Cần những nhượng bộ cần thiết để tạo bước đột phá mới trong đàm phán NAFTA
TCCSĐT - Sau đúng một tuần đàm phán căng thẳng với nhiều tín hiệu trái chiều, cuộc đàm phán vòng 6 về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico đã chính thức khép lại với việc 3 nước đạt được một số tiến bộ nhất định trong đàm phán nhưng không thể ra được tuyên bố chung. Việc đạt kết quả khiêm tốn khiến tiến trình thương lượng lại hiệp định 24 năm tuổi này có thể kéo dài hơn dự kiến.
Kết quả khiêm tốn
Tại cuộc đàm phán vòng 6 về NAFTA giữa Mỹ, Canada và Mexico diễn ra từ ngày 23 đến ngày 29-01-2018 ở thành phố Montreal của Canada, Ngoại trưởng Canada C. Freeland, Đại diện Thương mại Mỹ R. Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico I. Guajardo đã thảo luận về hàng loạt vấn đề như 4 nguyên lý của thương mại tiến bộ bao gồm giới, lao động, môi trường, các vấn đề về người bản địa và các tiêu chuẩn lao động của Mexico, các giải pháp chống tham nhũng, bảo đảm an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ sản phẩm, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp dệt may, đầu tư, dịch vụ tài chính, viễn thông, hàng hoá, rào cản kỹ thuật trong thương mại, kỹ thuật về năng lượng, sở hữu trí tuệ, kiểm dịch động thực vật. Đặc biệt, việc Mỹ đề nghị tăng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành sản xuất ôtô từ 62,5% hiện nay lên 85%, trong đó tỷ lệ nội địa Mỹ ít nhất là 50%, mở rộng quyền tiếp cận với các hợp đồng mua sắm chính phủ, loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp trong NAFTA và xác lập thời hạn đánh giá lại hiệp định sau mỗi 5 năm cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán lần này.
Kết thúc đàm phán, 3 nước Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong đàm phán nhưng không thể ra được tuyên bố chung. Tại cuộc họp báo chung sau vòng đàm phán NAFTA thứ 6, Ngoại trưởng Canada C. Freeland, Đại diện Thương mại Mỹ R. Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico I. Guajardo đều khẳng định cam kết cần tiếp tục thảo luận về hiện đại hóa NAFTA nhằm thúc đẩy thương mại công bằng và bền vững. Tại vòng đàm phán lần này, các bên đã hoàn tất đàm phán về chương trình chống tham nhũng, đạt được bước tiến trong một số lĩnh vực khác và quan trọng nhất là đã khởi động cuộc thảo luận về những vấn đề gây tranh cãi nhất. Ngoài ra, các bên cũng nhất trí sẽ tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo ở Mexico City và Washington trong 2 tháng tới, tăng thêm một vòng so với kế hoạch ban đầu.
Trong vai trò nước chủ nhà, Ngoại trưởng Canada C. Freeland cho biết các bên đã rất cố gắng để đạt được tiến bộ tại vòng đàm phán lần này, nhất là sau khi Canada đưa ra những sáng kiến gợi mở về tỷ lệ nội địa hóa ô tô, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư trong Chương 11 và điều khoản cho phép NAFTA tự động hết hạn sau 5 năm trừ khi các bên cùng nhất trí sẽ kéo dài. Bà C. Freeland khẳng định Canada ủng hộ quan điểm của Tổng thống Mỹ D. Trump về thúc đẩy thương mại tự do và công bằng; và Canada sẽ tiếp tục làm việc chủ động, tích cực với các đối tác để tìm kiếm giải pháp cùng thắng cho các bên. Cũng theo bà C. Freeland, Canada muốn có một thỏa thuận tốt trong thời gian sớm nhất nhưng bên cạnh đó cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản xảy ra trên tinh thần “hy vọng cho điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều xấu nhất”.
Về phần mình, Đại diện Thương mại Mỹ R. Lighthizer xác nhận các bên đã đạt được một số tiến triển nhưng khá chậm. Theo ông, các cuộc đàm phán đa phương bao giờ cũng khó khăn và phức tạp hơn song phương, tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục can dự nhằm khôi phục thương mại công bằng trong khu vực. Ông bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ đạt được thêm những kết quả khác trong tương lai, nhưng bên cạnh đó cũng nhấn mạnh quan ngại của Mỹ về tác động của cơ chế giải quyết tranh chấp đối với việc duy trì thương mại công bằng ở Bắc Mỹ. Ông R. Lighthizer cũng nhắc đến những tranh chấp thương mại gần đây giữa Mỹ và Canada, đồng thời cáo buộc Canada đang tìm cách mở cửa thị trường cho hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc.
Mặc dù kết quả đạt được tại vòng đàm phán lần này không như mong đợi và các bên cũng không ra được tuyên bố chung, nhưng theo ông F. Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Canada, đây vẫn là vòng đàm phán đem lại nhiều hy vọng nhất từ trước tới nay khi các bên đã có thể bước đầu đàm phán về những vấn đề gây tranh cãi nhất. Điều này sẽ giúp bảo đảm duy trì - thay vì phá vỡ - một trong những hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và lâu đời nhất trên thế giới. Tất nhiên, tiến trình tái đàm phán có thể sẽ kéo dài hơn so với thời hạn chót vào tháng 3 tới nhưng điều quan trọng nhất là NAFTA vẫn sẽ được duy trì vì lợi ích của các doanh nghiệp và người dân Bắc Mỹ.
Cần sự nhượng bộ cần thiết
NAFTA là hiệp định thương mại tự do giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 01-01-1994 và hiện chiếm 40% GDP toàn cầu. Theo thống kê, trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.
Các cuộc tái đàm phán NAFTA được tiến hành theo đề nghị của Tổng thống Mỹ D. Trump, với lý do hiệp định này là nguyên nhân lấy đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ và cho phép Canada, Mexico hưởng nhiều lợi thế, trong khi gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Bất chấp những bất đồng còn tồn tại, cả Mỹ, Mexico và Canada được cho là sẽ không dễ dàng từ bỏ hiệp định mang lại lợi ích không nhỏ đối với nền kinh tế của cả ba nước. Mặc dù liên tiếp đưa ra các tuyên bố cứng rắn về việc có thể quay lưng lại với NAFTA, nhưng rõ ràng Mỹ sẽ phải có những nhượng bộ nhất định trên bàn đàm phán bởi hơn ai hết, giới chức nước này hiểu rõ vai trò quan trọng của NAFTA đối với sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 56% số người Mỹ tin rằng NAFTA mang lại lợi ích cho Mỹ. Phòng Thương mại Mỹ nhận định, việc rút khỏi NAFTA sẽ là một sai lầm nghiêm trọng có thể phá hủy ngành nông nghiệp nước này, đồng thời khiến giá cả tăng vọt, ảnh hưởng tiêu cực chi tiêu tiêu dùng, vốn là trụ cột của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chấm dứt NAFTA sẽ khiến kinh tế Mỹ trả một giá “đắt” ngay trong 5 năm đầu tiên và sẽ tác động lớn hơn trong dài hạn, với sự suy giảm của dòng chảy kinh tế, xuất khẩu và việc làm. Trong khi đó, Canada và Mexico, hai nước xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa sang Mỹ, cũng sẽ chịu tác động xấu nếu NAFTA bị hủy bỏ. Phân tích của hãng tư vấn Trade Partnership Worldwide, trường hợp Mỹ rời khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ sẽ tác động xấu tới lĩnh vực lao động của Mexico và Canada, cũng như ảnh hưởng tới các đối tác thương mại của cả ba nước.
Nghiên cứu của Trade Partnership Worldwide chỉ ra rằng từ 2,3 triệu tới 10,3 triệu lao động Mexico trong chuỗi cung ứng NAFTA sẽ mất việc trong 5 năm đầu tiên khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận và tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của Mexico và Canada. Trong khi đó, Canada sẽ mất trên 1,2 triệu việc làm và con số này ở Mỹ sẽ hơn 1,8 triệu. Ngoài ra, NAFTA đổ vỡ cũng tác động tới các quốc gia không nằm trong khu vực thương mại Bắc Mỹ. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng dựa trên NAFTA sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ những nền kinh tế này sẽ tăng lên và đồng nghĩa với việc nhiều việc làm mới được tạo ra.
Ba nước Bắc Mỹ đang chạy đua với thời gian để cho ra đời một NAFTA phiên bản mới trước tháng 3 tới, thời điểm sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Mexico. Ðể đạt được đúng tiến độ như mục tiêu đề ra, các nhà phân tích cho rằng, đã đến lúc Mỹ, Canada và Mexico cần đưa ra nhượng bộ cần thiết để tạo bước đột phá mới, giúp tháo gỡ những cản trở làm chậm tiến độ đàm phán./.
Châu Phi nỗ lực hành động để hình thành thị trường chung  (30/01/2018)
Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 9  (30/01/2018)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản  (30/01/2018)
Chủ tịch nước thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4  (30/01/2018)
Chủ tịch nước thăm, chúc Tết chiến sỹ vùng Cảnh sát biển 3  (30/01/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên