tân Gi-nê. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ngoại trưởng Cu-ba Phe-lip Pe-ret Rô-quy chuyển lời chào của Chủ tịch Ra-un Ca-xtro tới các vị đại biểu, nhấn mạnh sự hợp tác của Cu-ba với các quốc đảo này đang tiến bước và đó sẽ là một tấm gương chứng tỏ khả năng của ý chí chính trị. Phát biểu trong phiên họp đầu tiên, Tổng thống Ki-ri-ba-ti nêu bật mối quan hệ lịch sử giữa các quốc đảo này với Cu-ba và đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu chung sức đương đầu với các hậu quả tiêu cực của sự biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều tai họa cho các dân tộc. Các bên đã đạt được các thoả thuận, gồm triệu tập Hội nghị lần thứ II vào năm 2011; cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Nữu Ước (Mỹ) năm 2009 và lập Nhóm Công tác để tiếp tục theo dõi, thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa Cu-ba và các quốc đảo Thái Bình Dương. Hiện Cu-ba có quan hệ ngoại giao với 10 quốc đảo Thái Bình Dương là: Va-nu-a-tu (1983); Pa-pua-Tân Gi-nê (1989); Na-u-ru, Ton-ga, Đảo Phi-gi, Ki-ri-ba-ni (2002); Đảo Sa-lô-mông, Đảo Cốc, Tu-va-lu (2006); và với Sa-moa (2007).

8. Phát hiện sữa bị nhiễm hóa chất độc hại

Ngày 16-9-2008, Tổng cục kiểm định chất lượng quốc giaTrung Quốc (AQSIQ) công bố kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa nước trong tuần qua cho thấy, 24 trong số 1.202 lô hàng có chứa hóa chất mà Melamine là chất độc phổ biến nhất, trong đó có một số lô hàng của những công ty sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc đã từng xuất khẩu sản phẩm sữa sang nhiều nước trên thế giới. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu kiểm tra tất cả các sản phẩm sữa và cam kết sẽ nâng cao quy chuẩn chất lượng sau khi 4 trẻ em tử vong, hơn 6.200 em khác bị ốm vì uống sữa nhiễm hóa chất độc hại. Chất Melamine thường được sử dụng trong ngành sản xuất vải, keo dán, đồ dùng gia đình... Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết chất này gây ra chứng sỏi thận và sau đó sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ở trẻ, thậm chí nếu người trưởng thành sử dụng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của thận. Việc phát hiện sữa bị lẫn hoá chất độc đã gây nên khủng hoảng lòng tin ở người tiêu dùng. Trong cuộc họp báo về hợp tác an toàn sản phẩm giữa EU, Mỹ và Trung Quốc, ông Rô-bec Ma-đe-lin, Tổng Giám đốc phụ trách sức khỏe và bảo vệ người tiêu dùng của Uỷ ban châu Âu cho biết, khối này đã tiếp xúc với Trung Quốc về vụ bê bối sữa cho dù chưa có vấn đề nào xảy ra với các sản phẩm sữa của Trung Quốc xuất sang châu Âu. Bà Nen-xi Nô-đơ (Nancy Nord), Chủ tịch Uỷ ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ không chấp nhận các sản phẩm kém chất lượng.

9. Nga thử thành công tên lửa chiến lược xuyên lục địa thế hệ mới

Nga thử thành công
tên lửa chiến lược xuyên lục địa thế hệ mới

Ngày 17-9-2008, từ căn cứ hải quân Cu-ra trên bán đảo Cam-chat-ca thuộc vùng Viễn Đông, Hải quân Nga thử nghiệm thành công cuộc phóng tên lửa chiến lược thế hệ mới “Bulava” từ một tàu ngầm. Đây là loại tên lửa mang nhiều đầu đạn MIRV, có khả năng mang được 10 đầu đạn hạt nhân bay độc lập nhằm vào các mục tiêu riêng rẽ và vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có của Mỹ. Vụ thử diễn ra giữa lúc quan hệ Mat-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đang căng thẳng liên quan tới kế hoạch của Mỹ lắp đặt một trạm ra-đa theo dõi tên lửa ở Cộng hòa Séc và các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan. Trong khi Mỹ một mực khẳng định kế hoạch phòng thủ tên lửa là để ngăn chặn các cuộc tiến công tên lửa từ I-ran và CHDCND Triều Tiên, nhưng Nga coi đó là chỉ là cách “nguỵ biện” mà trên thực tế là hướng vào các tên lửa của Nga. Cách đây 3 tuần, Nga đã phóng thử thành công tên lửa xuyên lục địa “Topol RS-12M” cũng có khả năng né tránh các đòn tiến công của tên lửa đánh chặn của đối phương, trước hết là tên lửa đánh chặn của Mỹ.

10. Bế mạc Paralympic Games Bắc Kinh

Ngày 17-9-2008, tại buổi lễ bế mạc Ô-lim-pích quốc tế giành cho người khuyết tật ở Bắc Kinh, Chủ tịch Uỷ ban Paralympic Quốc tế (IPC), ông Phi-lip Cra-ven (Philip Craven), tuyên bố, Trung Quốc đã tổ chức một Paralympic Games lớn và hoành tráng chưa từng có. Hơn 4.000 vận động viên thuộc 148 đoàn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ngày hội thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật. Chương trình thi đấu kéo dài 12 ngày, từ 6-9 đến 17-9-2008. Một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng với tên gọi “Lá thư gửi tới tương lai” diễn ra trong đêm bế mạc tại Sân vận động Quốc gia “Tổ chim” ở Bắc Kinh, Trung Quốc, để lại ấn tượng tốt đẹp cho hàng tỉ người xem truyền hình trên khắp hành tinh./.