Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi
TCCSĐT - Già hóa dân số đang là thách thức không nhỏ trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh đó, các viện dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người già là giải pháp ngày càng được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhu cầu thực tế
Gửi người cao tuổi vào viện dưỡng lão từ lâu được xem là giải pháp hợp lý tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản…, song tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, rất khó tìm được viện dưỡng lão phù hợp bởi loại hình này vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Tìm viện dưỡng lão đang là phương án được nhiều người nghĩ đến khi trong gia đình có người cao tuổi trong gia đình gặp vấn đề về sức khỏe, tâm lý. Nếu như những năm trước đây, việc đưa ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão thường bị cho là “bất hiếu” thì nay việc làm này đã được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn. Thực tế chứng minh, với những người cao tuổi gặp vấn đề về sức khỏe, tâm lý tuổi già, việc vào sống trong các viện dưỡng lão không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn giúp nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi.
Nhận định về nhu cầu tìm nơi dưỡng lão cho người cao tuổi, Thạc sỹ Trịnh Thị Hiền - Viện nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây sẽ là xu hướng trong tương lai, bởi Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh. Tỷ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta hiện chiếm 10% dân số, tương đương với 9 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ già hóa với tỷ lệ 17%, tương đương khoảng 16,5 triệu người. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó có công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, nhất là những người gặp vấn đề về sức khỏe.
“Việc con cái bỏ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão cao cấp để hưởng dịch vụ tốt, có môi trường sinh hoạt vui vẻ, thoải mái, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, hoàn toàn không có nghĩa là chối bỏ trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, vì vậy, xã hội cần nghĩ thoáng hơn về vấn đề này”, Thạc sỹ Trịnh Thị Hiền cho hay.
Cung chưa đủ cầu
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 500.000 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 5,4% dân số. Thế nhưng, theo ông Châu Minh Tỷ - Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh, ở thành phố còn quá ít các cơ sở dưỡng lão phục vụ cho người cao tuổi. Hiện có 3 loại hình dưỡng lão đang cùng tồn tại trên địa bàn thành phố là loại hình trung tâm dưỡng lão công lập không thu phí, trong đó lớn nhất là Trung nuôi dưỡng và bảo trợ người già tàn tật Thạnh Lộc (Quận 12) với hơn 300 cụ đang được nuôi dưỡng, chủ yếu là người già tàn tật, neo đơn, không nơi nương tựa. Địa chỉ thứ 2 là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè với khoảng 150 cụ thuộc diện chính sách, có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ… Hiện đơn vị này đang thí điểm nhận nuôi dưỡng có thu phí nhưng hạn chế về số lượng.
Loại hình thứ hai là các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi không nơi nương tựa do các tổ chức từ thiện, tôn giáo lập ra. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 9 cơ sở dạng này, song đa số có quy mô nhỏ.
Loại hình thứ ba là các trung tâm, viện dưỡng lão có thu phí do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng, chẳng hạn làng an dưỡng Ba Thương (nay là làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông) và Viện dưỡng lão Bình Mỹ (đều có địa chỉ tại huyện Củ Chi). Tuy nhiên, do chi phí cao nên số người cao tuổi được người thân đưa vào gửi tại các đơn vị này còn khá ít.
Đánh giá về hoạt động của các loại hình trung tâm dưỡng lão hiện nay, ông Châu Minh Tỷ cho rằng, tại các cơ sở, trung tâm dưỡng lão công lập, chi phí nuôi dưỡng được miễn 100% nhưng số lượng người cao tuổi được nhận vào còn khá hạn chế. Các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi từ thiện thì kinh phí hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào các nhà tài trợ, do đó, chất lượng chăm sóc vẫn chưa ổn định. Riêng đối với loại hình dưỡng lão tư nhân có chất lượng phục vụ tốt thì giá cả cao nên vẫn “ngoài tầm với” của đại đa số người cao tuổi hiện nay.
Loay hoay để tồn tại
Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước dành cho công tác chăm lo sức khỏe, đời sống người cao tuổi vẫn còn hạn hẹp thì xu hướng xã hội hóa, vận động tư nhân thành lập các trung tâm dưỡng lão, tham gia vào chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để dịch vụ này phát triển, rất cần sự hỗ trợ, nỗ lực từ nhiều phía.
Là trung tâm dưỡng lão tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, làng an dưỡng Ba Thương (huyện Củ Chi) được kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở dưỡng lão đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu tại Việt Nam với cơ sở vật chất khang trang, dịch vụ đầy đủ và không gian xanh mát. Đi vào hoạt động từ năm 2007 nhưng do giá dịch vụ quá cao nên trong suốt một thời gian dài chỉ có một số Việt kiều và người cao tuổi của các gia đình có điều kiện kinh tế tìm đến làng. Sau này, do thu không bù chi, làng an dưỡng Ba Thương đã phải thay tên, đổi chủ và chuyển đổi công năng thành làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông. Từ ngày thay đổi tên gọi, làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông phục vụ không chỉ riêng đối tượng người cao tuổi mà chuyển thành phục vụ cả khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, dù đã mở rộng đối tượng phục vụ nhưng làng nghỉ dưỡng này vẫn trong cảnh “đìu hiu”.
Ra đời muộn hơn nhưng nhờ áp dụng mô hình chuẩn từ Nhật Bản và mức phí không quá cao nên đến thời điểm này, Viện dưỡng lão Bình Mỹ (huyện Củ Chi) là trung tâm dưỡng lão tư nhân duy nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh còn hoạt động. Hiện trung tâm này đang nuôi dưỡng gần 200 người cao tuổi với mức phí 8 triệu đồng/người cao tuổi/tháng. Ông Bùi Anh Trung, Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ cho biết: Đơn vị này tiếp nhận các đối tượng là người cao tuổi, kể cả người cao tuổi bị liệt hoàn toàn, người cao tuổi mắc bệnh hiểm nghèo... Mặc dù khi nhận những người cao tuổi sức khỏe yếu thì mức độ rủi ro cao và có thể đối mặt với kiện cáo nhưng chúng tôi không dám từ chối bởi nếu vậy thì không có khách hàng.
Theo ông Trung, do dịch vụ này còn quá mới ở Việt Nam nên đơn vị của ông phải tự mày mò, tìm hiểu cách thành lập, vận hành. Để tìm ra mô hình phù hợp với Việt Nam, bản thân ông đã phải đi đến nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản để học hỏi mô hình của các nước này.
Vốn đầu tư lớn nhưng sự mạo hiểm, rủi ro lại vô cùng cao, đó là lý do có thời gian nhiều trung tâm dưỡng lão tư nhân thi nhau mọc lên nhưng cũng theo nhau đóng cửa. “Nếu không có cái tâm với người già, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của họ để có những dịch vụ đặc biệt thì không thể thành công”, ông Bùi Anh Trung chia sẻ.
Cần có chính sách phát triển viện dưỡng lão tư nhân
Nói về sự cần thiết khuyến khích phát triển viện dưỡng lão tư nhân, Thạc sỹ Trịnh Thị Hiền - Viện nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, hiện hầu hết mô hình dưỡng lão ở Việt Nam đều do Nhà nước bảo trợ và được phân bổ theo địa phương nên chỉ nhận nuôi dưỡng một số đối tượng người cao tuổi nhất định như: người già neo đơn, bị bỏ rơi hoặc người cao tuổi thuộc diện chính sách. Do đó, việc khuyến khích nhân rộng mô hình nhà dưỡng lão tư nhân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội.
Để phát triển mô hình dưỡng lão tư nhân, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi như miễn thuế, cho thuê đất với giá thấp… Ông Bùi Anh Trung cho biết, đến thời điểm này, các cơ sở dưỡng lão tư nhân vẫn chưa nhận được bất kỳ chính sách ưu đãi nào từ Nhà nước. Chúng tôi rất cần được Nhà nước tiếp sức bằng những chính sách cụ thể, hợp lý trong thời gian tới để có thể “sống sót” trong tình cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài ra, cũng cần có thêm cơ chế bảo vệ các cơ sở dưỡng lão tư nhân bởi đây là loại hình kinh doanh mang tính rủi ro cao.
Theo ông Châu Minh Tỷ - Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh già hóa dân số đang ngày càng diễn ra mạnh, Nhà nước chưa đủ lực để chăm lo tốt cho người cao tuổi thì nên khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào dịch vụ dưỡng lão. Khuyến khích xã hội hóa dịch vụ dưỡng lão cần đi kèm đa dạng hóa, xây dựng nhiều mô hình dưỡng lão cho riêng từng đối tượng người cao tuổi bởi không phải mọi người đều có nhu cầu giống nhau.
Từ thực tế hiện nay, ông Tỷ đề xuất, với những người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe, không tự chăm sóc được bản thân cần được đưa đến các trung tâm dưỡng lão tập trung. Còn với những người cao tuổi vẫn còn sức khỏe thì nên có một mô hình dưỡng lão dạng bán trú. Theo đó, trung tâm dưỡng lão tiếp nhận người cao tuổi vào buổi sáng mỗi ngày, tại đây họ được tham gia nhiều sinh hoạt giải trí phù hợp như đánh cờ, dưỡng sinh, đánh bóng bàn…; đến tối họ lại được đón về với gia đình, con cháu. Để xây dựng được mô hình này rất cần sự đầu tư xã hội hóa nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước. “Mô hình này rất hay ở chỗ người cao tuổi vẫn không bị tách rời khỏi cộng đồng, gia đình và vẫn có đời sống tinh thần vui vẻ, thoải mái”, ông Tỷ chia sẻ./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến 29-10-2017)  (31/10/2017)
Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ trong tình hình hiện nay  (31/10/2017)
Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ trong tình hình hiện nay  (31/10/2017)
Thủ tướng gửi thư chia buồn với các gia đình bị thiệt hại bởi bão Linda  (30/10/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên