Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20
06:18, ngày 06-09-2010
Sáng 3-9, giờ địa phương (ngày 4-9, giờ Việt Nam), Hội nghị tham vấn chính sách giữa Nghị viện các nước thành viên Nhóm các nước phát triển và mới nổi - G20 (Hội nghị tham vấn Chủ tịch Quốc hội các nước G20) và khách mời đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Ốt-ta-oa của Ca-na-đa, với sự tham dự của các Ðoàn đại biểu Nghị viện từ 22 nước và Nghị viện châu Âu. Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.
Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa Nô-en A.Kin-sơ-la nhiệt liệt chào mừng các Ðoàn đại biểu tham dự Hội nghị; mong muốn các đại biểu thảo luận, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tập trung vào ba chủ đề cơ bản, gồm: những chiến lược hợp tác toàn cầu đáp ứng yêu cầu sản xuất và phân phối lương thực; hình mẫu mới về hòa bình và an ninh lương thực; các mô hình tài chính và kinh tế thúc đẩy ổn định kinh tế toàn cầu.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Hội nghị lựa chọn chủ đề "Phối hợp chiến lược đáp ứng nhu cầu về sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm" là một trong những trọng tâm thảo luận; tin tưởng những giải pháp và khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị về đáp ứng nhu cầu sản xuất, phân phối lương thực sẽ là sự đóng góp thiết thực của nghị viện các nước G20 vào tiến trình hợp tác G20, cũng như giải quyết thách thức toàn cầu về bảo đảm an ninh lương thực. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong những năm qua, an ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, được thảo luận rộng rãi tại nhiều diễn đàn và hội nghị quốc tế quan trọng, trong đó có các Hội nghị cấp cao G20. Tuy nhiên, những nỗ lực này đến nay vẫn chưa hoàn toàn đem lại kết quả như mong muốn. Giá lương thực tăng cao và khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua khiến nạn nghèo đói, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu, cản trở việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các nước cần hành động quyết liệt hơn nữa, trước hết là đẩy mạnh thực thi các cam kết cũng như các chương trình hành động cấp quốc gia và quốc tế về an ninh lương thực. Với chức năng lập pháp, các cơ quan nghị viện G20 cần đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Tại mỗi quốc gia, các cơ quan nghị viện cần phối hợp chặt chẽ với chính phủ xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình hành động quốc gia về an ninh lương thực, trong đó chú trọng tạo thuận lợi cho sản xuất và phân phối lương thực, thông qua việc tạo động lực và bảo đảm lợi ích người sản xuất, tăng đầu tư để tăng sản lượng và chất lượng lương thực, xây dựng hệ thống phân phối lương thực ổn định, nâng cao khả năng tiếp cận lương thực của người dân, lồng ghép bảo đảm an ninh lương thực với đối phó thách thức về biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong công cuộc đổi mới kinh tế được khởi xướng từ năm 1986, Việt Nam đã áp dụng thành công chính sách khuyến nông, trong đó đặc biệt chú ý trao quyền sử dụng ruộng đất và phương tiện sản xuất lâu dài cho người nông dân, cho phép họ được chủ động trong cả sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ theo cơ chế thị trường, không có sự áp đặt về giá cả, số lượng. Ðó là sự giải phóng có ý nghĩa lớn đối với sản xuất nông nghiệp, giúp Việt Nam chỉ sau hơn một năm đã giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu lương thực và từ năm 1989 đến nay liên tục nằm trong danh sách các nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, nhất là xuất khẩu gạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vấn đề được nhiều nước quan tâm hiện nay là đẩy mạnh tự do hóa thương mại nông sản nhằm cải thiện phân phối lương thực một cách hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. G20 và cộng đồng quốc tế cần có các hành động cụ thể hơn nữa, nhằm cắt giảm tối đa hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, xóa bỏ ngay và không điều kiện các khoản trợ cấp khổng lồ mà các nước phát triển dành cho nông nghiệp trong nước. Các cơ quan nghị viện các nước G20 phối hợp chính phủ các nước thành viên đi đầu trong các nỗ lực đẩy nhanh tiến trình thương lượng để có thể sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha. Việc cải tổ và mở rộng chức năng, tăng cường quyền lực cho Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hết sức cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả điều phối hỗ trợ các hoạt động liên quan định hướng, sản xuất, phân phối lương thực trên toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề xuất Hội nghị ủng hộ FAO thành lập một cơ chế cảnh báo sớm nhằm phát hiện khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực, từ đó có các giải pháp ứng phó hữu hiệu và kịp thời.
Nhằm bảo đảm an ninh lương thực thật sự cho các nước, nhất là các nước đang phát triển thu nhập thấp, dân số đông, Việt Nam đề nghị cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia thành viên G20, tạo mọi điều kiện hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Bắc-Nam và hợp tác Nam-Nam. Việt Nam đang triển khai thành công hợp tác nông nghiệp với một số nước châu Phi theo mô hình 2+1. Nếu nhận được sự hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ là các nước phát triển hay các tổ chức quốc tế thì mô hình này có thể được nhân rộng, góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu lương thực của nhiều quốc gia. Chủ tịch QH đề nghị thiết lập và duy trì thường xuyên các cơ chế đối thoại và tham vấn giữa nghị viện và chính phủ các nước G20 để nâng cao hiệu quả thực thi các quyết sách quan trọng của G20 về các vấn đề kinh tế và phát triển, trong đó có bảo đảm an ninh lương thực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo sáng kiến của Việt Nam, cuộc gặp cấp cao chính thức lần đầu giữa Hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các nước Ðông - Nam Á (AIPA) với lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN đã được tổ chức vào tháng 4-2010, tại Hà Nội. AIPA đã thông qua Nghị quyết về việc thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên hơn với ASEAN, nhằm phát huy vai trò của AIPA trong việc thúc đẩy phê chuẩn và giám sát thực thi các hiệp định, thỏa thuận trong ASEAN hướng tới mục tiêu liên kết và phát triển của khu vực. QH Việt Nam cũng như các nước ASEAN đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20; mong muốn tiếp tục duy trì các hoạt động tham vấn và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề cùng quan tâm với nghị viện các nước G20.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Pắc Hi Tê, nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao G20 vào cuối năm nay, cũng bày tỏ ủng hộ ba chủ đề chính của hội nghị; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của G20 trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu và là động lực tạo ra một trật tự kinh tế thế giới mới. Ông Pắc Hi Tê cho rằng, Hội nghị tham vấn cần trở thành một hoạt động thường xuyên, cho phép đưa ra mô hình trao đổi thông tin và hợp tác giữa nghị viện các nước trên toàn cầu. Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phát triển nông nghiệp, hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp...
* Chiều cùng ngày (theo giờ địa phương), tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Pắc Hi Tê, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng và tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc; tin tưởng rằng trong thời gian tới, quan hệ giữa hai Quốc hội sẽ không ngừng được củng cố và phát triển. Chủ tịch khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hàn Quốc, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Hàn Quốc đăng cai Hội nghị cấp cao G20 vào tháng 11 tới; tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ làm tốt vai trò nước chủ nhà; cảm ơn Hàn Quốc mời Việt Nam dự Hội nghị G20 với tư cách Chủ tịch ASEAN, coi đây là sự ủng hộ đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hy vọng hai bên sẽ tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương; mong muốn Quốc hội Hàn Quốc, với tư cách là đối tác đối thoại của AIPA, sẽ tiếp tục ủng hộ Quốc hội Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch AIPA, tổ chức thành công Ðại hội đồng AIPA-31 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Pắc Hi Tê chúc mừng những thành tựu phát triển của Việt Nam và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng này trong tương lai. Chủ tịch Quốc hội Pắc Hi Tê khẳng định, Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có quan hệ giữa hai Quốc hội, ngày càng phát triển; mong muốn sự giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới./.
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma sẽ đưa ra một số ý tưởng kinh tế mới  (04/09/2010)
Châu Phi bắt đầu phát triển nông nghiệp toàn diện  (04/09/2010)
Việt Nam thúc đẩy sáng kiến vì an ninh lương thực  (04/09/2010)
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện đường lối Đại hội X, hướng tới thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng  (04/09/2010)
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2010  (04/09/2010)
Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Mô-dăm-bích  (03/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay