Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, nhằm phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư
TCCS - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy nền sản xuất với hiệu suất cao, chất lượng sản phẩm tốt với giá thành hạ, tác động trực tiếp đến các dịch vụ và quá trình lưu thông hàng hóa, có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của mỗi quốc gia. Để nâng cao năng lực tiếp cận và cạnh tranh quốc gia trong cuộc cách mạng này, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển khoa học - công nghệ phù hợp.
Khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, vừa là phương tiện, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp...
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KHCN; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đầu tư nhân lực KHCN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc... Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KHCN. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KHCN. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức KHCN tiên tiến của thế giới, thu hút nguồn lực và chuyên gia, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án KHCN của Việt Nam...
Từ những kết quả đạt được...
Trong thời gian qua, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, khoa học tự nhiên và KHCN tạo ra được một số sản phẩm khoa học đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới và tạo ra được những sản phẩm có giá trị góp phần trực tiếp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản đã đi sâu nghiên cứu, tăng cường bổ sung những kiến thức mới, tạo cơ sở khoa học biện chứng cho những nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đưa ra được một số phương pháp luận và thuật toán giải các bài toán tối ưu toàn cục, điều khiển tối ưu, ứng dụng các mô hình lý thuyết và thực tiễn, cơ sở khoa học để dự báo, cũng như trong các bài toán kinh tế - kỹ thuật. Cung cấp một số phương pháp phát hiện, tìm kiếm dữ liệu để tự động tạo dựng tri thức; phát triển công nghệ phần mềm, tin học,... Phát triển thành công hệ thống vật liệu bán dẫn na-nô, vật liệu tiên tiến, vật liệu sinh học, phỏng sinh học áp dụng trong chế tạo, y học, sản xuất, lưu thông và phân phối. Xác định được tính chất và hoạt tính của quy trình xúc tác trong công nghệ lọc dầu, sinh học, y học. Ứng dụng thành công sinh học phân tử, di truyền và công nghệ sinh học trong y học, trồng trọt và chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu khoa học trái đất đã làm rõ và lý giải đặc điểm địa động lực học, sinh khoáng và ảnh hưởng đối với môi trường, của hầu hết lãnh thổ Việt Nam. Xây dựng luận cứ khoa học cho các giải pháp phòng tránh, hạn chế thiên tai. Làm rõ điều kiện hình thành và quy luật phân bố khoáng sản quý hiếm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng đề án tổng thể bảo vệ môi trường. Đã phân tích các yếu tố môi trường nước, môi trường trầm tích, sinh thái không khí và môi trường biển, dự báo các khu vực ô nhiễm, mức độ nhạy cảm môi trường và khả năng tác động ra xung quanh. Xây dựng được luận cứ khoa học cho việc quy hoạch, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ các đảo thuộc các quần đảo của Việt Nam và các đảo ven bờ, vùng biển, bảo tồn biển của Việt Nam. Triển khai nghiên cứu về địa vật lý, địa chất, khí tượng và trường sóng âm trong vùng biển Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu KHCN trong ngành bưu chính viễn thông được thúc đẩy, phát triển mạnh đem lại nhiều kết quả có triển vọng, đóng góp tích cực và có hiệu quả cho nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng viễn thông quốc gia, không ngừng nâng cao chất lượng của các dịch vụ bưu điện và viễn thông. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn trong ngành y tế góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề thiết thực, cấp bách về y tế và y học, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và dự phòng, từng bước tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, lĩnh vực KHCN cũng còn không ít những yếu kém, hạn chế. Hệ thống tổ chức KHCN còn tồn tại một số đầu mối trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực nghiên cứu. Đầu tư cho khoa học, đặc biệt là KHCN cao còn dàn trải, chưa tập trung vào một số ngành, một số lĩnh vực ưu tiên làm đầu tầu kéo theo ngành KHCN phát triển điều này dẫn đến chưa tạo được đột phá rõ rệt. Các tổ chức dịch vụ KHCN hoạt động chưa sôi động, còn chồng chéo giữa các cơ sở dịch vụ KHCN với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, đơn vị ứng dụng công nghệ. Việc liên kết giữa các tổ chức KHCN với các trường đại học và doanh nghiệp; gắn kết giữ nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo và ứng dụng sản xuất - kinh doanh còn chậm.
Tới nhận thức vị trí, vai trò và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư được hình thành trên nền tảng của CMCN lần thứ ba với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ công nghệ số (bao gồm kết nối in-tơ-nét vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn) và nền tảng hiểu biết về vật lý, vật liệu, sinh học, cho phép tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành rẻ, ngày càng theo ý muốn, nhu cầu đa dạng của con người. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới với sức lan tỏa nhanh chóng của số hóa và công nghệ thông tin, có tác động sâu sắc, rộng rãi đến toàn bộ đời sống xã hội, sản xuất, dịch vụ và lưu thông phân phối hàng hóa trên toàn thế giới. Theo đó, công nghệ máy tính và kỹ thuật điều khiển tự động hóa sẽ tích hợp vào nhau theo một phương thức mới. Ba xu hướng chính thay đổi cách thức tổ chức và hoạt động của các nhà máy, tổ hợp công nghiệp. Đó là số hóa, công nghiệp hóa, tối ưu hóa. Mọi quy trình sản xuất (trong mọi lĩnh vực từ công nghệ cao tới thiết bị công nghiệp) đang được chuyển đổi bởi công nghệ số. Các doanh nghiệp đã tích hợp công nghệ mới để cải tiến và phát triển. Những doanh nghiệp hiện đại coi việc cải tiến dù những thành phần đơn giản nhất trong quy trình sản xuất cũng tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới;
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gồm 4 đặc điểm chính, thể hiện năng lực to lớn mà các ngành công nghiệp và khu vực sản xuất có được cho sự thay đổi: Sự kết nối các khâu theo chiều dọc quy trình của các hệ thống sản xuất thông minh; sự tích hợp các khâu theo chiều ngang thông qua thế hệ mới các chuỗi giá trị toàn cầu; hàm lượng kỹ nghệ sâu trong toàn bộ chuỗi giá trị; tác động của những công nghệ đột phá. Điều này thể hiện trên các mặt:
Thứ nhất, sự kết nối chiều dọc của quy trình sử dụng các hệ thống điều khiển công nghiệp phỏng sinh học (CPS) cho phép các nhà máy phản ứng một cách nhanh chóng đối với những thay đổi cung cầu trên thị trường và sản phẩm lỗi. Mọi sự bất thường (thay đổi đơn hàng, nhu cầu thị trường, mức độ dao động chất lượng sản phẩm, sản phẩm lỗi...) đều được ghi nhận và xử lý một cách nhanh chóng. Do vậy, việc lãng phí thời gian, nguyên vật liệu, nhân công được giảm thiểu.
Thứ hai, sự tích hợp theo chiều ngang thông qua một dạng mới của chuỗi giá trị toàn cầu. Những mạng sản sinh giá trị mới này là những mạng tối ưu cho phép tích hợp sự minh bạch và độ linh hoạt cao độ để xử lý nhanh chóng những vấn đề và lỗi sản phẩm, theo sau là sự tối ưu chuỗi giá trị trên qui mô toàn cầu.
Thứ ba, hàm lượng tri thức, KHCN cao và có tính liên ngành được thể hiện trên toàn chuỗi giá trị cũng như trên toàn bộ vòng đời của sản phẩm và khách hàng.
Thứ tư, tác động của các công nghệ mang tính đột phá là chất xúc tác cho phép các giải pháp phù hợp sở thích cá nhân, độ linh hoạt và giảm chi phí trong các qui trình sản xuất.
Theo Báo cáo về viễn cảnh đổi mới và khoa học công nghệ (STIO) 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có 40 công nghệ sẽ trở thành những công nghệ trụ cột trong tương lai thuộc 4 lĩnh vực là: công nghệ số, công nghệ sinh học, vật lý - vật liệu tiên tiến và năng lượng - môi trường; trong đó có 10 công nghệ được STIO chọn là có triển vọng phát triển nhất tới năm 2030 nhưng đồng thời cũng có khả năng gây bất ổn và ẩn chứa những rủi ro, gồm:
- Lĩnh vực công nghệ số: Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo cho máy móc có khả năng suy luận và được dự báo là một ngày nào đó có thể vượt qua con người. In-tơ-nét vạn vật hứa hẹn một xã hội siêu kết nối về kỹ thuật số, có tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội. Phân tích dữ liệu lớn có các công cụ và kỹ thuật phân tích để thu thập kết quả mong đợi từ dữ liệu lớn. Nó có tác động kinh tế - xã hội rất lớn, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về chính sách. Chuỗi khối là một cơ sở dữ liệu cho phép chuyển giao giá trị trong các mạng máy tính, an toàn và phù hợp.
- Trong lĩnh vực công nghệ sinh học: Sinh học tổng hợp dựa trên các nguyên lý kỹ thuật để thao tác điều khiển di truyền phân tử (DNA) trong sinh vật. Nó cho phép thiết kế và tạo ra các bộ phận sinh học mới và tái thiết các hệ thống sinh học tự nhiên cho các mục đích hữu ích. Công nghệ thần kinh mới nổi có nhiều hứa hẹn trong việc chẩn đoán và điều trị cho sự lão hóa tự nhiên của con người.
- Trong lĩnh vực vật lý và vật liệu tiên tiến: Các vật liệu na-no thể hiện nhiều đặc tính độc đáo về quang học, từ tính và điện, hóa học, vật lý có thể khai thác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chăm sóc sức khỏe đến công nghệ năng lượng; in 3D và chế tạo là việc thêm dần vật liệu để tạo ra một sản phẩm có hình dạng theo yêu cầu, là cách tiếp cận chưa từng có đối với sản xuất, cung cấp các mô hình kinh doanh mới và làm thay đổi đáng kể đối với các ngành công nghiệp hiện có.
- Năng lượng và môi trường: Công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến có thể được định nghĩa như là một hệ thống hấp thu năng lượng và lưu giữ nó trong một khoảng thời gian để giải phóng theo yêu cầu cung cấp dịch vụ năng lượng hoặc điện. Vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ làm tăng cường sự phát triển xã hội thông qua sử dụng vệ tinh nhỏ và rất nhỏ.
Nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thời gian tới
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cũng đã khẳng định cơ hội đem đến cho chúng ta trong cuộc cách mạng này rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta có năng lực tiếp cận nhanh cách mạng công nghiệp lần thứ tư?
Một là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống bộ máy để giảm thiểu những đầu mối trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu trong hệ thống KHCN. Lựa chọn các ngành, lĩnh vực khoa học để đầu tư, đặc biệt là khoa học công nghệ cao các ngành, lĩnh vực ưu tiên để tạo ra những đầu tầu khoa học kéo theo ngành KHCN phát triển tạo nên đột phá rõ rệt.
Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng mức độ hoạt động và số lượng tổ chức dịch vụ KHCN, đơn vị ứng dụng công nghệ. Huy động mọi nguồn lực tham gia khâu dịch vụ KHCN. Tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN, các trường đại học với doanh nghiệp; gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, hoạt động đào tạo với sản xuất - kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách bảo đảm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng và phát triển công nghệ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, ngày 12-5-2014, quy định việc sử dụng, trọng dụng nhân tài hoạt động KHCN. Cần phải xây dựng thêm các chính sách cải thiện thủ tục hành chính và thuế trong hoạt động KHCN nhằm tạo điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Và phải triển khai mạnh mẽ các chính sách này trên thực tế, đặc biệt là đầu tư về kinh phí cho hoạt động khoa học và đãi ngộ cá nhân.
Ba là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho cuộc CMCN lần thứ tư. Điều kiện tiên quyết để có thể triển khai thành công CMCN lần thứ tư ở nước ta là con người. Dù có đầu tư kinh phí bao nhiêu nhưng nếu không có lực lượng cán bộ giỏi thì cũng sẽ khó đạt được thành công. Vì vậy, để chuẩn bị cho cuộc CMCN lần thứ tư, việc đầu tiên cần phải làm và duy trì lâu dài là ưu tiên nguồn lực để tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ bài bản trong tất cả các lĩnh vực chủ chốt: công nghệ thông tin, vật lý và công nghệ sinh học. Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số công nghệ lõi, như trí tuệ nhân tạo và rô-bốt, phân tích dữ liệu lớn, in-tơ-nét vạn vật, chuỗi khối, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ chế tạo và in 3D, công nghệ thần kinh, sinh học tổng hợp, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời đẩy mạnh công tác bảo mật, bảo hộ sở hữu trí tuệ, an ninh mạng.
Bốn là, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức triển khai các hướng nghiên cứu KHCN mũi nhọn trong đó bao gồm các nghiên cứu về công nghệ thông tin, vật lý, vật liệu, sinh học,... tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của CMCN lần thứ tư; tiếp tục tăng cường nghiên cứu cơ bản và công tác điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực. Gấp rút chủ trì xây dựng một số nhiệm vụ cụ thể tiếp cận CMCN lần thứ tư theo hướng sử dụng kỹ thuật số (bao gồm kết nối in-tơ-nét vạn vật, trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn), vật lý, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, năng lượng để chia sẻ, hợp lực các cơ sở nghiên cứu trong nước và nước ngoài nhằm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu đạt hiệu quả cao.
Trước ngưỡng cửa của cuộc CMCN lần thứ tư, nước ta có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Để đi vào thực tiễn có hiệu quả, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII cần được nghiên cứu, phân tích, triển khai thực hiện sâu rộng từ mọi khía cạnh, góc nhìn của các ngành, các lĩnh vực trong đó có ngành khoa học và công nghệ./.
Nhìn lại năm 2018: Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong mối quan hệ Nga-Mỹ  (30/12/2018)
Nhanh chóng xã hội hóa dịch vụ khoa học và công nghệ  (30/12/2018)
Xét xử nhiều "ông lớn" trong ngành dầu khí, ngân hàng trong năm 2018  (30/12/2018)
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp  (29/12/2018)
Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019  (29/12/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay