Chiều 16-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, một trong những khâu đột phá và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân và doanh nghiệp.

Ngoài các thành viên của Hội đồng, buổi làm việc có sự hiện diện của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các Phòng Thương mại châu Âu, Hoa Kỳ, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các hiệp hội, ngành hàng có giá trị lớn trong nền kinh tế.

“Biến tướng” giấy phép con

Từ đầu năm 2017 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành thẩm tra 21 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định 169 thủ tục hành chính; trong đó đề nghị không quy định 20 thủ tục, sửa đổi 125 thủ tục (chiếm 85% số thủ tục quy định tại dự thảo).

Văn phòng Chính phủ đã xây dựng hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, sau năm tháng khai thác đã tiếp nhận 724 ý kiến phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Văn phòng đã chuyển 338 phản ánh kiến nghị đến các bộ, ngành, địa phương để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ được kiện toàn với 20 thành viên, đại diện cho 19 cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng. Đây là trung tâm tư vấn, đề xuất với Thủ tướng các sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo của Hội đồng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng trên thực tế, về phía bộ, ngành, địa phương vẫn còn ban hành và duy trì những quy định không hợp lý, tự đặt thêm thủ tục hoặc “biến tướng” các loại giấy phép mới, tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Tư duy quản lý của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương vẫn chưa theo kịp yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Việc xây dựng, ban hành chính sách, thủ tục hành chính vẫn chịu sự ảnh hưởng nặng nề của cơ chế xin cho, ban phát, cục bộ, lợi ích nhóm.

Với tình hình đó, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện rà soát độc lập toàn bộ quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật của các địa phương từ năm 2015 đến nay để phát hiện, báo cáo Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ, sửa đổi những quy định thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Kiểm soát thực hiện là khâu yếu

Phản ánh tiếng nói từ doanh nghiệp, theo ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, trên thực tế, cấp Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính rất quyết liệt, nhưng ở cấp thực thi, nhất là cấp chuyên viên, vẫn chưa có xoay chuyển nhiều.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá thời gian qua, việc cắt giảm thủ tục hành chính đã đi đúng hướng nhưng khâu yếu ở đây lại là khâu kiểm soát thực hiện.

Đưa ra các kiến nghị tại buổi làm việc, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần tiến hành đánh giá, đưa vào báo cáo kết quả những việc đã làm trong cải cách thủ tục hành chính để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần theo đuổi đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm.

Chỉ ra “điểm nghẽn” trong thay đổi thể chế chính sách hiện nay nằm ở các vụ, các cục, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đề nghị “các Bộ trưởng phải nhạy cảm trước các khó khăn của doanh nghiệp” để có các chỉ đạo bộ máy kịp thời, phù hợp.

Cắt giảm thủ tục để đẩy mạnh giải ngân


Đánh giá về kết quả cải cách hành chính thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác này đã đạt một số kết quả tích cực, giúp người dân “bớt khổ” hơn, doanh nghiệp “bớt phiền hà” hơn, được doanh nghiệp và người dân hoan nghênh; qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư mạnh mẽ và số doanh nghiệp mới thành lập tăng cao thời gian qua.

Nhiều nội dung cải cách hành chính đã được công khai, minh bạch hóa, triển khai một cửa-một cửa liên thông, triển khai trung tâm hành chính, trung tâm xúc tiến đầu tư ở nhiều địa phương, qua đó giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí do thủ tục hành chính.

Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng người dân và doanh nghiệp vẫn “kêu ca” cơ quan hành chính Nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính bởi vẫn còn rườm rà, rắc rối kéo dài. “Tiếng kêu” này gặp ở nhiều cơ quan khác nhau và một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ trước mắt đối với công tác cải cách thủ tục hành chính là tập trung để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó có việc cắt giảm các thủ tục để góp phần nhanh chóng giải ngân hết 1,5 triệu tỷ đồng tiền vốn trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn FDI, vốn tư nhân và các nguồn vốn khác, “đây là yêu cầu hàng đầu hiện nay”.

Nhấn mạnh xuất khẩu là yếu tố quan trọng của tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động này thông qua cải thiện thủ tục thuế, hải quan, thủ tục kiểm tra rủi ro.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải tập trung cao để thực hiện nhiệm vụ cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, tập trung vào các chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Tham mưu cho Thủ tướng và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính quyết liệt cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, kiểm soát tốt hơn việc đặt thêm thủ tục, tránh biến tướng các loại giấy tờ mới. Cùng với đó, phải kiểm soát tốt các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ và Thủ tướng.

Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện cơ chế một cửa-một cửa liên thông, như trung tâm cải cách thủ tục hành chính, trung tâm xúc tiến đầu tư. “Đừng có về phòng riêng mà làm thủ tục,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và cập nhật công khai kết quả xử lý trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin các bộ, ngành, địa phương.

“Bộ Nội vụ phải chủ trì kiểm tra công vụ, có tổ công tác về cải cách hành chính kiểm tra việc thực thi công vụ của một số nhóm đối tượng mà chúng ta đã phát hiện, có thể gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp,” Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Hoan nghênh các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã đóng góp vào kết quả cải cách hành chính thời gian qua, Thủ tướng mong muốn Hội đồng tiếp tục đưa ra sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, lựa chọn các vấn đề trọng tâm để tư vấn liên quan đến doanh nghiệp như thuế, đất đai, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành.

Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông, tập trung giới thiệu những cách làm mới, mô hình hay về cải cách thủ tục hành chính hiệu quả.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh lại đối với doanh nghiệp, một năm chỉ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán không quá một lần và một tinh thần lớn là kiên quyết giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ chi phí BOT, chi phí lãi vay và các chi phí khác.

Phải có một áp lực cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, lan tỏa tinh thần này đến các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nêu rõ./.