Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn các thành viên Chính phủ về nhiều vấn đề nóng
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Giao thông Vận tải trả lời phiên chất vấn tại hội trường sáng 01-11.
Việc thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông sẽ phải thông qua đấu giá
Tại hội trường Quốc hội, nhiều vấn đề các đại biểu chất vấn liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường như chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; quản lý, chuyển đổi đất đai nông lâm trường; vấn đề khai cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn tiếp diễn trong thời gian qua...
Trong phiên sáng 01-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có những trao đổi, giải đáp về những vấn đề trên trước các đại biểu, cử tri.
Khai thác cát, sỏi lòng sông sẽ phải thông qua đấu giá
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) có đề cập tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép khiến nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc.
Theo đại biểu, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, XIV từ năm 2013 - 2018 nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt, do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có những giải pháp cho vấn đề này.
Đối với chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh về khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, “đây là vấn đề bức xúc trong toàn xã hội”.
Theo Bộ trưởng, trên thực tế, cát sỏi để phục vụ cho xây dựng hiện có nhu cầu cao. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quan trọng như Chỉ thị số 03 ngày 30-3-2015, Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm cụ thể trong vấn đề quản lý, bảo vệ khoáng sản, trong đó có vấn đề về cát, sỏi; đã bổ sung các hành vi, tăng mức xử phạt và đồng thời giao lại các cơ quan, Công an các địa phương xem xét.
Bộ luật Hình sự cũng có những quy định để nếu trong trường hợp vi phạm thì có thể xử lý về mặt hình sự. Như vậy, công việc, trách nhiệm của từng ngành, địa phương đã được chỉ rõ.
Sắp tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định có quy định về quản lý cát, sỏi ở lòng sông. Trong đó, Bộ đã đề xuất một số công việc cụ thể sau: quản lý cát sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng sông; thống nhất quản lý, cấp phép thăm dò và khai thác theo lưu vực; quy định trách nhiệm quản lý lòng sông một cách chặt chẽ, với hệ thống 4 khâu từ quy hoạch, quản lý đến thăm dò, khai thác.
“Cấp phép thăm dò, khai thác phải thông qua hình thức đấu giá. Đây là nội dung mà Nghị định sắp tới ban hành”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh giải pháp này.
Có lộ trình cụ thể để ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Về ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và đã ban hành các nghị quyết có liên quan về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược về biến đổi khí hậu, trong đó đã tập hợp các ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long để ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP 2017 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, Nghị quyết 120 đang được triển khai. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ giao chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoàn thành cụ thể.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng cho biết dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng để triển khai kế hoạch này và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.
“Hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất các nhiệm vụ rất cụ thể, trên tinh thần là tiếp cận, quản lý tổng hợp vùng đối với Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Song song với quá trình xây dựng chương trình hành động với các dự án này, hiện nay chúng ta đang triển khai dự án của Ngân hàng Thế giới, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tập trung vào vấn đề thí điểm các mô hình sinh kế, liên quan đến hoàn thiện các cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản, xây dựng trung tâm tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long về dữ liệu với các dự án này.
Hiện nay, các dự án đang được triển khai. Chính phủ đã chi trên 1.500 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển và thời gian tới, Quốc hội sẽ thông qua bố trí nguồn kinh phí chi cho các hoạt động này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng lại quy hoạch này. “Tôi cho rằng lần này, nếu quy hoạch này được xây dựng thì chúng ta sẽ có danh mục rõ ràng những việc cần phải làm đối với Đồng bằng sông Cửu Long, từ vấn đề nghiên cứu cho đến vấn đề triển khai thực tế”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Chưa quyết liệt trong quản lý, chuyển đổi đất đai nguồn gốc nông, lâm trường
Đối với chất vấn của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) về vấn đề quản lý, chuyển đổi đất đai nguồn gốc nông lâm trường, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là vấn đề nóng, đã có 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị, 1 Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về vấn đề này.
Bộ trưởng cho biết đến nay, đã rà soát 745 nông lâm trường, quy hoạch lại 252 nông lâm trường và Thủ tướng đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn, tổng công ty nông lâm trường... Thời gian sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị (dự kiến ở Tây Nguyên) để bàn vấn đề này.
Về vấn đề đất đai tại các nông, lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản cũng chưa thực sự quyết liệt, vẫn còn một số chưa chuyển sang được công ty nông lâm trường.
“Lý do chính hiện nay là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện nên không thể chuyển đổi. Đặc biệt, nhiều công ty nông trường hiện nay trong tình trạng lỗ, cổ phần hóa không được. Bên cạnh đó, khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần thì vấn đề giải quyết quyền lợi của người dân như nào, vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thế nào... Đây là những vấn đề hết sức phức tạp”, Bộ trưởng đánh giá.
Ngoài ra, hiện nay ở nhiều địa bàn, trong vấn đề quản lý đất đai nông lâm trường, đối với các khu bảo tồn, cơ chế giao cho người dân chưa phù hợp. Do đó, người dân không thể bảo vệ.
“Chắc chắn là đất đai nông lâm trường và đất đai các khu rừng phòng hộ sẽ không bảo vệ được nếu như chúng ta không có chính sách hợp lý để người dân có thể sinh sống từ rừng và bảo vệ rừng”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm để lãng phí sách giáo khoa
Sáng cùng ngày, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với các thành viên trong Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về vấn đề của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) về vấn đề trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn các vị đại biểu quốc hội và cử tri góp ý, quan tâm đến những vấn đề bất cập trong sử dụng sách giáo khoa hiện hành. Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo tổng thể gửi Quốc hội và các đại biểu quốc hội.
Với thực trạng sử dụng sách giáo khoa như vừa qua, việc lãng phí là có thật. Nguyên nhân có nhiều, song trước hết do việc thiết kế sách giáo khoa hiện hành còn nhiều các dạng bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa dẫn đến không được sử dụng nhiều lần gây lãng phí. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn và đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì thật sự chưa phù hợp và gây ra sự lãng phí.
“Với trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí trong một số sách giáo khoa và đã có nội dung hướng dẫn cho các thầy cô giáo và học sinh không viết vào sách giáo khoa mà ghi kết quả vào vở ghi. Bộ cũng đã tập huấn giáo viên và hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm, tuy nhiên hiệu quả của các giải pháp này hạn chế. Với cương vị của Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục thẳng thắn.
Trước những phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu, ban hành chỉ thị chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục cho hay, Bộ đã tiếp thu và tục hướng dẫn sử dụng để tiết kiệm sách giáo khoa và hướng dẫn học sinh biết giữ gìn sách giáo khoa.
“Tới đây khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế các dạng bài tập trong sách giáo khoa theo hướng hạn chế viết trực tiếp, vẽ vào sách giáo khoa. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, trong đó đặc biệt giải pháp quyên góp xây dựng thư viện sách giáo khoa để cho sinh viên có thể sử dụng miễn phí. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước và hỗ trợ các vùng khó khăn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Các dự án quan trọng quốc gia Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đều được kiểm toán
Một loạt vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đã được đại biểu Quốc hội đặt ra và người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải giải đáp trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 01-11.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về tiến độ thực hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia.
Trong nhiều kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận về dự án này. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhiều lần trả lời trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Hiện dự án vẫn đang triển khai với tổng mức đầu tư được duyệt là 9.600 tỷ đồng, trong đó theo quy định, vốn nhà đầu tư tối thiểu phải khoảng 1.500 tỷ đồng.
Khi triển khai dự án, nhà đầu tư đã thỏa thuận với Ngân hàng Vietinbank cung cấp tín dụng 6.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do có khó khăn về công tác cấp tín dụng, Vietinbank đã cùng với nhà đầu tư vận động thêm một số ngân hàng.
Tới tháng 6-2018, liên danh 4 ngân hàng gồm Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn với các ngân hàng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo Bộ trưởng, khó khăn lớn nhất hiện nay liên quan đến quy định tại Thông tư 75 của Bộ Tài chính. Cụ thể, ngân hàng cấp tín dụng được tính với lãi suất khoảng 7,5%.
Hiện nay mức mà các ngân hàng cho vay với các công trình tương tự khoảng 10,5%. Đây là một sự chênh lệch rất lớn.
Nhà đầu tư hay ngân hàng đều không thể chấp nhận lỗ 3%. Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này.
Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp giải quyết dứt điểm vấn đề chênh lệch lãi suất. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, chắc chắn dự án sẽ triển khai đúng tiến độ.
“Mặc dù trách nhiệm của nhà đầu tư là 1.500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này, nhà đầu tư đã giải ngân 2.300 tỷ đồng (1.450 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và 850 tỷ đồng cho công tác xây lắp). Nhà đầu tư quyết tâm rất cao. Mặt bằng đã được bàn giao 49/51km. Nếu Chính phủ giải quyết xong vấn đề lãi suất tín dụng, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chất vấn: Nếu không kêu gọi được nhà đầu tư thì Nhà nước có làm đường cho dân hay không? Người dân Đồng bằng sông Cửu Long chờ đợi đến bao giờ mới có được con đường này? Trách nhiệm của ngành giao thông trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư cho con đường này trong giai đoạn tới?
Gỡ khó cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: “Bộ trưởng chưa trả lời nhưng rất khó trả lời. Nhà nước có dùng ngân sách để đầu tư hay không là quyền của Quốc hội. Hiện Quốc hội chưa bố trí vốn cho công trình này mà đang làm theo hình thức BOT. Nếu đầu tư tư nhân không làm được, Quốc hội quyết định bổ sung ngân sách cho dự án thì tôi tin là Bộ trưởng sẽ làm được”.
Quan tâm đến con số 112 đoàn đến thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ Bộ Giao thông Vận tải trong 3 năm qua, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đặt câu hỏi gồm những đoàn nào, có trùng về nội dung không và gây khó khăn gì cho Bộ?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Việc thanh tra, kiểm toán không gây khó khăn gì. Bộ Giao thông Vận tải rất hoan nghênh việc thanh tra, kiểm toán vì thông qua đó, Bộ có thể công khai, minh bạch được việc sử dụng vốn Nhà nước cũng như những dự án lớn mà nhân dân quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, tất cả các dự án quan trọng quốc gia mà Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đều được kiểm toán, thanh tra rất chặt chẽ.
Thời gian qua, Bộ thực hiện dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các dự án BOT và nhiều dự án quốc lộ lớn khác. Trước khi quyết toán dự án, đều có kiểm toán.
Trong 112 cuộc thanh tra, kiểm toán, có hơn 60 cuộc của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án vốn ngân sách Nhà nước, các dự án BOT để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước với những dự án vốn Nhà nước. Thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Thanh tra Chính phủ vừa có các cuộc thanh tra theo kế hoạch, vừa có các cuộc thanh tra đột xuất. Đó là chưa tính các cuộc thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.
“Thanh tra, kiểm toán là rất tốt với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và những dự án lớn có sử dụng vốn của xã hội. Chúng tôi cũng thấy rằng mặc dù có 112 cuộc thanh tra nhưng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, thuộc các dự án khác nhau, của nhiều ban quản lý dự án trực thuộc Bộ”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc giải phóng mặt bằng, hoàn trả đường công vụ và làm đường gom tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cho rằng, đây là dự án trọng điểm, quan trọng nhất ở miền Trung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, hiện vốn cho dự án đã đầy đủ nên có thể làm tất cả hạng mục liên quan đến dự án.
Liệt kê một số việc có thể làm ngay cũng như một số việc sẽ phối hợp thực hiện, Bộ trưởng cho biết, những con đường đảm bảo giao thông trong quá trình xây dựng, sau khi hoàn thành, Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm phải thực hiện ngay việc hoàn trả đường công vụ mà sử dụng đường của địa phương.
Riêng công tác giải phóng mặt bằng và làm đường gom, theo quy định, thuộc trách nhiệm của địa phương.
“Chúng tôi mong rằng đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Nhân dân các tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Tiền đã có sẵn rồi nhưng nếu không có mặt bằng, chúng ta không thể làm đường gom được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Báo cáo thêm với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn và chính quyền địa phương chỉ đạo Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam thực hiện trách nhiệm của mình nhanh nhất và tốt nhất./.
Làm thế nào để quy định từ chức áp dụng được với các đảng viên?  (01/11/2018)
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội  (01/11/2018)
Một số quan điểm của các tác giả ngoài mác-xít về quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay  (01/11/2018)
Mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia  (01/11/2018)
Gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế về bảo hiểm y tế  (01/11/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển