Lễ kết nạp đảng viên mới - Ảnh: TL

Xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở, nơi thể hiện trực tiếp và cụ thể các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Xuất phát từ vị trí quan trọng của cơ sở xã, phường, thị trấn, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, đã ra Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18-3-2002, về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”. Sau khi Nghị quyết ra đời, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, ngày 10-10-2003, số 121/2003/NĐ-CP, ngày 21-10-2003, về cán bộ và chế độ, chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn; tiếp đó, Ban Bí thư (khóa IX) đã ban hành các Quy định số 94, 95-QĐ/TW, ngày 3-3-2004, về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương và các nghị định của Chính phủ, các cấp ủy đã coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từng bước được phát triển cả số lượng và chất lượng.

Việc thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và đưa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về xã, phường, thị trấn công tác, đã từng bước trẻ hóa và nâng cao trình độ về các mặt đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.

Việc chuyển từ chế độ sinh hoạt phí theo Nghị định số 09 sang chế độ tiền lương theo Nghị định số 121 của Chính phủ làm cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn phấn khởi, yên tâm công tác và thể hiện ý thức trách nhiệm hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn hiện nay nhìn chung còn yếu, tỷ lệ được chuẩn hóa còn chưa cao và chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 17/NQ-TW đề ra.

Tính đến 31-12-2007, cả nước có 10.998 xã, phường, thị trấn với tổng số gần 200.000 cán bộ, công chức cơ sở hưởng lương. Trong đó, số cán bộ chuyên trách do bầu cử chiếm 57,75% và số công chức chuyên môn chiếm 42,25%. Ngoài số cán bộ, công chức hưởng chế độ lương, cả nước có 568.899 cán bộ không chuyên trách (cả cấp xã và cấp thôn) hưởng chế độ phụ cấp (số lượng cán bộ và mức phụ cấp cho các chức danh do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định). Hiện nay, trình độ học vấn, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn như sau:

- Về học vấn: số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ tiểu học là 2,93%; trung học cơ sở là 21,48%; trung học phổ thông là 75,45%; số chưa biết chữ là 0,13%. Số cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trên đại học là 0,04%; cao đẳng và đại học là 9,04%; trung cấp là 32,37%, sơ cấp là 9,81%, còn lại 48,74% chưa qua đào tạo.

Số cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân là 4,09%; trung cấp là 38,15%; sơ cấp là 2,94%; còn lại chưa được đào tạo về lý luận chính trị. Trình độ quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ cán bộ cơ sở còn rất thấp: 55,53% chưa được đào tạo về quản lý hành chính nhà nước; khoảng 90% chưa được đào tạo về tin học, ngoại ngữ.

- Về thâm niên và thời gian công tác: số cán bộ có thâm niên công tác giữ chức vụ hiện tại dưới 5 năm là 64,49%; từ 5 - 10 năm: 24,11%; trên 10 năm: 11,38%; số cán bộ công tác dưới 5 năm là 49,74%; từ 5- 10 năm: 33,65%; từ 16 - 30 năm: 14,05%; trên 30 năm: 2,56%. Có 90,45% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử là người tại chỗ; 3,23% là cán bộ tăng cường; 6,03% là cán bộ hưu trí, mất sức.

Hiện nay, ở xã, phường, thị trấn đang nổi lên một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về công tác cán bộ và chế độ, chính sách là:

- Nhiều cán bộ, công chức cơ sở chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống; tỷ lệ cán bộ chưa đạt chuẩn còn cao; tỉnh, thành nào cũng còn một số cán bộ có trình độ văn hóa tiểu học và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ (cả nước còn hơn 3% cán bộ ở cơ sở có trình độ tiểu học hoặc không biết chữ; 48,74% số cán bộ chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ). Một số cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn tuổi cao, năng lực hạn chế nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi và năm công tác để nghỉ chế độ nên không bố trí được cán bộ trẻ thay thế. Một số cán bộ cơ sở tuy đã nghỉ việc nhưng chưa giải quyết được về chế độ, chính sách, ảnh hưởng đến tư tưởng của số cán bộ trẻ đang công tác.

- Việc quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã chưa phù hợp với những đơn vị hành chính cấp xã có dân số đông, nhất là khi chính quyền cấp xã được bổ sung nhiệm vụ (chứng thực một số loại văn bản theo quy định của Nhà nước). Việc quy định chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân không giữ một chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp là chưa phù hợp với thực tiễn của một số vùng, địa phương, nhất là đối với những nơi khó khăn về cán bộ.

Một số cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn tuổi cao, năng lực hạn chế nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi và năm công tác để nghỉ chế độ nên không bố trí được cán bộ trẻ thay thế. Một số cán bộ cơ sở tuy đã nghỉ việc nhưng chưa giải quyết được về chế độ, chính sách, ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ trẻ đang công tác.

Một số cán bộ chủ chốt cơ sở tuy tuổi còn trẻ, đã được đào tạo cơ bản, có khả năng phát triển nhưng không bố trí công tác ở cấp huyện được. Do không quy định chức danh cán bộ văn phòng đảng ủy là cán bộ chuyên trách nên nhiều đồng chí phó bí thư phải kiêm nhiệm thêm công tác đảng vụ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng Đảng, nhất là đối với những đảng bộ cơ sở có đông đảng viên.

- Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở còn bấp hợp lý, nhất là chế độ tiền lương giữa cán bộ chuyên trách do bầu cử với công chức chuyên môn. Với cùng trình độ đào tạo, nhưng cán bộ chủ chốt chỉ có hai bậc lương, còn công chức chuyên môn được nâng lương thường xuyên theo niên hạn, nên sau một số năm, công chức chuyên môn sẽ có mức lương cao hơn mức lương của cán bộ chủ chốt; hoặc khi đã là cán bộ chuyên trách, nhưng được bầu vào ban thường vụ cấp ủy thì không được hưởng chế độ chuyên trách, làm cho số cán bộ công chức chuyên môn này giảm sút ý chí phấn đấu, không muốn phấn đấu để được bầu giữ các chức vụ chủ chốt. Một số cán bộ kiêm chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân nhưng chưa được hưởng phụ cấp theo quy định.

- Số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách (cả cấp xã và thôn) do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định nên một số nơi quy định thêm nhiều chức danh ngoài quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ, gây khó khăn cho ngân sách và tạo sự chênh lệch quá lớn, không thống nhất trong đội ngũ cán bộ ở cơ sở giữa các địa phương.

Có địa phương không cân đối được ngân sách nhưng quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cao hơn cán bộ cùng cấp ở những địa phương cân đối được ngân sách. Điều này đã gây áp lực đến việc hỗ trợ của ngân sách Trung ương.

- Quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức xã là 20 năm; đồng thời, nữ phải 55 tuổi, nam phải 60 tuổi mới đủ điều kiện nghỉ hưu, là chưa thật phù hợp với cán bộ, công chức xã, nhất là đối với những vùng khó khăn. Việc quy định một số chức danh có tuổi tham gia lần đầu quá cao (55 - 65 tuổi) không phù hợp với Bộ luật Lao động; khi tuyển dụng lần đầu đối với công chức cấp xã không quá 35 tuổi lại không phù hợp với Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc và bất cập nêu trên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn vững mạnh, cần thực hiện một số chủ trương, giải pháp sau đây:

- Trên cơ sở phân loại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 159/2005/NĐ-CP của Chính phủ, xác định biên chế và mức phụ cấp trách nhiệm cho phù hợp với quy mô và chức danh cán bộ của mỗi xã, phường, thị trấn. Trong số cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn hiện nay, cần khẩn trương nghiên cứu để phân loại và có chính sách phù hợp theo hướng:

+ Một số chức danh cán bộ chuyên trách cần thiết và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của công chức nhà nước thì chuyển sang chế độ công chức nhà nước để tạo sự liên thông trong đội ngũ cán bộ ở các cấp. Số cán bộ này được hưởng lương chuyên môn, nâng lương theo niên hạn và phụ cấp trách nhiệm theo chức danh trên cơ sở phân loại xã, phường, thị trấn.

+ Các chức danh cán bộ chuyên trách khác không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để chuyển thành công chức nhà nước thì giữ nguyên. Khi được bầu cử giữ chức vụ nào thì hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo chức vụ đó và thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc, khi thôi đảm nhiệm chức vụ bầu cử thì thôi hưởng phụ cấp và đóng bảo hiểm tự nguyện.

+ Đối với cán bộ không chuyên trách (cả cấp xã và cấp thôn) cần thực hiện theo hướng tự quản, khoán kinh phí hoạt động và đóng bảo hiểm tự nguyện. Chính phủ cần có hướng dẫn khung về mức phụ cấp để thực hiện thống nhất trong cả nước.

Đối với những cơ sở yếu kém, đội ngũ cán bộ tại chỗ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không đáp ứng được yêu cầu thì phải tăng cường những cán bộ có phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm công tác ở cấp trên hoặc từ nơi khác về thay thế, từng bước thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt cấp xã không nhất thiết là người địa phương.

- Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và thực hiện việc chuẩn hóa, phấn đấu đến năm 2015 đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở nói chung phải đạt chuẩn. Nếu không đạt chuẩn thì nhất thiết phải thay thế. Có chế độ phụ cấp đối với cấp ủy viên cơ sở và chính sách thu hút đối với cán bộ công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo có nhiều khó khăn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

- Bố trí từ 5% đến 10% biên chế dự phòng đối với cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện việc đào tạo và tăng cường, luân chuyển cán bộ, công chức ở tỉnh, huyện về cơ sở. Đối với những cơ sở yếu kém, đội ngũ cán bộ tại chỗ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không đáp ứng được yêu cầu thì phải tăng cường những cán bộ có phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm công tác ở cấp trên hoặc từ nơi khác về thay thế, từng bước thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt cấp xã không nhất thiết là người địa phương. Kinh phí để bố trí biên chế dự phòng, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ cơ sở do ngân sách địa phương chi trả trên cơ sở quy định chung của Trung ương và quy định cụ thể của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

- Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo chức danh cán bộ, trong đó cần chú ý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật những chủ trương, chính sách mới và kinh nghiệm thực tế trong việc giải quyết những tình huống cụ thể thường xảy ra ở cơ sở.

Tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ cơ sở cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng. Kết hợp giữa đào tạo chính quy với bồi dưỡng tại chức; giữa nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ với xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tác phong cho cán bộ cơ sở. Thực hiện chủ trương: hằng năm, cán bộ chuyên trách, cấp ủy viên cơ sở xã, phường, thị trấn phải được bồi dưỡng tập trung để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm mới ít nhất 10 ngày tại trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hoặc trường chính trị tỉnh, thành phố.

Các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương cần có các chuyên mục, chuyên đề và chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cơ sở một cách thích hợp./.