Tạo “cú hích” trong bảo đảm an sinh xã hội
TCCSĐT - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều đến thăm hỏi, trao quà tặng người có công, hộ nghèo, gia đình chính sách, các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ... ở khắp mọi miền Tổ quốc. Các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cũng có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ, động viên các đối tượng chính sách, để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết vui hơn, đầm ấm hơn. Đây là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng
Ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong mối tương quan hài hòa, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế. Công tác này không chỉ được thực hiện ở cấp có thẩm quyền mà còn thể hiện rõ vai trò của cộng đồng xã hội trong việc bảo đảm an sinh theo tinh thần xã hội hóa, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm các điều kiện sống.
Thời gian qua, thể chế chính sách về ưu đãi người có công và bảo đảm an sinh xã hội từng bước được hoàn thiện. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước”, “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác” (Điều 59). Các vấn đề khác về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở... cũng được đề cập trong một số điều của Hiến pháp. Hệ thống luật pháp được hoàn thiện với một loạt Luật, văn bản dưới Luật được ban hành trong từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã mở ra cơ chế mới trong quản lý, vận hành cơ sở cung cấp dịch vụ công.
Về cơ bản, Ngân sách Trung ương đã cân đối, bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Kinh phí thực hiện chính sách theo Pháp lệnh người có công tăng đều qua các năm. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước còn phân bổ thêm kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở và thông qua các đề án khác.
Hiện, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, trong đó có khoảng 1,463 triệu đối tượng và thân nhân được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng qua các năm cùng với lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu, đến nay là hơn 1,4 triệu đồng, cao hơn 28% so với 2012.
Đến giữa năm 2017, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 116.967 hộ gia đình người có công (61.080 hộ xây mới, 55.887 hộ sửa chữa), đang triển khai hỗ trợ cho 6.787 hộ, vượt 43.754 hộ so với kế hoạch ban đầu và vượt mục tiêu Nghị quyết 15. Một số địa phương đã chủ động kinh phí từ nguồn ngân sách để xây nhà ở như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... Để chuẩn bị cho giai đoạn 2, hiện, 63 tỉnh, thành phố đã lập, phê duyệt đề án, rà soát, điều chỉnh số liệu người có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở. Với trách nhiệm của Nhà nước, sự chung tay góp sức của cộng đồng, nỗ lực vươn lên của người có công và gia đình, 98,5% gia đình người có công đã đạt được mức sống bằng và trên mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn nơi cư trú.
Hệ thống chính sách giảm nghèo bền vững, bảo trợ xã hội được ban hành theo hướng mở rộng diện đối tượng thụ hưởng, tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội, tiến tới bảo đảm mức thu nhập tối thiểu và ổn định cuộc sống của các đối tượng yếu thế. Cơ chế thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được đổi mới từ việc thực hiện phân bổ vốn trung hạn, tăng cường phân cấp trao quyền, ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, tạo sự minh bạch, chủ động cho các địa phương trong phân bổ, xây dựng kế hoạch giảm nghèo. Hướng tiếp cận mới của trợ giúp xã hội, coi đầu tư trợ giúp xã hội là đầu tư cho tăng trưởng bền vững, giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Trợ giúp xã hội lấy con người là trung tâm, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả, thân thiện trong tiếp cận. Tổng hợp sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cuối năm 2017 giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 5%). Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ cho trên 2,7 triệu đối tượng bảo trợ với kinh phí thực hiện gần 15 nghìn tỷ đồng... Các cấp có thẩm quyền đã thực hiện trợ cấp bằng tiền mặt và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2,73 triệu đối tượng chiếm gần 3% dân số, trong đó có hơn 1,6 triệu người cao tuổi, trên 900 nghìn người khuyết tật, 216 nghìn trẻ em, còn lại là các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
Việc bảo đảm việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch tối thiểu được quan tâm thực hiện. Ngân sách Trung ương đã bố trí khoảng 2.200 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng. Phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến cấp trung học cơ sở. Đến ngày 31-10-2017, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88.2%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 49,8%. Bên cạnh đó, chương trình đã chú trọng đến người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, với tỷ lệ người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 70%, hộ gia đình nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt gần 40%...
Tích hợp các chính sách
Để bảo đảm tốt các chính sách về an sinh xã hội, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị 14/CT-TW, trong đó, tập trung xây dựng Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công định cư ở nước ngoài, Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, tập trung xử lý các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công , đặc biệt đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu, các bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chính sách tín dụng ưu đãi cho người lao động thuộc các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm, An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm lao động yếu thế.
Các bộ, ngành liên quan cũng tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua “Không ai bị bỏ lại phía sau”; đẩy nhanh rà soát, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao... Đồng thời, các bộ, ngành sẽ hoàn thiện Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào tháng 5-2018.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP, để bảo đảm an sinh xã hội bền vững, các bộ ngành cần chú trọng nâng cao chất lượng việc làm theo hướng bền vững, tăng năng suất lao động. Trước hết, cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, tạo ra nhiều doanh nghiệp, tạo việc làm; đổi mới công nghệ; đào tạo nhân lực; quan tâm đến các yếu tố năng suất tổng hợp, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội hiện hành, hệ thống hóa, tích hợp chính sách theo hướng tinh gọn, tập trung, tránh dàn trải.
Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; củng cố y tế cơ sở, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, trước hết là đối tượng chính sách, người cao tuổi phải được khám định kỳ theo đúng quy định của Luật Người cao tuổi.
Công tác giáo dục - đào tạo cần huy động toàn xã hội tham gia, tập trung hỗ trợ giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, theo hướng đi vào trọng tâm, tăng cường cơ hội học tập cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, con em các hộ nghèo, gia đình chính sách, có cơ chế bán trú cho học sinh. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhất là giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn; tạo được “cú hích” về hạ tầng xã hội (nhà ở, trường học...) tại các khu công nghiệp.
Việc bảo đảm an sinh xã hội cần huy động được sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, góp phần ổn định, đồng thuận xã hội để phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Tiếp tục đà phát triển của mối quan hệ láng giềng Việt Nam - Campuchia  (14/02/2018)
Thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh  (14/02/2018)
Quan hệ Ấn Độ - ASEAN: 25 năm một chặng đường  (14/02/2018)
Những dự báo xuyên thời đại của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về văn hóa trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản  (14/02/2018)
Những dấu ấn đậm nét trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc  (14/02/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên