Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa thừa nhận yếu kém trong việc phát hiện nguyên nhân cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; cho rằng, do thiếu sự phối hợp trong quá trình giám sát và đưa ra những thông điệp không hiệu quả đã khiến tổ chức này không phát hiện và cảnh báo kịp thời về nguy cơ bùng nổ khủng hoảng tín dụng, dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng vừa qua.

IMF cũng thừa nhận hành động chưa đủ, nhất là khi các chính phủ làm ngơ trước những nguy cơ IMF cảnh báo.

Trong khi đó, tờ Giải phóng của Pháp số ra ngày 5-3, dẫn nhận định của một số chuyên gia kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết, khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay gây những tác động lớn và kéo dài hơn dự báo do IMF đưa ra hồi tháng 1 vừa qua; kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và quý 1 năm nay có thể là giai đoạn tồi tệ hơn cả. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8-3, năm 2009, các nước đang phát triển sẽ thiếu hụt về tài chính từ 270 tỉ đến 700 tỉ USD; và các định chế tài chính quốc tế không thể bù đắp sự thiếu hụt này. WB nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các nước nghèo và đang phát triển khó tiếp cận hơn với các nguồn tài chính cần thiết. Vì vậy, WB kêu gọi các nước phát triển, các thể chế toàn cầu và khu vực tư nhân tăng cường hợp tác. WB dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ít nhất 5%; sản lượng công nghiệp giữa năm 2009 có thể thấp hơn 15% so cùng kỳ năm 2008; thâm hụt thương mại ở mức lớn nhất trong 80 năm qua. Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, năm 2009 sẽ có ít nhất 22 triệu phụ nữ châu Á mất việc làm do khủng hoảng kinh tế, chủ yếu là những người làm việc trong khu vực gia công các mặt hàng xuất khẩu, như quần áo, giày dép, thiết bị điện tử, dịch vụ khách sạn, nhà hàng./.