Chống lạm phát là ưu tiên số một hiện nay
Từ năm 1976 đến nay, Việt Nam trải qua hai giai đoạn phát triển chính được đánh dấu bằng mốc khởi đầu đổi mới năm 1986: chuyển nền kinh tế Việt Nam từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong cả hai giai đoạn này, lạm phát luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các chính sách và chiến lược phát triển, nhất là trong những thời điểm lạm phát dâng cao như nửa cuối thập niên 1970 - nửa đầu thập niên 1980, và lại nổi lên từ năm 2007 đến nay.
Trước đổi mới, hầu hết các tác nhân gây ra lạm phát đều bắt nguồn từ những yếu kém của nền kinh tế, của xã hội và của hệ thống quản lý, vì thế gần như 100% tác động của lạm phát là có hại, cách thức chống lạm phát đòi hỏi phải căn bản, triệt để và đồng bộ, kể cả phải đổi mới cả hệ thống quản lý từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, sang cơ chế thị trường.
Ngày nay, do lạm phát diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng cao, nên các yếu tố, đặc điểm và tác động của lạm phát không hoàn toàn giống nhau, cũng không theo một chiều, nên cách thức chống lạm phát cũng không đồng loạt một chiều mà cần được định ra tùy theo tính chất và đặc điểm của mỗi loại nguyên nhân cụ thể.
Lạm phát hiện nay có 4 đặc điểm chính là:
(1) Lạm phát diễn ra trong thể trạng nền kinh tế thị trường đang trên đà phát triển, nhưng vẫn còn non trẻ, chưa đủ độ trưởng thành, mà đã tăng trưởng nóng, giống như một đứa trẻ bị sốt nóng, sức chịu đựng yếu ớt, có thể nhanh chóng hồi phục, nhưng cũng không thể không chăm sóc cẩn thận;
(2) Lạm phát diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cao, có một nguồn ngoại tệ lớn đổ vào nền kinh tế thông qua xuất khẩu, đầu tư, viện trợ, kiều hối, du lịch... mà chưa kịp điều hòa, giống như hiện tượng vẫn được gọi là “căn bệnh Hà Lan” (the Dutch disease), một hiện tượng tuy có lợi cho việc thu hút vốn, nhưng gây hại lớn cho các hoạt động xuất nhập khẩu và cho đồng nội tệ;
(3) Lạm phát là do một lượng lớn vốn đầu tư kém hiệu quả, nhất là các xí nghiệp quốc doanh và các dự án được bao cấp lớn nhưng kinh doanh thua lỗ hoặc hiệu quả thấp;
(4) Lạm phát diễn ra do tăng trưởng đầu tư mạnh, về mặt này, lạm phát là kết quả của một sự phát triển bình thường, vì thế lạm phát là lành mạnh. Từ những đặc điểm trên đây có thể thấy, lạm phát hiện nay ở Việt Nam mang tính chất nửa tốt, nửa xấu, cái chúng ta cần chống chính là cái nửa xấu của lạm phát, trong khi vẫn cần tiếp tục thúc đẩy các mặt tốt của nó, làm cho môi trường đầu tư năng động hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Xét về mức độ, ở Việt Nam, từ năm 1976 đến nay, khi lạm phát dâng lên cao nhất là vào những năm cuối thập niên 1970 - đầu thập niên 1980 với mức đỉnh điểm khoảng 800%/năm. Mức này tuy chưa cao so với mức 2000-4000% ở một số nước châu Phi và Mỹ La-tinh, nhưng đã thuộc loại rất cao trên thế giới. Từ khi đổi mới năm 1986, nhờ những nỗ lực phi thường, chúng ta đã kéo được lạm phát xuống mức một chữ số từ nửa cuối thập niên 1990 cho đến năm 2006. Trong thời kỳ này, có lúc lạm phát đã chuyển từ cực nọ sang cực kia, năm 2000 đã chuyển thành thiểu phát với mức tăng giá âm 0,6%. Đến năm 2007, lạm phát lại dâng lên hai chữ số, có xu hướng tiếp tục tăng cao trong năm 2008 và các năm tiếp theo nếu chúng ta không kịp thời có những giải pháp hữu hiệu để một lần nữa kéo lạm phát xuống mức một chữ số.
Những động thái trên đây cho thấy rõ một số đặc điểm của lạm phát ở Việt Nam trong các thời kỳ trước và sau đổi mới:
Thứ nhất, lạm phát ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua thay đổi rất thất thường, một số năm đã được cải thiện, nhưng không bền vững, số năm lạm phát tăng từ hai đến ba chữ số chiếm 2/3 số thời gian, số năm một chữ số chỉ chiếm khoảng 1/3 thời gian, có năm rớt xuống mức âm (Bảng 1).
Bảng 1: Lạm phát ở Việt Nam trước và từ khi đổi mới (%)
1986 |
1990 |
1995 |
2000 |
2005 |
2006 |
2007 |
800 |
67.1 |
12.7 |
- 0.6 |
8.4 |
6.6 |
12.6 |
(Nguồn: Thống kê hàng năm, Tổng cục thống kê, 2007; Nghiên cứu kinh tế, 4-2001; Vietnam Economic Review, 2-2002, 3-2003; Báo Nhân Dân 23-10-2007, 01-01-2008; mofa.gov.vn)
Thứ hai, trong thời kỳ trước và đầu những năm đổi mới, lạm phát ở nước ta nhanh đến mức “phi mã” ba chữ số. Không những thế, lạm phát còn nằm trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, tệ quan liêu, bao cấp nặng nề, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực vừa kém, vừa bị hạn chế do nền kinh tế bị đóng cửa mà một phần là do bị Mỹ bao vây, cấm vận, làm cho lạm phát càng thêm trầm trọng. Hiện nay, lạm phát tuy cao, nhưng mới ở mức hai chữ số, dưới 15%. Hơn nữa, lạm phát diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang đạt mức tăng trưởng cao, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng rộng mở, những cơ hội về sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ, xuất khẩu, đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng, mặc dù bên cạnh đó nền kinh tế đang phải chịu không ít thách thức và áp lực do mức tăng cao của giá dầu, giá lương thực và tình trạng thiếu hụt cán cân ngoại thương ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, tuy thách thức khá lớn, nhưng cơ hội vẫn lớn và nhiều hơn. Vì thế, xét về mức độ, lạm phát từ năm 2007 đến nay không trầm trọng bằng lạm phát trong thời kỳ cuối thập niên 1970 – đầu thập niên 1980. Hơn nữa, 1/2 mức lạm phát lần này có xuất xứ từ mức tăng trưởng kinh tế nhanh và mức tăng đầu tư cao, đây là những yếu tố thường diễn ra trong các nền kinh tế đang phát triển thực hiện chuyển đổi và đạt mức tăng trưởng cao. Hiện tượng này đã từng diễn ra trong các nền kinh tế mới công nghiệp hóa trước đây ở châu Á và Mỹ La-tinh, tuy có gây khó khăn, nhưng một số nước đã tìm ra những giải pháp hữu hiệu, khắc phục được tình trạng lạm phát cao trong một vài năm.
Mặc dù vậy, lạm phát hiện nay đang gây lo ngại lớn cho các cấp hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và cho người dân, nhất là những người có việc làm bấp bênh và thu nhập thấp, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ để hiểu rõ nguyên nhân và tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm vượt qua thách thức, không chỉ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà cần đảm bảo một sự tăng trưởng lâu dài, bền vững.
II. NGUYÊN NHÂN LẠM PHÁT
Trước và trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, những nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát “phi mã” gồm có:
(1) Nguồn cung tiền mặt quá cao, phần lớn do in nhiều tiền để tung ra thị trường mà không đủ hàng hóa đối ứng;
(2) Nền kinh tế “thiếu” nghiêm trọng, nhất là sự thiếu thốn về các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng thuộc loại nhu yếu phẩm khác, hậu quả của sự kiệt quệ sau chiến tranh, của tình trạng kinh tế tăng trưởng kém và việc chấm dứt các nguồn viện trợ từ bên ngoài;
(3) Lãi suất tiền gửi ngân hàng âm nặng so với lạm phát, khiến người dân không muốn gửi tiền vào ngân hàng, làm cho lượng tiền mặt trôi nổi trong lưu thông ngày càng tích lại nhiều mà không có lượng hàng hóa tương ứng để cân đối cung - cầu.
Hiện nay, nguyên nhân lạm phát có phần giống thời kỳ trước, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Hai điểm giống nhau chủ yếu là: lượng tiền đổ vào lưu thông trong cả hai thời kỳ đều tăng mạnh và lãi suất tiền gửi ngân hàng đều âm so với lạm phát. Cái khác trước hết là lượng tiền đổ vào lưu thông trước đây hầu hết là do in tiền giấy để tung ra thị trường, mà không có hàng hóa đối ứng, còn lạm phát hiện nay phần lớn là do tăng các nguồn tiền đầu tư kinh doanh. Mặc dù vậy, tổng phương tiện thanh toán lần này cũng tăng nhanh và được duy trì ở mức cao. Năm 2007, tổng phương tiện thanh toán bằng tiền VNĐ tăng cao hơn so với kế hoạch đề ra khoảng 10%-14%, tổng dư nợ cho vay năm 2007 ước tăng khoảng 10%-14% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Không những thế, do mở cửa, hội nhập mạnh, nền kinh tế còn đón nhận một lượng lớn ngoại tệ đổ vào trong khi khả năng hấp thụ của chúng ta còn kém. Theo tính toán riêng của chúng tôi, năm 2007, tổng cung ngoại tệ của ta qua các kênh xuất khẩu, đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA và du lịch lên tới 77,7 tỉ USD, trong khi tổng cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài là 61,2 tỉ, số dư cung cầu ngoại tệ là 16,5 tỉ USD (Bảng 2).
Bảng 2: Cung – cầu ngoại tệ của Việt Nam (tỉ USD)
Nguồn/Năm |
1990 |
1995 |
2000 |
2005 |
2006 |
2007 |
CUNG: |
|
|
|
|
|
|
Xuất khẩu |
1.815 |
5.449 |
14.300 |
32.4 |
39.8 |
48.4 |
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (a) |
0.152 |
2.743 |
2.200 |
3.308 |
3.956 |
5.4 |
Đầu tư chứng khoán |
|
|
|
|
|
18.0 |
ODA (b) |
- |
0.73 |
1.600 |
2.0b1 |
2.4b1 |
2.4 |
Kiều hối (c,d) |
0.50 |
1.00 |
2.95 |
5.5 |
8.42* |
10** |
Du lịch |
0.5 |
0.8 |
1.2 |
2.3 |
2.85 |
3.5 |
Tổng cung |
2.967 |
10.722 |
22.250 |
45.508 |
57.426 |
77.7 |
CẦU: |
|
|
|
|
|
|
Nhập khẩu |
2.474 |
8.155 |
15.200 |
36.8 |
44.9 |
59.0 |
Dịch vụ nợ (d) |
0 |
0.5 |
1.0 |
2.0 |
2.2 |
2.2 |
Tổng cầu |
2.474 |
8.655 |
16.200 |
38.8 |
47.1 |
61.2 |
CÂN ĐỐI (e) |
0.493 |
2.067 |
6.050 |
5.5 |
10.326 |
16.5 |
Chú thích:
Cái khác thứ hai là nếu như trước đây nguồn cung tiền mặt nhiều trong khi hàng hóa khan hiếm và đầu tư phát triển ít ỏi, thì hiện nay lượng tiền đổ vào lưu thông ngày càng tăng lên cùng với sự tăng lên của các nguồn hàng, và đặc biệt quan trọng là các nguồn đầu tư phát triển. Bằng chứng nổi bật nhất là tổng đầu tư xã hội của nước ta đã tăng từ khoảng 10% GDP thời kỳ đầu đổi mới lên trên 40% GDP hiện nay, đầu tư ngân sách cũng lên đến 20% GDP, tạo ra một sự tăng trưởng trong gần 20 năm dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư. Sự tăng trưởng dựa trên tiết kiệm như thế này là tốt, nó đã từng được coi là một trong những bí quyết thành công của một số “con rồng” châu Á, và cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm đổi mới vừa qua, nhưng với một điều kiện, đó là chừng nào số tiền tiết kiệm này chưa bị lạm dụng để đầu tư vào các ngành kém hiệu quả hoặc không sinh lợi, chỉ thổi phồng “kinh tế bong bóng” mà không tạo ra giá trị mới.
Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 cho thấy, khi điều kiện này không được đáp ứng, thậm chí còn bị lạm dụng quá mức, thì nó đã dẫn đến sự chuyển hóa từ thuốc bổ thành thuốc độc, “bí quyết thành công” trở thành “căn bệnh chết người”, thành tác nhân gây ra khủng hoảng!
Ở Việt Nam hiện nay, điều kiện này mới chỉ được đáp ứng một phần, cụ thể là tuy đã có một lượng khá tiền được dùng cho mục tiêu đầu tư phát triển, nhưng một phần không nhỏ lượng tiền đó đã đổ vào các lĩnh vực kém hiệu quả, nhất là qua kênh các doanh nghiệp nhà nước và kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán... - nơi phần lớn số tiền đầu tư chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, nghĩa là chưa tạo ra được nhiều giá trị mới tương ứng với các khoản đầu tư mới. Đây chính là một trong những yếu tố lớn nhất tích dần thành “kinh tế bong bóng”, gây ra lạm phát đầu tư.
Thứ ba, mức độ âm của lãi suất tiền gửi ngân hàng so với lạm phát lần trước cao hơn nhiều so với lần này. Lần trước lạm phát cao gấp hơn 10 lần lãi suất tiền gửi, lần này chỉ gấp rưỡi (năm 2007, lạm phát 12,6%, lãi suất tiền gửi là 8%).
Thứ tư, biên độ dao động của tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt Nam so với đồng đôla Mỹ quy định ở mức 2% là thấp hơn so với mức 5% của thời kỳ chống lạm phát trước đây, nhưng so với mức lạm phát hiện nay cũng thấp hơn trước và trong bối cảnh có một lượng ngoại tệ lớn lưu thông trên thị trường, mà phần lớn là đồng đôla Mỹ đang mất giá, thì mức quy định mới này là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, sự tác động của biện pháp này đến đâu còn phải chờ vào kết quả thực tế, nhưng dù sao biện pháp này không thể chỉ định ra một lần rồi thôi, mà cần được điều chỉnh một cách linh hoạt tùy theo diễn biến thực tế của thị trường tiền tệ.
Thứ năm, bối cảnh kinh tế - xã hội lần này tuy có một số dấu hiệu của “kinh tế bong bóng” trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, thị trường chứng khoán, giá vàng, giá dầu, giá thực phẩm tăng mạnh, mức độ thâm hụt cao trong cán cân ngoại thương..., nhưng chưa đến mức khủng hoảng như lần trước. Trong thời kỳ này, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức độ hội nhập quốc tế cao và sâu rộng hơn rất nhiều so với thời kỳ trước, năng lực điều hành theo hướng thị trường mở có phần linh hoạt và năng động hơn so với lần trước, bệnh quan liêu, mệnh lệnh tuy chưa hết, nhưng đã giảm nhiều so với lần trước.
Thứ sáu, nhìn tổng thể, những bằng chứng trên đây cho thấy căn nguyên của lạm phát lần này không trầm trọng và không khó chữa bằng lần trước, vậy mà lần trước đã chữa được, lần này hy vọng cũng sẽ có thể chữa được. Tuy nhiên, mọi kết quả còn phải trông đợi vào các giải pháp cụ thể và việc thực thi các giải pháp đó.
Trong thời kỳ trước và đầu đổi mới, các biện pháp chống lạm phát chủ yếu mà Việt Nam đã thực hiện tập trung vào những việc làm cụ thể như:
(1) Cắt giảm mạnh nguồn cung ứng tiền mặt, đặc biệt là giảm in tiền và đổi mệnh giá đồng tiền (đổi 1000đ lấy 1đ), trong hai loại biện pháp này, cắt giảm mạnh in tiền có tác dụng lớn và lâu dài, còn đổi tiền chỉ có tác dụng tức thời được vài tháng rồi mất tác dụng, thậm chí còn gây ra đầu cơ tiền mới;
(2) Tăng nhanh nguồn cung ứng các loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, thông qua 3 chương trình lớn là Chương trình sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng hóa tiêu dùng và Chương trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu, ngoài ra còn tăng nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng để giảm bớt sự khan hiếm hàng hóa ở trong nước, những biện pháp này có tác dụng rất lớn, nhanh chóng giảm bớt tình trạng mất cân đối giữa cung cầu tiền mặt và cung cầu hàng hóa;
(3) Áp dụng liệu pháp mạnh thông qua việc thực hiện chế độ lãi suất dương cao, đây là biện pháp có sức hút mạnh đối với nguồn tiền gửi, khiến chỉ trong một thời gian ngắn đã có một lượng tiền lớn được gửi vào ngân hàng, vơi hẳn nguồn tiền trôi nổi trong lưu thông, nhanh chóng hạ nhiệt cơn sốt lạm phát.
Hiện nay, về mặt chính sách, Chính phủ đã đưa ra và yêu cầu các bộ, ngành thực hiện một “rổ” hay “cả gói” 5 loại biện pháp chống lạm phát chính sau đây:
· Thắt chặt tiền tệ đi đôi với sử dụng linh hoạt các công cụ tiền tệ;
· Mua ngoại tệ dự trữ đi đôi với việc rút tiền VNĐ về phù hợp với từng thời điểm;
· Thực hiện chính sách tỷ giá đảm bảo giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam trên cơ sở khuyến khích xuất khẩu;
· Không để lãi suất âm;
· Củng cố và lành mạnh hóa hệ thống tổ chức tín dụng và các định chế tài chính, kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.
Ngoài các chủ trương lớn trên đây, hiện nay đang có nhiều cuộc thảo luận về hàng chục loại giải pháp chống lạm phát liên quan đến các lĩnh vực rất nhạy cảm và bức xúc như tiền tệ, ngân sách, đầu tư, lưu thông, xuất nhập khẩu, bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh, hệ thống điều hành và công tác thông tin tuyên truyền.
Để cắt cơn căn bệnh lạm phát hiện nay, cần có những liệu pháp mạnh hơn và cơ bản hơn, cụ thể là:
1. Nâng lãi suất tiền gửi lên mức cao hơn mức lạm phát ít nhất từ 1 đến 2%. Nghĩa là, nếu thực tế lạm phát năm 2007 đã lên tới 12,6%/năm, lạm phát trong tháng 1 và 2 của năm 2008 tương đương 14-15%/năm, thì lãi suất tiền gửi phải được nâng lên mức 14-17%/năm để nhanh chóng rút bớt một lượng lớn tiền mặt đang lưu hành trong lưu thông, giảm bớt áp lực lạm phát.
2. Áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt trên cơ sở khuyến khích xuất khẩu, không “hy sinh” xuất khẩu để thúc đẩy nhập khẩu vì lợi ích trước mắt mà phạm sai lầm về chiến lược lâu dài.
3. Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng mới, thắt chặt cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu không hoặc kém hiệu quả, ít cấp bách và ít cần thiết, nhất là các khoản đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, không đúng trọng điểm và mang tính bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Gấp rút đưa nhưng công trình sắp hoàn thành vào hoạt động để sớm cung sản lượng cho nền kinh tế.
4. Đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội. Biện pháp này tuy trái với yêu cầu thắt chặt tiền tệ và tiêu dùng, nhưng không thể không làm, vì việc thực hiện 3 biện pháp trên liên quan đến cắt giảm chi tiêu và đầu tư sẽ dẫn đến giảm việc làm và tăng khó khăn cho người nghèo, nếu không đảm bảo an sinh xã hội sẽ làm cho những người có đời sống khó khăn càng thêm khó khăn, gây mất ổn định xã hội.
Chủ động đổi mới, hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa và trọng trách của thanh niên  (03/04/2008)
Chủ động đổi mới, hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa và trọng trách của thanh niên  (03/04/2008)
Bốn thấp, một cao !  (03/04/2008)
Mấy suy nghĩ về thực trạng cơ cấu hàng xuất khẩu hiện nay của nước ta  (03/04/2008)
Về 5 quan điểm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng  (03/04/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên