TCCSĐT - Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 3 (EEF-3) được tổ chức tại thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Liên bang Nga trong hai ngày 06 và 07-9-2017 đã kết thúc tốt đẹp với hàng loạt thỏa thuận được ký kết có tổng trị giá lên tới 2.200 tỷ ruble. Đây được cho là kết quả ngoài mong đợi, cho thấy Nga vẫn là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

“Viễn Đông: Tạo dựng thực tế mới”

 
 Tổng thống Nga V. Putin phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Getty images

Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 3 có chủ đề: “Viễn Đông: Tạo dựng thực tế mới” với sự tham gia của gần 5.000 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia, đại diện các doanh nghiệp, giới chuyên gia, các nhà kinh tế đến từ 60 nước trên thế giới.

Tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Tổng thống Nga V. Putin ghi nhận những chuyển biến tích cực tại vùng Viễn Đông trong năm vừa qua, như: Thành lập các viện phát triển chuyên biệt, thông qua 19 luật liên bang nhằm quy định hoạt động của các đặc khu kinh tế và cảng tự do Vladivostok, hiệu quả của chương trình “Một hecta Vladivostok”, việc cấp thị thực điện tử cho công dân 18 quốc gia khi đi vào cảng tự do Vladivostok hay các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp lớn... Nhờ nỗ lực đó, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp ở khu vực Viễn Đông vượt hơn mức trung bình của toàn Liên bang Nga. Trong 3 năm gần đây, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của khu vực Viễn Đông đều đạt trung bình khoảng 8,6%. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, nước Nga sẽ không dừng lại ở những thành công đó, mà sẽ tiếp tục thiết lập nhiều cơ chế ưu đãi khác dành cho các nhà đầu tư, đổi mới và cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực Viễn Đông trong tất cả các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, thể thao, văn hóa và nhà ở. Nga hoan nghênh công dân các quốc gia có nguyện vọng đầu tư, làm ăn và sinh sống tại vùng Viễn Đông.

Tổng thống V. Putin nhấn mạnh trong những năm tới, kinh tế Nga sẽ chú trọng phát triển ngành công nghệ số, tận dụng ưu thế địa lý trong chiến lược phát triển và thúc đẩy phát triển khu vực Viễn Đông thông qua ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư. Theo Tổng thống V. Putin, tương lai của nền kinh tế Nga nằm ở công nghệ tối tân, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, một thế mạnh nữa mà nền kinh tế Nga đang có là vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ở giữa châu Âu và châu Á, có lãnh thổ ở cả hai châu lục và nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định đất nước đã có kế hoạch phát triển tất cả những ưu thế này nhằm mục đích chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nga cũng tuyên bố muốn xây dựng Viễn Đông thành một trong những đầu mối cung ứng quan trọng nhất trên thế giới, các tuyến giao thông hàng hải phía Bắc, tuyến đường sắt xuyên Sibir BAM và Transib bảo đảm dòng hàng hóa được lưu chuyển nhanh chóng với chi phí rẻ từ các nước vùng châu Á - Thái Bình Dương sang châu Âu và ngược lại.

Với thành công của EEF lần này, Nga muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, “Xứ sở Bạch Dương” vẫn vững vàng trước những tác động do các biện pháp trừng phạt và bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây. Và không gì có thể cô lập được Nga trong quá trình hợp tác kinh tế với thế giới bên ngoài. Đây cũng là hướng đi được đánh giá là đầy sáng tạo để khôi phục và phát triển kinh tế dựa trên sức hút hấp dẫn của thị trường nội địa Nga, đồng thời cho thấy rõ quyết tâm trong chiến lược hướng Đông của Nga.

BRICS tiếp tục khẳng định

 
 Các nhà lãnh đạo nhóm họp tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS. Ảnh: TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 9 đã kết thúc hồi đầu tháng 9-2017 với việc các bên nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh, chính trị, đồng thời củng cố sự tin cậy chiến lược lẫn nhau.

Kể từ cuộc họp mặt đầu tiên giữa ngoại trưởng 4 nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9-2006 tới nay, các nước BRICS đã cùng nhau đi được một chặng đường 10 năm. Sau 10 năm phát triển, BRICS đã trở thành cụm từ thay thế của 5 nền kinh tế mới nổi trên vũ đài thế giới, khung cơ chế của hợp tác BRICS ngày một hoàn thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp và nền kinh tế thế giới vận hành kém, sự phát triển của các nước thành viên BRICS cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên chậm lại. Một là trong thời kỳ hậu khủng hoảng, do chịu tác động của nhu cầu thị trường quốc tế yếu đi, giá cả hàng hóa giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước BRICS, đặc biệt là Nga, Brazil, Nam Phi cũng giảm nhanh. Hai là các quốc gia BRICS phải đối mặt với áp lực rất lớn của việc dòng vốn chảy ra bên ngoài, rủi ro của thị trường tài chính tăng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, dòng tiền chảy ra bên ngoài phản ánh những khó khăn mang tính cơ cấu mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt trong quá trình phát triển, mô hình tăng trưởng cao dựa vào lao động giá rẻ hoặc nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào trước đây đã không thể tiếp tục trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới giảm đi, do đó các nền kinh tế mới nổi với đại diện là các nước BRICS cần chuyển đổi mô hình và nâng cấp nền kinh tế.

Về chính trị, so với các tổ chức đa phương quốc tế thông thường, BRICS thiếu điều kiện khách quan tiếp giáp về địa lý, cũng có sự khác biệt về chế độ, quy mô kinh tế và văn hóa, dường như thiếu cơ sở thực tế cho sự hợp tác chặt chẽ. Trên vũ đài chính trị quốc tế, nhu cầu và vị thế của các nước BRICS cũng khác nhau: Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; Ấn Độ là nước lớn nhất ở khu vực Nam Á với tiềm lực tăng trưởng kinh tế dần được thể hiện trong những năm gần đây; Nga đối lập với Mỹ và châu Âu về kinh tế cũng vì giá dầu sụt giảm và sự trừng phạt của phương Tây mà bị tổn thất nghiêm trọng, trong khi tình hình chính trị Brazil và Nam Phi bất ổn.

Tuy nhiên, những khó khăn trên không phải là lý do để phủ nhận sự hợp tác của BRICS. Trái lại, sức nặng kinh tế, tiềm lực hợp tác, cũng như mong muốn cùng thúc đẩy thay đổi trật tự quốc tế của BRICS sẽ thúc đẩy sự hợp tác của BRICS tiếp tục tiến lên phía trước. Dốc sức phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân đã trở thành nhận thức chung của các nước BRICS. Các nước BRICS có lợi thế so sánh khác nhau, có thể hình thành sự bổ sung về ưu thế cho nhau. Các ngành, nghề có ưu thế của 5 nước có thể kết hợp thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh, thúc đẩy việc làm của nhau, giảm mức độ phụ thuộc vào các nền kinh tế phát triển, nâng cao năng lực ngăn ngừa rủi ro với bên ngoài, đồng thời thúc đẩy việc liên tục nâng cao năng suất. Và một điều rõ ràng rằng, chỉ khi tăng cường phối hợp và hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính…, tập hợp các nền kinh tế lớn và có tiềm lực dưới cơ chế BRICS, các nước BRICS mới có thể hình thành sức hút đối với kinh tế toàn cầu, giành được vị trí nhất định trên trường quốc tế.

NAFTA đặt mục tiêu hoàn tất tái đàm phán vào cuối năm 2017

 
 NAFTA đặt mục tiêu hoàn tất. Ảnh: National Post

Bộ trưởng Thương mại ba nước Mỹ, Canada và Mexico ngày 05-9 thông báo đã đạt được tiến triển trong tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các Bộ trưởng nhấn mạnh đã củng cố các đề xuất để hướng tới đồng thuận trong một số lĩnh vực. Vòng đàm phán thứ 3 dự kiến diễn ra tại Ottawa, Canada từ ngày 23 đến 27-9-2017.

Kết thúc đàm phán kết thúc vòng đàm phán thứ 2 tại Mexico, các bên đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, đầu tư, cũng như cải thiện điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đơn giản hóa thủ tục hải quan. Trong khi đó, các lĩnh vực đạt được ít tiến triển nhất trong các cuộc đám phán là lĩnh vực ôtô, lao động và vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mexico, Mỹ và Canada cũng cho biết các nhà lãnh đạo của cả ba nước vẫn đặt mục tiêu hoàn tất tái đàm phán NAFTA vào cuối năm 2017.

Có thể nói, sau hai vòng tái đàm phán, các đại diện của ba nước mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò những mục tiêu ưu tiên và đề xuất của nhau cho việc hiện đại hóa NAFTA. Dù chưa thể thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả 3 nước đối tác, song các bên vẫn đặt mục tiêu hoàn tất quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA vào cuối năm 2017, nhằm tránh vướng vào những rắc rối chính trị có thể phát sinh từ cuộc bầu cử tổng thống tại Mexico, cũng như bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2018. Đây được cho là kế hoạch đầy tham vọng đối với việc đàm phán một hiệp định mang tầm khu vực, khi khoảng thời gian còn lại là không nhiều. Tuy nhiên, khoảng cách từ việc vạch lộ trình cho đến hiện thực hóa mục tiêu đề ra vẫn còn xa vời, đặc biệt trong bối cảnh mỗi nước đều có những lập trường và mục tiêu cứng rắn cũng như những lợi ích riêng khó có thể sớm dung hòa.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng, với việc là những đối tác thương mại lớn của nhau, cả Mỹ, Canada và Mexico đều được hưởng những lợi ích cũng như có những ràng buộc nhất định khi tham gia NAFTA. Là nước khởi xướng việc đàm phán lại để biến NAFTA trở thành một mô hình cải tiến và hiện đại hơn, song điều này không đồng nghĩa Washington sẽ chi phối và dẫn dắt quá trình đàm phán. Bản thân Mỹ cũng sẽ phải có những nhượng bộ nhất định bởi hơn ai hết, giới chức nước này cũng hiểu rằng, việc duy trì thỏa thuận đã có hiệu lực 23 năm đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của kinh tế Mỹ và khu vực, trong bối cảnh thế giới ngày càng đối mặt với nhiều biến động khó lường. Trong khi đó, mặc dù Canada và Mexico coi trọng và cần Mỹ làm đối tác, song vị thế của hai quốc gia này cũng đã khác so với thời điểm ký kết NAFTA. Mặt khác, sự gắn kết và hội nhập của 3 nền kinh tế đã và đang diễn ra rất sâu rộng trong nhiều lĩnh vực là một lợi thế cạnh tranh của cả Mỹ, Canada và Mexico, mà việc phá bỏ nó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Chính vì thế, việc sửa đổi NAFTA cần tập trung vào việc làm cho Bắc Mỹ trở thành khu vực cạnh tranh hơn và mở cửa hơn cho thương mại quốc tế, tạo ra một khuôn khổ vững chắc để phát triển và thúc đẩy cả 3 nền kinh tế thành viên.

Vòng xoáy mới trong quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ

 
 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov yêu cầu Mỹ trao trả lại cơ sở ngoại giao của Nga

Những ngày qua, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ liên tục xấu đi xung quanh những động thái trả đũa lẫn nhau giữa hai nước về việc tịch thu các cơ sở ngoại giao và cắt giảm nhân sự ngoại giao ở mỗi nước. Đỉnh điểm của “cuộc chiến ngoại giao” này là việc Nga dọa sẽ kiện lên tòa án ở Mỹ việc chính quyền Washington tịch thu các tài sản ngoại giao của Moscow ở Mỹ.

Những bất đồng trong quan hệ hai nước những ngày gần đây bắt đầu khi ngày 31-8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đã yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York. Các tòa nhà này thuộc quyền sở hữu của Nga và được quyền miễn trừ ngoại giao. Ngoài việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại San Francisco, phía Mỹ cũng yêu cầu Nga phải giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán ở thủ đô Washington và Tổng lãnh sự quán tại New York. Các nhà phân tích cho rằng, động thái trên của Mỹ được cho là nhằm trả đũa cho việc Nga hồi tháng 7-2017 đã tịch thu hai khu nhà ngoại giao và trục xuất 755 nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga, xuống còn 455 người. Nga nói việc cắt giảm này nhằm đưa số nhân viên ngoại giao hai nước bằng nhau.

Đánh giá về những căng thẳng mới diễn ra giữa Nga và Mỹ, các chuyên gia cho rằng, đây là một bước lùi trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước dưới thời Tổng thống D. Trump. Nếu như vào thời điểm Tổng thống D. Trump mới nhậm chức, Nga đã từng bày tỏ nhiều hy vọng sẽ cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ vốn ngày càng căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống B. Obama, thì nay chính quyền Nga đã nhiều lần bày tỏ nỗi thất vọng với lời hứa của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Thực tế cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, Nga và Mỹ liên tiếp có hàng loạt “cú đòn” trả đũa ngoại giao lẫn nhau. Những hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Nga và Mỹ không chỉ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa hai nước tại các điểm nóng như Syria, Lybia, Afghanistan… mà còn tác động tiêu cực tới tình hình an ninh khu vực và thế giới. Là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, Nga và Mỹ được coi là “lá chắn” bảo đảm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) thực thi nghiêm túc. Không có sự hợp tác kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ làm tăng rủi ro vũ khí giết người hàng loạt này rơi vào tay những kẻ khủng bố quốc tế. Hơn thế nữa, thế giới đang phải đối mặt với không ít mối đe dọa như chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, tấn công mạng, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, biến đổi khí hậu… cũng như những thách thức phi truyền thống khác rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Mỹ để giải quyết. Vì vậy, cộng đồng quốc tế hy vọng Nga và Mỹ sẽ không bị lún sâu vòng xoáy khủng hoảng, sớm tìm được lối thoát cho tình trạng bế tắc hiện nay và quay lại con đường hợp tác cùng phát triển.

Bước tạo đà thuận lợi của Thủ tướng Đức trước tổng tuyển cử

 
 Thủ tướng A. Merkel - đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và ông M. Schulz - Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) tranh luận trên truyền hình. Ảnh: The Local

Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và đối đầu giữa hai ứng viên Thủ tướng Đức là đương kim Thủ tướng Angela Merkel - đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và ông Martin Schulz - Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đã kết thúc với chiến thắng thuộc về Thủ tướng A. Merkel.

Chiến thắng này của Thủ tướng A. Merkel sẽ tiếp tục là bước tạo đà thuận lợi cho bà trong cuộc tổng tuyển cử tại Đức dự kiến diễn ra vào ngày 24-9-2017. Hai kênh truyền hình đại chúng ARD và ZDF và 2 kênh truyền hình trả tiền RTL và SAT.1 của Đức đã cùng tham gia tổ chức buổi tranh luận trực tiếp này.

Trong 97 phút tranh luận căng thẳng, các ứng viên đã đề cập đến các vấn đề “nóng” được cử tri Đức rất quan tâm hiện nay, như cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, căng thẳng ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng, an ninh nội bộ và công bằng xã hội.

Trong phần lớn thời gian, ông M. Schulz đã chỉ trích bà A. Merkel là “xa cách” và công kích bà A. Merkel chủ yếu xoay quanh các vấn đề về cuộc khủng hoảng người di cư và quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu năm 2015, ông M. Schulz chỉ trích quyết định mở rộng biên giới của Thủ tướng A. Merkel đã kéo theo nhiều hệ lụy như vấn đề giải quyết công ăn việc làm, hội nhập, chính sách xã hội, Hồi giáo cực đoan... Theo ông M. Schulz, đúng ra bà A. Merkel đã phải có một phản ứng tốt hơn đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn này.

Về phần mình, Thủ tướng A. Merkel khẳng định, Đức đã nỗ lực để phối hợp tốt giữa tiếp nhận người tị nạn để bổ sung vào thị trường lao động Đức, nhất là đối với số lao động nữ. Đối với hoạt động Hồi giáo cực đoan, bà A. Merkel cho rằng, mặc dù đã gây ra những hành động khủng bố kinh hoàng ở châu Âu nhưng bà tin rằng “Hồi giáo thuộc về Đức”...

Trước đó, một cuộc khảo sát được tiến hành ngay trong và sau cuộc tranh luận do Tổ chức Infratest Dimap tiến hành cho đài ARD cho thấy, đánh giá về độ tin cậy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng A. Merkel là 49% bỏ xa tỷ lệ ủng hộ dành cho ông M. Schulz với 29%. Về độ thuyết phục trong tranh luận, bà A. Merkel chiếm tỷ lệ 55% và ông M. Schulz là 35%.

Sự kiện hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Đức tham gia tranh luận kéo dài 97 phút đã thu hút sự quan tâm của dư luận và giới truyền thông không chỉ của nước Đức mà còn của toàn thế giới, bởi kết quả cuộc tranh luận sẽ tác động không nhỏ tới lá phiếu của các cử tri Đức, đặc biệt là những người hiện chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào. Như vậy, ứng cử viên của SPD M. Schulz đã đánh mất cơ hội cuối cùng để thu hút thêm sự ủng hộ, qua đó giúp SPD rút ngắn khoảng cách trong bối cảnh kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều nghiêng về phía bà A. Merkel và liên đảng CDU/CSU.

Với những đánh giá tích cực về khả năng điều hành đất nước cùng các ấn tượng thu được từ cử tri trong vòng tranh luận trên truyền hình, đương kim Thủ tướng Đức A. Merkel vẫn được coi là ứng cử viên sáng giá nhất và gần như nắm chắc trong tay nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư liên tiếp./.