Nâng cao giá trị thương hiệu từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
TCCS - Số lượng làng nghề của Hà Nội hiện chiếm gần 1/3 làng nghề của cả nước, tuy nhiên với xuất phát điểm thấp, sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu… các làng nghề Thủ đô trong dòng chảy của cơ chế thị trường đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của thành phố tạo bước chuyển đáng ghi nhận khi giúp tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt nâng cao giá trị thương hiệu cho làng nghề.
Vượt qua thách thức…
Số liệu từ Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề với khoảng 1.864 làng nghề truyền thống, 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước khi có đến 1.350 làng nghề và làng có nghề, có 305 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống, thuộc 23 quận, huyện và thị xã (chiếm 60% tổng số làng nghề của cả nước). Các sản phẩm của làng nghề theo đó cũng rất đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt, đồ gỗ, cơ khí và chế biến nông sản thực phẩm...
Theo tính toán, tổng doanh thu trung bình một năm của 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề ở Hà Nội năm 2018 đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, một số làng nghề thủ công mỹ nghệ đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, đồng thời đạt doanh thu cao, như làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đạt gần 2.000 tỷ đồng…
Từ những đóng góp của làng nghề vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội nói chung, khu vực nông thôn nói riêng có thể thấy, giá trị thực tế mà các làng nghề truyền thống đã và đang mang lại cho người dân Thủ đô là không nhỏ. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thì công tác phát triển nghề và làng nghề của Hà Nội hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Thực tế cho thấy, hiện hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn Hà Nội đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn, như thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, khả năng cạnh tranh của các làng nghề truyền thống vẫn còn thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hoá, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, một số sản phẩm truyền thống đang có dấu hiệu bị mai một, suy giảm. Hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng ở các làng nghề đang xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm, chưa có biện pháp khắc phục... Điều này đã và đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống nói chung và việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nói riêng.
Mặt khác, các làng nghề truyền thống của Hà Nội hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, như công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, bãi thu gom rác thải, nhà hàng, khách sạn, hệ thống đường giao thông, chiếu sáng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề cũng chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh gia đình, vì vậy, cũng ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao; đặc biệt là chưa gây được ấn tượng sâu sắc và thu hút khách trở lại tham quan, du lịch. Mặc dù, sau gần 7 năm, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Thế nhưng, đến nay, mới chỉ có 2/17 làng nghề truyền thống áp dụng được mô hình phát triển làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nổi tiếng và thành công, nổi bật là làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc. Trong khi đó, 15 làng nghề truyền thống còn lại hiện vẫn chưa thực hiện hoặc vẫn còn loay hoay tìm hướng đi riêng...
Nâng cao giá trị thương hiệu
Xác định được những khó khăn, thách thức cũng như lợi thế từ các làng nghề, sản phẩm làng nghề mang lại; trong nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đã có những hỗ trợ nhằm gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống. Trong đó, để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị bền vững, thì trọng tâm là việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của từng địa phương.
Theo đó, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với mục tiêu: Chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có; xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo sản phẩm của thành phố gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; triển khai thực hiện từ 10 đến 20 làng văn hóa, làng nghề du lịch… để hiện thực hóa mục tiêu này. Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cụ thể hóa chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố và đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp thông tin, số liệu về làng nghề, sản phẩm địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng phát triển sản phẩm để phục vụ cho việc xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đề án được các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ. Trong đó, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề đã và đang được tiếp cận với những cơ chế hỗ trợ của thành phố từ đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, đề án đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng, nhiều làng nghề đã có những sáng kiến, mô hình, cách làm hay. Trên thị trường theo đó cũng xuất hiện nhiều các sản phẩm của các làng nghề truyền thống, như làng lụa Vạn Phúc, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng quạt Chàng Sơn, gốm sứ Bát Tràng...
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội thì việc phát triển các làng nghề ở Hà Nội cũng gặp không ít thách thức. Theo các chuyên gia kinh tế, để làng nghề có thể phát triển, đem lại đời sống kinh tế ổn định cho người dân, cũng như để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đạt hiệu quả tốt hơn, nâng cao giá trị thương hiệu, thì cần phải tăng cường sự kết nối giữa các làng nghề, đặc biệt là tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với làng nghề truyền thống, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu các làng nghề.
Để thực hiện được mục tiêu trên, cũng như nâng cao giá trị thương hiệu, theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề vẫn phải tự tìm đến nhau để kết nối, tìm kiếm vùng nguyên liệu… Do đó, để nâng cao giá trị thương hiệu trong thời kỳ hội nhập bên cạnh việc thành phố Hà Nội có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn về đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, thì cần chú trọng đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Hà Nội đang triển khai đã và đang cho thấy những tín hiệu tích cực, đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ bổ khuyết những khâu nghệ nhân làng nghề còn yếu để vực dậy số làng nghề gặp khó khăn, gồm cả làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng; tạo điều kiện giúp nghệ nhân trau dồi thêm kiến thức, tham quan, học hỏi cách làm ăn ở các nước. Hiện nay, ở những làng nghề đang phát triển, nhiều nghệ nhân đã hướng cho con em tới học tập tại các trường mỹ thuật, quản lý kinh tế để trở về điều hành công việc. Việc liên kết sản xuất - thiết kế - tiêu thụ sẽ giúp khắc phục các nhược điểm của làng nghề, qua đó, không chỉ bảo tồn được các giá trị văn hóa đặc sắc tại các làng nghề, mà giá trị thương hiệu của các sản phẩm làng nghề cũng được nâng lên và phát triển một cách bền vững./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển