Cùng các Bộ, ngành địa phương thực hiện bằng được mục tiêu hàng đầu giai đoạn hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Bộ Tài chính vừa đề ra các giải pháp tài chính chủ yếu nhấn mạnh vào kiểm soát giá, chi phí, tăng mức hỗ trợ.
 

Theo đó, để bảm đảm cân đối cung cầu hàng hóa, Bộ Tài chính, các Bộ thực hiện phối hợp chặt chẽ để cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh; cùng các Bộ, địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp ở những nơi bị thiệt hại do rét đậm, rét hại cũng như chuẩn bị nguồn lực tài chính, tăng dự trữ quốc gia về hàng hóa, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, ổn định tổng mức đầu tư

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước đạt và vượt kế hoạch 5% so với dự toán Quốc hội thông qua, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, bảo đảm mức bội chi ngân sách, mức dư nợ của Chính phủ, dư nợ Quốc gia ở mức an toàn. Cụ thể, điều chỉnh hợp lý thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng để góp phần hạn chế nhập siêu, tăng thuế xuất khẩu một số mặt hàng nhằm bảo vệ tài nguyên, bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa dịch vụ. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, giữ tổng mức đầu tư không tăng thêm.

Bên cạnh đó, thực hành tiết kiệm và tăng cường kiểm tra chi ngân sách. Trong đó, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ứng vốn, kể cả việc ứng trước dự toán năm sau, không xét duyệt chuyển nguồn chi sang năm sau đối với những nhiệm vụ không thực hiện hoặc thực hiện không hết dự toán.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện kế hoạch giám sát, kiểm tra hoạt động tài chính, chấp hành pháp lệnh giá của các doanh nghiệp.

Thu hồi chênh lệch giá của những sản phẩm tăng giá quá cao

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Trước mắt, từ nay đến hết tháng 6/2008, yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không tăng giá điện, xăng dầu, than cho các hộ tiêu dùng lớn; vận chuyển hành khách bằng xe buýt, hàng không, tàu hỏa; nước sạch, thép; học phí, viện phí.

Trong quý II/2008, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra các yếu tố hình thành giá, hoặc việc kê khai giá các sản phẩm: Than, xi măng, thuốc phòng chữa bệnh, thép, vật liệu xây dựng,... Đồng thời chỉ đạo các địa phương kiểm tra việc niêm yết giá và chấp hành pháp luật về giá; thu hồi chênh lệch giá của những sản phẩm tăng giá quá cao, bất hợp lý, lợi dụng tình hình khó khăn hoặc đầu cơ, nâng giá không đúng.

Bãi bỏ những loại phí không hợp lý, không phù hợp với thực tế

Bộ Tài chính cùng các bộ, địa phương, doanh nghiệp rà soát lại các loại phí, các loại giá dịch vụ để tiếp tục điều chỉnh giảm đối với những loại còn cao hơn so với khu vực và thế giới, bãi bỏ những loại phí không hợp lý, không phù hợp với thực tế.

Các hiệp hội, ngành hàng chủ động bàn với các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp cần thiết, có cam kết bình ổn giá cả hàng hóa dịch vụ.

Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu

Xây dựng thương hiệu để đạt hiệu quả kinh tế cao; triển khai dự toán ngân sách chi hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư; đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động một số trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư của nước ta ở một số thị trường quan trọng trên thế giới cũng là một giải pháp quan trọng mà Bộ Tài chính đề ra.

Để hạn chế nhập siêu, cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường nhập siêu, thị trường có nhiều tiềm năng, đồng thời rà soát những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh do cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO, AFTA. Xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế đối với hàng nhập khẩu để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu.