Phấn đấu có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á
Nghị quyết số 08 -NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.
Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” với những mục tiêu, định hướng, chỉ tiêu cụ thể.
Cơ cấu lại ngành du lịch
Mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đề án phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch; năng lực đón tiếp tại các khu, điểm du lịch được nâng cao, đặc biệt trong các khu du lịch phức hợp quy mô lớn; du lịch thông minh được áp dụng rộng rãi; từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực; ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch; tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam; phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như các sản phẩm du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng.
Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao; tập trung phát triển số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch; thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế...
Phát triển du lịch nông thôn
Phát triển du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng. Phát biểu tại Hội thảo toàn quốc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo trong việc nhận thức chính xác được nội hàm của du lịch nông thôn - một xu hướng mới tại Việt Nam thời gian qua và vai trò của phương thức kinh tế này đối với xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Hội thảo còn có ý nghĩa kết nối các giá trị của Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân với giải pháp then chốt là xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới có bước tiến rất quan trọng khi cả nước có 59 huyện của 29 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Sang năm 2019 cả nước sẽ có 50% số xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thay vì tới năm 2020 như yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội. Nhiều vùng quê, khu dân cư trở thành kiểu mẫu của đời sống nông thôn, thành nơi đáng sống. Bên cạnh đó, du lịch đang có sự phát triển khá bùng nổ khi năm 2019, cả nước sẽ thu hút 18 triệu du khách quốc tế, về “đích” trước so với chỉ tiêu của Nghị quyết 08 một năm và vượt chỉ tiêu 1 triệu khách quốc tế.
Do đó, cần gắn kết xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn bằng khung khổ chính sách cụ thể, góp phần vào việc xây dựng thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, du lịch nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất nông nghiệp, tài nguyên nông nghiệp mà chủ thể là người nông dân. Còn du lịch nông thôn thì không chỉ dựa trên sản xuất mà còn dựa trên tài nguyên, thiên nhiên, văn hoá, bản sắc dân tộc. Xác định rõ nội hàm để các bộ, ngành không lúng túng trong xây dựng quy hoạch chiến lược xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch trong tương lai.
Dẫn ra xu hướng du lịch nông thôn ở các quốc gia khác, Phó Thủ tướng nhận thấy khi du lịch, dịch vụ nông thôn phát triển (đóng góp tới 40% trong tổng thu nhập của cư dân nông thôn) thì sản xuất nông nghiệp co hẹp tỷ lệ lại và đi vào chiều sâu. Hiện nay, kinh tế nông nghiệp ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng, trong đó, du lịch nông thôn chỉ được coi là công cụ chống đói nghèo và đa dạng thu nhập cho nông dân. Với nguồn lực 38% lao động ở nông nghiệp và hơn 60% cư dân nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhận thức du lịch nông thôn phải xuất phát từ nguồn lực tự nhiên, con người, văn hoá,... để tạo ra các sản phẩm du lịch hiệu quả, thu hút du khách, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững cả về kinh tế, văn hóa và môi trường.
Từ thực tiễn ở nhiều địa phương, cho thấy điều kiện thành công cho phát triển du lịch ở nông thôn là 3 yếu tố: Tôn trọng cộng đồng, bản sắc văn hóa và tính xác thực; kết hợp lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội (bảo vệ môi trường, ngành nghề truyền thống,..,) và sự tham gia của cộng đồng khi ra quyết định.
Các địa phương cần đánh giá định hướng tiềm năng phát triển du lịch, kết nối với các tour, sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên, không phát triển du lịch nông thôn tràn lan, đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ đễ hỗ trợ cho du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải tác động của thiên tai, bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cư dân nông thôn,...
Diễn đàn cấp cao về du lịch
Phát biểu tại diễn đàn, Diễn đàn cấp cao về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc lần đầu tiên một diễn đàn về du lịch được tổ chức trong khuôn khổ ViEF cho thấy sự đóng góp quan trọng của du lịch, trước hết về số liệu thống kê, đối với nền kinh tế. Theo Phó Thủ tướng, câu hỏi lớn nhất của du lịch Việt Nam là làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như mấy năm qua, thậm chí còn phải tăng nhanh hơn nữa.
"Tuy nhiên, giữ được tốc độ này cũng là khó bởi vì tăng trưởng đến ngưỡng nào đó thì có những hạn chế mà chỉ riêng ngành du lịch không thể giải quyết được, và ngay cả có sự phối hợp của các ngành cũng không thể giải quyết được trong 1-2 năm. Ví dụ vấn đề về sân bay, hàng không, chưa kể đến các hạ tầng khác như đường sắt, đường bộ, đường biển, nhưng nếu vì thế mà chấp nhận và có sự chững lại thì vô cùng nguy hiểm" - Phó Thủ tướng chia sẻ và cho rằng bên cạnh việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên, vẫn phải duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Dư địa tăng trưởng của du lịch được Phó Thủ tướng gợi mở như cải tiến phương thức quản lý, điều hành ở sân bay để có thể đón được nhiều máy bay, hành khách hơn hay cùng một số lượng khách du lịch thì tăng chất lượng, đa dạng dịch vụ để tăng chi tiêu của du khách.
Theo Phó Thủ tướng, đây là những vấn đề, rào cản lớn cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu, dành nhiều thời gian tháo gỡ. Đồng thời bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng cho du lịch bằng những giải pháp thiết thực, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để xử lý những vấn đề trước mắt như kinh phí quảng bá du lịch hạn hẹp, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, kết nối các điểm đến, cơ sở lưu trú, đi lại, mua sắm…
Khẳng định vị trí của du lịch trong nền kinh tế chung, Phó Thủ tướng đặt vấn đề làm sao để kinh tế du lịch không chỉ phát triển cùng và phải nhận vai trò tiên phong, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh hơn.
Ví dụ khi du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng đó sẽ theo hướng sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của đất nước cũng được trợ giúp. Hoặc việc đẩy du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, mà điều quan trọng là mang thế giới đến ngay tận gia đình những người nông dân, có tác động tích cực đến các em nhỏ, thậm chí thay đổi tương lai của những gia đình, những em nhỏ đó.
Điểm tiếp theo được Phó Thủ tướng đề cập là bên cạnh những hạn chế về xúc tiến, thị thực nhập cảnh (visa), hạ tầng, sản phẩm, môi trường, quảng bá… vốn đã được nhận diện, từng bước khắc phục thì du lịch rất cần một sự phối hợp chặt chẽ, mạnh mẽ, đồng bộ.
Sự phối hợp đó không chỉ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, mà ngay giữa các cơ quan thuộc Chính phủ với nhau, giữa Trung ương với địa phương, với các cấp và mạnh hơn nữa là giữa nhà nước, doanh nghiệp với từng người dân. Mục tiêu là đất nước hoà bình, ổn định, an toàn; du lịch Việt Nam không có những “hạt sạn” như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chèn ép du khách… Để hình ảnh về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam được truyền tải đến bạn bè quốc tế.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thời cơ để quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam bằng những hình thức mới bên cạnh các kênh truyền thống.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng, du lịch Việt Nam nhất định phải nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm đáp ứng tốt hơn mọi trải nghiệm của du khách, huy động cả cộng đồng làm du lịch./.
Việt Nam-Cuba tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tuyên giáo của Đảng  (09/12/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do  (09/12/2018)
Những rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế thế giới năm 2019  (09/12/2018)
Lai Châu công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo  (09/12/2018)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Chương trình Gặp gỡ các doanh nghiệp vì trẻ em Việt Nam  (09/12/2018)
Dấu ấn quan trọng trong mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Hàn Quốc  (09/12/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên