Hàng trăm nghìn người biểu tình trên khắp nước Pháp vào thứ năm, ngày 29-1, kêu gọi chính phủ có những hành động khẩn cấp và hiệu quả nhằm ngăn chặn đà suy thoái kinh tế và sự xuống cấp của an sinh xã hội, vốn là niềm tự hào của nước Pháp đẩy nước Pháp vào "Ngày thứ năm đen tối".
 
Nước Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các công đoàn lớn trên toàn quốc kêu gọi công nhân biểu tình phản đối cách điều hành của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế suy giảm bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo các nhà tổ chức, ngày 29-1 là "ngày thứ năm đen tối" của nước Pháp khi có tới hàng trăm nghìn người tham gia hơn 200 cuộc biểu tình tại hầu hết các thành phố lớn, kêu gọi Chính phủ của Tổng thống N.Xác-cô-di có những hành động khẩn cấp và hiệu quả để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng và mạng lưới an sinh xã hội xuống cấp. Nguyên nhân sâu xa của các cuộc biểu tình không chỉ xuất phát từ những vấn đề xã hội mà do người dân đã mất lòng tin vào chính phủ, nhất là các biện pháp giải cứu kinh tế không hiệu quả của Tổng thống .Xác-cô-di khiến nền kinh tế Pháp vẫn trì trệ. Trước khi nhậm chức vào tháng 5-2007, ông .Xác-cô-di từng cam kết cải thiện điều kiện sống cho người dân, kích thích kinh tế tăng trưởng. Nhưng kế hoạch này không những không phát huy hiệu quả mà còn tiêu tốn khoản ngân sách 360 tỷ ơ-rô để cứu hệ thống ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ. Các nghiệp đoàn cho rằng, công nhân không phải là những đối tượng trả giá cho cuộc khủng hoảng.

Khoảng 30% chuyến bay tại sân bay Oóc-ly và 10% chuyến bay tại sân bay quốc tế lớn nhất nước Pháp Sác-lơ Ðờ Gôn đã phải hủy bỏ. Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) thông báo, chỉ có 60% các chuyến tàu cao tốc (TGV) rời ga. Hãng vận tải RATP đã phải ngừng phần lớn hoạt động của các dịch vụ vận tải công cộng ở Thủ đô Pa-ri như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, tàu liên vùng, trừ những tuyến xe buýt. Các cuộc biểu tình đã làm tê liệt các ngành dịch vụ công cộng, trường học, cơ quan, nhà máy, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước Pháp. Tiếp đó, ngày 2-2, 45% giáo viên các trường đại học khắp nước Pháp đã tiến hành cuộc bãi giảng vô thời hạn để phản đối kế hoạch cải cách giáo dục đại học của chính phủ. Cuộc bãi giảng đã khiến hoạt động dạy và học của gần một nửa trường trong hệ thống giáo dục đại học Pháp tê liệt. Các giáo viên tham gia bãi giảng chỉ trích kế hoạch cải cách hệ thống đại học của chính phủ chỉ làm gia tăng tình trạng thất nghiệp trong ngành giáo dục, do phải tăng tỷ lệ cán bộ, nhân viên làm việc hợp đồng.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp đang nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn đà suy thoái kinh tế. Thủ tướng Pháp Ph.Phi-ông mới công bố 1.000 dự án đầu tư trị giá 26 tỉ ơ-rô trên các lĩnh vực khoa học, quốc phòng, kết cấu hạ tầng, giao thông... Trong đó, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 tỉ ơ-rô cho các dự án quy hoạch và phát triển bền vững; 520 triệu ơ-rô để nâng cấp và phát triển hệ thống đường sắt và đường bộ; 200 triệu ơ-rô hỗ trợ người dân mua và sử dụng các loại xe hơi thân thiện môi trường. Hàng loạt chính sách ưu đãi thuế sẽ được áp dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cải tạo các vùng đất công nghiệp hoang hóa, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng đi kèm phát triển bền vững. Với việc công bố những dự án đầu tư này, Thủ tướng Phi-ông muốn tái khẳng định sự đúng đắn của Chính phủ Pháp trong việc lựa chọn giải pháp khôi phục kinh tế bằng cách đầu tư vào các dự án chứ không phải hỗ trợ sức mua của người dân./.