Một năm Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Liệu đã đến hồi kết?
Cuộc chiến thương mại chỉ được tạm tháo ngòi nổi từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Argentina hồi tháng 12-2018 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khả năng lùi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung
Hàng hóa Trung Quốc đang bốc xếp tại một cảng của Mỹ.
Tại cuộc gặp nghị thượng đỉnh ở Argentina hồi tháng 12-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí hòa hoãn căng thẳng thương mại với cam kết không đánh thuế bổ sung trong 90 ngày để tạo điều kiện cho giới chức hai nước hoàn tất các cuộc đàm phán. Trung Quốc và Mỹ được cho là đang cân nhắc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến vào ngày 27-3 tới để ký một thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, cho đến nay, giới chức hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức xác định các nội dung nào trong thỏa thuận có thể triển khai được. Và khả năng phải lùi thời hạn cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.
Phát biểu với Fox Business Network ngày 08-3, Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ, ông Larry Kudlow cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng sẽ được chuyển sang tháng 4. Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ cho hay thỏa thuận thương mại dự kiến ký kết trong cuộc gặp đã được soạn thảo và được phái đoàn đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu nhất trí tại Washington hồi tháng 2. Thỏa thuận này đang chờ phía Trung Quốc thông qua.
Trước đó, phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã bày tỏ lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, song tuyên bố ông sẽ không đặt bút ký nếu thỏa thuận đó không mang lại lợi ích cho Mỹ.
Tuy nhiên, ngày 09-3, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết nước này đang thương lượng với Mỹ về một thỏa thuận dỡ bỏ tất cả các loại thuế bổ sung mà hai bên đã áp đặt đối với hàng hóa của nhau trong bối cảnh tranh chấp thương mại. Thứ trưởng Vương Thụ Văn cho rằng việc tăng thuế gây phương hại đến lợi ích kinh tế của cả Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới. Ông khẳng định cả hai bên phải đạt được một thỏa thuận để xóa bỏ toàn bộ thuế quan bổ sung áp đặt đối với nhau, để từ đó cho phép quan hệ thương mại song phương trở lại lộ trình bình thường. Ông cũng nhấn mạnh bất cứ cơ chế thực thi nào cũng đều phải "hai chiều, công bằng và bình đẳng".
1 năm liên tục leo thang các biện pháp áp thuế
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ tháng 3-2018, khi chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế trị giá 50 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để trả đũa hành động vi phạm sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc gây ra cho các công ty Mỹ. Danh mục các mặt hàng nằm trong gói 50 tỷ USD phải chịu mức thuế mới này sau đó được Mỹ công bố gồm các sản phẩm thuộc lĩnh vực hàng không, thông tin truyền thông, robot, và máy móc. Trung Quốc cũng phản ứng đáp trả bằng việc đưa ra một danh sách gồm những mặt hàng nhập khẩu chính từ Mỹ như máy bay, ô tô, và đậu nành sẽ bị Trung Quốc áp thuế 25%.
Sau những tuyên bố trên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bùng lên khi Mỹ công bố quyết định áp thuế nhập khẩu mức 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (phần lớn là sản phẩm công nghệ cao) trị giá 34 tỷ USD, chính thức có hiệu lực từ ngày 06-7-2018. Các sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế chủ yếu nhằm vào lĩnh vực công nghệ cao, được Mỹ cho là đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ thông qua các hoạt động kinh tế thiếu công bằng và cướp việc làm của người Mỹ, gồm chip bán dẫn, tivi, máy tính, điện thoại thông minh, lò nướng bánh, máy ép hoa quả, thiết bị y tế, phụ tùng ô tô và máy móc nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thiết bị điện, thiết bị viễn thông. Những công ty Trung Quốc mà Mỹ nhắm tới phần lớn là những công ty công nghệ, từ Tập đoàn thiết bị viễn thông ZTE cho đến China Mobile và Huawei.
Tiếp đó, đợt áp thuế 25% thứ hai đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được Mỹ thực hiện ngày 23-8-2018 với tổng giá trị hàng hóa 16 tỷ USD, lên 279 mặt hàng, trong đó có chất bán dẫn, linh kiện tivi, sản phẩm thực phẩm, thức ăn động vật, thuốc lá, than đá, hóa chất, nhựa, lốp xe, môtô và xe máy điện. Như vậy, tổng giá trị hàng hóa của Trung Quốc bị áp thuế ở mức 25% lúc này là 50 tỷ USD.
Ngoài mức thuế suất 25%, Mỹ còn bổ sung gói áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế mới này có hiệu lực từ ngày 24-9-2018 và sau đó Mỹ tuyên bố sẽ tăng dần lên 25% vào ngày 01-01-2019. Danh sách hàng hóa bị áp thuế bổ sung này bao gồm 6.000 mặt hàng, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản và hàng tiêu dùng như rau quả, hải sản, sợi, len, áo mưa và găng tay bóng chày. Mỹ cũng cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào Mỹ, Washington sẽ "ngay lập tức bước vào giai đoạn ba, bao gồm các khoản thuế đối với khoảng 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu". Điều này đồng nghĩa với việc gần như mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế.
Mục tiêu khi tiến hành cuộc chiến áp thuế với hàng hóa Trung Quốc được Tổng thống Trump xác định là nhằm gỡ lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thu về những lợi ích kinh tế lâu dài, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tiếp tục duy trì vị thế kinh tế, công nghệ thống trị thế giới của mình và kiềm chế được sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Phản ứng trước các hành động từ phía Mỹ, Trung Quốc đã có hành động đáp trả tương tự, áp mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD, tương đương 80% số hàng hoá Mỹ xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, dự địa để hành động tiếp theo của Trung Quốc là hạn chế. Các nhà phân tích cho rằng, do Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong khi xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc sang Mỹ đạt hơn 500 tỷ USD, nên khả năng Trung Quốc trả đũa Mỹ với các mức thuế tương đương sẽ bị giới hạn.
Những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng
Trong suốt nhiều tháng kể từ sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được khơi mào, tuy hai bên đã tiến hành đàm phán song hai bên dường như không thể tháo gỡ được những “nút thắt” khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào đối đầu.
Khi căng thẳng lên đến cao trào thì xuất hiện tín hiệu hòa hoãn từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Achentina tháng 12-2018. Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí ngồi vào bàn đàm phán nhằm tháo gỡ những căng thẳng thương mại nêu trên.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được “thỏa thuận đình chiến thương mại” trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Argentina (ngày 01-12-2018) được xem là một bước hòa hoãn cần thiết. Theo đó, Mỹ giữ nguyên mức thuế 10% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc và không áp đặt các biện pháp thuế quan mới sau ngày 01-01-2019, thời điểm Washington dự định áp đặt mức thuế quan 25%. Đổi lại, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, công nghiệp và năng lượng của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương, vốn lên đến 375 tỷ USD năm 2017. Việc trì hoãn áp thuế suất mới được áp dụng trong vòng 90 ngày (từ 01-12-2018 đến 01-3-2019) để hai nước tiến hành các đàm phán nhằm tháo "ngòi nổ" chiến tranh thương mại.
Sau khi lãnh đạo cao nhất hai nước đạt được thỏa thuận “ngừng chiến”, quan chức cấp cao hai nước đã khẩn trương tiến hành các cuộc đàm phán nhằm để đạt một thỏa thuận giúp chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Quá trình đàm phán đã đạt được một số kết quả khả quan nhất định, nhờ đó mà Tổng thống Trump đã để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót tăng thuế (từng dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 01-3-2019) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước tiếp tục được diễn ra.
Gần đây, quan chức hai nước đã đạt được sự thống nhất sơ bộ về những vấn đề cơ cấu quan trọng nhất, gồm bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, tiền tệ và các cơ chế thực thi. Hai bên cũng đã thảo luận về Bản ghi nhớ (MOU), mong muốn thể hiện những kết quả đạt được trong các vòng đàm phán trước đây bằng hình thức văn bản, coi đây là nền tảng để tiếp tục thương lượng. Những tiến bộ này dù chưa thể coi là đột phá, song việc thu hẹp được những khác biệt then chốt đã phần nào cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực tránh sự bế tắc hoàn toàn.
Tuy nhiên, cho đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc Trung Quốc phải mở cửa một số ngành mà Bắc Kinh cho rằng vẫn cần sự bảo hộ từ sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như ngành viễn thông và ngân hàng. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng chưa thống nhất được việc xem xét lại mức độ can thiệp của chính quyền Bắc Kinh ở một số lĩnh vực quan trọng vốn được thực hiện thông qua các doanh nghiệp quốc doanh. Mục tiêu của chiến lược "Made in China 2025", được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc trở thành một nền kinh tế chiếm ưu thế trong những ngành công nghệ cao và trực tiếp thách thức vị thế số một của kinh tế Mỹ, vẫn không thay đổi.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo kế hoạch, ngày 27-3 này, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để chốt những vấn đề còn tồn tại hiện nay giữa hai nước. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn khá nhiều việc phải làm và khả năng phải lùi thời hạn cuộc gặp để dành thời gian cho các cuộc đàm phán. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn ngày 05-3 cho biết, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn, trong khi bản thân Tổng thống Trump cũng đưa ra cảnh báo có thể rời khỏi bàn đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình nếu chưa thể đi đến đồng thuận. Điều này khiến dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi về triển vọng hai bên có thể đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại tại cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng này.
Có một vài dấu hiệu cho thấy nội bộ chính quyền Tổng thống Trump đang bất đồng về việc liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để ký một thỏa thuận với Bắc Kinh hay không. Một số cố vấn kinh tế cho rằng thuế quan chỉ nên được gỡ bỏ hoàn toàn một khi Bắc Kinh tuân thủ tất cả các cam kết của mình và để làm được điều đó có thể sẽ phải mất vài tháng hoặc nhiều năm. Thậm chí, ngay cả khi một số hoặc hầu hết các mức thuế quan được gỡ bỏ, Mỹ vẫn có thể lật lại quyết định, như một phần của cơ chế thực thi, để trừng phạt Trung Quốc nếu nước này vi phạm các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã từng cảnh báo.
Thêm vào đó, việc Tập đoàn viễn thông công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei ngày 07-3 vừa chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas (Mỹ) liên quan đến việc Washington cấm các cơ quan liên bang nước này sử dụng thiết bị của Huawei, cũng được xem là một động thái có thể làm “nóng” trở lại cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Trước những tín hiệu kém lạc quan này, ngày 07-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định, các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt tiến triển, qua đó ông Trump vẫn bày tỏ lạc quan về việc giải quyết bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Còn giới chuyên gia thì nhận định nếu tình hình đàm phán tiến triển thuận lợi, trong vài tuần tới, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thống nhất các vấn đề còn tồn tại liên quan đến cơ chế thực thi và các bộ chỉ số giám sát. Kết quả này chí ít có thể giúp giảm nguy cơ các bên tiếp tục áp đặt thêm thuế nhập khẩu trong vòng 18 tháng tới. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là phương án tạm thời. Nếu Trung Quốc không thể thực hiện được những cam kết về cải cách trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020, Washington sẽ tiếp tục các biện pháp đáp trả thương mại. Và cuộc chiến thương mại này chưa biết lúc nào sẽ có thể kết thúc./.
Khả năng Brexit không thỏa thuận hoặc trì hoãn Brexit  (10/03/2019)
Mấy khía cạnh lý luận về cán bộ, công chức cấp cơ sở  (10/03/2019)
Sôi nổi các hoạt động đặc sắc trong chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7  (09/03/2019)
Bắt tạm giam nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và dẫn độ thành công đối tượng bị truy nã quốc tế từ Cuba về Việt Nam  (09/03/2019)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Lễ khánh thành cụm Nhà máy điện mặt trời tại Đắk Lắk  (09/03/2019)
Học viện Quân y phải sớm đạt tiêu chí trường trọng điểm quốc gia  (09/03/2019)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay