Bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành tòa án nhân dân
08:04, ngày 11-09-2010
Sáng 10-9, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành tòa án nhân dân (13-9-1945 - 13-9-2010). Ðồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đại diện nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Hà Nội và các đoàn khách: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Cam-pu-chia dự Lễ Kỷ niệm. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Lễ Kỷ niệm.
...Hôm nay, trong không khí cả nước phấn khởi thi đua lập thành tích chào mừng Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của ngành. Tôi vui mừng đến dự và gặp mặt đông đảo các đồng chí. Trước hết, tôi thân ái gửi tới quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể các thế hệ cán bộ, công chức ngành tòa án những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
...Ngay sau khi giành được chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Ðảng và Nhà nước ta là xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để bảo vệ những thành quả to lớn của cách mạng. Chỉ mười ngày sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập các Tòa án quân sự, tiền thân của ngành Tòa án nhân dân. Khi đó, trong điều kiện Nhà nước mới ra đời, nạn đói đe dọa, các lực lượng phản động ráo riết hoạt động chống phá cách mạng, khó khăn, thiếu thốn mọi mặt nhưng các Tòa án quân sự và Tòa án binh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, giữ vững vai trò là Tòa án cách mạng của chính quyền chuyên chính vô sản, phục vụ kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong việc trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, bảo vệ sức mạnh và kỷ luật quân đội.
Tiếp theo, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hệ thống Tòa án nhân dân tiếp tục được kiện toàn, bảo đảm nguyên tắc dân chủ trong tổ chức và hoạt động, trở thành một công cụ sắc bén góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện đất nước có chiến tranh, phục vụ đắc lực cho lợi ích của Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiến hành cải cách tư pháp, ngành Tòa án nhân dân đã quán triệt và nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ðảng và Quốc hội, tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của các tòa án để tập trung nâng cao chất lượng xét xử, những cố gắng đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ Ðảng, bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, ổn định chính trị, tạo hành lang pháp lý an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển.
Có thể khẳng định rằng, trong suốt quá trình 65 năm xây dựng và phát triển, dù trong bất cứ thời điểm hoặc hoàn cảnh nào, ngành Tòa án nhân dân luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước và với những thành tích, tiến bộ đạt được trong 65 năm qua, ngành Tòa án nhân dân xứng đáng với các phần thưởng cao quý mà Ðảng và Nhà nước đã trao tặng: Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những công lao to lớn của ngành Tòa án nhân dân trong 65 năm qua. Tôi mong các đồng chí giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành để tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
... Ôn lại quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành, các đồng chí có quyền tự hào chính đáng về truyền thống và những thành tích đã đạt được. Tuy nhiên, với trọng trách được giao thì nhiệm vụ của ngành Tòa án nhân dân trước Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong tình hình hiện nay là rất nặng nề. Với vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp của nước nhà, cơ quan Tòa án phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện các mục tiêu của công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị là "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao". Ðể hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành Tòa án nhân dân trong thời gian tới, tôi hoàn toàn nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ công tác do đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vừa trình bày, đồng thời nhấn mạnh một số điểm dưới đây:
Thứ nhất, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, ngành Tòa án nhân dân vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế: chất lượng xét xử cũng chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng án bị cải, sửa tuy ít nhưng không giảm mà có xu hướng tăng, vẫn còn án tồn đọng, đặc biệt ở khâu xem xét đơn yêu cầu theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm; việc nâng cao chất lượng tranh luận tại phiên tòa chưa được thực hiện đầy đủ ở các cấp tòa án khác nhau; việc tuyển chọn, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đã làm được khá nhiều, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng; đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn không đồng đều; cơ sở vật chất của các tòa án chưa được đầu tư đúng mức. Ðây là những vấn đề mà ngành Tòa án nhân dân cần kiên quyết khắc phục trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu công tác xét xử trong tình hình hiện nay, kiên quyết không để án oan, án tồn đọng, quá hạn luật định, khắc phục tới mức thấp nhất án sai, bị cải sửa.
Thứ hai, trong điều kiện an ninh, trật tự xã hội còn phức tạp, tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, chúng ta lại đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật có vai trò rất quan trọng góp phần bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa. Tòa án là trung tâm của các cơ quan tư pháp, do vậy, việc xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa quyết định. Tòa án các cấp cần xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự bảo đảm tiêu chuẩn không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cả về phẩm chất chính trị, đạo đức và bản lĩnh thì mới đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn tiếp theo; cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức xứng đáng với vai trò và vị thế của người thẩm phán. Cán bộ, công chức Tòa án phải là đầu tàu, gương mẫu trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ ba, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp, vừa qua ngành Tòa án nhân dân đã hoàn thành đúng lộ trình và yêu cầu của việc tăng thẩm quyền cho các Tòa án nhân dân cấp huyện. Việc xét xử ở cấp Tòa án này là rất quan trọng, nếu không được chú ý sẽ dễ có oan, sai. Do vậy, cần có sự chỉ đạo và đầu tư mạnh cả về nguồn lực cán bộ và cơ sở vật chất cho Tòa án cấp huyện để việc xét xử ngay từ cấp sơ thẩm bảo đảm chất lượng, đúng pháp luật thì nhất định sẽ khắc phục được oan, sai; đồng thời, đây cũng là chuẩn bị một bước cho việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực sau này.
Thứ tư, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ khác về cải cách tư pháp, ngành Tòa án cần chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 79-KL/T.Ư của Bộ Chính trị về Ðề án đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc thực hiện thành công Ðề án sẽ là điều kiện thuận lợi cho ngành tòa án nâng cao năng lực và vị thế của mình, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đồng thời tạo bước phát triển mới của ngành tòa án nhân dân. Ðây là nhiệm vụ lớn, rất quan trọng, vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành tòa án cần đầu tư nhân lực, công sức, trí tuệ để xây dựng các đề án có liên quan trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định để tổ chức thực hiện; phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tích cực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
...Với truyền thống vẻ vang và tự hào của ngành Tòa án nhân dân, với ý thức trách nhiệm trước Ðảng, Nhà nước và nhân dân, với tinh thần đoàn kết, nhất trí và nỗ lực khắc phục khó khăn của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp, tôi hy vọng và tin tưởng ngành Tòa án nhân dân sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục phát triển, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.
Một lần nữa, chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc ngành Tòa án nhân dân đạt nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa./.
Việt Nam tham dự Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc  (10/09/2010)
AIPA 31 sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 20 đến ngày 24-9-2010  (10/09/2010)
Hội nghị Mekong-Nhật về Hành lang kinh tế Đông-Tây  (10/09/2010)
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông ở Nghệ An  (10/09/2010)
Thay đổi thành viên UBND 2 tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên Huế  (10/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay