TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong khi chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển, Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bắt giữ tàu biển, không để xảy ra hoặc giảm thiểu các trường hợp bắt giữ tàu biển trái pháp luật.

Điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn


Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia (12 xã trong KKT Nghi Sơn cũ và các xã còn lại của huyện Tĩnh Gia); 3 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc huyện Nông Cống) và 3 xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như Thanh).

Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt; là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung; là cụm đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đồng bộ và hiện đại với trung tâm là thành phố công nghiệp Nghi Sơn và các đô thị Hải Ninh, Yên Mỹ, Thanh Tân, được phát triển theo mô hình đô thị thông minh-xanh-bền vững.

Là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn.

Quy hoạch không gian tổng thể KKT Nghi Sơn được triển khai theo phân khu và mạng lưới, hình thành mạng lưới kết nối các khu vực đô thị, lấy khu vực đô thị trung tâm huyện Tĩnh Gia làm trung tâm tổng hợp của KKT Nghi Sơn.

Hình thành 2 vành đai xanh dựa trên hệ thống núi rừng hiện hữu trong KKT. Vành đai thứ nhất là vùng đồi núi bao quanh vùng lõi KKT gồm: Khu vực KKT cũ và khu vực đô thị trung tâm Tĩnh Gia; vành đai thứ 2 là vùng đồi núi bao quanh khu vực phía Tây và phía Đông Bắc của khu kinh tế mở rộng.

Hình thành trục cảnh quan đô thị chủ đạo của KKT theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ đỉnh núi Các Sơn (là đỉnh núi cao nhất trong khu vực) nối thẳng vị trí quy hoạch ga đường sắt trung tâm, hướng tới đảo Mê. Các không gian chính và điểm nhấn đô thị được tổ chức xoay quanh trục chủ đạo này.

Phân vùng đất liền KKT Nghi Sơn thành 5 khu vực: Khu vực Cảng Nghi Sơn, khu phía Nam, khu đô thị trung tâm, khu Đông Bắc và khu phía Tây.

Về các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực du lịch, hình thành các trung tâm dịch vụ du lịch ven biển khu vực từ sông Ghép đến hết xã Hải Thanh, đảo Biện Sơn, đảo Hòn Mê; đầu tư xây dựng các công trình có tính chất tạo động lực nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của đô thị Yên Mỹ; kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án du lịch, sân gofl tại khu vực hồ Yên Mỹ và hồ Hao Hao...; quảng bá hình ảnh du lịch gắn với các tour du lịch tại KKT và các khu du lịch lân cận.

Về đô thị: Thực hiện các dự án phát triển nhà ở gắn với hệ thống hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật cho từng khu đô thị, đáp ứng việc cải tạo, sắp xếp tái định cư, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân và hình thành đô thị; xây dựng, cải tạo và bổ sung các trung tâm chuyên ngành như trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, trung tâm văn hóa, công viên vui chơi giải trí và thể dục thể thao.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa công bố điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét bổ sung vào quy hoạch và mở rộng các khu công nghiệp (KCN): KCN Anh Hồng 2, diện tích 181,19 ha tại thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; KCN Hòa Bình mở rộng, diện tích 49 ha tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; KCN Tân Đức 2, diện tích 200 ha tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Đồng thời, chưa xem xét dịch chuyển vị trí KCN Long Hậu 3 (giai đoạn 2) với diện tích 90 ha từ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc về vị trí tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích các KCN gồm: KCN Đức Hòa I (giảm 16,62 ha, từ 274,23 ha xuống 257,61 ha); KCN Đức Hòa III (giảm 49,11 ha, từ 1.787,66 ha xuống 1.738,55 ha, trong đó KCN Đức Hòa III - Việt Hóa giảm 38,74 ha, Đức Hòa III - Anh Hồng giảm 10,37 ha) và KCN Cầu Tràm (giảm 16,74 ha).

Bên cạnh đó, bổ sung KCN Thịnh Phát mở rộng với diện tích 112,87 ha tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020.

Đồng thời, bổ sung 3 KCN mới vào quy hoạch phát triển KCN của tỉnh Long An gồm: KCN Prodezi với diện tích 400 ha tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; KCN Tandoland với diện tích 250 ha tại xã Lương Hòa và Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; KCN Hoàng Lộc với diện tích 152,21 ha tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Các KCN khác nằm trong quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Long An được thực hiện theo các Công văn số 463/TTg-KTN ngày 28-3-2013; số 875/TTg-KTN ngày 27-5-2016; số 1797/TTg-KTN ngày 11-10-2016 và số 968/TTg-CN ngày 07-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Long An cho phù hợp theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ, tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thành lập, mở rộng KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định hiện hành; thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường tại các KCN; thực hiện đúng mục đích sử dụng đất được chuyển đổi theo các quy định hiện hành; có giải pháp ổn định đời sống và có phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; triển khai xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các KCN để bảo đảm điều kiện sống, làm việc của người lao động./.