TCCSĐT - Trong hai ngày, 8 và 9-6-2009, tại thành phố Thái Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo khoa học – thực tiễn về “Kinh nghiệm tổ chức và quản lý hợp tác xã nông nghiệp”.

Tham dự Hội thảo có nhiều chủ nhiệm hợp tác xã của các tỉnh phía Bắc cùng đại diện các chi cục kinh tế hợp tác và hợp tác xã các địa phương, một số ban ngành Trung ương.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe và trao đổi kinh nghiệm với Cục xúc tiến hợp tác xã Thái Lan và chủ nhiệm một số hợp tác xã tiêu biểu của Thái Lan về nhiều vấn đề, như: các quy định của Luật Hợp tác xã Thái Lan và Việt Nam; cách tổ chức và quản lý trong các hợp tác xã; vai trò của ban quản trị và cách thức thuê chủ nhiệm và các vị trí quản lý; nghe một số kinh nghiệm, điển hình của Thái Lan về cách tổ chức giúp đỡ các hộ nghèo, đào tạo xã viên trong sản xuất kinh doanh, cho vay và huy động vốn, làm dịch vụ đầu vào, đầu ra, chế biến nông sản cho xã viên.

Các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm đến báo cáo kinh nghiệm của chủ nhiệm hợp tác xã Pi-mai, tỉnh Na-khon-rat-cha-sĩ-ma, Thái Lan. Theo Luật của Thái Lan, xã viên bầu ra hội đồng quản trị, nhưng hội đồng lại có quyền thuê chủ nhiệm (như là chủ nhiệm điều hành). Chủ nhiệm (thuê), theo luật định, bắt buộc không phải là xã viên hợp tác xã. Chủ nhiệm hợp tác xã Pi-mai cũng là người được hợp tác xã thuê và đã có thâm niên gắn bó với hợp tác xã Pi-mai 24 năm nay.

Báo cáo của Pi-mai cho biết, từ tình trạng nợ nần, làm ăn kém hiệu quả, nay Pi-mai đã trở thành một hợp tác xã mạnh của Thái Lan với 9000 xã viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như: xúc tiến sản xuất và dịch vụ; đào tạo xã viên; tín dụng; tìm kiếm vật tư, công cụ sản xuất cung cấp cho xã viên; thu mua và gom nông sản hàng hóa; chế biến nông sản; kinh doanh nông sản hàng hóa (phân phối); hoạt động gửi tiền tiết kiệm; và nhiều hoạt động về phúc lợi xã hội cho xã viên. Chẳng hạn, hợp tác xã hỗ trợ 30% thiệt hại khi xã viên gặp thiên tai.

Điều đáng chú ý là, ngoài các dịch vụ đầu vào, hợp tác xã Pi-mai còn đẩy mạnh các hoạt động đầu ra, và cho đến nay, luôn thắng trong cạnh tranh với các thương lái, nên đã mang lại lợi ích cho xã viên. Mỗi năm, hợp tác xã Pi-mai thu mua 2 - 3 vạn tấn lúa, chưa kể các nông sản khác của xã viên để cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị.

Hợp tác xã Pi-mai tạo niềm tin và giữ uy tín đối với xã viên trong dịch vụ đầu vào: cung cấp giống lúa, phân bón, xăng dầu, cho thuê kho chứa nông sản; chế biến nông sản; chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Ngoài ra, Pi-mai còn huy động vốn từ xã viên với lãi suất cao hơn thị trường, cho xã viên vay với lãi suất vay thấp hơn thị trường, tránh được nạn cho vay nặng lãi; làm dịch vụ gửi tín dụng bằng lúa, gửi lúa vào kho chờ giá, cho xã viên gửi lúa dự trữ trong kho không thu phí… Có chế độ vay hỗ trợ nhưng gia đình xã viên gặp rủi ro, khó khăn để ổn định cuộc sống. Cử cán bộ hướng dẫn cho xã viên cách hạch toán chi phí, thu nhập và tiết kiệm tiền; cùng với xã viên tìm cách làm ăn để vươn lên làm giàu.

Đội ngũ cán bộ quản lý của hợp tác xã tận tụy, nhiệt tâm với công việc, luôn tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ xã viên trong hợp tác xã vượt qua các khó khăn, rủi ro để tìm hướng làm ăn có hiệu quả. Đây cũng là quan niệm chung của người Thái: coi hợp tác xã chính là cùng nhauhành động./.