TCCSĐT - Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 16-8-2017, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam công bố Quyết định 1118/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Sáng 16-8-2017, Hội Nhà báo Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội. Theo đó, bà Trần Thị Kim Hoa, Trưởng ban Quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng.

Phát biểu tại lễ công bố, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam chỉ có thể ra đời khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đó là một quá trình lâu dài, công phu và cũng là ý nguyện của giới báo chí, nhiều thế hệ các nhà báo, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ… Quá trình hình thành ý tưởng, xây dựng đề án, trình xem xét, phê duyệt cũng như triển khai thực hiện các dự án thành phần luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, tập thể và cá nhân trong nước.

 
 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu

Sau khi ra đời, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp và giới thiệu, trưng bày những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho một nền báo chí cách mạng anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải chuyển tải được một cách sinh động, hấp dẫn, hiệu quả những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, kêu gọi, nhắc nhở thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước cha anh cùng giữ gìn, vun đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà. Bảo tàng Báo chí Việt Nam dần dần sẽ tạo lập được diện mạo riêng trên bản đồ bảo tàng Việt Nam và quốc tế...

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần đẩy mạnh tiến độ, kết quả thực hiện các dự án thành phần đã được phê duyệt; tích cực sưu tầm hiện vật, tài liệu, chủ động triển khai tổ chức, thiết kế trưng bày, kiện toàn bộ máy tổ chức..., nâng cao chất lượng hoạt động, hoạch định lộ trình phát triển phù hợp với định hướng rõ ràng, thiết thực và khoa học, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động báo chí, công tác bảo tàng.

Sau sáu đợt phát động, nhiều tập thể và cá nhân đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho bảo tàng. Trong đó có các hiện vật, số báo và tập lưu báo gốc xuất bản từ năm 1945 đến trước năm 1975, đáng chú ý là hàng chục tờ báo "Trường Sơn" của cố nhà báo, Tổng Biên tập Lục Văn Thao; các tập lưu báo xuất bản trước và trong thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, phải kể đến chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty in Việt Lập (Cao Bằng) hiến tặng với sự hỗ trợ chuyên chở, bảo dưỡng của Nhà in Tạp chí Cộng sản. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã nhận được bộ 4 pho tượng đồng về các nhà báo liệt sỹ do nhà điêu khắc Trần Thanh Phong thực hiện...

 
 Chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty in Việt Lập (Cao Bằng) hiến tặng với sự hỗ trợ chuyên chở, bảo dưỡng của Nhà in Tạp chí Cộng sản

Ngay trong buổi lễ, có nhiều tập thể, cá nhân đã hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Qua đó, Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện mọi mặt của các cơ quan chức năng, đồng nghiệp và công chúng báo chí trong, ngoài nước.

Trong khuôn khổ lễ công bố, ban tổ chức đã trưng bày giới thiệu 152 tập lưu báo và tạp chí bản gốc, 02 tập lưu báo cắt dán Gia Định báo (gồm 4 quyển) và Hoàng Sa-Trường Sa (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do nhà báo-nhà sưu tầm Trần Thanh Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) hiến tặng…

Chương trình trưng bày nhằm góp phần tôn vinh các thế hệ làm báo, khẳng định vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 152 năm ngày ra đời và phát triển báo chí quốc ngữ Việt Nam (1865-2017).

“Với lịch sử 152 năm ra đời và phát triển, báo chí Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất, mất mát, thất lạc do các điều kiện bất lợi về xã hội, thời gian, khí hậu và môi trường. Bởi vậy, những tài liệu này cần được tập hợp, bảo quản một cách có hệ thống, khoa học và nghiên cứu, khai thác, phát huy một cách tích cực, hiệu quả hơn nữa. Đây cũng chính là thông điệp của chương trình trưng bày lần này,” đại diện ban tổ chức cho hay.

Ngày 28-7-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam.