Năm 2008, Liên bang Nga đã tạo dựng được vị thế mới trên thế giới: lọt vào danh sách bảy nước phát triển nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức tăng khoảng 6% (hơn 1.300 tỉ USD); đặt mục tiêu đến năm 2010 tăng gấp hai lần GDP (so với năm 2000) và lọt vào nhóm 5 các nước phát triển của thế giới.

Tại phiên họp cuối năm 2008 của Chính phủ Nga, Tổng thống Mét-vê-đép tuyên bố Liên bang Nga đã vững vàng vượt qua năm 2008 đầy khó khăn "một cách xứng đáng". Ông Mét-vê-đép nhấn mạnh, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nước Nga đã thực hiện được những mục tiêu đề ra, kể cả đối với các nhiệm vụ trung hạn lẫn chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020. Thủ tướng Nga Pu-tin cũng đánh giá kết quả phát triển kinh tế Nga năm 2008 là tích cực. Năm 2008, ngành nông nghiệp Nga có một vụ bội thu với 108 triệu tấn ngũ cốc (năm 2007 đạt 85 triệu tấn), sản lượng nông nghiệp tăng 10% và vốn đầu tư vào kinh tế cũng tăng 10%. Tiền lương trung bình của người lao động Nga tăng từ 10 đến 12% trong khi lạm phát dự tính tăng 13,5%. Thủ tướng Pu-tin nhấn mạnh, trong điều kiện của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Nga, điều quan trọng đối với các bộ, ngành là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp việc thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng với khả năng thông qua những quyết định chính xác, hỗ trợ hệ thống ngân hàng và không để xảy ra tình trạng người dân bị mất tiền khi gửi tiết kiệm hoặc mua công phiếu, trái phiếu. Thủ tướng nêu rõ, nhờ áp dụng các biện pháp kịp thời hỗ trợ hệ thống ngân hàng nên Nga đã loại trừ được nguy cơ mất tiền của nhân dân. Theo ông Pu-tin, các mục tiêu kinh tế dài hạn của Nga sẽ không thay đổi, bất chấp tình hình khủng hoảng hiện nay.

Tuy nhiên, Chính phủ Nga hiện phải tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Tỷ lệ lạm phát ở Nga tăng hơn 13%, khiến mức sống của người dân giảm sút trong bối cảnh đồng rúp mất giá (từ 25 rúp/1 USD hồi đầu năm lên 29 rúp/1 USD vào cuối năm). Khủng hoảng buộc Nhà nước phải bán ngoại tệ dự trữ quốc gia để duy trì tỷ giá đồng rúp, khiến cho lượng dự trữ vàng-ngoại tệ của Nga giảm. Ngày 19-1, Chính phủ Nga đã thông qua những biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đối với hệ thống tài chính và các xí nghiệp của Nga. Ðó là những biện pháp cho phép giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc đối với các chi nhánh thuộc Ngân hàng Trung ương Nga để các ngân hàng này có thêm tiền kinh doanh (khoảng 380 tỷ rúp). Ngân hàng Trung ương sẽ cấp hơn 1,7 nghìn tỉ rúp tín dụng phi bảo lãnh và tăng thời gian vay tín dụng này từ ba lên sáu tháng, có thể tăng lên một năm vào năm 2009; tăng số lượng ngân hàng tham gia đấu thầu vay tín dụng phi bảo lãnh; bù lỗ một phần cho những ngân hàng thương mại tham gia thị trường cấp tín dụng liên ngân hàng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ cấp 950 tỷ rúp tín dụng làm vốn dự phòng cho các ngân hàng; nâng mức bảo hiểm cho tiền gửi ngân hàng của dân chúng từ 400.000 lên 700.000 rúp; cấp 250 tỉ rúp hỗ trợ thị trường tài chính và khu vực kinh tế chủ chốt. Chính phủ Nga cũng quyết định trích 92 tỉ rúp từ ngân sách dự trữ liên bang để hỗ trợ gần 300 xí nghiệp và dành 200 tỉ rúp cho mục đích bảo lãnh nhà nước.

Theo Bộ trưởng Phát triển kinh tế và Thương mại Nga Na-bi-u-li-na, Nga đã phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2009 do cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu tác động mạnh đến nước Nga, trước hết là do giá dầu mỏ liên tục tuột dốc. Giá dầu mỏ trung bình trong năm sẽ là 41 USD/thùng (thay vì mức giá dự tính trước đó là 50 USD/thùng), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,3% (từ mức tăng dự kiến 2,4% xuống còn 2,1%), tỷ lệ lạm phát ở mức 13%, tỷ giá rúp/USD vào khoảng 35,1/1 và mức thâm hụt ngân sách chiếm 5% GDP. Do giá dầu mỏ dự tính giảm gần gấp đôi nên Bộ Tài chính Nga buộc phải điều chỉnh lại toàn bộ các thông số cơ sở của ngân sách. Chính phủ dự định chi thêm 40 tỉ USD để hỗ trợ hệ thống ngân hàng sau khi đã chi khoảng 32 tỉ USD vào cuối năm 2008 cho mục đích này. Tính đến ngày 1-1-2009, Quỹ dự phòng của LB Nga có bốn nghìn tỷ rúp và 137,1 tỉ USD, đồng thời, dự trữ ngoại tệ liên bang đã giảm xuống mức 429 tỷ USD so với 559 tỉ USD vào giữa năm 2008. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế Nga, năm 2009, GDP của Nga sẽ giảm 3,1% và kinh tế Nga sẽ có mức tăng trưởng âm. Tình hình khó khăn làm dấy lên nghi ngờ rằng các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng mà Chính phủ Nga đặt ra có thể không thực hiện được. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nga vẫn kiên định thực hiện đúng những mục tiêu đối nội, đối ngoại đã đề ra. Tuy nhiên, phương pháp thực hiện các nhiệm vụ này đôi khi sẽ cần thay đổi cho phù hợp tình hình mới.

Hiện nay, khi giá dầu mỏ đang dao động ở mức 40 USD/thùng, bức tranh thế giới đã thay đổi do tác động xấu của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách của Nga đưa ra nhận định rằng, mô hình phát triển dựa vào nhiên liệu không những là "ngõ cụt", mà còn rất nguy hiểm. Hiện đại hóa hoàn toàn nền kinh tế là sự lựa chọn tất yếu của Nga hiện nay, trong bối cảnh đất nước đang phải trải qua những khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới. Nói cách khác, vấn đề hiện đại hóa nền kinh tế đang trở nên cấp thiết ở Nga. Theo chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu hậu công nghiệp hóa Nga, cần hiện đại hóa các ngành kinh tế cơ sở như công nghiệp, khai thác và các ngành khoa học công nghệ. Nga cần phải chuyển từ một đất nước năng lượng sang vị thế nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, lập trình vi tính. Ðể giải quyết những nhiệm vụ chiến lược then chốt trong công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế, phải huy động tất cả các nguồn lực, kể cả tài chính lẫn các khía cạnh liên quan trí tuệ, xã hội và đạo đức, như sự đoàn kết của cộng đồng người Nga./.