Ngày 22-01, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cho ý kiến về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương...

Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành liên quan của thành phố Hà Nội.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết thực hiện Kết luận số 22-KL/TW, ngày 07-11-2017, của Bộ Chính trị, từ tháng 02-2018, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo, nghiên cứu bài bản 8 đề án nhánh phục vụ Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; tổ chức các cuộc đánh giá, nghiên cứu xã hội học đối với đối tượng bị ảnh hưởng; thực hiện 8 cuộc hội thảo với cơ quan liên quan để thu thập, lấy ý kiến đóng góp cho Đề án; làm việc với tổ chức khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, đối tượng của Thủ đô để lấy ý kiến.

Thành phố đã tổ chức hội thảo rộng rãi về Đề án chính quyền đô thị đến các cấp, từ cấp xã, phường, đến quận, huyện, thành phố, đồng thời xin ý kiến các bộ, ủy ban của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để xây dựng Đề án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc đổi mới hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo qua nhiều nhiệm kỳ, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực chính quyền.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực, nghiên cứu công phu, thận trọng xây dựng đề án.

Thành phố Hà Nội đã gửi đề án xin ý kiến các cấp liên quan; báo cáo từng bước đối với các cơ quan Quốc hội, đồng thời lấy ý kiến các bộ, ngành để xây dựng Đề án phù hợp với thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm; đồng thời giữ vững nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thành phố Hà Nội cần hoàn thành việc xây dựng Đề án với chất lượng cao nhất, sau đó trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, sớm triển khai trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ để Thủ đô phát triển tương xứng với vị thế, vai trò, tiềm năng của mình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tinh thần xây dựng Đề án là phải tạo ra cơ chế tốt hơn cho Thủ đô, bám sát nội dung Kết luận số 22-KL/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, bảo đảm nguyên tắc hiến định, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các cấp chính quyền trong các nhiệm vụ quản lý; tổ chức thí điểm theo hướng tinh gọn, phát huy hiệu lực hiệu quả bộ máy, có lộ trình phù hợp, chắc chắn với yêu cầu phục vụ tốt hơn cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, cần nghiên cứu, rà soát lại bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các đề án luật liên quan mà Chính phủ đang xây dựng, trình Quốc hội sắp tới. Chính phủ sẽ phối hợp cùng thành phố Hà Nội triển khai thẩm định, đánh giá, cho ý kiến chính thức để xây dựng, triển khai thành công Đề án.

Theo Tờ trình của Thành ủy Hà Nội, mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, trong đó, tập trung vào quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của thành phố và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).

Đề án tập trung đề xuất, kiến nghị các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy, hoạt động quản lý...) trong khu vực đô thị và từng bước đổi mới, củng cố khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan Trung ương, thành phố và phân cấp giữa các cấp chính quyền thành phố; đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể ở cấp huyện, cấp xã trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội./.