Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 03 đến ngày 09-12-2018

Minh Huệ tổng hợp
17:13, ngày 10-12-2018
TCCSĐT - Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; Phân định rõ quyền, trách nhiệm trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Hà Nội giảm hơn 4.300 biên chế công chức và viên chức trong năm 2019; Còn vướng mắc trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở Thái Bình; là những tin nổi bật tuần qua.
Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện

Để sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ ngày 03-12, trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 Nghị định nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Lào Cai là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện sáp nhập hai sở Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai (tháng 7-2018) để tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành chuyên môn thuộc tỉnh. Vào đầu tháng 11-2018 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiến hành sáp nhập một số sở có chức năng tương đồng. Theo đó, kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng, nhiệm vụ của Sở này về Văn phòng UBND tỉnh. Hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông để thành lập Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ. Chuyển Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc tỉnh để thành lập mới Ban Dân tộc và Tôn giáo. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu còn 16 đơn vị, giảm ba cơ quan chuyên môn, giảm 22 tổ chức bên trong (các phòng, ban).

Tuy nhiên, thời gian qua, việc sáp nhập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở các địa phương không có sự thống nhất, gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ đề xuất các Sở được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế.

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao) do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc giữ ổn định hoặc hợp nhất.

Các sở giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất gồm Sở Nội vụ (thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức); Thanh tra tỉnh (thí điểm hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra); Văn phòng UBND (thí điểm hợp nhất với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND cấp tỉnh).

Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương, gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch) giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập, kể cả khi đáp ứng đủ tiêu chí thành lập.

Phân định rõ quyền, trách nhiệm trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Sáng 07-12, tại Quảng Ninh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và định hướng sửa đổi, bổ sung.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và 8 năm thực hiện Luật Viên chức, công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức... đã từng bước đi vào nền nếp, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định của luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải quyết những vướng mắc, trong đó tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế. Gần đây nhất, ngày 29-11-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 161/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ 15-01-2019.

Dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ, công chức không quy định là công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước; bỏ quy định áp luật Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, hoàn thiện quy định về vị trí việc làm theo hướng quy định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm. Đổi mới công tác tuyển dụng công chức; giao Chính phủ quy định tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc phù hợp với vị trí việc làm trong bộ máy công vụ. Thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Dự thảo Luật cũng quy định phân cấp tổ chức thi nâng ngạch cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức; bổ sung quy định xét nâng ngạch đối với công chức, đẩy mạnh cơ chế thi tuyển lãnh đạo. Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng định lượng, xuyên suốt, đa chiều; quy định cụ thể thẩm quyền đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu cơ quan. Sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật; bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công viên chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong hệ thống chính trị.

Theo Bộ trưởng, việc phân cấp, phân quyền như xây dựng vị trí việc làm, công tác tuyển dụng công chức, nâng ngạch công chức, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức… thực hiện còn nhiều bất cập. Chủ trương của Đảng đã nêu rất rõ, Bộ Nội vụ đã quán triệt và thực hiện chủ trương phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong một số công việc liên quan đến tuyền dụng, bổ nhiệm, thi nâng ngạch. Để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương này, cần phải sửa đổi các quy định trong luật để phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, phân định rõ quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, nội dung phân quyền, phân cấp, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý nhà nước về công chức, viên chức cần được làm rõ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Về công tác kỷ luật cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cùng với chủ trương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, quan điểm của Đảng rất rõ là phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng việc kể cả đối với những người có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước hoặc khu vực sự nghiệp công lập. Những trường hợp này về xử lý kỷ luật đảng đã được thực hiện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ trong công tác xử lý kỷ luật, cần phải bổ sung quy định trong luật để tạo cơ sở pháp lý rõ hơn, đồng thời cũng thể chế quan điểm mạnh mẽ của Đảng trong công tác cán bộ. “Chủ trương, đường lối đã rõ, tuy nhiên về cách thức thực hiện, cách thức quy định, hậu quả pháp lý, phạm vi đối tượng áp dụng cần cho ý kiến”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Hà Nội giảm hơn 4.300 biên chế công chức và viên chức trong năm 2019

Ngày 05-12, tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua việc giảm hơn 4.300 biên chế công chức và viên chức trong năm 2019 với 97/97 đại biểu biểu quyết tán thành.

Theo đó, kế hoạch sử dụng biên chế hành chính và sự nghiệp năm 2019 của thành phố Hà Nội có 9.906 biên chế hành chính và 143.969 biên chế sự nghiệp. Cụ thể, biên chế công chức có 8.227 biên chế (trong đó dự phòng 17 biên chế), giảm 664 biên chế so với năm 2018. Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.437 chỉ tiêu, tăng 79 chỉ tiêu so với năm 2018. Lao động hợp đồng theo định mức là 242 chỉ tiêu (giữ nguyên chỉ tiêu định mức lực lượng thanh tra xây dựng).

Biên chế sự nghiệp có 143.969 biên chế, trong đó biên chế viên chức có 123.765 biên chế (dự phòng là 36 biên chế), giảm 3.692 biên chế so với năm 2018. Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP có 11.274 chỉ tiêu, giảm 294 chỉ tiêu so với năm 2018, do chuyển chỉ tiêu theo các đơn vị tự chủ và giảm do sắp xếp tô chức bộ máy. Lao động hợp đồng theo định mức có 8.930 chỉ tiêu, giảm 391 chỉ tiêu nhân viên nuôi dưỡng tương ứng theo số giảm học sinh khối mầm non năm 2019.

Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của thành phố, trong năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trong công tác tổ chức, bộ máy và biên chế. Trong năm 2018, việc thực hiện biên chế đã đảm bảo theo đề án vị trí việc làm của các đơn vị, cơ bản số biên chế công chức, viên chức thực hiện đều thấp hơn Nghị quyết giao; việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế tiếp tục được thực hiện bài bản, khoa học, công khai và minh bạch. Tính đến tháng 8 năm 2018, Sở Nội vụ đã tham mưu trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt 12 đợt tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ với tổng số 695 người, tổng kinh phí là 63,553 tỷ đồng.

Còn vướng mắc trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở Thái Bình

Sau một năm triển khai Nghị quyết số 18 - NQ/TW, toàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện giảm được 130 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó khối Đảng, đoàn thể giảm hai đơn vị, khối nhà nước giảm 128 đơn vị. Năm 2018, tỉnh Thái Bình giảm được hơn 1.000 biên chế so với số giao năm 2017 nên chi thường xuyên cho biên chế giảm khoảng 20 tỷ đồng... Tuy vậy, trong quá trình thực hiện nghị quyết, các đơn vị của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, một số văn bản của Trung ương ban hành chưa kịp thời, đồng bộ nên việc triển khai thực hiện nghị quyết còn gặp khó khăn. Bộ Nội vụ chưa có khung biên chế công chức đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện nên khó khăn trong việc giao biên chế công chức cho các cơ quan này. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan Đảng và tổ chức chính trị - xã hội, khi thực hiện phải vận dụng Nghị định của Chính phủ; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý đối với số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, khi các đơn vị này chuyển hoạt động sang cơ chế tự chủ. Đặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện tinh giản 10% đối với lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, làm nhiệm vụ lái xe, phục vụ, do vậy các cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Việc sáp nhập, giải thể, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp dẫn đến dôi dư chức danh lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, đặc biệt vị trí hành chính, phục vụ, trong khi thời gian công tác còn dài nhưng chưa có chính sách cụ thể.

Việc sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố còn khó khăn do phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo... Tài chính và quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố hiện nay do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp và quản lý dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp và quản lý biên chế của Liên đoàn Lao động tỉnh, cấp huyện. Việc xây dựng đề án thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn là khó khăn do đặc điểm của tỉnh Thái Bình có sự khác biệt về đô thị, nông thôn chưa rõ rệt...

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho rằng, trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp phải có quyết tâm chính trị cao, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Cùng với đó phải có lộ trình thực hiện, làm thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai tiếp đối với những việc chưa rõ. Những việc đã rõ cần làm ngay, làm quyết liệt, quan trọng nhất phải có sự đột phá và sự chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện chặt chẽ./.