Ðộng thái phá băng trong quan hệ Nga và phương Tây
Những ngày gần đây, quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) có dấu hiệu cải thiện đáng kể khi liên minh quân sự này quyết định nối lại các cuộc đàm phán cấp cao nhất với Nga, vốn bị đóng băng từ tháng 8-2008, sau khi xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Gru-di-a, nước đang xin gia nhập NATO.
Trong khi đó, cuộc hội đàm đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.V. Lav-rốp và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H. Clin-tơn được đánh giá là đã hé mở sự khởi đầu mới cho quan hệ song phương. Theo các nhà phân tích, Nga vẫn là một đối tác khó thay thế với phương Tây trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Tại cuộc gặp ngày 5-3 ở Brúc-xen (Bỉ), các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao 27 nước thành viên NATO đã thông qua quyết định khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga, 7 tháng sau khi NATO đơn phương đình chỉ hoạt động của Hội đồng NATO - Nga ở tất cả các cấp và Nga ngừng phối hợp với NATO trong chương trình "Ðối tác vì hòa bình" và hợp tác về Áp-ga-ni-xtan. Tổng Thư ký NATO Hoop Scheffer khẳng định, quan hệ giữa NATO và Nga đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây và cuộc gặp chính thức đầu tiên có thể diễn ra sau Hội nghị cấp cao NATO lần thứ 60 vào đầu tháng 4 tới. Tuy tuyên bố khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga, nhưng thay vì tăng cường hợp tác trên 19 hướng chính như trước đây, NATO đề nghị Nga tập trung hợp tác trong các vấn đề Áp-ga-ni-xtan, đấu tranh chống khủng bố và không phổ biến hạt nhân. NATO cho rằng, đó là các lĩnh vực hợp tác hai bên cùng có lợi, nhưng giới phân tích nhận định, đây là những vấn đề mà NATO gặp nhiều khó khăn sau khi ngừng hợp tác với Nga. Tổng Thư ký Scheffer cho biết, NATO sẵn sàng tham gia thảo luận sáng kiến của Nga về thành lập cơ chế an ninh mới ở châu Âu và khôi phục hiệu lực của Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) mà Nga đã rút cách đây gần hai năm. Ông Scheffer thừa nhận giữa NATO và Nga vẫn tồn tại nhiều bất đồng, nhất là trong vấn đề Gru-di-a, nhưng Nga là một đối tác quan trọng có thể hỗ trợ NATO tiếp viện hậu cần cho các lực lượng do NATO chỉ huy ở Áp-ga-ni-xtan, cũng như góp phần chống khủng bố, buôn bán ma túy và phổ biến vũ khí hạt nhân. Mỹ, Anh, Ðức, I-ta-li-a, Na Uy và Tây Ban Nha ủng hộ nối lại quan hệ chính thức với Nga, vì cho rằng, biện pháp trừng phạt Nga là phản tác dụng. Một số nước đề nghị nối lại đàm phán không chỉ ở cấp đại sứ như thông lệ, mà cả ở cấp bộ trưởng và cấp người đứng đầu nhà nước, chính phủ. Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố hoan nghênh NATO nối lại hoạt động của Hội đồng NATO - Nga, nhưng cho rằng, quyết định đó cần được thông qua cùng với phía Nga.
Trong khi đó, tại cuộc hội đàm đầu tiên giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ H. Clin-tơn và người đồng cấp Nga S.V. La-vrốp tại Gơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) ngày 6-3, bà H. Clin-tơn khẳng định, Mỹ mong muốn điều chỉnh mối quan hệ giữa hai nước. Kể từ khi nước Mỹ có chính quyền mới, đây được coi là động thái phá băng đầu tiên trong quan hệ Nga - Mỹ, vốn đã trở nên căng thẳng từ thời Tổng thống G.Bu-sơ do bất đồng về chương trình hạt nhân của I-ran và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD) tại Ðông Âu. Mặc dù phát đi tín hiệu rằng, Mỹ muốn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với I-ran, nhưng bà H. Clin-tơn cho biết, Mỹ sẵn sàng hoan nghênh các ý tưởng và khuyến nghị của Nga về vấn đề này. Tuy vẫn bảo vệ ý tưởng của chính quyền Bu-sơ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược tại Séc và Ba Lan, bà H. Clin-tơn đã mời Nga cùng tham gia kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ðông Âu. Bà H. Clin-tơn cho rằng, Nga và Mỹ có thể tìm lập trường chung về nhiều vấn đề và dự đoán hai bên sẽ hoàn tất Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới vào cuối năm nay, thay hiệp ước cũ có hiệu lực từ năm 1991 và sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2009. Theo ITAR-TASS, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga S.V. La-vrốp cho biết, Nga hy vọng trong hiệp ước mới, Nga và chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm tất cả các vũ khí hạt nhân, chứ không chỉ các đầu đạn đang được triển khai trên tên lửa. Trên thực tế, cả hai bên đều có dấu hiệu thỏa hiệp, như Nga đã tuyên bố ngừng kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn ở Ka-li-nin-grát, vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa hai quốc gia tham gia NATO là Lát-vi-a và Ba Lan, với gợi ý rằng, Mỹ nên ngừng các kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu.
Có thể thấy, việc NATO chủ động khôi phục quan hệ hợp tác ở cấp cao nhất với Nga được đánh giá là động thái phá băng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, quan hệ song phương này vẫn tiềm ẩn nhiều bất đồng chưa được hóa giải. Nga mới đây đã đề xuất một hiệp ước an ninh mới cho châu Âu mà NATO lo ngại sẽ làm suy yếu liên minh quân sự này. NATO khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch "Ðông tiến", vốn bị Nga chỉ trích gay gắt, còn Mỹ thì kêu gọi các nước đồng minh tích cực giúp U-crai-na và Gru-di-a gia nhập NATO. Ðáp lại, Nga tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga bằng những biện pháp hợp pháp, chứ không nhân nhượng./.
Việt Nam mong muốn hợp tác sâu rộng với Ca-ta  (10/03/2009)
Một số kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ công chức ở Nhật Bản  (09/03/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhà nước Ca-ta và Cô-oét  (08/03/2009)
Phía Mỹ đánh giá sai lệch tình hình nhân quyền ở Việt Nam  (08/03/2009)
Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008  (07/03/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên