Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các cuộc diễn tập bắn đạn thật cũng như ngừng ngay các kế hoạch xây dựng trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 28-3, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết lập trường của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc công bố 5 cảnh báo hàng hải về việc diễn tập bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và kế hoạch xây dựng 3 đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành thành phố và căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược.

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22 đến 24-3-2019 và có kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trở thành thành phố và căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược quan trọng của Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; vi phạm tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về những sự việc này”.

Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã thông tin thêm về những biện pháp bảo hộ công dân đối với Đoàn Thị Hương và phiên xử sắp tới vào ngày 01-4.

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ công dân đối với Đoàn Thị Hương. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ ngoại giao, lãnh sự, pháp lý ở mức cao nhất để bảo đảm công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do.

“Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên giữ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và được biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã 3 lần thăm lãnh sự đối với công dân Đoàn Thị Hương kể từ 01-3-2019 để động viên, thăm hỏi sức khỏe và giúp Hương có thể ổn định tâm lý cho phiên tòa sắp tới. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng đang làm các thủ tục cần thiết để có thể thăm lãnh sự Đoàn Thị Hương một lần nữa trước khi phiên tòa diễn ra”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa qua đã ký sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan là của Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế trước những diễn biến gần đây liên quan tới hiện trạng của cao nguyên Golan. Chúng tôi kêu gọi các bên hành động phù hợp với các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại vì một nền hòa bình bền vững ở Trung Đông và trên thế giới”.

Cũng tại cuộc họp báo, khi đề cập về việc gần đây Tòa án liên bang San Francisco kết luận thuốc diệt cỏ Roundup do công ty Monsanto sản xuất có thể là yếu tố gây nên ung thư, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

“Đây là một chứng cứ nữa cho thấy thuốc diệt cỏ có tác hại trực tiếp lên cơ thể của con người.

Là một quốc gia đã từng chịu hậu quả rất nặng nề của chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin, Việt Nam yêu cầu các công ty cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin gây ra cho con người và môi trường ở Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, đây cũng là việc làm nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước.

Chúng tôi mong muốn những nỗ lực này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới với sự tham gia của các công ty, trong đó có Monsanto”./.