Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời nhiều văn bản luật pháp, thể hiện quyết tâm trong phòng chống tội phạm buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.

Việt Nam quyết tâm tăng cường bảo vệ trẻ em hơn nữa

Nhằm tăng cường bảo vệ hơn nữa quyền của trẻ em, Chính phủ vừa đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc rút bảo lưu các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5 quy định về dẫn độ của Nghị định thư không bắt buộc về Buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em bổ sung cho Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

Ngày 6-9-2001, Chủ tịch nước đã phê chuẩn Nghị định thư này, trong đó có bảo lưu các khoản nêu trên với bối cảnh nước ta chưa ký kết hay gia nhập một công ước đa phương nào về dẫn độ tội phạm, tình hình tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp cùng một số điều kiện khó khăn khác...

Tuy nhiên, từ khi phê chuẩn Nghị định thư tới nay, nhiều văn bản luật pháp đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, các văn bản pháp luật liên quan tới dẫn độ ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác quốc tế trong dẫn độ tội phạm nói chung cũng như tội phạm buôn bán, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em nói riêng.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký trên 20 hiệp định tương trợ tư pháp với các nước về phòng, chống tội phạm, dẫn độ tội phạm. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chương trình nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em, nhất là phòng, chống buôn bán, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.

Mặt khác, qua so sánh với nghĩa vụ của các quốc gia thành viên về dẫn độ tội phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5 Nghị định thư cho thấy hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay cơ bản đáp ứng các quy định nêu trên.

Do đó, theo Chính phủ, đã đến lúc rút bảo lưu các điều khoản này, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.

Động thái này sẽ giúp đẩy mạnh khuôn khổ pháp lý quốc tế, tạo cơ hội tranh thủ sự hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ trẻ em Việt Nam có hiệu quả hơn, đồng thời, giúp đẩy mạnh việc ngăn chặn và trừng phạt những hành vi xâm hại, buôn bán trẻ em và văn hóa khiêu dâm trẻ em cũng như tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Chính phủ cho rằng, để thực hiện các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5 Nghị định thư sau khi việc rút bảo lưu có hiệu lực, chúng ta cần tiếp tục đảm bảo các điều kiện liên quan như nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống tội phạm, tăng cường bảo vệ quyền trẻ em, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan tới tương trợ tư pháp về hình sự nói chung và về dẫn độ nói riêng, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác dẫn độ./.