Thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương
TCCSĐT - Ngày 08-01, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự Lễ phát động Khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên tại Trường Đại học Nông Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; làm việc tại Đồng Nai về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của địa phương.
* Sáng 08-01, phát biểu tại buổi Lễ phát động Khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Mục tiêu của chương trình Mỗi xã một sản phẩm là từ những sản phẩm địa phương, gia tăng áp dụng khoa học - công nghệ và xây dựng thương hiệu để trở thành sản phẩm vùng, sản phẩm quốc gia, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị. Hiện có 30 tỉnh, thành phố thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm với 34.000 sản phẩm có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Trung ương Đoàn, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên; giới thiệu các nguồn tài trợ giúp thanh niên, sinh viên thực hiện các mô hình, phát triển các sản phẩm địa phương. Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các giảng viên trẻ, thanh niên, sinh viên tích cực tham gia khởi nghiệp theo hướng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ để “thổi hồn” vào sản phẩm địa phương, đưa các sản phẩm trở thành những sản phẩm mang thương hiệu vùng, quốc gia.
Tham dự Lễ phát động, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết: Chương trình khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên được thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức của thanh niên, sinh viên về vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thanh niên các địa phương; tạo cơ hội cho thanh niên, sinh viên được tập huấn kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp, hun đúc ý chí và tinh thần khởi nghiệp qua các hoạt động giao lưu với các doanh nhân thành đạt. Cùng với sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm là cơ hội, hướng đi tốt cho thanh niên, sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tham gia phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.
Ngày 07-05-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện; hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhằm khơi dậy, cổ vũ thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động chương trình khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên.
** Chiều 08-01, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc tại Đồng Nai về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết: Năm 2018, kinh tế Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 8,1%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 104 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh cao. Tổng thu ngân sách đạt trên 50.100 tỷ đồng, đạt 93% dự toán được giao. Trên địa bàn hiện có 35 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch, với diện tích cho thuê đạt khoảng 77%. Năm 2018 thu hút vốn FDI đạt 1,9 tỷ USD, đạt 191%; kim ngạch xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, xuất siêu 2,6 tỷ USD.
Sau 30 năm thu hút vốn FDI, Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Đến nay, Đồng Nai thu hút được 1.387 dự án FDI, với tổng số vốn 28,5 tỷ USD; số vốn được giải ngân đạt 20,5 tỷ USD. Đối với xây dựng nông thôn mới, sau 8 năm thực hiện Đồng Nai đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, đổi mới rõ nét. Hiện đã có 133/133 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh. Dự kiến trong quý I/2019, 3 huyện còn lại của Đồng Nai sẽ được công nhận hoàn thành nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương và đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đạt được trong năm 2018. Phó Thủ tướng cho rằng năm 2018, Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. GRDP tăng trưởng 8,1%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (7%); cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực; thu hút vốn FDI tăng gần 2 lần so với kế hoạch; xuất nhập khẩu tăng cao, trong đó xuất siêu đạt 2,6 tỷ USD (cả nước 7,2 tỷ USD).
Đối với thu hút vốn đầu tư FDI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao cách làm của tỉnh Đồng Nai. Đến nay tỉnh đã thu hút trên 28 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 73% tổng số vốn. Phó Thủ tướng cho rằng nguồn vốn giải ngân của Đồng Nai đạt rất cao, trong đó vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, chiếm 84% trong cơ cấu nguồn vốn FDI. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện để nền kinh tế động lực Đồng Nai tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Đồng Nai bên cạnh phát triển công nghiệp, cần quan tâm hơn đến phát triển đô thị; phải gắn kết và phát triển hài hòa công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa.
Phó Thủ tướng đánh giá Đồng Nai là một trong 5 địa phương đóng góp ngân sách lớn cho Trung ương, là địa phương động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, do đó cần phải có cơ chế chính sách phù hợp nhằm “nuôi dưỡng động lực”, đặc biệt là trong vấn đề phát triển đô thị.
Về xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Đồng Nai đạt được, trong đó hiện nay 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đối với những kiến nghị của Đồng Nai về nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương; về kế hoạch vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA; các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn; các dự án đầu tư theo hình thức PPP, BT; xây dựng cầu Cát Lái…, Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất và đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để Đồng Nai thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương trong năm 2019.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến huyện Long Thành kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới, thăm một số hộ gia đình và mô hình phát triển kinh tế tại địa phương./.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Lào Viengthong Siphandone  (08/01/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên