TCCSĐT - Ngày 07-9, lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí cùng hợp tác nhằm tìm kiếm cách thức giải quyết tình hình tại tỉnh Idlib - thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria, tìm giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng 7 năm qua tại Syria. Các bên nhất trí rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua "tiến trình đàm phán chính trị" thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn Syria.

Nhấn mạnh tới giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, từng bước khôi phục ổn định tại Idlip

 
 Hội nghị thượng đỉnh Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria.

Ngày 07-9, lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã họp thượng đỉnh tại Tehran, bàn về vấn đề Syria. Các nhà lãnh đạo nhất trí cùng hợp tác nhằm tìm kiếm cách thức giải quyết tình hình tại tỉnh Idlib - thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria.

Cuộc gặp thượng đỉnh 3 nước lần này diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria đang dốc sức cho chiến dịch cuối cùng tại tỉnh Idlib, nơi vẫn còn khoảng 3 triệu người dân đang sinh sống. Tỉnh Idlib hiện đang nằm trong tay nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS), do một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda điều hành. Tỉnh này và các khu vực lân cận đã bị các lực lượng của chính phủ bao vây từ cách đây 3 năm. Nhiều tổ chức viện trợ nhân đạo hàng đầu cảnh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để tránh một thảm họa nhân đạo tồi tệ tại đây.

Ankara, Moskva và Tehran là ba nhà bảo trợ của tiến trình hòa đàm Astana, một cơ chế đàm phán được khởi động sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015. Tiến trình này diễn ra song song với các vòng đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ và được phương Tây ủng hộ, diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Tehran, lãnh đạo ba nước cho biết đã thảo luận về tình hình tại khu vực giảm leo thang căng thẳng Idlib và đã quyết định giải quyết vấn đề này phù hợp với tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm Astana. Các bên nhất trí rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua "tiến trình đàm phán chính trị" thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn Syria.

Văn kiện trên cũng khẳng định 3 nước sẽ hợp tác để xóa sổ hai tổ chức khủng bố là "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và Mặt trận Nusra. Ba nước thống nhất sẽ chống lại các chính sách ủng hộ ly khai tại Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria tiếp theo tại Nga.

Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thảo luận về cách thức từng bước khôi phục sự ổn định tại tỉnh Idlip, Tây Bắc Syria.

Phát biểu trước báo giới sau hội nghị thượng đỉnh ba bên với hai người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Tehran, Tổng thống Putin cho biết lãnh đạo ba nước đã thảo luận về các biện pháp cụ thể liên quan đến tiến trình từng bước ổn định vùng giảm căng thẳng Idlib, qua đó thúc đẩy khả năng hòa giải với các nhóm nổi dậy sẵn sàng đối thoại. Nhà lãnh đạo Nga đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét tình hình tại vùng giảm căng thẳng của Idlib, đồng thời cho biết 3 nước đã quyết định tìm kiếm giải pháp theo những nguyên tắc và tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của khuôn mẫu Astana.

Trước đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh ba bên, nhà lãnh đạo Nga đã đề cao việc Moskva, Tehran và Ankara triển khai những nỗ lực nhân đạo chung một cách có hệ thống nhằm giúp Syria tái thiết sau khi bị chiến tranh tàn phá, đảm bảo hồi hương quy mô lớn những người tỵ nạn Syria. Đối với tình hình Idlib, ông cũng bày tỏ hy vọng các phiến quân tại tỉnh vốn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy, sẽ hạ vũ khí và đầu hàng.

Chưa hoàn toàn thống nhất về giải pháp cho vấn đề Idlib - thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy

Mặc dù ra được tuyên bố chung, tuy nhiên, có thể thấy quan điểm của 3 nước còn những khác biệt liên quan đến giải quyết vấn đề Idlib - thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy. Trong khi Nga và Iran cho rằng cuộc chiến chống "khủng bố" tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria là không tránh khỏi, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại lo ngại chiến dịch của quân đội Syria tại tỉnh này có thể dẫn tới thảm họa nhân đạo và Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp nhận thêm những người tị nạn từ Syria. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời kêu gọi hai người đồng cấp Nga và Iran nhất trí về một lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib, nhấn mạnh một hiệp ước sẽ là một "thắng lợi" của hội nghị thượng đỉnh lần này.

Trong bối cảnh quân đội Syria đang dốc sức cho chiến dịch quân sự cuối cùng tại tỉnh Idlib - thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Chính phủ Syria có quyền giành lại "toàn bộ lãnh thổ của mình".

Tổng thống Putin nêu rõ: "Chính phủ hợp pháp Syria có quyền và cuối cùng phải giành sự kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia của mình". Ông đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của ba nước này là đánh đuổi các phiến quân ra khỏi tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đã lưu ý tới những tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo sự bình thường hóa lâu dài tình hình Syria. Ông nhấn mạnh những quyết định của hai hội nghị thượng đỉnh trước của những nước đảm bảo tiến trình Astana đang được thực thi thành công và sự tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc đảm bảo sự bình thường hóa lâu dài tại Syria.

Theo Tổng thống Putin, có một số lớn người dân thường tại Idlib, điều này phải được lưu tâm khi giao chiến với những phần tử khủng bố. Ông nhấn mạnh tất cả các điều kiện cần thiết đã sẵn sàng để người dân Syria có thể tự quyết định số phận tương lai của họ.

Về phần mình, Tổng thống Iran Rouhani cho rằng cuộc chiến chống "khủng bố" tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria là không tránh khỏi. Ông nhấn mạnh đây là "phần không tránh khỏi của sứ mệnh khôi phục hòa bình và ổn định tại Syria". Ngoài ra, ông cũng cho hay lãnh đạo Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tất cả các phần tử khủng bố ở Idlib ngừng các hành động thù địch và hạ vũ khí.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nhận định tình hình tại Idlib đã ở mức nguy hiểm và khu vực này vô cùng quan trọng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, chiến dịch của quân đội Syria tại tỉnh này có thể dẫn tới thảm họa nhân đạo và Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp nhận thêm những người tị nạn từ Syria. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời kêu gọi hai người đồng cấp Nga và Iran nhất trí về một lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib, nhấn mạnh một hiệp ước sẽ là một "thắng lợi" của hội nghị thượng đỉnh lần này. Ông Erdogan khẳng định hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Tehran này là cơ hội cuối cùng để giải quyết hòa bình vấn đề Idlib trong khuôn khổ tiến trình Astana.

Trước lời kêu gọi trên, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự phản đối một thỏa thuận ngừng bắn tại thành trì hiện đang nằm trong tay nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS), do một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda điều hành. Lý do ông Putin đưa ra là bởi các phiến quân của Mặt trận Nusra và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng cố thủ ở khu vực này không tham gia các cuộc hòa đàm.

Nga và Iran - hai nước ủng hộ Chính phủ Syria, quyết tâm quét sạch các phần tử khủng bố và lập lại hòa bình tại Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thể hiện quyết tâm giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cuộc tổng tấn công trên có thể gây ra một dòng người di cư Syria đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm nơi trú ẩn an toàn, đồng thời cho biết sẽ cố gắng ngăn chặn kế hoạch tổng tấn công trên. Theo nhật báo Sabah, một tờ báo thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã vạch ra một kế hoạch để đề xuất sơ tán các tay súng ra khỏi Idlib nhằm tránh đổ máu.

Kêu gọi Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự…

 
 Nhà lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gặp song phương bên lề Hội nghị.

Mỹ cần chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Syria. Tuyên bố trên được Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra trong bài phát biểu mở đầu cuộc gặp ba bên với hai người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Iran nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng 7 năm qua tại Syria.

Tổng thống Rouhani đã cáo buộc "sự hiện diện và can thiệp bất hợp pháp" của Mỹ tại Syria đã dẫn tới tình trạng mất an ninh kéo dài tại quốc gia Trung Đông này và điều này "cần phải nhanh chóng chấm dứt". Theo ông, cuộc chiến tại Syria vẫn sẽ tiếp tục cho tới khi đánh đuổi hoàn toàn các phiến quân khỏi lãnh thổ nước này, đặc biệt tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, ông đồng thời nhấn mạnh mọi chiến dịch quân sự cần tránh gây thương vong cho dân thường.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan cũng lên tiếng cáo buộc Mỹ hỗ trợ một tổ chức khủng bố tại Syria, đồng thời tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm duy trì sự hiện diện trong khu vực. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp hợp lý đối với tình hình Idlib.

… và chỉ trích các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ

 Thời gian qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân ký giữa Iran và Nhóm P5+1 vào năm 2015. Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng xấu đi sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ vì vai trò của những người này trong vụ bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc mục sư này có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (Cuốc) mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng chỉ trích chính sách cấm vận đơn phương của Mỹ và bày tỏ ủng hộ tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa giữa Tehran và Ankara.

Trong cuộc hội đàm được tổ chức tại Tehran trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ba bên gồm Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thảo luận về tình hình Syria, hai nhà lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Washington. Tổng thống Rouhani cho biết hai nước sẽ tăng cường quan hệ và hợp tác chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo ông, quyết định quan trọng được đưa ra sau cuộc hội đàm là việc sử dụng đồng tiền hai nước trong thương mai song phương thay vì dùng các đồng ngoại tệ khác.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan coi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nước khác là không thể chấp nhận được và kêu gọi phát triển, tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa Ankara với Tehran.

Mặc dù còn có những khác biệt liên quan đến chiến dịch quân sự của quân đội Syria giải quyết vấn đề tỉnh Idlib - thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy, tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh ba bên về vấn đề Syria đã đạt được kết quả quan trọng, ra được Tuyên bố chung nhấn mạnh tới giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, từng bước khôi phục ổn định tại Idlip và giải quyết vấn đề Syria. Các nước cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời, cam kết tăng cường hợp tác với nhau chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ./.