Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh
TCCSĐT - Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam có ý nghĩa to lớn, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và bảo vệ biển.
Tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam có đường bờ biển trải dài trên 3.260 km, có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền) và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng biển Việt Nam có trữ lượng hải sản phong phú, trữ lượng khoáng sản, nhất là dầu khí lớn và tiềm năng rất lớn về du lịch biển, vận tải biển… Hơn thế, vùng biển nước ta thuộc Biển Đông - một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế biển. Đặc biệt, Việt Nam có 28 tỉnh/thành phố ven biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) chiếm trên 40% diện tích đất liền và gần 50% dân số toàn quốc.
Với vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh đó, vùng biển nước ta có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Thực hiện chiến lược trên, những năm qua, các ngành kinh tế biển đã từng bước phát triển, trong đó một số ngành chủ chốt: khai thác, chế biến dầu khí, đóng tàu, vận tải và du lịch biển, khai thác thủy sản và tài nguyên biển… phát triển với tốc độ nhanh. Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam hiện chiếm khoảng 50% GDP cả nước, đồng thời tạo ra việc làm ổn định cho hàng triệu người.
Dầu khí khai thác tăng từng năm, sản lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu liên tục gia tăng với tốc độ bình quân đạt khoảng 15%/năm với khoảng trên 10 triệu tấn dầu, hàng tỷ mét khối khí.
Đánh bắt hải sản ven bờ và xa bờ, nuôi trồng thủy sản với sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm với hàng triệu tấn hải sản và hàng triệu phương tiện đánh bắt các loại… Nuôi trồng hải sản tăng nhanh cả diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng (sản lượng nuôi trồng năm 2015 đạt trên 3,5 triệu tấn; năm 2016 đạt trên 3,6 triệu tấn; 11 tháng năm 2017 đạt trên 3,4 triệu tấn), góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân ven biển.
Du lịch biển hằng năm thu hút trên 70% lượng khách du lịch quốc tế (tốc độ tăng trưởng bình quân trên 12%/năm), 50% lượng khách du lịch nội địa... Có thể kể đến một số điểm đến nổi bật được bình chọn trên các trang tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới như: Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Mũi Né (Phan Thiết), Đà Nẵng…
Vận tải biển, bình quân tăng gần 10%/năm về số lượng tàu và trên 10%/năm về trọng tải. Hệ thống cảng biển bao gồm trên 100 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt vào khoảng 17%/năm.
Tính đến tháng 8-2017, cả nước có 16 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815.000 ha, thu hút khoảng hàng trăm dự án trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, còn có 2 khu kinh tế ven biển là Thái Bình (tỉnh Thái Bình) và Ninh Cơ (Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.
Những kết quả trên cho thấy, kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có biển nói riêng và cho cả nước nói chung. Phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” (tháng 9-2017), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ra khơi bám biển...
“Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định: Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoản 53% - 55% tổng GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống người dân vùng biển và ven biển…
Gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, trong những năm qua, thế trận quốc phòng trên biển, đảo đã được tăng cường.
Hệ thống phương án tác chiến bảo vệ các khu vực biển, đảo, quần đảo được xây dựng và điều chỉnh phù hợp với sự phát triển mới của tình hình. Các lực lượng chuyên trách được kiện toàn, từng bước thực hiện quản lý nhà nước trên các vùng biển, thông qua việc xây dựng lực lượng và phương tiện như: hệ thống trinh sát, quan sát, cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải; thành lập đội tàu tuần tra Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quan…
Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh biển cho toàn dân được đẩy mạnh, đặc biệt coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo. Sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Phòng không - Không quân, các quân khu ven biển và giữa lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ven biển trong hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc được coi trọng và chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, sự gắn bó giữa ngư dân, diêm dân, các tầng lớp dân cư vùng biển với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là bộ đội biên phòng được tăng cường, nhằm giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tạo dựng thế trận lòng dân, vừa là cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, hoạt động ngoại giao cũng được đẩy mạnh nhằm bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu quả của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân trên vùng biển, đảo của Tổ quốc./.
Nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù  (13/12/2017)
Nâng cao năng suất để vượt qua bẫy thu nhập trung bình  (13/12/2017)
Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ VI: Hơn 500 đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ  (13/12/2017)
Thủ lĩnh thanh niên phải dấn thân đi đầu  (13/12/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên