Chiều 2-7, tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong hai ngày 1 đến 2-7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2008 nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm qua, nền kinh tế nước ta đã chịu nhiều tác động bất lợi từ những yếu tố khách quan.

Giá dầu thô và nhiều loại vật tư, lương thực trên thị trường thế giới tăng đột biến, làm cho những dự báo khi xây dựng kế hoạch năm 2008 biến động khá lớn so với tình hình thực tế. Chẳng hạn, giá dầu thô dự báo năm 2008 là 64 USD/thùng, nay đã tăng lên trên 140 USD/thùng và có khả năng còn tiếp tục tăng cao hơn; lương thực dự kiến khoảng 320 USD/tấn, nay đã tăng lên 1.000 USD/tấn; tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD dự kiến khoảng 16.000 đồng/USD, trên thị trường tự do đã có thời điểm lên đến mức 19.500 đồng/USD, hiện đang dao động trên dưới 18.000 đồng/USD; lãi suất tiết kiệm tiền động huy động khoảng 8%/năm, đã tăng lên trên 18%/năm; mức lãi suất cho vay tăng tới 21% (mức dự kiến kế hoạch cho vay ra đầu năm là 10-12%).

Những khó khăn trong thị trường nhà đất của Mỹ và sự mất giá của đồng đôla làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm sút. Từ sự suy thoái của kinh tế Mỹ, suy thoái kinh tế và lạm phát đã lan rộng ra các nền kinh tế lớn khác trong năm 2008. Kinh tế tăng trưởng chậm lại trên phạm vi tòan cầu.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế từ năm 2007 đã có những biểu hiện xấu và tiếp tục tác động sang năm 2008; thiên tai, lũ lụt diễn ra liên tiếp từ cuối năm 2007 ở các tỉnh miền Trung; đầu năm 2008 các đợt rét đậm, rét hại kéo dài các tỉnh miền Bắc; dịch bệnh về cây trồng và gia súc gây thiệt hại lớn đối với sản xuất và đời sống nhân dân; nhất là đối với nông nghiệp và đời sống nông dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.

Trong bối cảnh có nhiều tác động không thuận đó, nền kinh tế nước ta đã đạt được một số kết quả, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 6,5%.

- Sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả tốt, vụ lúa Đông xuân được mùa lớn, có ý nghĩa cả về kinh tế, xã hội và ổn định giá lương thực.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt cao, bước đầu thu hẹp nhập siêu. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 5,5 tỉ USD; tính chung cả 6 tháng ước đạt 29.695 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 6-2008, đã có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Kim ngạch nhập siêu có xu hướng giảm, quý I năm 2008 nhập siêu bằng 62,7% kim ngạch xuất khẩu, quý II bằng 39,2% kim ngạch xuất khẩu, riêng tháng 6, bằng 23,6% kim ngạch xuất khẩu.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao cả về số vốn thực hiện và vốn đăng ký cấp mới. Diều đó thể hiện môi trường đầu tư tiếp tục hấp dẫn, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tương lai trung và dài hạn của Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 6 tháng ước đạt 4,0 tỉ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 20,5%). Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đạt 31,6 tỉ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn cấp mới đạt 30,94 tỉ USD, cao hơn 1,5 lần mức thu hút của cả năm 2007 và tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

- Thu ngân sách nhà nước 6 tháng tăng cao, đạt 195.850 tỉ đồng, bằng 60,6% dự toán bảo đảm nhu cầu chi, nhất là bảo đản cấp đủ kinh phí thực hiện các chính sách an sinh, xã hội.

- Chỉ số lạm phát đã có xu hướng giảm. Lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 18,44% so với tháng 12-2007; trong tháng 6 chỉ số giá chỉ tăng 2,14%, là mức tăng thấp nhất trong 6 tháng qua. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 6 chỉ tăng 3,29%, trong đó lương thực tăng 4,29%, thực phẩm tăng 3,05%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của 5 tháng trước đó.

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trước hết là tăng trưởng kinh tế tăng chậm lại, tốc độ 6,5% thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đây và thấp hơn so với mục tiêu của kế hoạch Quốc hội đã điều chỉnh là 7%; các ngành sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu và lãi suất cho vay ngân hàng tăng cao (trên 20%) làm tăng chi phí. Thứ hai, thị trường tiền tệ còn diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán chưa ổn định; giá cả tiếp tục tăng ở mức cao. Thặng dư cán cân thanh toán giảm dần. Thị trường chứng khóan chứa đựng nhiều rủi ro và không ổn định. Vốn lưu động cho các doanh nghiệp giảm mạnh so với các năm trước; điều hành tỷ giá chưa phù hợp với cung - cầu thị trường, làm giảm tính cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn phục vu sản xuất kinh doanh. Thứ ba, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu vẫn ở mức cao. Tỷ lệ nhập siêu 6 tháng đầu năm ở mức xấp xỉ 14,8 tỉ USD, bằng 49,8% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn nhiều so với cả năm 2007 (năm 2007 nhập siêu là 14,12 tỉ USD, bằng 29% kim ngạch xuất khẩu). Thứ tư, khối lượng thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra. Vốn giải ngân từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 27,7% kế hoạch; từ nguồn trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2008 đạt khoảng 13,4%.

Do khó khăn chung trong toàn bộ nền kinh tế, nên các doanh nghiệp đều thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các doanh nghiệp thu hút nhiều nhân công, lao động; nhiều công trình xây dựng bị ngưng trệ..., đã dẫn đến những khó khăn trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...Thêm vào những khó khăn đó là việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình bị giảm sút nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2008, số trẻ em sinh ra tăng trên 18,2 nghìn trẻ và tăng 7,2% so cùng kỳ. Riêng trong quý I/2008, tỷ lệ sinh con thứ ba tăng 17,3%.

Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng đi đôi với ổn định đời sống nhân dân, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

- Kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô: tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ tình hình thực tế kinh tế - xã hội đất nước cũng như các giải pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân...

- Duy trì tăng trưởng bền vững: rà soát bãi bỏ các quy định không phù hợp gây cản trở cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tạo các điều kiện cần thiết phát triển đa dạng và khai thác thế mạnh của các ngành công nghiệp, dịch vụ để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản...

- Ổn định an sinh xã hội, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có hiệu quả các chính sách đã ban hành về ổn định an sinh xã hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ cận nghèo, vùng bị thiên tai, người lao động có thu nhập thấp; tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

- Cải các hành chính và phòng chống tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản ý của bộ máy nhà nước. Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Giải quyết sớm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Phát huy vai trò của nhân dân, các đoàn thể, cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí./.