Các Đảng cộng sản và cánh tả liên minh châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế
TCCS - Liên minh châu Âu (EU) hiện nay gồm 27 nước thành viên, được đánh giá có thị trường nội địa rộng lớn nhất thế giới, trong đó có 16 nước thành viên sử dụng đồng ơ-rô. Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội cũng như phong trào cộng sản của các nước trong khu vực. Thực tế đó đòi hỏi các đảng cộng sản và cánh tả phải có những giải pháp cụ thể để vượt qua khủng hoảng.
1 - Bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại các nước EU
Bắt nguồn từ trung tâm kinh tế thế giới là nền kinh tế Mỹ, chiếm 27% GDP toàn cầu, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đã nhanh chóng lan rộng sang các trung tâm kinh tế thế giới như EU, Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Bra-xin. Trong bối cảnh đó, kinh tế các nước EU chịu ảnh hưởng nặng nề: suy thoái lan rộng với tốc độ nhanh, sản xuất công nghiệp suy giảm mạnh. Năm 2008, sản xuất công nghiệp của các nước EU giảm 12%. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2009 tăng trưởng GDP của khối sẽ giảm âm 3,2%, tỷ lệ thất nghiệp tại các nước EU đã tăng vọt, hiện đã lên tới 8,5%, tương đương 19 triệu người thất nghiệp, mức cao nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1929 - 1933.
Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ ba thế giới chính thức rơi vào cuộc suy thoái lớn nhất trong vòng 12 năm qua. Kinh tế Anh cũng lâm vào suy thoái, dự báo năm 2009 sẽ chịu mức sụt giảm mạnh nhất kể từ gần hai thập niên qua, số người thất nghiệp có thể lên đến 3 triệu người vào năm 2010. Còn ở I-ta-li-a, kinh tế đang rơi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất kể từ năm 1992. Năm 2008, tốc độ phát triển kinh tế của nước này đạt 0%, tỷ lệ thất nghiệp gần 7%. Dự báo năm 2009, tình hình kinh tế I-ta-li-a còn xấu hơn: GDP đạt mức âm 2%.
Kinh tế các nước Trung và Đông Âu đang gặp nhiều khó khăn do hai nguyên nhân chính là suy giảm xuất khẩu và sự khan hiếm tài chính. Xuất khẩu là động lực chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế của các nước này, chiếm khoảng 80% - 90% GDP, chủ yếu xuất sang các nước Tây Âu, Mỹ. Trong bối cảnh kinh tế các nước khu vực sử dụng đồng ơ-rô và Mỹ bị suy thoái đã hạn chế xuất khẩu và tăng trưởng của các nước Đông Âu.
Khủng hoảng kinh tế đã làm rạn nứt sự liên minh trong khối EU. Đó là xu hướng lo ngại vì sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu và vấn đề giúp đỡ các nước Đông Âu trong việc chống đỡ những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.
Trước tình hình đó, trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, chính phủ các nước EU đã sử dụng các biện pháp để khắc phục khủng hoảng như: đồng loạt cắt giảm lãi suất; thực hiện các gói giải cứu, kích thích nền kinh tế; cải tổ, điều chỉnh hoạt động, tăng cường giám sát hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng; thực hiện sự phối hợp chính sách giữa các chính phủ trong khối EU, thống nhất chính sách của khối đối với các vấn đề toàn cầu; chống mọi hình thức bảo hộ; kêu gọi sớm kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha về tự do thương mại toàn cầu và ủng hộ một sáng kiến đa phương về tài chính thương mại, cải cách IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trên cơ sở tự nguyện, EU sẵn sàng cấp thêm khoản vay tạm thời trị giá 75 tỉ ơ-rô (103 tỉ USD) để tăng khả năng cho vay của IMF, đồng thời giúp các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn trong IMF; thực hiện trợ giúp các nước Đông Âu trong việc giảm tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định tăng gấp đôi số tiền trợ giúp các nền kinh tế Đông Âu. Ngân hàng Tái thiết và phát triển Đông Âu (EBRD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và WB nhất trí sẽ bơm số tiền 24,5 tỉ ơ-rô (tương đương 31 tỉ USD) vào các ngân hàng của khu vực Trung và Đông Âu trong thời gian 2 năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu của sự phục hồi, tuy còn mong manh, tiềm ẩn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của các nước EU đang gặp nhiều khó khăn, có dấu hiệu chạm đáy, phục hồi chưa rõ, nhiều khả năng phục hồi sau châu Á và Mỹ.
2 - Tình hình chính trị
Trong bối cảnh kinh tế - chính trị trong khu vực có nhiều thay đổi, nhìn chung các đảng xã hội dân chủ ở châu Âu đang gặp khó khăn. Các đảng trung hữu đang tiếp quản chính sách của các đảng xã hội dân chủ, chiếm ưu thế ở nhiều nước châu Âu mà trước đây nằm dưới sự chi phối của các đảng xã hội dân chủ. Hiện nay, các nước châu Âu rất khó khăn trong việc tạo dựng mô hình chính sách của chính phủ xã hội dân chủ. Mô hình Bắc Âu ở Thụy Điển hiện do Liên minh bảo thủ quản lý. Ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo và Xlô-va-ki-a, các đảng xã hội dân chủ cầm quyền hiện đang chao đảo do khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp tăng cao. Ngoài ra, các đảng xã hội dân chủ chỉ là đối tác nhỏ trong chính phủ liên hiệp như ở Đức, Bỉ, Hà Lan. Ở một số nước, như Pháp, I-ta-li-a, nhiều đảng cánh tả đang mất dần quyền lực chính trị.
Nguyên nhân sâu xa của sự thay thế các đảng xã hội dân chủ bằng lực lượng cánh hữu là từ những khó khăn kinh tế và xã hội nảy sinh, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, chủ nghĩa thị trường tự do mới lâm vào khủng hoảng đòi hỏi phải có sự can thiệp điều tiết của nhà nước, trong khi hệ tư tưởng thay thế chưa phù hợp.
Điều này được thể hiện rõ qua kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tại 27 nước thành viên EU diễn ra từ ngày 4 đến 7-6-2009. Cuộc bầu cử này được đánh giá là quy mô nhất từ trước tới nay của EU. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đa số cử tri châu Âu tỏ ra thiếu hiểu biết, thờ ơ, thậm chí tẩy chay cuộc bầu cử này. Tình trạng tỷ lệ người đi bỏ phiếu thấp kỷ lục.
Trên thực tế, tuy mang danh nghĩa là cơ quan đại diện cho toàn thể công dân EU nhưng EP không có thực quyền lập pháp vì quyền hạn này thuộc về ủy ban châu Âu. Trong khi đó, quyền thông qua lại thuộc về Hội đồng Bộ trưởng châu Âu. Người dân các nước EU cho rằng, Nghị viện châu Âu không có thẩm quyền trực tiếp để giải quyết các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế mà thẩm quyền đó phải thuộc về Quốc hội của mỗi nước. Các nước EU vẫn áp dụng luật riêng do Quốc hội trong nước soạn thảo và thông qua. Luật chung của khối chỉ là những sắc luật có tính chung chung...
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính đang ảnh hưởng nặng nề, người dân các nước EU bất mãn đối với chính sách điều hành đất nước của các chính phủ hiện nay khiến thất nghiệp gia tăng, giá cả leo thang, phúc lợi xã hội bị cắt giảm, tăng trưởng kinh tế giảm sút, đời sống nhân dân ở hầu hết các nước gặp khó khăn. Chính sách của các đảng cánh hữu, đảng xã hội dân chủ về cơ bản vẫn chỉ bảo vệ lợi ích cho các tập đoàn tài chính, công nghiệp mà không mấy quan tâm đến lợi ích của nhân dân lao động.
Trong cuộc bầu cử lần này, số phiếu của các đảng cánh tả giảm đáng kể, bởi trong quá trình vận động tranh cử, các đảng không đưa ra được giải pháp rõ ràng giải quyết những bức xúc, khó khăn của người dân do khủng hoảng kinh tế gây ra; đồng thời, thiếu nhất quán về chủ trương, đường lối và hành động, thậm chí chia rẽ ngày càng sâu sắc. Tình hình này cho thấy, các đảng cánh tả cần có những giải pháp chiến lược lâu dài để khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
3 - Nhận định của các đảng cộng sản, lực lượng cánh tả về khủng hoảng tài chính toàn cầu
Các đảng cộng sản đều nhận định, khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay là cuộc khủng hoảng toàn diện, không chỉ ở lĩnh vực tài chính, ở một số ngành sản xuất mà là khủng hoảng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong điều kiện toàn cầu hóa. Cuộc khủng hoảng đánh dấu sự phá sản của học thuyết kinh tế thị trường tự do mới, cho thấy giới hạn lịch sử của hệ thống tư bản chủ nghĩa, làm cho các mâu thuẫn xã hội, nhất là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân, nhân dân lao động với giai cấp tư sản cầm quyền ngày càng gay gắt. Chính phủ các nước đang muốn trút hậu quả khủng hoảng lên giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sử dụng các gói trợ cứu kinh tế từ ngân sách do đóng góp của người dân cho các công ty của các tập đoàn tư bản trong khi thiếu quan tâm về mặt chính sách xã hội đối với người lao động.
Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Hy Lạp (tháng 2-2009) cho thấy tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vẫn lan sâu trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đại hội nhấn mạnh sự tăng cường đoàn kết trong Đảng, chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Đảng, đổi mới hơn nữa trong vận động lực lượng thanh niên, phụ nữ, trí thức, những người trung lưu; tăng cường công tác tuyên truyền lý luận. Đại hội xác định những giải pháp nhằm bảo vệ giai cấp công nhân và người lao động Hy Lạp trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, không để tình trạng người lao động bị mất việc làm trong khi lại tăng lợi nhuận cho giới chủ.
Về nhiệm vụ đối ngoại, Đại hội nhấn mạnh, cần tiếp tục củng cố phong trào cộng sản công nhân quốc tế, thông qua các hoạt động song phương và đa phương nhằm tăng cường sự hiểu biết và phối hợp hành động giữa các đảng, tập hợp lực lượng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa độc quyền, chống đói nghèo, vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, tăng cường đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; ủng hộ lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh, tăng cường đoàn kết với cách mạng Cu-ba, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Pa-le-xtin. Đại hội không tán thành việc thành lập Đảng Cánh tả châu Âu, cho rằng đây là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội mới làm suy yếu phong trào cộng sản ở châu Âu, bởi những người thuộc Đảng Cánh tả châu Âu chỉ tìm cách giải quyết những vấn đề của chủ nghĩa tư bản trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản. Đảng phản đối những nhượng bộ của Hy Lạp đối với EU và chính sách đối ngoại thân NATO của Chính phủ.
Tình hình Đảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a và Đảng Những người cộng sản I-ta-li-a hiện nay rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh liên minh cánh hữu thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội lên cầm quyền. Đó là khó khăn về tài chính, không có phương tiện thông tin đại chúng, không có đại diện trong chính quyền, không có ghế trong Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 4-2008, lực lượng bị chia rẽ, thiếu phương tiện hoạt động. Gần đây, một bộ phận đảng viên Đảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a đã ly khai khỏi Đảng. Hai Đảng đều cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do lực lượng cộng sản bị chia rẽ, đánh mất bản sắc riêng của mình. Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay, một mặt, gây khó khăn cho hoạt động của Đảng; song mặt khác, cũng tạo cơ hội cho Đảng trong việc tập hợp quần chúng. Trước yêu cầu phải vượt qua số phiếu 4% tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, hai Đảng đã xúc tiến củng cố lực lượng, liên minh với nhau trong việc đưa ra danh sách ứng viên và tính tới khả năng có thể hợp nhất vào thời điểm thích hợp.
Về mô hình và tương lai của chủ nghĩa xã hội, đại diện hai Đảng đều cho rằng, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng đấu tranh của các đảng cộng sản. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ này phải được phân tích từ những sai lầm, đổ vỡ của quá khứ để xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội mới, có sức sống. Về mặt kinh tế, nhà nước vẫn phải can thiệp vào nền kinh tế chung. Cần có cách tiếp cận đầy đủ về khu vực dịch vụ công dưới chủ nghĩa xã hội, các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa... không thể thực hiện tư nhân hóa hoàn toàn. Chủ nghĩa xã hội hiện thực phải bảo đảm bình đẳng, tự do, tiến bộ và sự phát triển cho mọi thành viên cũng như cộng đồng xã hội. Mô hình chủ nghĩa tư bản hiện nay tiếp tục làm cạn kiệt nhanh chóng các nguồn lực của đất nước. Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đã tạo điều kiện để các đảng cộng sản củng cố, tuyên truyền lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tập hợp quần chúng, xây dựng mặt trận thống nhất.
Hai Đảng Cộng sản I-ta-li-a cho rằng, các giải pháp để khắc phục suy thoái kinh tế trong khu vực Liên minh châu Âu, như bơm thêm tiền để cứu các hệ thống ngân hàng tài chính, thay đổi theo hướng cơ cấu lại một số lĩnh vực trong nền kinh tế... chỉ là những giải pháp tạm thời, chưa giải quyết được căn bản nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng. Đảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a đưa ra chủ trương: trong khi bơm tiền cứu hệ thống ngân hàng tài chính, duy trì lợi nhuận của các tập đoàn tư bản, chính phủ phải bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, thực hiện chương trình bảo vệ môi trường sinh thái. Đánh giá về các giải pháp vực dậy nền kinh tế của chính quyền, Đảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a cho rằng, các chính sách giải quyết nợ nần bằng cách phát hành nhiều trái phiếu hơn làm cho tình trạng nợ nần thêm trầm trọng, Chính phủ cần thay đổi chính sách "thiên đường miễn thuế" cho các công ty, tập đoàn, cần dùng ngân sách để trợ cấp thất nghiệp, bảo đảm an sinh cho người lao động.
Đảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a nhận định: Liên minh châu Âu không có dân chủ, thực chất là do chính phủ các nước lớn và các công ty đa quốc gia chi phối. Do vậy, Đảng phản đối chính sách của khối NATO và thấycần cải tổ EU để thực hiện dân chủ rộng hơn.
Đảng Cộng sản Pháp cho rằng: Đại hội XXXIV diễn ra vào cuối năm 2008 là một đại hội khó khăn của Đảng, song đa số những người cộng sản Pháp đều nhất trí về sự cần thiết và duy trì Đảng Cộng sản Pháp. Văn kiện được thông qua tại đại hội này đã phân tích sâu sắc những yếu kém của Đảng, của cánh tả, tình hình trong nước và quốc tế, những mâu thuẫn trong nước và trên thế giới, những thuận lợi và khó khăn, khẳng định niềm tin của những người cộng sản đối với nhu cầu vượt qua chủ nghĩa tư bản, cải tạo xã hội vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đề ra quyết tâm, đường lối, chiến lược, nhiệm vụ của Đảng cho thời gian tới (trước mắt và lâu dài), cùng với các hình thức và biện pháp thực hiện phù hợp với hoàn cảnh nước Pháp.
Những người cộng sản có niềm tin rằng: một phương thức phát triển khác với phương thức của chủ nghĩa tư bản, một quan niệm khác về sự phát triển của con người là cần thiết và có thể có được. Đó chính là sự đi tới cải tạo xã hội triệt để. Cuộc khủng hoảng của hệ thống tư bản thế giới đã bùng nổ sau bao năm chín muồi và ngày càng nghiêm trọng. Nhu cầu muốn vượt qua chủ nghĩa tư bản ngày càng lớn.
Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản làm rung chuyển thế giới và sẽ dẫn đến một giai đoạn chính trị mới. Những người cộng sản cần phải làm tất cả để đóng góp vào sự nghiệp đó. Một trang sử khác của đấu tranh giai cấp đang được mở ra ở Pháp, châu Âu và trên thế giới.
Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha (tháng 12-2008) đã đánh giá: "Thời điểm khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện nay chính là thời cơ cho các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới tăng cường đoàn kết, phối hợp đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, phấn đấu xây dựng một trật tự thế giới mới dân chủ, công bằng. Sự đoàn kết và hợp tác giữa các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả trên thế giới hiện nay có ý nghĩa to lớn, cần thiết và cấp bách. Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha tiếp tục nêu cao tình đoàn kết quốc tế đối với các lực lượng cách mạng, các đảng cánh tả tiến bộ trên thế giới, "đấu tranh vì sự thay đổi xã hội và vì chủ nghĩa xã hội,... đoàn kết, sẵn sàng hợp tác và sát cánh với tất cả các đảng anh em đấu tranh vì công lý xã hội, tiến bộ và dân chủ, bảo vệ chủ quyền, chống chiến tranh, vì hòa bình và dám đương đầu với chủ nghĩa đế quốc".
Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha phê phán mạnh mẽ chính sách của chính phủ của Đảng Xã hội Bồ Đào Nha (PSP) và Đảng Dân chủ - Xã hội (PDS) thiên hữu đang đẩy Bồ Đào Nha ngày càng phụ thuộc vào tư bản độc quyền siêu quốc gia, gia tăng bóc lột tư bản chủ nghĩa và phân hóa xã hội, bần cùng hóa nhân dân lao động (18% dân số Bồ Đào Nha sống dưới mức nghèo đói, gần 3 triệu người có thu nhập thấp dưới 10 ơ-rô/ngày, khoảng 230 nghìn người có thu nhập dưới 5 ơ-rô/ngày), gây ra những hậu quả nghiêm trọng và toàn diện đối với đời sống của nhân dân Bồ Đào Nha, đối với chế độ dân chủ và chủ quyền quốc gia. Chính vì vậy, Đảng kêu gọi các lực lượng dân chủ, tiến bộ trong nước ủng hộ và cùng phối hợp hành động, làm thất bại các chính sách thiên hữu, nhằm bảo vệ lợi ích người lao động và đất nước Bồ Đào Nha, phấn đấu vì một giải pháp cánh tả hướng tới chủ nghĩa xã hội. Đảng khẳng định với những người lao động và nhân dân Bồ Đào Nha rằng: "sau Đại hội này, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha tự tin hơn, quyết tâm hơn và kiên định hơn trong cuộc đấu tranh chống lại chính sách hữu khuynh của Chính phủ vì nó đã gây ra bao nhiêu điều xấu xa và tệ hại cho đất nước" (phát biểu bế mạc Đại hội của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha).
Đảng tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ bản sắc cộng sản và cách mạng, lập trường quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lê-nin và nguyên tắc tập trung dân chủ, khẳng định "chủ nghĩa xã hội là hệ thống ưu việt của nhân loại". Đại hội đã tổng kết hoạt động của Đảng từ Đại hội XVII (tháng 11-2004) đến nay, đề ra các biện pháp đổi mới, củng cố về tổ chức, đoàn kết nội bộ, mở rộng ảnh hưởng trong quần chúng, thông qua cương lĩnh hành động, phương hướng và những biện pháp nhằm củng cố lực lượng của Đảng trong nhân dân lao động và ảnh hưởng của Đảng trong đời sống chính trị đất nước. Trong thời gian qua, mặc dù phải hoạt động trong những điều kiện khó khăn, nhưng Đảng vẫn kiên trì đấu tranh cho mục đích cao cả của mình, duy trì bản sắc cộng sản và đã thu được kết quả đáng mừng: Đảng đã kết nạp thêm được 7 nghìn đảng viên mới, trong đó có nhiều đảng viên trẻ. Mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân lao động được tăng cường.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều đảng cộng sản và lực lượng cánh tả, lực lượng tiến bộ đều khẳng định cuộc khủng hoảng này cho thấy chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ rõ những hạn chế lịch sử. Sự điều chỉnh vừa qua của các chính phủ không thể khắc phục được những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội là triển vọng và tương lai của nhân loại, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết được một cách căn bản những mâu thuẫn nội tại của xã hội tưbản chủ nghĩa ở phạm vi quốc gia và quốc tế./.
Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp kinh tế - xã hội chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội  (31/08/2009)
Thực hiện Di chúc Bác Hồ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  (31/08/2009)
Thực hiện Di chúc Bác Hồ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  (31/08/2009)
Khởi công xây dựng cầu Cửa Đại nối liền vùng ven biển Quảng Nam  (31/08/2009)
Giới thiệu chính sách mới số 184  (31/08/2009)
Lời tri ân của những người con đất Việt với Hồ Chủ tịch  (30/08/2009)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay