TCCSĐT - Những tiến triển ít ỏi đạt được tại vòng đàm phán mới nhất giữa 3 quốc gia Canada, Mexico và Mỹ nhằm duy trì Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - một trong những hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và lâu đời nhất trên thế giới - đang khiến các bên phải “chạy đua với thời gian” khi mà 3 nước từng đặt “thời hạn chót” kết thúc đàm phán là vào tháng 3.

NAFTA - tương lai khó đoán định

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: CNN Money

Cho tới nay, các bên tham gia đàm phán vẫn còn chia rẽ sâu sắc về một số vấn đề như các quy định về tỷ lệ nội địa hóa của mặt hàng ô tô, các cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng như các vấn đề khác. Đặc biệt, một loạt yêu cầu gây tranh cãi của Mỹ, như “điều khoản hoàng hôn” cho phép NAFTA tự động hết hạn sau 5 năm trừ khi được các bên nối lại, tiếp tục gây bế tắc cho cả 6 vòng đàm phán đã diễn ra, đồng thời khiến 2 vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến ở Mexico City cuối tháng 02 và ở Washington vào tháng 3, trở nên đặc biệt khó khăn.

Viễn cảnh NAFTA “đổ vỡ” sau 25 năm tồn tại cũng đang khiến Canada phải “tăng tốc” những nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận. Đối với kinh tế Canada, NAFTA là một hiệp định thương mại rất quan trọng. Thủ tướng Canada J. Trudeau thừa nhận: “Nền kinh tế của chúng ta phát triển trong suốt 25 năm qua nhờ có NAFTA”. Chỉ cần đưa ra con số 75% kim ngạch xuất khẩu của Canada, tương đương 20% GDP của nước này, là sang thị trường Mỹ, cũng đủ nói lên tất cả. Không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế, thị trường việc làm tại Canada cũng chịu tác động mạnh khi ước tính Canada sẽ mất trên 1,2 triệu việc làm trong 5 năm đầu tiên khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận và tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của Canada. Nhất là khi hơn 25% số công ty Canada đang cân nhắc chuyển trụ sở sang Mỹ trong trường hợp đàm phán NAFTA thất bại.

Tuy nhiên, tại Mỹ, Thủ tướng J. Trudeau cũng thể hiện sự cứng rắn khi khẳng định, Canada sẵn sàng rút khỏi NAFTA nếu đàm phán lại không đạt được một thỏa thuận mà ông có thể chấp nhận được. Thủ tướng Canada tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không gượng ép chấp nhận bất kỳ thỏa thuận cũ nào, và với Canada việc không đạt được thỏa thuận nào còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi”. Theo các nhà quan sát, tuyên bố cứng rắn này của Thủ tướng J. Trudeau cũng là chiến lược đàm phán thương mại tự do của chính phủ Canada. Trong khi đó, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy, Tổng thống Mỹ D. Trump sẽ nhượng bộ trong vấn đề NAFTA. Về phần Mexico, nước này khẳng định sẵn sàng rút khỏi NAFTA nếu đây không phải thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên.

Tất cả những gì diễn ra dự báo 2 vòng đàm phán NAFTA sắp tới sẽ còn nhiều sóng gió. Trong bối cảnh chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là chiến dịch bầu cử tổng thống của Mexico sẽ bắt đầu và bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra cuối năm nay, nếu 3 nước thành viên không đạt được tiến triển trong một vài tuần tới để có thể hướng đến một hiệp định NAFTA được hiện đại hóa thì tương lai của NAFTA khó có thể đoán định.

Hàn gắn quan hệ với các đồng minh Trung Đông

 
 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: RFE/RL

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa kết thúc chuyến thăm 5 nước Trung Đông (Ai Cập, Kuwait, Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ) trong 6 ngày từ 11 đến 16-02-2018. Diễn ra chỉ chưa đầy 1 tháng sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ M. Pence tới 3 nước khu vực là Ai Cập, Jordan và Israel, việc các quan chức cấp cao Mỹ liên tục đến Trung Đông trong thời gian ngắn cho thấy, “điểm nóng” này vẫn nằm trong lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ.

Đặc biệt, trong bối cảnh những thay đổi địa - chính trị tại Trung Đông thời gian qua đang đặt ra nhiều thách thức lớn, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump cũng đang triển khai chính sách mới gây nhiều tranh cãi tại khu vực quan trọng này, Washington có vẻ đang từng bước “cụ thể hóa” chính sách mới và định hình rõ hơn vai trò của Mỹ trong khu vực.

Cuộc chiến chống khủng bố vẫn là một trọng tâm chủ yếu trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông, nhưng các đồng minh chống khủng bố của Mỹ tại khu vực đang theo đuổi những mục tiêu riêng, khiến những nỗ lực chống khủng bố cực đoan có nguy cơ bị chệch hướng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuy đã bị đánh bại về mặt quân sự tại Iraq và Syria, nhưng tàn dư của chúng vẫn còn lẩn trốn tại nhiều nơi, vẫn có khả năng tiến hành các vụ tấn công khủng bố dạng “con sói đơn độc” nhằm vào Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, các đồng minh khu vực của Mỹ tham gia liên minh chống khủng bố đang theo đuổi các lợi ích đơn phương, không ít trong số đó đã và đang trong tình trạng đối đầu, như xung đột giữa người Kurd ở Iraq và chính quyền trung ương Iraq, người Kurd ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ… Do vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng R. Tillerson nhằm tiếp tục củng cố liên minh chống khủng bố Hồi giáo cực đoan, cũng như bàn vấn đề tái thiết các khu vực đã bị phá hủy trong cuộc chiến chống IS vừa qua để ngăn chặn IS tái trỗi dậy.

Mặt khác, Ngoại trưởng R. Tillerson cũng sử dụng chuyến công du Trung Đông này để hàn gắn quan hệ Mỹ - Arab, thúc đẩy kế hoạch hòa bình giải quyết xung đột Israel - Palestine. Một mục tiêu khác của chuyến thăm là hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đã leo thang tới “giai đoạn nguy hiểm” sau hàng loạt sự kiện, từ mâu thuẫn liên quan âm mưu đảo chính bất thành lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi năm 2016, tới bất đồng xung quanh vai trò của Các lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) ở Syria, nhóm vũ trang được Washington coi là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, song bị Ankara xem là khủng bố. Kế hoạch của Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới gồm 30.000 tay súng chủ yếu là người Kurd Syria để bảo vệ khu vực Đông Bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ như “giọt nước tràn ly”, khiến Ankara phát động chiến dịch quân sự “Nhành Olive” nhằm vào tỉnh Afrin của Syria do YPG kiểm soát.

Như vậy, chuyến công du của Ngoại trưởng R. Tillerson tới Trung Đông lần này chủ yếu phục vụ mục đích chuyển tải thông điệp của Mỹ về việc tiếp tục duy trì các cam kết đối với các đồng minh khu vực, điều này có nghĩa là chuyến thăm có ý nghĩa hàn gắn quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia đồng minh khu vực hơn là tìm ra được giải pháp giải quyết các vấn đề nóng tại Trung Đông, vốn phần nào là hệ quả từ chính sách của Mỹ đối với khu vực trong thời gian qua.

Pháp: Kinh tế tư nhân tạo ra hơn 250.000 việc làm mới trong năm 2017

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Cơ quan thống kê Pháp (INSEE) vừa công bố báo cáo cho biết trong quý IV/2017, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 53.300 việc làm mới, tăng 0,3% so với quý III. Tính cả năm 2017, 253.500 việc làm mới đã được tạo ra, tăng 1,3% so với năm trước đó, đưa tổng số lao động trong khu vực kinh tế này lên mức kỷ lục 19,27 triệu người.

Cụ thể, dịch vụ thị trường có mức tăng lớn nhất (+ 1,9% so với năm trước) và trở thành động lực thúc đẩy cho cả khu vực kinh tế tư nhân. Ngành này đã tạo ra 178.000 việc làm trong năm 2017, chưa kể 45.500 việc làm tạm thời. Lần đầu tiên kể từ 2008, ngành xây dựng đã ghi nhận “màu xanh” trong lĩnh vực tạo việc làm, với 21.300 vị trí mới. Ngành nông nghiệp cũng đã tạo ra 5.800 việc làm. Ngược lại, trong ngành công nghiệp, 10.100 lao động đã mất việc trong năm 2017.

Trước đó, theo số liệu sơ bộ của INSEE công bố ngày 17-8-2017, trong quý II/2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã giảm 0,1% xuống còn 9,5%, bằng mức được ghi nhận hồi đầu năm 2012 trước khi ông Francois Hollande trở thành Tổng thống Pháp nhiệm kỳ trước. Cụ thể, tại Pháp có khoảng 2,81 triệu người thất nghiệp, giảm 20.000 người so với quý trước đó và 140.000 người so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong cùng giai đoạn với 3,48 triệu người. Ngoài ra, các số liệu cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng đáng kể trong khu vực tư nhân.

Theo các nhà phân tích, khó có thể có câu trả lời cho việc liệu tỷ lệ thất nghiệp có giảm trong năm 2018. Tuy nhiên Bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud tỏ ra lạc quan và mong đợi tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm vào cuối năm 2018 và trong năm 2019, nhờ các cải cách cơ cấu mà chính phủ đang thực hiện. Theo số liệu của Cơ quan việc làm Pháp, năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,3% so với năm trước đó.

Một dấu hiệu tích cực được ghi nhận đầu năm 2018: số doanh nghiệp mới thành lập tăng 3,6% trong tháng 01, sau khi giảm 1,5% vào tháng 12-2017. Theo Insee, số các doanh nghiệp quy mô nhỏ thành lập trong tháng 01-2018 đã tăng 9,1% so với tháng 12-2017, và tăng 10,5% trong 12 tháng. Các ngành vận tải và kho bãi được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển này, tiếp theo là kinh doanh bất động sản và hỗ trợ doanh nghiệp.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

 
 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Gettyimages

Ngày 14-02, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận các quan ngại của Washington về các kế hoạch mới của Liên minh châu Âu (EU), làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng giữa các nước thành viên, cũng như mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chương trình, các bộ trưởng tập trung thảo luận về quan hệ hợp tác giữa NATO và EU cũng như các nỗ lực mà châu Âu đã và đang thực hiện trong lĩnh vực quốc phòng; thỏa thuận hợp tác quốc phòng PESCO giữa các nước châu Âu bao gồm các dự án nhằm phát triển thiết bị quân sự mới, cải thiện hợp tác và ra quyết định liên quan đến phòng thủ. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis cho biết, Washington lo ngại một số sáng kiến được đề xuất trong khuôn khổ PESCO có nguy cơ “rút nguồn vốn và năng lực khỏi NATO”. Bất chấp các lo ngại trên, Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg tin tưởng rằng, các bên sẽ đạt được sự cân bằng thỏa đáng về việc chia sẻ gánh nặng giữa châu Âu và Bắc Mỹ.

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên quan trọng nhất trong liên minh xuyên Đại Tây Dương này, vốn đang tranh cãi về chiến dịch “Nhành Ô liu” do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở miền Bắc Syria cũng là chủ đề được quan tâm. Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson ngày 13-02 cảnh báo tranh cãi này có thể làm chệch hướng cuộc chiến chống IS. Nhận định về vấn đề trên, Tổng Thư ký NATO R. Stoltenberg cho rằng, những quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ là “chính đáng” vì không đồng minh NATO nào khác phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn Thổ Nhĩ Kỳ, song nước này cần hành động một cách phù hợp. Phát biểu với báo giới, ông R. Stoltenberg lưu ý, có những cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ứng phó với những thách thức mà chúng ta thấy tại Bắc Syria, song NATO không hiện diện trên thực địa.

Về việc hiện đại hóa cơ cấu chỉ huy của NATO, các bộ trưởng quốc phòng bàn thảo để thông qua việc thành lập một đơn vị chỉ huy của lực lượng liên quân chủng trên biển Đại Tây Dương cùng một đơn vị chỉ huy để hỗ trợ cho việc di chuyển lực lượng và vận chuyển khí tài được dễ dàng hơn tại châu Âu. Hội nghị cũng tập trung thảo luận về vị thế răn đe và thực trạng quốc phòng của NATO cùng vai trò của khối trong việc duy trì ổn định và chống khủng bố. Tổng Thư ký NATO bày tỏ tin tưởng, các bộ trưởng quốc phòng nhất trí ủng hộ kế hoạch đào tạo tại Iraq để nhiệm vụ này có thể được chính thức ra mắt tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức vào tháng 7 tới. Theo ông R. Stoltenberg, NATO hiện đã có sẵn một đội huấn luyện ở quy mô nhỏ cho các sĩ quan Iraq, song việc thiết lập một sứ mệnh sẽ giúp các nỗ lực huấn luyện hiện nay của NATO trở nên bền vững hơn. Tổng Thư ký NATO đồng thời nhấn mạnh các bộ trưởng đang lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện của liên minh tại Iraq nhưng không có ý định xây dựng một nhiệm vụ chiến đấu tại đây. Lưu ý rằng, 98% lãnh thổ IS chiếm giữ tại Iraq và Syria đã được giải phóng, nhà lãnh đạo NATO khẳng định điều vô cùng quan trọng hiện nay là ổn định đất nước sau khi kết thúc các hoạt động chiến đấu.

Khủng hoảng nước sinh hoạt do quản lý thiếu hiệu quả

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Thế giới có nguồn nước ngọt dồi dào song phân bổ không đồng đều và quản lý thiếu hiệu quả. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn báo cáo từ các cơ quan của Liên hợp quốc đưa ra nhận định trên sau khi Nam Phi ngày 13-02 tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” do nhiều địa phương trên cả nước rơi vào tình trạng không có nước sinh hoạt.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm thế giới có khoảng 42.800 tỷ m3 nước ngọt đến từ nguồn nước mưa, nguồn nước bề mặt Trái Đất (sông, suối, ao, hồ...) hay nước ngầm, tương đương 16,216 lít/người/ngày. Trong khi đó, một người trung bình cần khoảng 2 - 5 lít nước/ngày cho nhu cầu nước uống, canh tác và vệ sinh. Tuy nhiên, trong số liệu gần đây nhất vào năm 2014, FAO cho biết, trên thế giới có 45 quốc gia đang rơi vào cảnh thiếu nước (ít hơn 1.000 m3 nước/người/năm), trong đó 29 quốc gia thiếu nước trầm trọng (ít hơn 500 m3 nước/người/năm).

Theo Liên hợp quốc, các cuộc khủng hoảng nước trên thế giới chủ yếu do quản lý yếu kém. Cơ quan này kêu gọi chính phủ các nước thay đổi phương thức sử dụng, quản lý và chia sẻ nước ngọt theo hướng hiệu quả hơn. Liên hợp quốc cho biết nhu cầu sử dụng nước ngọt toàn cầu đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1964 - 2014 do dân số tăng, đô thị hóa, công nghiệp hóa, sản xuất và tiêu dùng tăng. Nhu cầu nước ngọt tại các thành phố được dự đoán sẽ tăng 50% vào năm 2030. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, khan hiếm nguồn nước do biến đổi khí hậu có thể giảm tới 6% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một số khu vực, đẩy nhanh làn sóng di cư và châm ngòi các xung đột. Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo với nhiệt độ thế giới đang ngày một ấm lên, hạn hán cũng sẽ xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn, đặc biệt tại các vùng khô./.