Tấm lòng của Bác Hồ với đồng bào công giáo

Nguyễn Xuân
11:04, ngày 07-07-2008

Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi người và thường xuyên vun đắp cho khối đại đòan kết tòan dân tộc. Đồng bào công giáo là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đã được Bác Hồ dành cho những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc và sự động viên kịp thời, cụ thể.

Ngay từ những ngày sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, trong hòan cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, với bao công việc bộn bề phải giải quyết, nhưng mỗi dịp Nô-en, Bác đều dành thời gian viết thư gửi cho đồng bào công giáo cả nước.

Trong thư gửi các linh mục và đồng bào công giáo ngày Nô-en đầu tiên sau cách mạng thành công (1946) Bác Hồ viết: “Trong lịch sử Việt Nam lần này là lần đầu tiên đồng bào công giáo ta làm lễ Thiên chúa giáng sinh một cách hoàn toàn vui vẻ trong một nước Việt Nam độc lập.

Tôi chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị giáo mục Việt Nam, đồng bào công giáo sẽ cùng tòan thể đồng bào trong nước cương quyết chiến đấu để giữ vững quyền tự do, độc lập cho Tổ quốc”.

Niềm tin đó của Bác Hồ đã được các giáo dân, các vị linh mục, giám mục trên khắp mọi niềm từ Bắc đến Nam đáp lại với những việc làm cụ thể, thiết thực bằng tấm lòng “kính chúa, yêu nước” của mình. Nhiều linh mục là con em đồng bào công giáo đã hăng hái tham gia đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi năm 1954. Trong đó, có những người đã được Bác Hồ nêu gương, khen thưởng. Chẳng hạn như anh Vũ Hạnh, một thanh niên công giáo ở Hải Phòng đã mưu trí, dũng cảm lập được thành tích trong kháng chiến và sau đó được cử làm tỉnh đội Hải Kiến (Hải Phòng - Kiến An). Hay như Linh mục Lê Văn Yên ở tỉnh Bắc Ninh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, chăm lo xây dựng khối đại đòan kết dân tộc đã được Bác viết thư khen ngợi. Trong thư có đoạn: “Tôi rất vui là được Ủy ban kháng chiến khu III báo cáo rằng ngòai sự làm tròn nhiệm vụ một ủy viên trong Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Ninh, ngài đã luôn luôn ra sức củng cố tinh thần đại đòan kết giữa đồng bào lương và giáo. Ngài luôn luôn tận tâm săn sóc anh em thương binh. Ngài lại không nhận lương phụ cấp. Như thế là ngài đã nêu cao cái gương cần, kiệm, liêm, chính cho mọi người...

Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ khen ngợi ngài. Tôi chắc rằng với những người đại biểu hy sinh kiên nhẫn như ngài thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất độc lập nhất định thành công”.

Sau kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hòan toàn giải phóng, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ về làm việc ở Hà Nội. Mỗi lần có đòan đại biểu các đòan thể, tôn giáo, các địa phương về Hà Nội họp, Bác Hồ đều giành thời gian gặp gỡ, hỏi thăm tình hình mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào các tôn giáo. Bác còn giành thời gian đến thăm hỏi các linh mục, giáo dân ở nhiều nơi như Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tây...

Bác rất vui khi thấy đồng bào lương giáo đoàn kết cùng nhau lao động, sản xuất chăm lo xây dựng cuộc sống mới, thấy con em giáo dân được cắp sách đến trường, bà con giáo dân được chính quyền tạo điều kiện để cải thiện đời sống và bảo đảm tự do tín ngưỡng. Năm 1964, Bác Hồ trong thư gửi hội nghị đại biểu công giáo yêu nước đã viết: “Tôi rất vui lòng thấy đồng bào công giáo các giới hăng hái tham gia mọi công việc xây dựng Tổ quốc. Các cháu công giáo đi học ngày càng đông và tiến bộ. Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hòan toàn đúng. Tôi mong các cụ phụ lão, các vị giám mục, các linh mục khuyến khích tín đồ trong mọi công việc ích nước lợi dân”.

Bác Hồ rất đau lòng khi được biết có những kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đoàn kết lương giáo, làm ảnh hưởng đến lòng yêu nước, kính chúa của giáo dân nước ta. Bác rất căm giận khi được tin kẻ thù xâm phạm tự do tín ngưỡng của đồng bào công giáo, bắn phá nhà thờ ở các nơi như: Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định... và giết hại bà con giáo dân.

Trong một bức thư gửi đồng bào công giáo dịp Nô-en Bác Hồ viết: “Chúng ta ăn tết Nô-en trong sự đau thương vì giặc Pháp tấn công Phát Diệm đã xâm phạm đến đất thánh ta, vì đồng bào công giáo Phát Diệm, Bùi Chu và nhiều nơi khác đang đau khổ dưới gót sắt của giặc Pháp dã man.

Vậy trong tết Nô-en này, chúng ta phải nhớ đến đồng bào trong những nơi ấy. Chúng ta phải đòan kết hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để giải phóng đất Thánh của chúng ta và giải phóng tất cả đất nước của chúng ta”.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta, đồng bào công giáo đã tích cực tham gia cùng đồng bào cả nước làm nên những thành tựu to lớn và những thắng lợi vẻ vang. Nhiều tấm gương của các cá nhân, tập thể địa phương, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau trong đồng bào giáo dân đã xuất hiện và được giới thiệu tên các sách, báo. Bác Hồ luôn theo dõi sát sao những thành tích của mỗi người và Bác đã kịp thời biểu dương, khen thưởng tặng huy hiệu cho bà con. Chẳng hạn như cụ Nguyễn Hữu Tiến, 61 tuổi, giáo dân ở xã Ngọc Liễu, huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc, hay như mẹ Hoạch - người công giáo ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, chị Thường, giáo dân ở Hợp tác xã Minh Khai, tỉnh Thanh Hóa, ông Vinh - giáo dân ở xã Quảng Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Kể cả tấm gương của cụ Hộ ở vùng họ đạo sông Cấm (Nghệ An) thay chồng chở bộ đội qua sông giữa lúc máy bay Mỹ đánh phá; chị Vũ Thị Mến, 19 tuổi giáo dân ở Yên Văn, Ninh Bình cõng học sinh đến lớp học trong hòan cảnh chiến tranh ác liệt cũng đã được Bác Hồ quan tâm và gửi tặng huy hiệu của Người.

Những ngày tháng trước lúc “đi xa”, Bác Hồ vẫn dành thời gian đọc báo “Chính nghĩa” - một tờ báo của đồng bào công giáo để biết những việc làm và thành tích cũng như đời sống của giáo dân ở khắp mọi miền. Những bài viết về thành tích như chị Trần Thị Khoa ở Hưng Nhân (Thái Bình), gia đình cụ Vũ Thế Kỷ ở Hải Thịnh, Hà Nam, hay vợ chồng giáo dân Trần Văn Đức làm việc ở bệnh viện Phát Diệm (Ninh Bình)... đều đã được Bác Hồ đánh dấu đề nghị thưởng huy hiệu của Người.

Có thể nói tình cảm và sự quan tâm của Bác Hồ đối với những người có đạo nói chung, đồng bào công giáo nói riêng rất to lớn. Đó cũng là sự thể hiện cụ thể, nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay./.