TCCSĐT - Ngành giáo dục và đào tạo các tỉnh Bình Dương, Điện Biên, Đắk Nông tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 nhằm rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị từ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa đến đội ngũ giáo viên với mục tiêu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học mới 2017-2018.

Bình Dương: Đảm bảo tất cả học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường

Ngày 11-8, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.

 
 Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 tỉnh Bình Dương.
Thực hiện chủ đề năm học 2017-2018 “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao”, cùng với phương châm hành động “Trách nhiệm, năng động, sáng tạo” và khẩu hiệu hành động “Tất cả vì học sinh thân yêu”, ngành Giáo dục Bình Dương tập trung triển khai 5 nhiệm vụ cơ bản. Đó là: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm học mới, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo tất cả học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Ngành cần nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình số lượng học sinh tăng hàng năm để tham mưu phương án chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và Đào tạo Bình Dương đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Mạng lưới nhà trường đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, không có trường học ca 3. Toàn tỉnh có 236 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 63,8%. Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng lên, thể hiện ở công tác phổ cập giáo dục được giữ vững, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,72% (cao hơn 11,22% so với năm 2016), xếp trong tốp 15 tỉnh, thành phố có điểm trung bình cao nhất nước.

Điện Biên: Mở rộng mạng lưới trường học vùng cao

"Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tiếp tục phát triển, mở rộng mạng lưới trường học vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn", đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Điện Biên đề ra tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018.

Năm học 2017-2018, tỉnh Điện Biên tiếp tục phát triển, mở rộng mạng lưới trường học các cấp, thành lập trường mới ở xã, vùng đặc biệt khó khăn; sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học theo hướng tăng số học sinh, số lớp; sáp nhập một số trường cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở có quy mô nhỏ để giảm thiểu đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục vận động đưa học sinh lớp 3, 4, 5 ở cấp tiểu học từ các điểm bản về trường trung tâm để có điều kiện học tập tốt hơn.

Tỉnh Điện Biên tăng cường dạy xen kẽ giữa đào tạo tiếng Việt và tiếng Mông, tiếng Thái cho học sinh tiểu học, mầm non; thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, hỗ trợ học sinh cấp Trung học phổ thông tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Ngoài kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, tỉnh tiếp tục huy động nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng lớp học, nhà công vụ, nhà nội trú với tiêu chí “ba cứng”, đảm bảo việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Sỹ Quân cho biết: Năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường công tác đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng đảm bảo công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn khó khăn…

Năm học 2016 - 2017, tỉnh Điện Biên đã triển khai các nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện trong lĩnh vực giáo dục. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, học sinh chuyển lớp đều tăng; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp…

Đắk Nông: Cấp phát miễn phí sách, vở cho học sinh dân tộc thiểu số diện nghèo, cận nghèo

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên sách và thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông Ngô Xuân Hà cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thị xã, Ban Giám hiệu các trường trong tỉnh hoàn thành việc cấp phát sách giáo khoa và vở viết cho học sinh năm học 2017 - 2018.

Theo đó, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 30.200 học sinh được cấp sách, vở miễn phí theo định mức mỗi em một bộ sách và vở viết từ 14 - 24 cuốn (tùy thuộc vào cấp học). Những học sinh được cấp phát năm nay là học sinh dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí cho chương trình cấp phát khoảng 14,4 tỷ đồng, trích từ ngân sách tỉnh.

So với năm học 2016 - 2017, năm nay, diện học sinh được cấp phát sách vở miễn phí của Đắk Nông đã thu hẹp lại rất nhiều. Cụ thể, năm học trước có 5 đối tượng được cấp phát sách, vở miễn phí, bao gồm: học sinh dân tộc, học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn (xã thuộc diện 135), học sinh tàn tật, học sinh mồ côi và học sinh tại các trung tâm học tập cộng đồng. Một thay đổi trong năm nay là học sinh thuộc diện được cấp phát sách, vở miễn phí sẽ được cấp đủ bộ, thay vì chỉ được cấp một số môn quan trọng như năm ngoái.

Cũng theo ông Ngô Xuân Hà, việc cấp, phát sách vở miễn phí năm nay được thực hiện theo Nghị quyết số 31/2016/ND-HDND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021. Việc thu hẹp đối tượng khiến các đơn vị cấp phát sách lúng túng. Trên thực tế, nhiều học sinh dân tộc thiểu số không thuộc diện nghèo, cận nghèo nhưng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Năm nay, học sinh tỉnh Đắk Nông sẽ theo học cả ba chương trình, gồm: chương trình hiện hành, chương trình mô hình trường học mới (VNEN) và chương trình công nghệ giáo dục. Hiện Đắk Nông là tỉnh có 40 dân tộc anh em cùng chung sống. Năm học 2017 - 2018, tỉnh có hơn 125.000 học sinh, trong đó khoảng 42.000 em là người dân tộc thiểu số./.