Kỷ niệm 1970 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, 45 năm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”
TCCSĐT - Sáng 7-3 tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1970 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và 45 năm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”.
Các đồng chí: Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Doan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; lãnh đạo và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra; 106 đại biểu tiêu biểu trong phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” và đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ôn lại truyền thống đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới và truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ cách đây đã 1970 năm nhưng âm thanh của cuộc khởi nghĩa cùng với sự hy sinh lẫm liệt của các vị anh hùng còn vang vọng mãi tới ngày nay. Dân tộc ta rất tự hào là đã sản sinh ra bao vị nữ anh hùng, đã làm nên những chiến công rạng rỡ cho dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, người lãnh đạo là phụ nữ, xưng Vương dựng nước cũng là phụ nữ. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không chỉ biểu thị tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam mà còn nói lên những khả năng hết sức to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”, sau đó phong trào được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”: - Đảm đang sản xuất, công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; - Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu; - Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng; 1.718 chị em được thưởng Huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. |
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoà nhấn mạnh, ôn lại truyền thống của phụ nữ Việt Nam cũng là dịp ôn lại một thế kỷ đấu tranh bình đẳng và tự do của phụ nữ trên khắp hành tinh. Cách đây 100 năm, năm 1910, Đại hội Phụ nữ quốc tế lần thứ 2 về lao động nữ tại Co-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8-3 làm Ngày Quốc tế phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ; việc làm ngang nhau; bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó, ngày 8-3 đã trở thành ngày hội truyền thống của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.
Năm nay, nhân dịp 100 năm ngày Quốc tế phụ nữ, Liên hợp quốc đã lấy chủ đề “Các quyền bình đẳng, các cơ hội bình đẳng, tiến bộ cho tất cả” làm tinh thần chủ đạo cho các hoạt động kỷ niêm ngày 8-3. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới sự tiến bộ và bình đẳng giới của phụ nữ. Cách đây 80 năm khi mới thành lập và qua các thời kỳ, Cương lĩnh của Đảng đều khẳng định nam nữ bình quyền và thực hiện bình đẳng giới. Hệ thống luật pháp dần được hoàn thiện với việc ban hành Luật Bình đẳng giới. Bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được củng cố, kiện toàn”. Việt Nam được các nước coi như một điểm sáng vì thực hiện bình đẳng giới.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, ông J.Hendra, Trưởng đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam nói đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và sự nghiệp đấu tranh vì sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ.
Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, chúc mừng và biểu dương những bước phát triển của phong trào phụ nữ Việt Nam và hoạt động của các cấp Hội, ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước bắt nhịp với sự phát triển của đất nước và phong trào phụ nữ thế giới.
Ðồng chí nhấn mạnh: Ðảng và Nhà nước ta ghi nhận vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thể hiện vai trò là tổ chức chính trị, xã hội, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ; đại diện chăm lo cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ; tổ chức và lãnh đạo phong trào phụ nữ phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Trong mỗi giai đoạn phát triển, Hội luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong các hoạt động vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc và lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Kế thừa và phát huy truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu, tinh thần quốc tế phụ nữ 8-3 bất diệt và phong trào Phụ nữ Ba đảm đang, ngày nay, các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước đang đoàn kết, phấn đấu, năng động, sáng tạo, tự tin, có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đại diện phong trào Phụ nữ Ba đảm đang ôn lại những năm tháng sôi nổi thi đua sản xuất, công tác, động viên chồng con lên đường chiến đấu; vừa chăm lo gia đình, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Nhân dịp này, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã trao sổ tiết kiệm tặng đại diện phụ nữ phong trào “Ba đảm đang”.
Trong tháng 3 này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức một số hoạt động kỷ niệm khác như: Hội thảo khoa học “Nữ trí thức Việt Nam đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kỷ niệm 25 năm Giải thưởng Cô-va-lep-xcai-a và trao Giải thưởng Cô-va-lep-xcai-a năm 2008, 2009.../.
Những thay đổi căn bản của phụ nữ Việt Nam trong 100 năm qua  (07/03/2010)
Nhiều hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8-3  (07/03/2010)
Thắng lợi của đất nước trong năm 2009 là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc  (06/03/2010)
Việt Nam chủ trương thúc đẩy đảm bảo quyền con người thông qua đối thoại và hợp tác quốc tế  (05/03/2010)
Vietsovpetro vững bước tiến lên trong hội nhập kinh tế quốc tế  (05/03/2010)
Xuất khẩu gạo – Một năm nhìn lại và những thách thức mới  (05/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên