Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ kỷ niệm lần thứ 43 Ngày thành lập ASEAN
08:50, ngày 08-08-2010
...Hôm nay, chúng ta cùng có mặt tại đây để long trọng kỷ niệm lần thứ 43 Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN). Ngày 8-8 hằng năm đã trở thành một sự kiện quan trọng đối với Hiệp hội và mỗi nước thành viên, là dịp để nhìn lại những thành tựu mới của ASEAN trên chặng đường phát triển không ngừng. Ngày ASEAN năm nay càng có ý nghĩa hơn đối với Việt Nam khi chúng tôi kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và hiện đang giữ trọng trách Chủ tịch ASEAN.
Chúng ta vui mừng về sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của ASEAN và tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của Hiệp hội. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực năng động và gắn kết của toàn bộ 10 quốc gia Ðông - Nam Á, với vai trò ngày càng quan trọng vì hòa bình, ổn định, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Những kết quả hợp tác ASEAN, cả trong liên kết nội khối cũng như hợp tác giữa Hiệp hội với các đối tác bên ngoài, đã tạo tiền đề vật chất quan trọng cho ASEAN gia tăng liên kết khu vực sâu rộng hơn trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của mình. Thực tiễn đó đã khẳng định giá trị tồn tại bền vững và sức sống mạnh mẽ của ASEAN.
Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển của ASEAN, nhất là về vai trò của ASEAN trong khu vực và xác định phương hướng hành động của Hiệp hội trong thời gian tới.
...Thực tiễn trong hơn bốn thập kỷ qua đã khẳng định những thành tựu to lớn và những giá trị của ASEAN trong khu vực và quốc tế.
Thứ nhất, ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực.
Vai trò quan trọng hàng đầu này được thể hiện sinh động qua nỗ lực to lớn của ASEAN trong việc đẩy mạnh hợp tác chính trị - an ninh và xây dựng các quy tắc ứng xử, thông qua đó tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia ở khu vực. Từ việc hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 quốc gia Ðông - Nam Á đến tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN đã đưa các nước vượt qua những rào cản của lịch sử cũng như các khác biệt để cùng nhau xây dựng và sống dưới một mái nhà chung, tạo dựng mối quan hệ mới về chất trên cơ sở hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hợp tác toàn diện và liên kết ngày càng chặt chẽ cả về song phương và đa phương, vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Ðồng thời, ASEAN đã tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với những đối tác quan trọng trên thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - cơ chế khu vực duy nhất để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua đó, ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quan trọng ngoài khu vực Ðông - Nam Á tham gia và đóng góp xây dựng vào việc xử lý những thách thức an ninh chung, góp phần củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực.
Hơn thế nữa, ASEAN đã tích cực thúc đẩy xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC) không chỉ là bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo mối quan hệ giữa các nước ASEAN, mà còn cả giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Hiệp ước Khu vực Ðông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) thể hiện cam kết của các nước ASEAN về không sử dụng, phát triển, chế tạo và tàng trữ vũ khí hạt nhân; đồng thời ASEAN tích cực vận động các nước có vũ khí hạt nhân tham gia Hiệp ước để bảo đảm cho Hiệp ước có giá trị trên thực tế. Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc đã thể hiện cam kết của các bên nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Ðông, nhấn mạnh các nguyên tắc tự kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC). Công ước ASEAN về chống khủng bố quốc tế cùng với các Tuyên bố giữa ASEAN với nhiều đối tác cho thấy quan điểm tích cực và thái độ có trách nhiệm của ASEAN trong nỗ lực chung đối phó với mối đe dọa này.
Thứ hai, ASEAN đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Ðông Á, nhất là về kinh tế - thương mại. ASEAN đã khởi xướng và làm nòng cốt trong việc tạo dựng khuôn khổ phù hợp để thúc đẩy hợp tác Ðông Á thông qua các cơ chế bắt đầu từ ASEAN+1 đến ASEAN+3, Cấp cao Ðông Á (EAS)... Ngoài ra, ASEAN còn là lực lượng sáng lập và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác liên khu vực như Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác Á - Âu (ASEM) và Hợp tác Ðông Á - Mỹ la-tinh (FEALAC).
ASEAN đã sớm nhận thức và hành động để thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Trên cơ sở thành công của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được đề ra từ năm 1992, ASEAN đang tiến tới hình thành một thị trường duy nhất và một nền tảng sản xuất thống nhất thông qua mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Nhận thức được sự cần thiết của một hệ thống kết cấu hạ tầng bền vững và gắn kết đối với thành công của các nỗ lực liên kết kinh tế khu vực, ASEAN đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN với mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, thể chế và người dân trong ASEAN, tạo nền tảng để mở rộng kết nối ra toàn khu vực Ðông Á, trong đó ASEAN là trung tâm.
ASEAN đã chủ động đi đầu trong việc hình thành một mạng lưới các Khu vực mậu dịch tự do với các đối tác quan trọng ở khu vực (FTA+1) như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân; đồng thời tích cực thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế-thương mại đa dạng với các đối tác lớn như Mỹ, Ca-na-đa, EU, Nga. ASEAN đang tiến hành nghiên cứu khả thi về việc hình thành một khu vực mậu dịch tự do Ðông Á, nếu thành hiện thực, đây sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với thị trường hơn hai tỷ dân và tổng GDP lên đến mười nghìn tỷ USD. ASEAN cũng thúc đẩy thực thi nhiều sáng kiến cụ thể trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhất là Thỏa thuận Ða phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai và thành lập Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Ðầu tư trong khuôn khổ ASEAN+3.
Thứ ba, với vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực, cùng với những chính sách rộng mở và đóng góp to lớn, ASEAN đã trở thành đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới. Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực; coi ASEAN như một địa chỉ tin cậy, một xúc tác quan trọng để gắn kết và hài hòa các lợi ích đan xen, cùng hướng tới mục tiêu chung là duy trì hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng.
...Cho đến nay, vai trò của ASEAN đã được thừa nhận rộng rãi, nhưng không có nghĩa vai trò đó sẽ mặc nhiên được bảo đảm trong tương lai. Ðể hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội trong một môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động, với những cơ hội và thách thức đan xen, Hiệp hội cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo đảm vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình.
Tại Cấp cao ASEAN-16 ở Hà Nội tháng 4-2010, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cao về cách tiếp cận theo hai hướng, đó là: Ưu tiên đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của Hiệp hội và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. Ðể phát huy vai trò ở khu vực, ASEAN phải tăng cường đoàn kết và thống nhất, đẩy nhanh liên kết nội khối, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của cả khu vực, nâng dần chất lượng "sự thống nhất trong đa dạng" của ASEAN.
Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để các đối tác tham gia sâu rộng hơn và đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trên cơ sở nguyên tắc hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN. Hiệp hội cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình như một hạt nhân gắn kết và hài hòa các nhóm lợi ích đan xen trong khu vực; là trung tâm kết nối các cơ chế và khuôn khổ hợp tác hiện có. Theo đó, chúng ta cần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác với các đối tác thông qua khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, cấp cao Ðông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Chúng ta cần bảo đảm rằng việc mở rộng cấp cao Ðông Á (EAS) với sự tham gia Nga và Mỹ, cũng như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM Plus) sẽ đóng góp tích cực cho mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Ðông Á, phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc đã được thỏa thuận. Chúng ta phải nỗ lực để bảo đảm rằng bất kỳ cơ chế hợp tác mới nào cũng phải bổ trợ và dựa trên các diễn đàn hiện có, với sự khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN.
Về chính trị - an ninh, chúng ta cần tiếp tục các nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực, xử lý phù hợp những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định. ASEAN cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực; tập trung nỗ lực thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, nhất là trong 14 lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục phát huy tác dụng và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các công cụ và cơ chế hiện có để bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực như các Hiệp ước và Tuyên bố đã ký kết (như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Ðông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC)...
Về liên kết kinh tế, đòi hỏi lớn nhất hiện nay là cần thực thi có hiệu quả các thỏa thuận đã có. Do vậy, các nước liên quan cần có những cam kết mạnh mẽ và nỗ lực lớn hơn về tự do hóa và mở cửa thị trường, vượt qua những lực cản ảnh hưởng đến liên kết kinh tế khu vực, nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch. ASEAN cần nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận về xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Kết nối ASEAN cũng như các thỏa thuận Khu vực mậu dịch tự do (FTA) với các đối tác; tiến hành các chính sách phát triển mang tính bền vững và cân bằng, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Về văn hóa - xã hội, ASEAN cần đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu hình thành một Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ðồng thời, ASEAN cần thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là khủng hoảng tài chính - kinh tế; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
...Cách đây 15 năm, ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN). Trong 15 năm đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của Hiệp hội. Một ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết và thống nhất, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng, là hoàn toàn phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của Việt Nam. Tham gia ASEAN cũng đem lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, hỗ trợ đắc lực cho an ninh và phát triển của đất nước. Là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của gia đình ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục làm hết sức mình để xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; trước mắt là hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2010, theo đúng chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn đến hành động". Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN, các nước bạn bè, đối tác, phấn đấu vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, liên kết chặt chẽ và thịnh vượng, vì một Ðông - Nam Á và một Ðông Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập ASEAN và 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Chính phủ và nhân dân các nước thành viên trong đại gia đình ASEAN cùng các nước đối tác của ASEAN.
Xin chúc Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á ngày càng đoàn kết và phát triển vững mạnh.
Quán triệt chủ trương tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin  (08/08/2010)
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và Kon Tum  (07/08/2010)
Ban Bí thư kết luận về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) trong tình hình mới  (07/08/2010)
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020  (07/08/2010)
Ngày 6-8, khai mạc Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam  (07/08/2010)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên