TCCSĐT - Năm 2018, cục diện chính trị - an ninh thế giới có nhiều biến động sâu rộng, khó lường. Trong bối cảnh đó, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, đóng vai trò “đầu tàu” trong liên kết kinh tế thế giới, đồng thời có những dịch chuyển quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị.

Về kinh tế, mặc dù tiếp tục là “điểm sáng” về tăng trưởng, động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, song châu Á - Thái Bình Dương vẫn tồn tại nhiều rủi ro có thể cản trở đà tăng trưởng kinh tế khu vực. Trên khía cạnh an ninh - chính trị, châu Á - Thái Bình Dương về cơ bản vẫn duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, tuy nhiên an ninh khu vực đang đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thách thức sự ổn định ở khu vực. Các chuyên gia cho rằng, những diễn biến phức tạp đó nhiều khả năng để lại các hệ lụy không nhỏ cho những năm tiếp theo.

Tăng trưởng ổn định bất chấp căng thẳng thương mại

Trong xu thế vận động của thế giới năm 2018, vị thế “trung tâm” toàn cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được duy trì và phát triển, mặc dù còn một vài “điểm tối” nhỏ nhưng “gam màu sáng” tiếp tục là đặc điểm chủ đạo trong bức tranh tổng thể về kinh tế. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cùng những thay đổi về sản xuất, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến hàng chục triệu người bị mất việc làm và buộc phải tìm công việc mới. Tăng trưởng thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chậm lại sau nửa đầu năm 2018 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này dự báo tiếp tục có xu hướng giảm trong năm 2019 sau khi đã giảm 4% trong năm 2018 (1). Tuy nhiên, triển vọng kết thúc đàm phán thỏa thuận thương mại lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 06 đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc có thể bù đắp phần lớn thiệt hại kinh tế do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra.

Với sự dịch chuyển sang nền kinh tế dịch vụ, các nước mới nổi và đang phát triển ở khu vực đang nằm trong danh sách các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu với mức tăng trưởng dự báo vào khoảng 6,5% giai đoạn 2018 - 2019 và tiếp tục đóng góp hơn 50% tăng trưởng toàn cầu hằng năm. Các quốc gia đông dân nhất thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Những thị trường tăng trưởng mới này là động lực cho các xu hướng lớn nhất trong công nghệ, thương mại và tài chính. Trong xu thế phát triển chung, châu Á - Thái Bình Dương hiện có vai trò và tác động tích cực cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu. Theo Công ty kiểm toán PwC, đến năm 2050, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có trị giá 58.000 tỷ USD, Ấn Độ là 44.000 tỷ USD, Mỹ: 34.000 tỷ USD. Với lực lượng lao động lớn thứ 3 trên thế giới, 10 nước thành viên của ASEAN được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, như chênh lệch giàu - nghèo khá cao, nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ; bẫy “thu nhập trung bình” sau một thời gian tăng trưởng nhanh bị chững lại, hoặc ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống ngang bằng với các quốc gia phát triển; vấn đề cạnh tranh - ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy… buộc các nền kinh tế trong khu vực phải tìm ra lời giải cho bài toán này.

Quan hệ giữa các nước lớn ngày càng phức tạp

Trong năm 2018, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự đối đầu gay gắt trong cặp quan hệ Mỹ - Trung Quốc trên lĩnh vực thương mại mà đỉnh điểm là vào tháng 7-2018 với việc Mỹ chính thức áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc và nóng trở lại vào đầu tháng 12-2018 sau vụ nữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei bị bắt tại Canada. Quan hệ Mỹ - Nga vẫn căng thẳng liên quan đến nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, như Mỹ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, vụ điệp viên hai mang của Nga bị đầu độc tại Anh, Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…; tuy nhiên, các quan chức cấp cao hai bên cho rằng mối quan hệ này vẫn có thể được cải thiện thông qua đối thoại để giải quyết các mâu thuẫn. Quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc được củng cố, thắt chặt hơn nữa trong cơ chế “Bộ tứ” được hình thành nhằm kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nga - Trung Quốc ngày càng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực nhằm đối phó với sức ép từ Mỹ trong bối cảnh Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga và tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018…; song nhiều chuyên gia nhận định, mối quan hệ giữa hai cường quốc này thực chất là liên minh “bề nổi” do hai bên vẫn tồn tại nhiều vấn đề lịch sử cũng như căng thẳng trong việc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực.

Biển Đông trong “bàn cờ” của các nước lớn

Tình hình Biển Đông đã chứng kiến những sắc thái mới trong năm 2018, đáng chú ý là sự đối đầu ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự can dự của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vấn đề Biển Đông thành một trong ba vấn đề mấu chốt của cuộc xung đột Mỹ - Trung Quốc bên cạnh vấn đề Đài Bắc Trung Hoa và đối đầu thương mại. Mỹ đã thể hiện lập trường hết sức mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông với minh chứng là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Trung Quốc trực diện tại Viện Hudson diễn ra ở Thủ đô Washington…

Biển Đông cũng nằm ở trung tâm trong Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà Mỹ đã thúc đẩy trong năm 2018. Chiến lược do Mỹ khởi xướng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nước lớn trong khu vực và thế giới. Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Pháp, Anh đã công khai hoặc gián tiếp ủng hộ vai trò của Mỹ ở Biển Đông theo nhiều cách khác nhau, như điều tàu hải quân đi qua Biển Đông, điều máy bay tuần tra khu vực hay tham gia tập trận chung… Một số quốc gia thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc về một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để tránh xung đột và thúc đẩy hợp tác một cách hiệu quả, ASEAN đã trở thành diễn đàn thích hợp để Mỹ phát đi các thông điệp quan trọng về chính sách đối với vùng biển này.

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước ASEAN. Các nhà phân tích cho rằng, ASEAN dường như đang tìm cách tận dụng sự hậu thuẫn của Mỹ và các cường quốc trên thế giới để đối trọng với sự lấn át của Trung Quốc, nhưng cũng muốn tránh rơi vào thế “kẹt” trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Kết quả của nỗ lực này ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo của chính phủ các nước thành viên trong ASEAN.

Thúc đẩy xu thế liên kết kinh tế khu vực

Trong năm 2018, liên kết kinh tế - thương mại tiếp tục là xu hướng chủ đạo, được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo nền tảng cho sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN tiếp tục tự khẳng định như một thực thể quan trọng, tiếp tục được các nước lớn tranh thủ, gây ảnh hưởng và có khả năng phát huy vai trò trung tâm, kết nối các nền kinh tế trong cấu trúc khu vực đang định hình. Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) luôn khẳng định vị thế là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. Năm APEC 2018 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Diễn đàn vào năm 2019. Việt Nam cùng các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục chung tay vun đắp cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững.

Triển vọng năm 2019

Về kinh tế, có thể thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc năm 2018 đã bắt đầu phá vỡ chuỗi cung ứng hiện tại và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư, với bằng chứng là sự giảm tốc trong tăng trưởng thương mại sau nửa đầu năm 2018, được ghi nhận trong Báo cáo Đầu tư và Thương mại châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP). Nếu căng thẳng kéo dài, tăng trưởng xuất khẩu từ mức gần 4% năm 2018 có thể giảm còn 2,3% năm 2019. Dòng vốn FDI vào khu vực dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng giảm trong năm 2019, sau khi giảm 4% trong năm 2018. Nếu cuộc chiến thuế quan leo thang và niềm tin của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng giảm vào năm 2019, GDP toàn cầu có thể bị giảm gần 400 tỷ USD, GDP khu vực giảm 117 tỷ USD và gần 09 triệu người trong khu vực có thể bị mất việc làm. Tuy nhiên, ESCAP nhận định rằng, việc thực hiện các hiệp định thương mại lớn trong khu vực, như RCEP giữa ASEAN và 06 đối tác có thể bù đắp nhiều thiệt hại kinh tế do căng thẳng thương mại gây ra. ESCAP cũng ước tính nếu các hiệp ước như vậy có hiệu lực, có thể tăng xuất khẩu từ 1,3% lên 2,9% và thêm từ 3,5 triệu đến 12,5 triệu việc làm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện tại, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tham gia nhiều thỏa thuận thương mại khác nhau ở cả cấp độ song phương và đa phương. Theo ESCAP, vì căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc dường như đang đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách thỏa thuận thương mại khu vực của mình. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn có thể tạo ra động lực mới cho các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương để làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại nội địa cũng như đối với các nền kinh tế khác ngoài khu vực.

Về quan hệ an ninh - chính trị, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ D. Trump cho thấy, xử lý những thách thức đa chiều từ Trung Quốc vẫn là ưu tiên đối ngoại lớn nhất của Mỹ. Cùng với thời gian và đà trỗi dậy của Trung Quốc, so sánh lực lượng Mỹ - Trung Quốc ở khu vực sẽ tiếp tục có những thay đổi về chất theo hướng bất lợi cho Mỹ. Theo các chuyên gia, trong năm 2019, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ xảy ra một số kịch bản, như: 1- Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, cùng tồn tại hòa bình; 2- Chiến tranh lạnh kiểu mới; 3- Mô hình G-2, Mỹ - Trung Quốc cùng quản lý khu vực; 4- Trật tự khu vực với sự nổi lên của Trung Quốc, Mỹ bị đẩy ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương, song đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất so với các kịch bản khác.

Nhìn tổng thể từ môi trường quốc tế, khu vực, mục tiêu, ý đồ chiến lược của mỗi nước, có thể thấy quan hệ Trung Quốc - Nga thời gian tới mặc dù có những thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong năm 2019, về cơ bản mối quan hệ này vẫn duy trì trạng thái như hiện nay. Hai nước tiếp tục dựa vào nhau để chống lại ảnh hưởng của Mỹ, phương Tây; các mâu thuẫn, cạnh tranh chiến lược sẽ được hai bên kiềm chế, không đẩy thành đối kháng nhằm duy trì không gian hợp tác, phục vụ các tính toán chiến lược của mỗi bên.

Năm 2019, quan hệ Nga - Mỹ được dự báo sẽ có khởi đầu không thuận, với việc đầu tháng 02-2019, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF - điều khiến Nga buộc phải đáp trả bằng việc hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Những sự việc mang tính cạnh tranh và cọ xát giữa hai bên tương tự như năm 2018 có thể tiếp tục xảy ra trong năm 2019, song điều đó không đồng nghĩa với việc không còn hy vọng về khả năng “cài đặt lại” hoặc đưa quan hệ 2 nước trở về trạng thái “bình thường”.

Về “điểm nóng” khu vực, tình hình Biển Đông trong năm 2019 được dự báo vẫn phức tạp khi Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục có những động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bên cạnh đó, sau những đột phá ngoại giao chưa từng thấy trong năm 2018 với các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Triều Tiên - Hàn Quốc và Triều Tiên - Mỹ, năm 2019 được đánh giá là năm thách thức trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Có thể thấy, sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được tổ chức tại Hà Nội (tháng 02-2019), hồ sơ hạt nhân Triều Tiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tóm lại, tình hình thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng do có quá nhiều biến động phức tạp, khó lường từ năm 2018 nên bước sang năm 2019, xu thế đó được dự báo sẽ còn tiếp diễn tại khu vực, do đó các nước trong khu vực sẽ phải thăm dò, hình thành lại nhiều mối quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bối cảnh đó đòi hỏi các nước trong khu vực tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đúng và nắm rõ tình hình để đưa ra những chính sách và biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất và thúc đẩy các lợi ích quốc gia trong một môi trường khu vực không ngừng biến động./.

---------------------------------------------------

(1) Theo Báo cáo công bố ngày 12-12-2018 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP)