Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 02 đến 08-10-2017)
TCCSĐT - Trong những ngày qua, làn sóng “khủng bố bằng điện thoại” nặc danh đã liên tiếp diễn ra tại nhiều thành phố ở Nga, khiến hàng nghìn người phải sơ tán khỏi các địa điểm công cộng. Những động thái này cho thấy thủ đoạn tấn công khủng bố ngày càng tinh vi và đe dọa tình hình an ninh của Nga. Nga đang tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố tiềm tàng từ những kẻ cực đoan.
Chủ động ứng phó với các cuộc tấn công khủng bố tiềm tàng
Một nhân viên an ninh chặn lối vào trung tâm mua sắm do báo động đe dọa bị khủng bố bằng bom ở Moscow. Ảnh: Reuters
Hơn hai tuần qua, khoảng 500.000 người ở hơn 100 thành phố khắp nước Nga đã phải sơ tán sau các cuộc điện thoại khủng bố. Hơn 1.200 tòa nhà đã nhận được tin báo có bom khiến các cơ quan chức năng đã phải tăng cường kiểm tra, giám sát các tòa nhà, như trường học, trung tâm thương mại - giải trí, nhà hát, nhà trẻ… Tuy nhiên, sau đó nhà chức trách Nga đã xác nhận tất cả đều là tin giả.
Trước các vụ việc trên, Thị trưởng Moscow S. Sobyanin nhận định, những kẻ khủng bố chủ yếu là từ nước ngoài đã gọi điện và cung cấp thông tin giả khiến hoạt động ở các cơ quan, trung tâm thương mại, hệ thống giao thông mất ổn định”. “Chắc chắn đó là khủng bố điện thoại. Các cơ quan có thẩm quyền đang thực hiện tất cả các bước cần thiết để xác định những kẻ chịu trách nhiệm đối với hàng loạt cuộc gọi này. Chúng tôi đang chờ kết quả”, hãng RIA-Novosti dẫn lời ông D. Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin cho hay.
Trước đó, theo nguồn tin riêng của hãng tin RBK (Nga) cho biết, Cơ quan An ninh liên bang (FSB) hiện đang xem xét giả thiết có một nhóm tin tặc quốc tế đứng sau các cuộc gọi nặc danh nói trên. FSB cho rằng, nhóm này đã viết một chương trình riêng để tạo nên các cuộc gọi sử dụng điện thoại IP đến các địa chỉ lựa chọn là các địa điểm công cộng. Đồng thời, FSB cũng xác định được rằng, một số cuộc gọi được thực hiện từ Brussels (Bỉ). Trong khi đó, các cơ quan thực thi pháp luật Nga cũng tiết lộ, các cuộc điện thoại đe dọa có chất nổ xuất phát từ những đối tượng có mối liên hệ với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hiện cơ quan thực thi pháp luật Nga đã xác định được một loạt kẻ gọi điện đang ở nước ngoài và nhà chức trách sẽ ban hành lệnh truy nã.
Từ hơn hai năm qua, châu Âu đã luôn phải căng mình để đối phó với những kẻ thù vô hình luôn sẵn sàng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên đường phố bằng các vụ tấn công khủng bố. Và Nga cũng không nằm ngoài mối nguy cơ ấy. Có thể kể đến như vụ tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm Sennaya ở thành phố St. Petersburg (hồi tháng 4-2017); tháng 12-2015, thành phố St. Petersburg cũng từng là mục tiêu bị tấn công khủng bố khi chiếc máy bay xuất phát từ Ai Cập tới thành phố này đã bị gài bom và nổ tung trên bầu trời khiến toàn bộ 224 hành khách thiệt mạng. Chỉ tính riêng trong năm 2016, các cơ quan chức năng của Nga đã ngăn chặn thành công 45 vụ trọng tội có khuynh hướng khủng bố, trong đó có 16 vụ khủng bố.
Các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tổ chức Hồi giáo cực đoan tăng cường các hoạt động khủng bố tại Nga thời gian qua xuất phát từ việc Nga tham gia vào chiến dịch không kích chống IS tại Syria kể từ tháng 10-2015. Tính đến nay, không quân Nga đã tiến hành hơn 30.000 cuộc tấn công và tiêu diệt gần 96.000 mục tiêu của IS. Sự hỗ trợ của Nga trong hai năm qua đã đặt nền móng vững chắc giúp Syria tìm kiếm một tương lai chính trị tươi sáng và cuộc nội chiến khốc liệt ở Syria kéo dài gần 7 năm qua dường như đang gần đi đến hồi kết.
Trong bối cảnh trên, các chuyên gia cho rằng, điều mà lực lượng an ninh quốc gia Nga cần làm là phải tăng cường hoạt động hơn nữa nhằm đối phó với thực tế hiện nay là việc các công dân Nga trở về từ các “điểm nóng” đang được sử dụng như một phương tiện để truyền cảm hứng cho phong trào chống chính phủ và các hoạt động khủng bố.
Dấu hiệu ngược dòng trong quan hệ Mỹ - Cuba
Ảnh minh họa. Ảnh: cnn.com
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba đang trở nên căng thẳng trong những ngày qua liên quan đến sự cố mà phía Mỹ coi là cuộc “tiến công bằng sóng âm” làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba.
Sự cố này đã khiến Mỹ quyết định rút 60% số nhân viên ngoại giao của mình về nước, đồng thời ngày 03-10, chính quyền Tổng thống D. Trump đã trục xuất 15 nhà ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Cuba ở Washington. Theo cáo buộc từ phía Mỹ, việc tấn công bằng sóng âm được xác định đã kéo dài trong vài tháng gần đây, khiến những người bị ảnh hưởng mất thính giác, thường xuyên chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi và khó ngủ. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson khẳng định nước này vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Cuba đã phản ứng lại quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Cuba của Mỹ. Ngày 03-10, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba B. Rodríguez cho rằng, quyết định của Bộ ngoại giao Mỹ là “phi lý và mang tính chính trị”. Bộ Ngoại giao Cuba tố cáo quyết định trên là “không có căn cứ và không thể chấp nhận”. Ông B. Rodríguez cũng kêu gọi Washington không tiếp tục chính trị hóa sự việc, mà theo ông, có thể dẫn tới tình trạng leo thang không mong muốn và đẩy lùi hơn nữa mối quan hệ song phương, vốn đã trong tình trạng bất thường sau tuyên bố ngày 16-6 của Tổng thống Mỹ D. Trump về việc thay đổi chính sách đối với La Habana.
Ngoài ra, ông B. Rodríguez cũng nhấn mạnh cho tới thời điểm này, không có bất cứ bằng chứng nào về nguyên nhân và nguồn gốc cho những ảnh hưởng sức khỏe như mô tả trong các báo cáo và Cuba luôn tuân thủ một cách nghiêm túc những nghĩa vụ nêu trong Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao 1961, liên quan tới việc bảo vệ toàn vẹn thể chất cho các cán bộ, nhân viên ngoại giao và những người bản địa làm việc tại các phái đoàn ngoại giao. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng B. Rodríguez cũng tái khẳng định thiện chí của Cuba trong việc hợp tác làm sáng tỏ tình trạng hiện tại. Ông cho rằng, một sự hợp tác hiệu quả hơn từ phía Mỹ đóng vai trò thiết yếu.
Sau hơn nửa thế kỷ thù địch, quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã có bước tiến dài khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015, mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Washington và La Habana. Những bước đi trên đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân hai nước và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tháng 6-2017, Tổng thống D. Trump đã công bố một số thay đổi trong chính sách của Washington đối với Cuba, theo đó siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân.
Những quyết định này của ông chủ Nhà Trắng đã ít nhiều “dội gáo nước lạnh” lên những nỗ lực và kết quả “hâm nóng” mối quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống B. Obama. Trong bối cảnh đó, chính quyền Cuba đã nhiều lần bày tỏ thất vọng vì chính sách mới của Tổng thống D. Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với nước này và cho rằng, các nước bên ngoài không thể áp đặt luật lệ cho người dân Cuba và Cuba không chấp nhận sự áp đặt đối với nền dân chủ và hoạt động của hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống D. Trump quay trở lại phần nào với chính sách cô lập Cuba là một bước đi ngược lại với con đường bình thường hóa quan hệ vốn đã và đang mang lại lợi ích cho cả hai nước. Và những diễn biến mới liên quan đến việc Mỹ rút nhân viên ngoại giao về nước và trục xuất các nhà ngoại giao Cuba khỏi Mỹ được cho là một bước đi làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
Palestine hướng tới sự hòa hợp và thống nhất
Thủ tướng Palestine R. Hamdallah chủ trì cuộc họp nội các ở dải Gaza vào ngày 03-10. Ảnh: Reuters
Chính quyền Palestine đã chính thức tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ phong trào Hồi giáo Hamas sau cuộc họp nội các tại Gaza lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Đây được coi là một bước đi lịch sử đối với tiến trình hòa giải dân tộc ở Palestine.
Ngày 03-10, người phát ngôn Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine Yousef al-Mahmoud cho biết chính quyền của Tổng thống M. Abbas đã tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ phong trào Hồi giáo Hamas. Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp nội các tại Dải Gaza với sự tham dự của Thủ tướng chính phủ Palestine ở Bờ Tây R. Hamdallah diễn ra ngày 03-10, ông Yousef al-Mahmoud cho biết, chính quyền Palestine đã bắt tay vào các nhiệm vụ ở khu vực này. Theo đó, mọi cơ quan trong chính quyền Palestine sẽ bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết nhằm đáp ứng những nhu cầu của Dải Gaza như nước, điện và công tác tái thiết để cải thiện cuộc sống trước mắt cho người dân tại đây.
Ngoài ra, ông al-Mahmoud cũng nhấn mạnh chính quyền Palestine đánh giá cao “vai trò quan trọng và mang tính lịch sử của Ai Cập” trong việc dàn xếp thỏa thuận nhằm chấm dứt sự chia rẽ trong nội bộ Palestine. Trong khi đó, phong trào Hamas đã đưa ra một thông cáo báo chí chính thức, trong đó khẳng định phong trào này đã làm mọi việc để chuyển giao công việc của chính quyền Dải Gaza cho chính quyền Palestine. Trong thông cáo, phong trào Hamas cũng kêu gọi Tổng thống A. Abbas dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào phong trào này.
Sau khi chính quyền của Tổng thống A. Abbas tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ tay phong trào Hồi giáo Hamas, trong thông điệp gửi tới chính phủ đoàn kết Palestine, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã kêu gọi các phe phái Palestine chấm dứt sự chia rẽ vốn đã kéo dài hàng thập niên qua, mong muốn chính phủ đoàn kết Palestine thành công trong việc phục vụ người dân. Tổng thống El-Sisi cho biết, mặc dù có những thách thức song vấn đề Palestine luôn là ưu tiên hàng đầu của Ai Cập trong các cuộc họp với các lãnh đạo thế giới cũng như các hội nghị quốc tế. Ông khẳng định Ai Cập luôn ủng hộ vấn đề Palestine, đồng thời nhận định có cơ hội cho hòa bình khu vực nếu tất cả các bên đoàn kết.
Tổng thống Ai Cập cho rằng, cả thế giới đang dõi theo những nỗ lực nhằm đạt được sự hòa giải và sự kiên trì của các phe phái Palestine trong việc vượt qua những trở ngại để hướng tới sự hòa hợp và thống nhất. Ông El-Sisi bày tỏ sự tin tưởng rằng, những khác biệt giữa người Palestine sẽ được giải quyết bằng sự ủng hộ của các nước Arab anh em và từ chối bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào vấn đề này. Tổng thống Ai Cập cho rằng, sẽ không có ai hưởng lợi từ sự chia rẽ giữa các phe nhóm chính trị Palestine, đồng thời mong muốn các nhà lãnh đạo Palestine sẽ tận dụng tốt cơ hội này để tiến tới sự thống nhất và đáp ứng nguyện vọng hòa bình của người dân Palestine.
Việc chính phủ Palestine chính thức tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ phong trào Hồi giáo Hamas đã chấm dứt tình trạng chia rẽ về chính trị và lãnh thổ kéo dài suốt một thập niên qua ở quốc gia Trung Đông này.
Mỹ - Thái Lan “hâm nóng” quan hệ đồng minh lâu đời
Tổng thống Mỹ D. Trump tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: gettyimages.fr
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ D. Trump trong ba ngày từ 02 đến 04-10-2017 được đánh giá là cơ hội để hai nước củng cố quan hệ ngoại giao song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, an ninh. Đây cũng là động thái đánh dấu sự thay đổi đáng kể về lập trường của Mỹ đối với Thái Lan kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 khiến quan hệ song phương trở nên lạnh nhạt.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Mỹ D. Trump và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đã thảo luận về hợp tác song phương đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, tình hình Biển Đông, vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, tình hình tại bang Rakhine của Myanmar…
Tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump và Thủ tướng Thái Lan Prayuth đã tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hành động quân sự cứng rắn tại khu vực biển tranh chấp này.
Về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại trước số lượng các vụ thử tên lửa và hạt nhân chưa từng có của CHDCND Triều Tiên trong suốt một năm qua. Hai nhà lãnh đạo hối thúc tất cả các bên liên quan thực thi nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hướng tới mục tiêu một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa.
Liên quan tới quan hệ song phương, Tổng thống D. Trump bày tỏ mong muốn giảm thâm hụt thương mại với quốc gia Đông Nam Á này bởi theo thống kê của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại năm 2016 của Mỹ với Thái Lan ở mức 18,9 tỷ USD. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh mối quan hệ thương mại của hai nước đang trở nên quan trọng hơn và Thái Lan là đối tác lớn.
Thái Lan là đồng minh lâu năm và quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính quân sự năm 2014 do ông Prayuth Chan-o-cha đứng đầu dẫn đến việc lật đổ chính phủ dân sự, quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Washington sau đó đã ngừng các chương trình viện trợ và huấn luyện quân sự cho Thái Lan, một bước đi chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng đã khiến Bangkok bất bình. Trên thực tế, dưới thời chính quyền Tổng thống D. Trump, Mỹ đã cho phép bán nhiều vũ khí hơn cho quốc gia Đông Nam Á này.
Giống như chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống B. Obama, chính quyền của Tổng thống D. Trump khẳng định chỉ khôi phục đầy đủ quan hệ với Thái Lan khi nước này trở lại nền dân chủ. Tuy nhiên, việc trải thảm đỏ đón Thủ tướng Thái Lan Prayuth tại Washington đã đánh dấu sự chuyển hướng trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây là một ví dụ hiếm có về một nhà lãnh đạo thuộc chính quyền quân sự được tiếp đón tại Mỹ, thậm chí trước khi chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Với phương châm “Nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống D. Trump coi lợi ích thương mại và chiến lược của Mỹ là ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng, việc thay đổi lập trường với Thái Lan nằm trong chuỗi nỗ lực của Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh tại châu Á để bảo đảm sự hợp tác của các nước này trong việc gây áp lực lên CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân và tên lửa. Còn đối với Thái Lan, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Prayut ngoài mục đích nhằm cải thiện quan hệ với đồng minh quan trọng còn là cơ hội để Bangkok khôi phục vị thế và uy tín trên trường quốc tế sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Gác lại bất đồng, Trung Quốc - Mỹ hợp tác về an ninh mạng
Ảnh minh họa. Ảnh: baoquocte.vn
Nhằm thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức trong không gian mạng, từ ngày 03 đến 06-10-2017, Mỹ và Trung Quốc đã khởi động cuộc đối thoại đầu tiên về thực thi pháp luật và an ninh mạng tại Washington (Mỹ). Cơ chế đối thoại này là kênh thông tin chính nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh mạng, một trong những yếu tố quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Cuộc đối thoại đầu tiên về thực thi pháp luật và an ninh mạng do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ J. Sessions, Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ E. Duke và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Công An Trung Quốc Quách Thanh Côn đang ở thăm Mỹ đồng chủ trì với sự tham dự của nhiều quan chức Trung Quốc và Mỹ thuộc các bộ, ngành liên quan.
Tại cuộc đối thoại, hai bên đã nhất trí cam kết tôn trọng lẫn nhau, có thái độ thẳng thắn, tận dụng cơ chế đối thoại nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác trên các lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh mạng. Trung Quốc và Mỹ cam kết sẽ nâng cao hiệu quả hợp tác trong bối cảnh Tổng thống Mỹ D. Trump dự kiến có chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11 tới.
Bộ trưởng Quách Thanh Côn kêu gọi tập trung vào hợp tác và giải quyết những bất đồng giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác song phương về thực thi pháp luật và an ninh mạng nhằm đưa mối quan hệ Trung - Mỹ lên tầm cao mới. Trung Quốc mong muốn cùng Mỹ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, truy bắt, truy nã và thu hồi tang vật, chống ma túy, hỗ trợ tư pháp, giải quyết tốt các mối quan tâm quan trọng trong lĩnh vực thực thi luật pháp của hai nước.
Về phần mình, phía Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh mạng, đồng thời thừa nhận hai bên hiện đối mặt với những mối đe dọa chung, song hưởng những lợi ích chung trong những lĩnh vực này. Washington coi trọng cơ chế đối thoại cấp cao là nền tảng cốt lõi để thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.
Thực tế từ lâu, an ninh mạng đã là một vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc. Dù đã đạt được thỏa thuận song phương về chống tội phạm mạng, song những căng thẳng xung quanh vấn đề an ninh mạng đã cho thấy mức độ thiếu lòng tin giữa hai cường quốc. Trong những năm gần đây, Nhà Trắng đã phải mất nhiều thời gian và tâm trí để giải quyết vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vụ tấn công mạng liên tiếp nhằm vào hệ thống máy tính của Mỹ bị nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đã phủ nhận việc bảo trợ cho các hoạt động tấn công của tội phạm mạng nhằm vào Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, những cam kết hợp tác về an ninh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc là minh chứng cho sự gác lại bất đồng để cùng hợp tác giải quyết các thách thức cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới./.
Lễ hội đền Đồng Bằng, Thái Bình được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia  (09/10/2017)
Di cư để tìm kiếm cơ hội  (09/10/2017)
Hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam dự diễn đàn Cộng đồng kinh tế ASEAN  (08/10/2017)
Tân Đại sứ Mỹ tại Nga đề cập 2 vấn đề tác động tới quan hệ song phương  (08/10/2017)
Triều Tiên tiếp tục phát triển kinh tế song song với chương trình tên lửa và hạt nhân  (08/10/2017)
Kỷ niệm 25 năm Quốc khánh Slovakia tại Thành phố Hồ Chí Minh  (08/10/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển