TCCSĐT - Trong “Tuần lễ khí hậu” diễn ra bên lề kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tại New York (Mỹ), ngày 26-9 đã diễn ra Hội nghị cấp cao về khí hậu “Một hành tinh” lần thứ 2. Hội nghị lần này được nhìn nhận là bước quan trọng, góp phần thổi luồng sinh khí mới thúc đẩy việc thực thi các cam kết về cắt giảm khí thải nhà kính và tăng cường biện pháp bảo vệ môi trường theo Hiệp định Paris.

Nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

 
 Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres. Ảnh: TTXVN

Có thể thấy, cho đến nay, 180 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris mới thực hiện cắt giảm 1/3 lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2020. Việc xây dựng ngân sách trị giá 100 tỷ USD hằng năm (tới năm 2020) nhằm hỗ trợ các quốc gia phát triển đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu cũng trở nên “xa vời”, khi các nước phát triển mới chỉ đóng góp cho quỹ này 10 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD của Mỹ, tức là chưa bằng 1/3 cam kết mà cựu Tổng thống B. Obama đưa ra theo Hiệp định Paris.

Trong khi đó, tình hình thiên tai, thảm họa diễn ra liên tục gây thiệt hại lên tới 320 tỷ USD hồi năm ngoái là lời cảnh báo về thái độ chần chừ trong việc thực thi các cam kết của Hiệp định Paris sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, trong 20 năm qua đã có tới 18 năm nhiệt độ trái đất ở ngưỡng ấm nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1850. Với tình trạng ấm lên toàn cầu như hiện nay, vào năm 2100, những cơn bão mạnh như siêu bão Sandy, từng khiến nước Mỹ bị thiệt hại 70 tỷ USD, sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, gấp 17 lần so với hiện tại. Nồng độ CO2 trong khí quyển cũng đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua và còn tiếp tục gia tăng. Năm 2018, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland đã bắt đầu nứt.

Trong bối cảnh thế giới đứng trước nguy cơ chệch khỏi con đường hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải và tương lai của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bị đe dọa, tại Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ hai, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã khẳng định sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo cứng rắn trong những quyết sách nhằm đưa các nền kinh tế và xã hội đi theo con đường tăng trưởng carbon thấp và chống biến đổi khí hậu đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã hối thúc các chính phủ cần mạnh dạn thực hiện các chính sách cứng rắn trong việc bảo vệ môi trường như ngừng trợ giá nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, định giá khí thải carbon thỏa đáng... Trong khi đó, Tổng thống Pháp E. Macron nhấn mạnh các nước cần tăng ngân sách cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ Trái đất.

Với tinh thần đó, Hội nghị đã chứng kiến những cam kết, sáng kiến “tiếp sức” cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính phủ Pháp và Đức cùng các tổ chức từ thiện khác, gồm Quỹ Hewlett, đã cam kết đóng góp khoản tài chính đầu tiên cho Sáng kiến Đối tác tài chính khí hậu của Liên hợp quốc. Ngân hàng Thế giới cũng cam kết khoản ngân sách 1 tỷ USD phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng cho các nước đang phát triển và mới nổi, đồng thời bổ sung 4 tỷ USD, từ nay đến năm 2025, để xây dựng nhà máy dự trữ năng lượng có công suất gấp 3 lần tại các nước đang phát triển. Hãng công nghệ Google khổng lồ của Mỹ cũng giới thiệu một công cụ giúp thu thập dữ liệu về khí phát thải nhà kính từ giao thông cũng như đưa ra tính toán công suất năng lượng mặt trời của các thành phố.

Căng thẳng giữa Nga và Israel

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: plenglish.com

Trong những ngày qua, những tranh cãi giữa Nga và Israel xung quanh vụ chiếc máy bay quân sự Il-20 của Nga bị bắn hạ ngoài khơi Syria khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng, đang khiến mối quan hệ giữa Nga và Israel rơi vào căng thẳng. Đồng thời, vụ việc này đã đặt ra thách thức đối với khả năng phối hợp giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề Syria.

Sự việc bắt đầu khởi phát từ ngày 17-9, khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga I. Konasenkov cho biết, chiếc máy bay Il-20 của Nga đã bị mất liên lạc trong một cuộc tấn công của 4 máy bay tiêm kích F-16 của Israel vào các mục tiêu tại tỉnh Latakia (Syria). Phản ứng lại những cáo buộc của Nga, Thủ tướng Israel B. Netanyahu đã đề xuất hỗ trợ Moscow điều tra vụ việc trên. Nhằm củng cố những kết luận của mình, ngày 23-9, Bộ Quốc phòng Nga đã tổ chức cuộc họp báo công bố chi tiết liên quan đến vụ máy bay trinh sát Il-20 bị hệ thống phòng không Syria bắn rơi trên Địa Trung Hải, theo đó, Nga khẳng định rằng lỗi gây ra vụ máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị bắn rơi ở Syria hoàn toàn thuộc về “Lực lượng phòng không Israel”. Có thể thấy, sự cố liên quan đến máy bay Il-20 đang khiến mối quan hệ song phương Nga - Israel bị tổn hại nghiêm trọng bởi trước đó hai nước này vốn có mối quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp sự bất ổn ở Trung Đông.

Trung Đông lâu nay vẫn là mảnh đất tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa những nước lớn trên thế giới. Kể từ sau sự kiện Mùa xuân Arab đã khiến khu vực vốn phức tạp này càng trở thành nơi để các bên theo đuổi tham vọng riêng. Tuy vậy, Nga và Israel vẫn luôn cố duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Tuy nhiên, với sự việc máy bay Il-20 bị bắn rơi khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng lần này, các nhà phân tích cho rằng, việc Nga nhanh chóng đổ lỗi cho phía Israel cho thấy “Nga đã rất bức xúc với những hành động vô trách nhiệm” của Israel. Trong khi Israel không nhận trách nhiệm và cho rằng Syria mới là nước phải chịu trách nhiệm trong vụ máy bay Il-20, đồng thời khẳng định sẽ không ngừng các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Iran tại Syria để bảo vệ an ninh và lợi ích của mình.

Các nhà phân tích cho rằng, những diễn biến này không chỉ khiến quan hệ giữa Nga và Israel trở nên căng thẳng mà nó còn đặt ra thách thức đối với khả năng phối hợp giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề Syria. Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Syria đang diễn biến hết sức phức tạp với sự tham chiến của nhiều bên đối địch cũng như các lực lượng nước ngoài, nếu không có sự hợp tác phối hợp giữa các bên, sẽ có thể dẫn đến nguy cơ Syria sẽ bị “xâu xé” và cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này có khả năng tái bùng phát trên quy mô rộng.

Bước tiến quan trọng trong hợp tác thương mại song phương Mỹ - Hàn

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: nytimes.com

Sau những căng thẳng, Mỹ và Hàn Quốc đã ký văn bản sửa đổi Hiệp định thương mại tự do (KORUS FTA) song phương. Thỏa thuận mới này được cho là sẽ tạo ra cơ hội cho hợp tác thương mại giữa hai nước.

Ngày 24 và 25-9, Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp song phương. Trong khuôn khổ cuộc gặp, hai bên đã ký một văn bản sửa đổi thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc. Theo thỏa thuận sửa đổi FTA, Mỹ sẽ gia hạn mức thuế 25% đối với xe tải nhỏ nhập khẩu của Hàn Quốc thêm 20 năm đến năm 2041, còn Seoul sẽ tăng gấp đôi số lượng ô tô Mỹ không phải phụ thuộc vào các quy định của ngành công nghiệp nước này lên 50.000 chiếc. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định các công ty của cả hai nước sẽ có thể kinh doanh trong điều kiện ổn định hơn, đồng thời hy vọng thỏa thuận sửa đổi này sẽ giúp củng cố sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác.

Hiệp định thương mại tự do được Mỹ và Hàn Quốc ký vào tháng 4-2007, được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 15-3-2012. Hiệp định song phương này được coi là biểu tượng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa hai nước. Theo hiệp định, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành loại bỏ một loạt thuế quan đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước, ngoại trừ hàng hóa trong lĩnh vực dệt may và nông nghiệp. Kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, Hàn Quốc ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan đối với 7.218 sản phẩm, còn phía Mỹ là 6.176 sản phẩm. Theo thống kê, ngay khi KORUS FTA vừa có hiệu lực, đã có tới hơn 80% sản phẩm công nghiệp Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc được miễn thuế; 2/3 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu từ Mỹ đến Hàn Quốc cũng được miễn thuế. Kim ngạch thương mại song phương Hàn - Mỹ đã tăng từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 109,6 tỷ USD năm 2016. Trong khi đó, đầu tư của Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 5,8 tỷ USD và tạo ra 45.000 việc làm. Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ trong khoảng thời gian này cũng đã tăng từ 11,6 tỷ USD lên 27,7 tỷ USD. Chính điều này đã khiến Tổng thống Mỹ D. Trump cho rằng, KORUS FTA là “thảm họa” khi là nguyên nhân gây thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Hàn Quốc và cam kết sửa đổi. Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc lại chỉ ra rằng, Mỹ đạt thặng dư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Hàn Quốc và KORUS FTA sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tháng 7-2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Hàn Quốc đàm phán để sửa đổi FTA song phương. Trong nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận sửa đổi KORUS FTA, ngày 22-8-2017, các nhà đàm phán cấp cao Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về thỏa thuận này tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), nhưng không đạt được kết quả. Tiếp đó, ngày 31-01-2018, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai. Cuộc đàm phán thứ hai này cũng không đạt được thỏa thuận nào. Ngày 15-3-2018, Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục tiến hành vòng đàm phán thứ ba. Tại cuộc đàm phán này, Washington và Seoul đã đạt được thỏa thuận “trên nguyên tắc” về một số vấn đề chính để sửa đổi FTA song phương. Qua đó giúp mở rộng thị trường ôtô của Hàn Quốc đối với sản phẩm Mỹ và trong khi thu hẹp tác động của khoản thuế nhập khẩu nhôm và thép mới của Mỹ đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn sẽ phải chịu mức thuế 10% đối với sản phẩm nhôm xuất khẩu sang Mỹ.

Nhà Trắng đã hoan nghênh đây là sự kiện lịch sử khi Mỹ lần đầu tiên tái đàm phán thành công với một đối tác thương mại. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc khẳng định việc nước này và Mỹ đạt được tiến triển về những chi tiết cuối cùng trong FTA sửa đổi sẽ mở đường cho việc hai nước ký chính thức văn bản này. Và việc Mỹ và Hàn Quốc chính thức ký văn bản sửa đổi FTA song phương là một bước tiến quan trọng trong hợp tác thương mại Mỹ - Hàn.

Thách thức đối với tân Tổng thống của Maldives

 
Tân Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih. Ảnh: huffingtonpost.in

Ứng cử viên đối lập Ibrahim Mohamed Solih đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Maldives. Trở thành Tổng thống mới của Maldives, ông M. Solih sẽ đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Maldives vừa trải qua cuộc khủng hoảng chính trị.

Ngày 24-9, Ủy ban bầu cử Maldives đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống, theo đó ứng cử viên phe đối lập Ibrahim Mohamed Solih giành chiến thắng với 58,3% số phiếu ủng hộ. Ngay sau khi kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống Maldives được công bố, ông M. Solih đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đồng thời kêu gọi đương kim Tổng thống Yameen “tôn trọng ý nguyện của nhân dân và bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và hòa bình”. Liên hợp quốc đã kêu gọi bảo đảm cuộc bầu cử tổng thống ở Maldives diễn ra hòa bình, công bằng và minh bạch, đồng thời cho rằng một cuộc đối thoại chân thành và toàn diện giữa các chính đảng là cách thức có lợi duy nhất để xây dựng một nền dân chủ ổn định ở nước này.

Maldives, một quốc đảo được mệnh danh là thiên đường du lịch biển của thế giới, đã chứng kiến biến động chính trị kể từ khi vị Tổng thống được bầu một cách dân chủ đầu tiên M. Nasheed bị buộc phải từ nhiệm năm 2012. Theo các nhà phân tích, khi lên nắm quyền, ông M. Solih sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như bảo đảm cam kết đối với các giá trị dân chủ và luật pháp, đồng thời xây dựng sự đoàn kết cho liên minh các đảng. Trong khi đó, tình trạng bất ổn chính trị xảy ra ở Maldives vừa qua đã tác động nặng nề tới ngành du lịch khi các công ty lữ hành và các hãng hàng không đã hủy hàng loạt đơn hàng.

Du lịch là ngành kinh tế lớn nhất ở Maldives và đóng một vai trò quan trọng giúp tăng nguồn thu ngoại tệ và tạo công ăn việc làm. Gần 1,4 triệu lượt du khách nước ngoài đến Maldives trong năm 2017. Tuy nhiên, con số này đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua do tình trạng bất ổn chính trị khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và các nước châu Âu đã khuyến cáo công dân nước mình không nên đi du lịch đến Maldives. Do vậy, để phục hồi ngành du lịch cũng như thu hút trở lại du khách, tổng thống mới của Maldives cần đưa ra những chính sách và các biện pháp cũng như cách thức hoạt động để ổn định tình hình chính trị an ninh lâu bền cho đảo quốc san hô này.

Còn về đối ngoại, theo các nhà phân tích, Maldives được cho là cần phải cân bằng ảnh hưởng của các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc bởi trên thực tế, cả hai nước này đều có những lợi ích chiến lược tại khu vực buộc họ phải bảo vệ và cạnh tranh để giành được ưu thế.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung ngày càng bế tắc

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp thuế mới lẫn nhau. Động thái mới nhất này đã đẩy tình trạng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lên một giai đoạn khốc liệt mới. Và thông tin Trung Quốc đã hủy cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ và sẽ không cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Washington vào tuần tới (của Tờ Wall Street Journal), cho thấy khả năng đàm phán giải quyết bất đồng thương mại giữa hai nước ngày càng bế tắc.

Ngày 24-9, Mỹ chính thức áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng đáp trả với việc áp mức thuế tương ứng với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Không chỉ có vậy, trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một leo thang, ngày 24-9, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng đề cập tới quan hệ thương mại giữa hai nước. Sách Trắng cho rằng, Mỹ đã đưa ra một loạt cáo buộc giả và sử dụng chiêu tăng thuế cùng các phương thức đe dọa kinh tế khác nhằm áp đặt các lợi ích của riêng mình đối với Trung Quốc. Theo Sách Trắng, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống D. Trump là nguyên nhân phá hoại những tiến bộ về giải quyết bất đồng đạt được giữa hai nước trong nhiều năm qua. Như vậy, việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp thuế đáp trả lẫn nhau đã phát đi một thông điệp cứng rắn, cho thấy cuộc chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa thể sớm có điểm dừng.

Trước việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ tác động tới giao thương và đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ dầu thô của hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới này. Trong khi đó, giới chuyên gia của quỹ Korea Investment Corporation, Hàn Quốc còn đi xa hơn khi cảnh báo “cuộc chiến” thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, xuất phát từ nguy cơ những cú sốc kinh tế ở Trung Quốc do cuộc chiến thương mại này sẽ kéo các thị trường mới nổi đi xuống. Lâu nay, sự năng động của các nền kinh tế mới nổi được cho là chủ yếu phụ thuộc vào các chỉ số hoạt động của Trung Quốc, hiện là nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới, nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu thô, năng lượng và các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu.
Chuyên gia Gary Hufbauer, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cũng nhận định, việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể “đình chiến” đương nhiên sẽ kéo cả nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy bất ổn khó lường.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì giới chức Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau khi các cuộc đàm phán hồi tháng trước kết thúc mà không mang lại kết quả gì./.