Chống lạm phát là ưu tiên số một hiện nay

Đỗ Đức Định
15:06, ngày 03-04-2008

Từ năm 1976 đến nay, Việt Nam đã và đang trải qua hai giai đoạn phát triển chính được đánh dấu bằng mốc khởi đầu đổi mới năm 1986 chuyển nền kinh tế Việt Nam từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong cả hai giai đoạn này, lạm phát luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các chính sách và chiến lược phát triển, nhất là trong những thời điểm lạm phát dâng cao như nửa cuối thập niên 1970 - nửa đầu thập niên 1980, và lại nổi lên từ năm 2007 đến nay.

I. Tính chất, mc độ và tác động của lạm phát

Tuy cùng là lạm phát, nhưng các cuộc lạm phát có những tính chất, mức độ và tác động khác nhau. Nếu như trước đổi mới, lạm phát ở Việt Nam song hành với khủng hoảng kinh tế - xã hội, thì hiện nay là lạm phát trong tăng trưởng kinh tế, nếu không muốn nói là tăng trưởng nóng.

Trước đổi mới, hầu hết các tác nhân gây ra lạm phát đều bắt nguồn từ những yếu kém của nền kinh tế, của xã hội và của hệ thống quản lý, vì thế gần như 100% tác động của lạm phát là có hại, cách thức chống lạm phát đòi hỏi phải căn bản, triệt để và đồng bộ, kể cả phải đổi mới cả hệ thống quản lý từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, sang cơ chế thị trường.

Ngày nay, do lạm phát diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng cao, nên các yếu tố, đặc điểm và tác động của lạm phát không hoàn toàn giống nhau, cũng không theo một chiều, nên cách thức chống lạm phát cũng không đồng loạt một chiều mà cần được định ra tùy theo tính chất và đặc điểm của mỗi loại nguyên nhân cụ thể.

Lạm phát hiện nay có 4 đặc điểm chính là:

(1) Lạm phát diễn ra trong thể trạng nền kinh tế thị trường đang trên đà phát triển, nhưng vẫn còn non trẻ, chưa đủ độ trưởng thành, mà đã tăng trưởng nóng, giống như một đứa trẻ bị sốt nóng, sức chịu đựng yếu ớt, có thể nhanh chóng hồi phục, nhưng cũng không thể không chăm sóc cẩn thận;

(2) Lạm phát diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cao, có một nguồn ngoại tệ lớn đổ vào nền kinh tế thông qua xuất khẩu, đầu tư, viện trợ, kiều hối, du lịch... mà chưa kịp điều hòa, giống như hiện tượng vẫn được gọi là “căn bệnh Hà Lan” (the Dutch disease), một hiện tượng tuy có lợi cho việc thu hút vốn, nhưng gây hại lớn cho các hoạt động xuất nhập khẩu và cho đồng nội tệ;

(3) Lạm phát là do một lượng lớn vốn đầu tư kém hiệu quả, nhất là các xí nghiệp quốc doanh và các dự án được bao cấp lớn nhưng kinh doanh thua lỗ hoặc hiệu quả thấp;

(4) Lạm phát diễn ra do tăng trưởng đầu tư mạnh, về mặt này lạm phát là kết quả của một sự phát triển bình thường, vì thế lạm phát là lành mạnh. Từ những đặc điểm trên đây có thể thấy, lạm phát hiện nay ở Việt Nam mang tính chất nửa tốt, nửa xấu, cái chúng ta cần chống chính là chống cái nửa xấu của lạm phát, trong khi vẫn cần tiếp tục thúc đẩy các mặt tốt của nó, làm cho môi trường đầu tư năng động hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xét về mức độ, ở Việt Nam từ năm 1976 đến nay, khi lạm phát dâng lên cao nhất là vào những năm cuối thập niên 1970 - đầu thập niên 1980 với mức đỉnh điểm khoảng 800%/năm. Mức này tuy chưa cao so với mức 2000-4000% ở một số nước châu Phi và Mỹ La-tinh, nhưng đã thuộc loại rất cao trên thế giới. Từ khi đổi mới năm 1986, nhờ những nỗ lực phi thường, chúng ta đã kéo được lạm phát xuống mức một chữ số từ nửa cuối thập niên 1990 cho đến năm 2006. Trong thời kỳ này, có lúc lạm phát đã chuyển từ cực nọ sang cực kia, năm 2000 đã chuyển thành thiểu phát với mức tăng giá âm 0,6%. Đến năm 2007, lạm phát lại dâng lên hai chữ số, có xu hướng tiếp tục tăng cao trong năm 2008 và các năm tiếp theo nếu chúng ta không kịp thời có những giải pháp hữu hiệu để một lần nữa kéo lạm phát xuống mức một chữ số.

Những động thái trên đây cho thấy rõ một số đặc điểm của lạm phát ở Việt Nam trong các thời kỳ trước và sau đổi mới:

Thứ nhất, lạm phát ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua thay đổi rất thất thường, một số năm đã được cải thiện, nhưng không bền vững, số năm lạm phát tăng từ hai đến ba chữ số chiếm 2/3 số thời gian, số năm một chữ số chỉ chiếm khoảng 1/3 thời gian, có năm rớt xuống mức âm (Bảng 1).

Bảng 1: Lạm phát ở Việt Nam trước và từ khi đổi mới (%)

1986

1990

1995

2000

2005

2006

2007

800

67.1

12.7

- 0.6

8.4

6.6

12.6

Nguồn: Thống kê hàng năm, Tổng cục thống kê, 2007; Nghiên cứu kinh tế, 4-2001; Vietnam Economic Review, 2-2002, 3-2003; Báo Nhân Dân 23-10-2007, 01-01-2008; mofa.gov.vn

Thứ hai, trong thời kỳ trước và đầu những năm đổi mới, lạm phát ở nước ta nhanh đến mức “phi mã” ba chữ số. Không những thế, lạm phát còn nằm trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, tệ quan liêu, bao cấp nặng nề, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực vừa kém, vừa bị hạn chế do nền kinh tế bị đóng cửa mà một phần là do bị Mỹ bao vây, cấm vận, làm cho lạm phát càng thêm trầm trọng. Hiện nay, lạm phát tuy cao, nhưng mới ở mức hai chữ số, dưới 15%. Hơn nữa, lạm phát diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang đạt mức tăng trưởng cao, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng rộng mở, những cơ hội về sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ, xuất khẩu, đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng, mặc dù bên cạnh đó nền kinh tế đang phải chịu không ít thách thức và áp lực do mức tăng cao của giá dầu, giá lương thực và tình trạng thiếu hụt cán cân ngoại thương ngày càng lớn.

Trong bối cảnh đó, tuy thách thức khá lớn, nhưng cơ hội vẫn lớn và nhiều hơn. Vì thế, xét về mức độ, lạm phát từ năm 2007 đến nay không trầm trọng bằng lạm phát trong thời kỳ cuối thập niên 1970 – đầu thập niên 1980. Hơn nữa, 1/2 mức lạm phát lần này có xuất xứ từ mức tăng trưởng kinh tế nhanh và mức tăng đầu tư cao, đây là những yếu tố thường diễn ra trong các nền kinh tế đang phát triển thực hiện chuyển đổi và đạt mức tăng trưởng cao. Hiện tượng này đã từng diễn ra trong các nền kinh tế mới công nghiệp hóa trước đây ở châu Á và Mỹ La-tinh, tuy có gây khó khăn, nhưng một số nước đã tìm ra những giải pháp hữu hiệu, khắc phục được tình trạng lạm phát cao trong một vài năm.

Mặc dù vậy, lạm phát hiện nay đang gây lo ngại lớn cho các cấp hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và cho người dân thường, nhất là những người có việc làm bấp bênh và thu nhập thấp, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ để hiểu rõ nguyên nhân và tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm vượt qua thách thức, không chỉ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà cần đảm bảo một sự tăng trưởng lâu dài, bền vững.

II. Nguyên nhân lạm phát

Trước và trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, những nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát “phi mã” gồm có:

(1) Nguồn cung tiền mặt quá cao, phần lớn do in nhiều tiền để tung ra thị trường mà không đủ hàng hóa đối ứng;

(2) Nền kinh tế “thiếu” nghiêm trọng, nhất là sự thiếu thốn về các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng thuộc loại nhu yếu phẩm khác, hậu quả của sự kiệt quệ sau chiến tranh, của tình trạng kinh tế tăng trưởng kém và việc chấm dứt các nguồn viện trợ từ bên ngoài;

(3) Lãi suất tiền gửi ngân hàng âm nặng so với lạm phát, khiến người dân không muốn gửi tiền vào ngân hàng, làm cho lượng tiền mặt trôi nổi trong lưu thông ngày càng tích lại nhiều mà không có lượng hàng hóa tương ứng để cân đối cung - cầu.

Hiện nay, nguyên nhân lạm phát có phần giống thời kỳ trước, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Hai điểm giống nhau chủ yếu là lượng tiền đổ vào lưu thông trong cả hai thời kỳ đều tăng mạnh và lãi suất tiền gửi ngân hàng đều âm so với lạm phát.

Cái khác trước hết là lượng tiền đổ vào lưu thông trước đây hầu hết là do in tiền giấy để tung ra thị trường, mà không có hàng hóa đối ứng, còn lạm phát hiện nay phần lớn là do tăng các nguồn tiền đầu tư kinh doanh. Mặc dù vậy, tổng phương tiện thanh toán lần này cũng tăng nhanh và được duy trì ở mức cao. Năm 2007, tổng phương tiện thanh toán bằng tiền VNĐ tăng cao hơn so với kế hoạch đề ra khoảng 10%-14%, tổng dư nợ cho vay năm 2007 ước tăng khoảng 10%-14% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Không những thế, do mở cửa, hội nhập mạnh, nền kinh tế còn đón nhận một lượng lớn ngoại tệ đổ vào trong khi khả năng hấp thụ của chúng ta còn kém. Theo tính toán riêng của chúng tôi, năm 2007, tổng cung ngoại tệ của ta qua các kênh xuất khẩu, đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA và du lịch lên tới 77,7 tỉ USD, trong khi tổng cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài là 61,2 tỉ, số dư cung cầu ngoại tệ là 16,5 tỉ USD (Bảng 2).

Bảng 2: Cung – cầu ngoại tệ của Việt Nam (tỉ USD)

Nguồn/Năm

1990

1995

2000

2005

2006

2007

CUNG:

Xuất khẩu

1.815

5.449

14.300

32.4

39.8

48.4

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (a)

0.152

2.743

2.200

3.308

3.956

5.4

Đầu tư chứng khoán

18.0

ODA (b)

-

0.73

1.600

2.0b1

2.4b1

2.4

Kiều hối (c,d)

0.50

1.00

2.95

5.5

8.42*

10**

Du lịch

0.5

0.8

1.2

2.3

2.85

3.5

Tổng cung

2.967

10.722

22.250

45.508

57.426

77.7

CẦU:

Nhập khẩu

2.474

8.155

15.200

36.8

44.9

59.0

Dịch vụ nợ (d)

0

0.5

1.0

2.0

2.2

2.2

Tổng cầu

2.474

8.655

16.200

38.8

47.1

61.2

CÂN ĐỐI (e)

0.493

2.067

6.050

5.5

10.326

16.5

Chú thích:

* Gồm 6,82 tỉ USD Việt kiều gửi về (New York Times - recited by Tuoi Tre 19 Nov. 2007), và 1,6 tỉ USD do người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gửi về (Vietnam Economic News, 21 Oct. 2007).

** Kể cả 5,5 tỉ USD do Việt kiều gửi về.

a) FDI thực hiện.

b) ODA đã giải ngân.

b1: Ước tính.

c) Kiều hối do Việt kiều và người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gửi về (Năm 2000 hai khoản này lần lượt là 1,7 và 1,25 tỉ USD) – Ước tính.

d) Ước tính.

e) Cung so với cầu.

Nguồn: Thống kê Việt Nam, 2007, các bảng 7,8,9; Vietnam Economic Review, 4-2001, p.13; Vietnam News 08-6-2001; Báo Nhân Dân, 13-12-2000, 23-10-2007, 5-12-2007, 01-01-2008; mofa.gov.vn

Cái khác thứ hai là nếu như trước đây nguồn cung tiền mặt nhiều trong khi hàng hóa khan hiếm và đầu tư phát triển ít ỏi, thì hiện nay lượng tiền đổ vào lưu thông ngày càng tăng lên cùng với sự tăng lên của các nguồn hàng, và đặc biệt quan trọng là các nguồn đầu tư phát triển. Bằng chứng nổi bật nhất là tổng đầu tư xã hội của nước ta đã tăng từ khoảng 10% GDP thời kỳ đầu đổi mới lên trên 40% GDP hiện nay, đầu tư ngân sách cũng lên đến 20% GDP, tạo ra một sự tăng trưởng trong gần 20 năm dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư. Sự tăng trưởng dựa trên tiết kiệm như thế này là tốt, nó đã từng được coi là một trong những bí quyết thành công của một số “con rồng” châu Á, và cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm đổi mới vừa qua, nhưng với một điều kiện, đó là chừng nào số tiền tiết kiệm này chưa bị lạm dụng để đầu tư vào các ngành kém hiệu quả hoặc không sinh lợi, chỉ thổi phồng “kinh tế bong bóng” mà không tạo ra giá trị mới.

Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 cho thấy, khi điều kiện này không được đáp ứng, thậm chí còn bị lạm dụng quá mức, thì nó đã dẫn đến sự chuyển hóa từ thuốc bổ thành thuốc độc, “bí quyết thành công” trở thành “căn bệnh chết người”, thành tác nhân gây ra khủng hoảng!

Ở Việt Nam hiện nay, điều kiện này mới chỉ được đáp ứng một phần, cụ thể là tuy đã có một lượng khá tiền được dùng cho mục tiêu đầu tư phát triển, nhưng một phần không nhỏ lượng tiền đó đã đổ vào các lĩnh vực kém hiệu quả, nhất là qua kênh các doanh nghiệp nhà nước và kênh đầu cơ bất động sản và chứng khoán... - nơi phần lớn số tiền đầu tư chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, nghĩa là chưa tạo ra được nhiều giá trị mới tương ứng với các khoản đầu tư mới. Đây chính là một trong những yếu tố lớn nhất tích dần thành “kinh tế bong bóng”, gây ra lạm phát đầu tư.

Thứ ba, mức độ âm của lãi suất tiền gửi ngân hàng so với lạm phát lần trước cao hơn nhiều so với lần này. Lần trước lạm phát cao gấp hơn 10 lần lãi suất tiền gửi, lần này chỉ gấp rưỡi (năm 2007, lạm phát 12,6%, lãi suất tiền gửi là 8%).

Thứ tư, biên độ dao động của tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt Nam so với đồng đôla Mỹ quy định ở mức 2% là thấp hơn so với mức 5% của thời kỳ chống lạm phát trước đây, nhưng so với mức lạm phát hiện nay cũng thấp hơn trước và trong bối cảnh có một lượng ngoại tệ lớn lưu thông trên thị trường, mà phần lớn là đồng đôla Mỹ đang mất giá, thì mức quy định mới này là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, sự tác động của biện pháp này đến đâu còn phải chờ vào kết quả thực tế, nhưng dù sao biện pháp này không thể chỉ định ra một lần rồi thôi, mà cần được điều chỉnh một cách linh hoạt tùy theo diễn biến thực tế của thị trường tiền tệ.

Thứ năm, bối cảnh kinh tế - xã hội lần này tuy có một số dấu hiệu của “kinh tế bong bóng” trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, thị trường chứng khoán, giá vàng, giá dầu, giá thực phẩm tăng mạnh, mức độ thâm hụt cao trong cán cân ngoại thương..., nhưng chưa đến mức khủng hoảng như lần trước. Trong thời kỳ này, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức độ hội nhập quốc tế cao và sâu rộng hơn rất nhiều so với thời kỳ trước, năng lực điều hành theo hướng thị trường mở có phần linh hoạt và năng động hơn so với lần trước, bệnh quan liêu, mệnh lệnh tuy chưa hết, nhưng đã giảm nhiều so với lần trước.

Thứ sáu, nhìn tổng thể, những bằng chứng trên đây cho thấy căn nguyên của lạm phát lần này không trầm trọng và không khó chữa bằng lần trước, vậy mà lần trước đã chữa được, lần này hy vọng cũng sẽ có thể chữa được. Tuy nhiên, mọi kết quả còn phải trông đợi vào các giải pháp cụ thể và việc thực thi các giải pháp đó.

III. Giải pháp chống lạm phát

Thông thường, những loại giải pháp chống lạm phát tương đối phổ biến mà các nước hay áp dụng là: giảm lượng cung ứng tiền mặt, áp dụng chế độ lãi suất dương và thực thi các chính sách, biện pháp khắc khổ, nhất là các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Đối với Việt Nam, những loại chính sách và biện pháp này cũng đã và đang được áp dụng, tuy mức độ và liều lượng khác nhau tùy theo từng thời kỳ và trong những bối cảnh khác nhau.

Trong thời kỳ trước và đầu đổi mới, các biện pháp chống lạm phát chủ yếu mà Việt Nam đã thực hiện tập trung vào những việc làm cụ thể như:

(1) Cắt giảm mạnh nguồn cung ứng tiền mặt, đặc biệt là giảm in tiền và đổi mệnh giá đồng tiền (đổi 1000đ lấy 1đ), trong hai loại biện pháp này, cắt giảm mạnh in tiền có tác dụng lớn và lâu dài, còn đổi tiền chỉ có tác dụng tức thời được vài tháng rồi mất tác dụng, thậm chí còn gây ra đầu cơ tiền mới;

(2) Tăng nhanh nguồn cung ứng các loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, thông qua 3 chương trình lớn là Chương trình sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, Chương trình sản xuất hàng hóa tiêu dùng và Chương trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu, ngoài ra còn tăng nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng để giảm bớt sự khan hiếm hàng hóa ở trong nước, những biện pháp này có tác dụng rất lớn, nhanh chóng giảm bớt tình trạng mất cân đối giữa cung cầu tiền mặt và cung cầu hàng hóa;

(3) Áp dụng liệu pháp mạnh thông qua việc thực hiện chế độ lãi suất dương cao, đây là biện pháp có sức hút mạnh đối với nguồn tiền gửi, khiến chỉ trong một thời gian ngắn đã có một lượng tiền lớn được gửi vào ngân hàng, vơi hẳn nguồn tiền trôi nổi trong lưu thông, nhanh chóng hạ nhiệt cơn sốt lạm phát.

Hiện nay, về mặt chính sách, chính phủ Việt Nam đã đưa ra và yêu cầu các bộ ngành thực hiện một “rổ” hay “cả gói” 5 loại biện pháp chống lạm phát chính sau đây:

· Thắt chặt tiền tệ đi đôi với sử dụng linh hoạt các công cụ tiền tệ;

· Mua ngoại tệ dự trữ đi đôi với việc rút tiền VNĐ về phù hợp với từng thời điểm;

· Thực hiện chính sách tỷ giá đảm bảo giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam trên cơ sở khuyến khích xuất khẩu;

· Không để lãi suất âm;

· Củng cố và lành mạnh hóa hệ thống tổ chức tín dụng và các định chế tài chính, kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.

Ngoài các chủ trương lớn trên đây, hiện nay đang có nhiều cuộc thảo luận về hàng chục loại giải pháp chống lạm phát liên quan đến các lĩnh vực rất nhạy cảm và bức xúc như tiền tệ, ngân sách, đầu tư, lưu thông, xuất nhập khẩu, bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh, hệ thống điều hành và công tác thông tin tuyên truyền.

Chủ trương là như vậy, nhưng trong thực tế đã có một số biện pháp thực thi trái ngược nhau. Thứ nhất là, vừa tung tiền ra vừa thu tiền vào. Ngân hàng Nhà nước chỉ trong vòng một tuần thứ ba của tháng 2-2008, đã tung ra thị trường liên ngân hàng 33.000 tỉ đồng. Biện pháp này, một mặt, góp phần kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng từ 30-35% xuống 20-25%, nhưng mặt khác đã gây ra một tâm lý không an tâm vì tiền tăng sẽ tiếp tục đẩy lạm phát lên cao.

Rồi ngày 17-3, cũng chính Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định yêu cầu 41 ngân hàng thương mại phải mua “tín phiếu bắt buộc” theo kiểu mệnh lệnh hành chính với lãi suất 7,8% và tổng giá trị tiền là 20.300 tỉ đồng với mục đích găm tiền lại để hạn chế nguồn tiền trong lưu thông. Chưa kể Bộ Tài chính và một số bộ ngành khác cũng có những quyết định không thống nhất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Cách xử lý trên đây không những gây hoang mang cho các ngân hàng thương mại, dẫn đến cạnh tranh gay gắt bằng lãi suất, mà còn gây ra một tâm lý trong dân không tin tưởng vào tiền VNĐ, khiến nhiều người dân đổ xô đi mua vàng, bất chấp giá vàng trong nước tăng cao hơn giá vàng thế giới, gây thiệt hại cho người mua. Tất nhiên, việc mua vàng còn có những nguyên nhân khác, nhưng không thể phủ nhận tác động của các biện pháp trên. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài thì hậu quả sẽ là rất lớn.

Thứ hai, về chế độ lãi suất, tuy Chính phủ ban ra quyết định không để lãi suất âm, và trong thực tế Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cho tăng lãi suất tiền gửi lên trên mức 8% của năm 2007, nhưng đồng thời lại cấm các ngân hàng thương mại nâng mức lãi suất tiền gửi huy động lên trên mức 12%/năm. Nếu so với mức lạm phát bình quân năm 2007 là 12,6%, mức lạm phát tháng 3 năm 2008 tăng 9,19% so với tháng 12 năm trước, thì rõ ràng lãi suất này chưa đạt được mức “không”, nói gì đến dương! Mặc dù vậy, mức lãi suất 12% đã thu hút được một lượng khá đông số người đến các ngân hàng thương mại gửi tiền tiết kiệm trong tháng 2-2008. Nếu tỷ lệ lãi suất được nâng lên mức dương 1-2% thì chắc chắn số người gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng sẽ còn tăng hơn nhiều, nhờ đó mà lượng tiền trôi nổi trong lưu thông sẽ giảm mạnh.

Thứ ba, trong các biện pháp “khắc khổ”, nổi bật nhất đến nay là biện pháp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng, nhưng mức độ khắc khổ còn thấp, thậm chí sau vài lời kêu cứu, Chính phủ lại bổ sung biện pháp lập quỹ hỗ trợ mua chứng khoán! Ngoài các biện pháp trên đây, các biện pháp khắc khổ khác dường như mới trong giai đoạn thúc đẩy, như thúc đẩy rà soát lại các khoản đầu tư của xí nghiệp quốc doanh, v.v.

Nói cách khác, loại biện pháp “khắc khổ” dường như chưa được coi trọng, có lẽ vì nhiều người còn đang phấn chấn bởi thành tích tăng trưởng cao, chưa cảm nhận được những dấu hiệu của nền kinh tế bong bóng đang dần hiện rõ như tình trạng đầu cơ bất động sản đang dâng cao, chỉ số chứng khoán đang tụt thấp, thâm hụt cán cân thương mại nở to ra, giá cả thế giới dâng lên ngày càng tràn vào trong nước thông qua các kênh hội nhập đã được rộng mở,... cho nên vẫn tiếp tục bơm thêm tiền cho các dự án, doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là những doanh nghiệp khi kiếm được chút tiền trên thị trường chứng khoán thì coi đó là thắng lợi, nhưng trong thực tế số tiền chứng khoán chỉ là tiền ảo chừng nào doanh nghiệp chưa tạo ra được sản phẩm và dịch vụ - cái cốt lõi bền vững của mọi nền kinh tế.

Từ những chủ trương và thực tế trên đây có thể nhận thấy rõ rằng, những loại biện pháp đang được áp dụng trong giai đoạn vừa qua còn nhiều bất cập, chưa giảm được lượng tiền mặt VNĐ trong lưu thông, chưa có chế độ lãi suất dương, cũng chưa thực thi các chính sách, biện pháp “khắc khổ” một cách hữu hiệu, với quyết tâm cao.

Về thực chất, những biện pháp trên đây mới mang nặng tính tình thế, chưa cơ bản, chưa có liệu pháp mạnh, chưa hoặc ít đả động tới các khoản đầu tư lãng phí, kém sinh lợi, thậm chí còn đi ngược lại với những đòi hỏi của thực tế, do đó chưa bình ổn được giá cả, nhất là giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu là những loại mặt hàng chiếm tới 40% tổng giá trị của rổ hàng hóa được tính. Tóm lại, không những không đạt được mục tiêu bình ổn vĩ mô, không cắt cơn được căn bệnh lạm phát đang đe dọa đời sống kinh tế - xã hội, mà còn có chiều hướng đẩy lạm phát lên những mức cao hơn.

Để cắt cơn căn bệnh lạm phát hiện nay, cần có những liệu pháp mạnh hơn và cơ bản hơn, cụ thể là:

1. Nâng lãi suất tiền gửi lên mức cao hơn mức lạm phát ít nhất từ 1 đến 2%. Nghĩa là, nếu thực tế lạm phát năm 2007 đã lên tới 12,6%/năm, lạm phát trong tháng 1 và 2 của năm 2008 tương đương 14-15%/năm, thì lãi suất tiền gửi phải được nâng lên mức 14-17%/năm để nhanh chóng rút bớt một lượng lớn tiền mặt đang lưu hành trong lưu thông, giảm bớt áp lực lạm phát.

2. Áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt trên cơ sở khuyến khích xuất khẩu, không “hy sinh” xuất khẩu để thúc đẩy nhập khẩu vì lợi ích trước mắt mà phạm sai lầm về chiến lược lâu dài.

3. Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng mới, thắt chặt cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu không hoặc kém hiệu quả, ít cấp bách và ít cần thiết, nhất là các khoản đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, không đúng trọng điểm và mang tính bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Gấp rút đưa nhưng công trình sắp hoàn thành vào hoạt động để sớm cung sản lượng cho nền kinh tế.

4. Đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội. Biện pháp này tuy trái với yêu cầu thắt chặt tiền tệ và tiêu dùng, nhưng không thể không làm, vì việc thực hiện 3 biện pháp trên liên quan đến cắt giảm chi tiêu và đầu tư sẽ dẫn đến giảm việc làm và tăng khó khăn cho người nghèo, nếu không đảm bảo an sinh xã hội sẽ làm cho những người có đời sống khó khăn càng thêm khó khăn, gây mất ổn định xã hội.

5. Giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống từ 1 đến 2% so với mục tiêu đã đề ra. Đây là liệu pháp cuối cùng, nhưng mang tính tổng thể và quan trọng nhất, vì đây chính là khâu điểm huyệt để giảm nhiệt nền kinh tế đang tăng trưởng nóng, ổn định vĩ mô, chuẩn bị cho sự phát triển bền vững lâu dài. Hiện nay có nhiều người, nhất là các nhà hoạch định chính sách, đang có tham vọng vừa muốn nhanh chóng giảm lạm phát xuống dưới mức tăng trưởng kinh tế, vừa muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thậm chí năm 2008 cao hơn mức tăng trưởng 8,5% của năm 2007, trong khi thực tế đang diễn ra theo chiều ngược lại. Tham vọng này là rất lớn, thực hiện được là một điều lý tưởng. Nhưng ít nhất trong bối cảnh của năm 2008, tham vọng này không có tính khả thi, khi nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm, cùng một lúc phải đối mặt với nhiều biến động bất lợi lớn, như sự giảm sút của nền kinh tế thế giới đang tác động tiêu cực tới toàn bộ các giao dịch xuất nhập khẩu tương đương 160% GDP của nước ta, hay FDI bằng khoảng 1/3 và đầu tư gián tiếp khoảng 1/5 GDP; sự giảm sút của nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tiêu thụ khoảng 20% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam; sự lên giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu như dầu lửa, nguyên liệu... đang đội giá đầu vào của nhiều loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, hay sự thay đổi giá trị của những đồng tiền mạnh trên thế giới đang tác động xấu tới các hoạt động xuất nhập khẩu và tới chính bản thân đồng nội tệ của Việt Nam.

Tình thế nan giải lúc này không cho phép chúng ta chạy theo tham vọng, mà phải lựa chọn một phương án thiết thực sao cho vừa khắc phục được tình trạng lạm phát cao, vừa đạt được một sự tăng trưởng kinh tế tương đối khá, hướng tới bền vững, ổn định vĩ mô và tạo đà cho sự tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.

Mặc dù giảm mức tăng trưởng là rất đau và đáng tiếc vì mức tăng trưởng cao vừa qua quả thực là một thành tích mà chúng ta đã phải phấn đấu nhiều năm mới đạt được. Song, xét trong hoàn cảnh hiện nay khi nền kinh tế đang nóng lên hàng ngày và trong điều kiện những gì hiện đang diễn ra và có khả năng còn tiếp tục ở Việt Nam và trên thế giới, thì không có giải pháp nào tốt hơn. Ưu tiên số 1 bây giờ không còn là tăng trưởng cao, mà là chống lạm phát cao. Vì nếu lạm phát cao thì không những sẽ triệt tiêu tăng trưởng, mà nguy hiểm hơn, lạm phát tiếp tục kéo dài và tăng mức độ trầm trọng sẽ trở thành tác nhân chính thổi căng, làm rạn nứt và cuối cùng sẽ làm nổ tung cái “bong bóng kinh tế” hiện đang có những dấu hiệu phồng to, gây ra ngày càng nhiều các hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế và cho xã hội. Muốn tăng trưởng cao và bền vững thì điều kiện tiên quyết là không thể để lạm phát tiếp tục kéo dài và ngày càng trầm trọng.