Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 15-12 đến 21-12-2008)
1. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
Ngày 15-12-2008, tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Gia-các-ta, In-dô-nê-xi-a, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức Lễ chào mừng Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực sau khi đã được tất cả các nước ASEAN phê chuẩn. Tổng thư ký ASEAN Su-rin Pit-su-van khai mạc và Tổng thống In-dô-nê-xi-a Su-si-lô Bam-bang Y-ut-ho-y-o-no đã đến dự và phát biểu chào mừng. Tổng thống Su-si-lô Bam-bang Y-ut-ho-y-o-no nhiệt liệt hoan nghênh sự kiện Hiến chương ASEAN có hiệu lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến chương trong đời sống khu vực nói chung và hợp tác ASEAN nói riêng. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển mình cơ bản của Hiệp hội sang một giai đoạn mới, trở thành một tổ chức liên chính phủ, có tư cách pháp nhân và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Ngay sau Lễ kỷ niệm, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã họp phiên đặc biệt bàn việc khởi động các cơ chế mới của ASEAN như Cơ quan Đại diện thường trực các nước tại Jakarta, Hội đồng Điều phối, các Hội đồng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng nhấn mạnh Hiến chương có hiệu lực sẽ tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế để gia tăng liên kết khu vực, trước hết là thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
2. Hội thảo Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa
Sáng 15-12-2008, trong khuôn khổ Hội nghị Á - Âu (ASEM) về Đa dạng văn hóa, Hội thảo “Bảo tồn và thúc đẩy tính đa dạng của biểu đạt văn hóa: Chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu” đã khai mạc tại Hà Nội. Dự Hội thảo có các đại biểu đến từ 19 quốc gia ở cả châu Âu và châu Á; từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các đại biểu của Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực văn hóa... Cuộc gặp gỡ này được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề liên quan đến tính đa dạng của biểu đạt văn hóa, bao gồm cả những suy nghĩ về tầm quan trọng của Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và Phát huy tính đa dạng của Biểu đạt văn hóa. Đây là diễn đàn mở để các quan chức cấp cao, những người đưa ra quyết định và các đại diện của xã hội dân sự hoạt động tích cực trong lĩnh vực văn hóa Á - Âu cùng thảo luận. Trong hai ngày hội thảo (15 và 16-12-2008), các đại biểu thảo luận ba nhóm vấn đề chính, liên quan tới tính đa dạng của biểu đạt văn hóa là: Chính sách công về Đa dạng văn hóa: Kinh nghiệm của châu Á và châu Âu; Cân bằng giao lưu văn hóa tại châu Âu và giữa châu Âu với châu Á; Ảnh hưởng của thương mại đối với văn hóa và hành động chung của hai châu lục để phát triển đa dạng văn hóa.
3. ADB hỗ trợ Việt Nam cải thiện chăm sóc y tế và phát triển giáo dục đại học
Ngày 16-12-2008, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết một khoản vay trị giá 72 triệu USD nhằm cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế ở 8 tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, và một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1 triệu USD cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy cải thiện lĩnh vực giáo dục đại học. Dự án Chăm sóc Y tế tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ sẽ giúp cải thiện hệ thống y tế và sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người nghèo, phụ nữ, trẻ em, và người dân tộc thiểu số tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Còn Dự án phát triển giáo dục sẽ giúp thiết lập một khuôn khổ chính sách và quy định cho các trường đại học, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là xây dựng nền giáo dục đại học sáng tạo hơn, có tính cạnh tranh quốc tế và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
4. Đoàn đại biểu Hội đồng dân tộc Quốc hội Việt Nam thăm Cam-pu-chia
Ngày 16-12-2008, Đoàn đại biểu Hội đồng Dân tộc Quốc hội Việt Nam do ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu, thăm chính thức Cam-pu-chia. Trong thời gian ở thăm, Đoàn đã được Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia Hêng Xom-rin đón tiếp thân mật. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị và kinh tế của mỗi nước, về những thành tựu đạt được trong việc thực hiện đường lối và chính sách của hai Đảng và hai Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số ở mỗi nước. Phát biểu tại buổi tiếp đoàn, Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom-rin đánh giá cao chuyến thăm Cam-pu-chia của Đoàn, coi đây là cơ hội tốt thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) và giữa hai Nhà nước. Đoàn đã hội kiến với Phó Thủ tướng Cam-pu-chia Xa Khêng (Sar Kheng) và có cuộc họp trao đổi kinh nghiệm với các đại biểu Quốc hội hai tỉnh Rát-ta-na Ki-ri (Rattana Kiri) và Môn-đôn-ki-ri (Mondolkiri) của Cam-pu-chia về công tác dân tộc thiểu số ở hai tỉnh này.
5. Hội thảo quốc tế về tình đoàn kết Việt Nam - Lào
Ngày 18-12-2008, tại Sầm-nưa, tỉnh Hủa-phăn, diễn ra cuộc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Căn cứ địa Sầm-nưa - biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào”. Cuộc hội thảo đã nhận được 28 bản tham luận của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, các chuyên gia, các nhà khoa học lịch sử của hai nước. Sự ra đời của căn cứ địa này do yêu cầu của liên minh chiến đấu Việt-Lào, chung lưng đấu cật chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của mỗi nước. Kết quả hội thảo đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý báu để chúng ta hoàn thiện biên soạn công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 – 2007) do hai Bộ Chính trị của hai Đảng đồng chủ trì biên soạn.
6. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam
Ngày 18-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4, nhiệm kỳ 2008- 2013. Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam vào công tác ngoại giao Nhà nước, đối ngoại của Đảng và sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đồng chí đề nghị nhiệm kỳ tới, Liên hiệp Hội cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động đối ngoại chung của nhân dân Việt Nam. Quan hệ đối ngoại của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Tổ chức thành viên được mở rộng; Hoạt động đối ngoại của Liên hiệp đổi mới theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, bảo vệ hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; Vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được hơn 1,1 tỉ USD. Đại hội bầu Đoàn Chủ tịch gồm 135 vị. Ông Vũ Xuân Hồng được bầu lại là Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. Đại hội cũng nhất trí lấy ngày 17-11-1950 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội thành lập Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, nay là Uỷ ban Hoà bình Việt Nam là ngày truyền thống của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.
7. Công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2008
Ngày 18-12-2008, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Văn hoá thế giới (UNESCO) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2008. Hằng năm, kể từ năm 1978, UNFPA xuất bản Báo cáo tình trạng dân số thế giới và công bố Báo cáo này tại 110 quốc gia. Mỗi năm, Báo cáo tập trung vào một chủ đề khác nhau, và chủ đề của năm nay là: Tiến tới nền tảng chung “Văn hoá, giới và quyền con người”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến quyền của phụ nữ trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, với ý nghĩa quyền sức khoẻ sinh sản là cần thiết đối với hạnh phúc của phụ nữ, hạnh phúc của gia đình, của cộng đồng và của toàn xã hội. Báo cáo cũng đi kèm với phụ san dành cho thanh niên với chủ đề “Thanh niên và vấn đề văn hoá”, trong đó nhấn mạnh: “Hãy hướng tới thanh niên để thay đổi văn hoá. Các chương trình phát triển nên hỗ trợ thanh niên để họ có thể phát triển hết tiềm năng của mình”.
8. Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh
Ngày 19-12-2008, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh. Tượng đài làm bằng đá gra-nít, cao 8 m (phần tượng cao 4 m), đặt tại Công viên 18-10, thị xã Cam Ranh. Công trình được khởi công từ năm 2006, nhân dịp Khánh Hòa tổ chức kỷ niệm 60 năm (18-10-1946 - 18-10-2006), ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ Pháp trở về Việt Nam trên tàu Đuy-mông Đuyếc-vin theo lời mời của Cao ủy Pháp Đắc-giăng-li-ơ để hội kiến với Cao ủy và Tướng Mô-li-e việc thực hiện Tạm ước 14-9. Tượng đài thể hiện lòng biết ơn vô hạn, niềm vinh dự lớn lao của nhân dân Khánh Hòa được đón nhận tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
9. Uỷ ban Đoàn kết công giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2008
Ngày 19-12-2008, Nhân dịp Giáng sinh năm 2008, Uỷ ban đoàn kết công giáo Việt Nam đã tổ chức họp mặt mừng Giáng sinh với sự tham dự của đoàn cán bộ Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm dẫn đầu. Những năm gần đây, lễ Giáng sinh không chỉ là lễ trọng, là ngày vui của đồng bào công giáo mà đã dần trở thành ngày vui chung của đồng bào cả nước. Chủ tịch Huỳnh Đảm đánh giá cao sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng bào công giáo và đạo Tin Lành Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; và bày tỏ sự tin tưởng đồng bào Ki-tô hữu Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tại buổi gặp mặt, Linh mục Nguyễn Công Danh khẳng định, sẽ động viên bà con giáo dân luôn “Kính chúa, yêu nước”, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động...
10. Giải thưởng Sách Việt Nam 2008
Ngày 21-12-2008, tại Hà Nội, Hội xuất bản Việt Nam chủ trì tổ chức Lễ trao giải thưởng “Sách Việt Nam 2008”. Đây là năm thứ tư Giải thưởng Sách Việt Nam được tổ chức nhằm khuyến kích sự phát triển của ngành xuất bản, đẩy mạnh văn hoá đọc, tạo thêm nhiều xuất bản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong nước. Năm 2008 có 35 nhà xuất bản gửi sách xét dự giải với 357 cuốn. Kết quả đã có 44 cuốn đoạt giải Sách hay, 40 cuốn đoạt giải Sách đẹp. Trong khi Nhà xuất bản Giáo dục chiếm ưu thế ở mảng Sách hay (với 8 giải) thì ở mảng Sách đẹp, Nhà xuất bản Kim Đồng đoạt nhiều giải nhất với 3 giải, kế đến là Nhà xuất bản Trẻ (2 giải)./.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 23 (11-2008)  (23/12/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 22-12 đến 28-12-2008)  (23/12/2008)
Thuận và nghịch trong quan hệ Mỹ - EU - Trung Quốc  (23/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay