Phòng, chống lao và HIV/AIDS, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Tin: Ngô Quyền Ảnh: Nguyễn Đức
09:05, ngày 09-09-2018
TCCSĐT - Nhằm đạt được mục tiêu cụ thể 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người nhiễm HIV được chẩn đoán được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế), cần sự phối hợp liên ngành, trong đó có vai trò quan trọng của thực hiện chính sách, pháp luật.

Để lắng nghe ý kiến của những người trực tiếp làm về công tác phòng, chống lao và HIV/AIDS trao đổi về những vướng mắc trong triển khai thi hành văn bản pháp luật và các đề xuất sửa đổi văn bản pháp luật về vấn đề này trong thời gian tới, mới đây, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức "Hội thảo thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống lao và HIV/AIDS, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân".

Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, cần dồn tổng lực cho phòng chống AIDS, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết: Hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện (điển hình như sự kiện ở Phú Thọ và các tỉnh được đầu tư của dự án vẫn phát hiện nhiều người nhiễm HIV). Sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp cùng với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trọng điểm tăng cảnh báo nguy cơ đợt dịch mới xuất hiện trong nhóm trẻ. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 là đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS là việc buộc phải làm. Đại dịch HIV không thể tự mất đi nếu không được đầu tư thỏa đáng. Càng đầu tư sớm (khi dịch đang ở giai đoạn tập trung) càng hiệu quả, càng đỡ tốn kém. Đầu tư muộn (khi dịch đã lan ra cộng đồng) sẽ càng tốn kém và hiệu quả không cao. Nếu không được cung cấp tài chính đầy đủ, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại bất cứ lúc nào với tỷ lệ HIV kháng thuốc cao và chi phí tốn kém hơn nhiều lần hiện nay.

Bà Marie Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phòng chống AIDS, nhiều sinh mạng người dân đã được cứu sống. Giai đoạn 2000-2016, Việt Nam đã phòng tránh được gần nửa triệu ca nhiễm HIV, cứu sống được gần 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Bà Marie Odile Emond khuyến nghị, thời gian tới, Việt Nam cần bảo toàn nguồn nhân lực cho phòng chống HIV, bảo đảm cung cấp dịch vụ thân thiện phù hợp cho các nhóm nguy cơ cao có thể dễ dàng tiếp cận trong quá trình thực hiện kiện toàn; đồng thời mở rộng điều trị methadone kể cả trong các cơ sở giam giữ và triển khai can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp.

Hội thảo thống nhất mục tiêu chung của giai đoạn tới là tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu cụ thể 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người nhiễm HIV được chẩn đoán được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế).

Các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng chống HIV/AIDS; kiểm tra thực hiện các chính sách pháp luật về phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư cho phòng chống HIV để đảm bảo bù đắp các thiếu hụt do cắt giảm viện trợ.

Đối với bệnh lao, các đại biểu dự Hội thảo đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 dân, giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống dưới 10/100.000 dân, duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc trong số bệnh nhân mới dưới mức 5%. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Viện phổi Trung ương, để tăng tốc độ giảm nhanh dịch tễ lao, cần áp dụng tối ưu các công cụ hiện có với bao phủ y tế toàn dân và bảo trợ xã hội, đổi mới và nghiên cứu công cụ mới, thuốc mới, vắc xin mới, tiếp cận mới.../.