Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến 25-6-2017)
TCCSĐT - Vượt qua nhiều bất đồng, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 22 và 23-6 tại thủ đô Brussels (Bỉ) đã thông qua được nhiều quyết định quan trọng.
EU đoàn kết đối mặt với các thách thức
Các nhà lãnh đạo EU. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được sự nhất trí từ những vấn đề trong khối như hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố và quốc phòng, những vấn đề toàn cầu như di cư, chống lại sự biến đổi khí hậu và tiến trình Brexit.
Đối với vấn đề chống khủng bố, các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra nhiều giải pháp, trước tiên là kiểm soát vấn đề xuất nhập cảnh trong khu vực Schengen trên cơ sở thống nhất về một hệ thống thông tin xuất nhập cảnh, đồng thời kêu gọi các công ty internet, công ty truyền thông, mạng xã hội thể hiện trách nhiệm cao hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. EC cũng nhất trí tăng cường nỗ lực chống những chiến binh khủng bố nước ngoài và phần tử cực đoan trong lòng châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch EC D. Tusk cho biết, EU đã xác định bảo vệ công dân sẽ là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong thời gian tới.
Về vấn đề an ninh quốc phòng, Hội nghị cho rằng, các thành viên EU phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong vấn đề này. Lãnh đạo các nước EU đã phê duyệt kế hoạch phòng thủ được đánh giá là tham vọng nhất trong nhiều thập niên qua, thể hiện sự đồng thuận sau nhiều năm chia rẽ trong vấn đề quân sự. Trong đó bao gồm một thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ euro, hỗ trợ tài chính cho các nhóm chiến đấu và xây dựng một liên minh quân sự sẵn sàng tham chiến ở nước ngoài. EC sẽ chi khoảng 1,5 tỷ euro/năm cho việc nghiên cứu và mua sắm trang bị quân sự. Mức chi có thể tăng lên tới 5,5 tỷ euro/năm từ sau năm 2020 với nguyên tắc vũ khí quốc gia nào đầu tư vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu của quốc gia đó. Đây được xem là hệ quả trực tiếp của nhiều yếu tố, từ sự ra đi của Anh với cương vị quốc gia đóng vai trò cốt yếu trong năng lực phòng thủ của EU, những thúc giục từ phía Mỹ đến căng thẳng EU - Nga đang dần leo thang trở lại.
Đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra những cam kết rõ ràng. Trong bối cảnh Tổng thống D. Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh, nội dung này sẽ là trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 7-2017 tại Hamburg và Thỏa thuận này vẫn là nền tảng của những nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu.
Về vấn đề tự do thương mại, các nhà lãnh đạo EU vẫn tiếp tục theo đuổi một chính sách thương mại vững chắc dựa trên một hệ thống thương mại đa phương mở và các quy tắc với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh một số quốc gia ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hội đồng châu Âu thống nhất sẽ tiếp tục chính sách giữ thị trường mở, chống lại các hành động bảo hộ và tích cực hành động vì mục tiêu tự do thương mại toàn cầu. Để đạt được mục đích đề ra, Liên minh sẽ tìm cách thúc đẩy một sân chơi bình đẳng, trong khi vẫn không lơ là việc tôn trọng và quảng bá các tiêu chuẩn then chốt về môi trường, xã hội, sức khỏe và bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, về vấn đề di cư, EU tiếp tục kiểm soát hiệu quả các đường biên giới bên ngoài nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào EU và cải cách hệ thống tị nạn châu Âu cũng như việc thực thi thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhất trí di chuyển hai cơ quan Quản lý ngân hàng và dược phẩm thuộc Ủy ban châu Âu hiện đang đóng tại London với lý do nước Anh sẽ rời khỏi EU. Hiện có tới 20 nước châu Âu muốn kéo hai cơ quan này về nước mình, tuy nhiên, quyết định sẽ được đưa ra vào tháng 11 năm nay.
Trước những kết quả đạt được tại Hội nghị lần này, giới phân tích nhận định, Hội nghị đã thể hiện hình ảnh một liên minh không chỉ đồng thuận và đoàn kết nội bộ, mà còn nhất trí và rõ ràng về định hướng phát triển cho tương lai, bất chấp Brexit và những quyết sách của Mỹ mà EU không thể chia sẻ về thương mại, về bảo vệ khí hậu trái đất, về NATO nói riêng và chính trị an ninh thế giới nói chung. Mặc dù vẫn còn phải đối diện với một loạt thách thức, EU vẫn sẽ tự tin trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm trong điều kiện xu hướng dân tộc chủ nghĩa dần bị đẩy lui và sự phục hồi kinh tế của các nước thành viên đang mạnh mẽ hơn. Đây là tiền đề quan trọng cho những quyết định mới mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế với hơn 500 triệu dân này.
BRICS nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực
Hội nghị Ngoại trưởng các nước BRICS. Ảnh: TTXVN
Biến đổi khí hậu, thương mại và chống khủng bố là các vấn đề trọng tâm trong Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 19-6.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane nêu rõ, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn rất đáng quan ngại. Bà N. Mashabane nhấn mạnh cần nỗ lực hết sức để đảo ngược ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vì các thế hệ tương lai. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chung tay chống khủng bố.
Phát biểu trong buổi tiếp các nhà ngoại giao BRICS sau Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, sau 6 giờ thảo luận, các nước đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề cũng như đạt được một văn kiện chung. Chủ tịch Trung Quốc cũng nhận định, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố bất ổn, các nước BRICS cần có tiếng nói riêng.
Cùng ngày, tại cuộc gặp ở thành phố Thượng Hải (Shanghai), giới chức cấp cao về tài chính các nước BRICS đã nhất trí tăng cường hợp tác trong 9 lĩnh vực về tài chính. Theo văn kiện chính thức công bố sau cuộc gặp thứ hai của bộ trưởng thương mại và thống đốc ngân hàng trung ương các nước BRICS, các nước nhất trí thúc đẩy Ngân hàng Phát triển Mới BRICS, bảo đảm thể chế tài chính này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giữa các nước nội khối. Các bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về các quy định tài chính và thiết lập một mạng lưới cải tiến các thể chế tài chính nhằm tăng cường sự hòa hợp của các thị trường tài chính giữa các nước. Ngoài ra, các nước cũng đạt được thỏa thuận về tiêu chuẩn kiểm toán và thanh toán, nền tảng cho sự kết nối giữa các thị trường trái phiếu, cải thiện Thỏa thuận dự trữ ngẫu nhiên về chống sức ép thanh khoản, tăng cường hợp tác trong các vấn đề tiền tệ, đầu tư, thuế cũng như rửa tiền và việc tài trợ cho khủng bố,...
Mỹ - Trung Quốc tìm kiếm sự đồng thuận trong quan hệ song phương
Trung Quốc và Mỹ khởi động Đối thoại an ninh - ngoại giao. Ảnh: TTXVN
Ngày 21-6, Trung Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc Đối thoại an ninh - ngoại giao đầu tiên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington. Đây là cơ chế đối thoại nhằm thay thế cho cuộc Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung Quốc được tổ chức thường niên dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Đồng chủ trì cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao song phương lần đầu tiên này có Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis. Đứng đầu phái đoàn đối thoại Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Phòng Phong Huy.
Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, mà còn góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hiện Mỹ và Trung Quốc đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do vậy, nhiều vấn đề quốc tế cần có sự tham gia tích cực của cả hai nước này. Từ cuộc khủng hoảng tại Syria, Iraq, Libya, xung đột tại miền Đông Ukraine, CHDCND Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, mối đe dọa khủng bố gia tăng… đều có sự ảnh hưởng rất lớn từ quyết định của Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã trải qua không ít thăng trầm. Giữa hai nước tồn tại những bất đồng về vấn đề an ninh mạng, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông; những căng thẳng liên quan đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ khiến Trung Quốc quan ngại… Có thể thấy rõ, tất cả những vấn đề này tuy là vấn đề song phương giữa hai nước song phạm vi ảnh hưởng của nó đã lan ra toàn cầu. Các tranh chấp trên biển hay những cuộc tấn công mạng - dù cho lực lượng nào làm và nhằm vào nước nào - thì cũng sẽ làm đảo lộn chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, kéo theo những thay đổi đáng kể trong định hướng chiến lược của các nước khác.
Với cuộc đối thoại lần này, hai bên đã thảo luận về hàng loạt vấn đề song phương như hợp tác an ninh - quốc phòng, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, căng thẳng hàng hải tại Biển Đông,... trong đó, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên được hai bên đặc biệt quan tâm. Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson đã hối thúc Trung Quốc gây sức ép hơn nữa về kinh tế và ngoại giao nhằm giúp kiềm chế các tham vọng hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cũng nêu bật tầm quan trọng của một tiến trình phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược tại Bán đảo Triều Tiên. Cũng theo Ngoại trưởng R. Tillerson, Tổng thống Mỹ D. Trump có kế hoạch thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm nay, phát đi tín hiệu rằng Washington đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Kinh bất chấp những bất đồng liên quan tới vấn đề CHDCND Triều Tiên. Về phần mình, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng khẳng định, Bắc Kinh sẽ nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Đối thoại an ninh - ngoại giao Mỹ - Trung Quốc, một trong 4 cơ chế cấp cao (Đối thoại về kinh tế; Đối thoại về thực thi pháp luật và an ninh mạng; Đối thoại về văn hóa - xã hội) được thiết lập sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ D. Trump diễn ra tại bang Florida hồi tháng 4 vừa qua được kỳ vọng là nền tảng cần thiết cho cả hai bên trong việc xử lý và giải quyết các tranh chấp bằng cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tìm kiếm một sự đồng thuận nhằm đem lại nhiều lợi ích chung./.
Các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác chống khủng bố
Binh sỹ Philippines tại Marawi. Ảnh: cnn.com
Trước quan ngại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng “vươn vòi bạch tuộc” tới khu vực Đông Nam Á, Philippines, Malaysia và Indonesia đã tổ chức cuộc họp ngoại trưởng tại thủ đô Manila (Philippines) ngày 22-6, nhằm thúc đẩy nỗ lực hợp tác ngăn chặn các nguy cơ khủng bố.
Tại cuộc họp, các ngoại trưởng của ba nước đã thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra ở thành phố Marawi, miền Nam Philippines và tác động đối với khu vực, cũng như cách thức 3 nước có thể hợp tác để ngăn chặn bạo lực tại đây, mối đe dọa tiềm ẩn đối với khu vực Đông Nam Á từ việc các tay súng địa phương cấu kết với IS, hợp tác kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật.
Trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng bày tỏ lo ngại về các vụ tấn công liên quan tới khủng bố xảy ra gần đây ở mỗi nước, đồng thời tái khẳng định cam kết của các chính phủ trong việc giải quyết những thách thức hiện hữu xuyên quốc gia, cũng như các mối đe dọa có nguy cơ phá hoại sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Các ngoại trưởng cam kết tăng cường kiểm soát đối với phiến quân IS đang hoạt động trong khu vực, như siết chặt nguồn tiền tài trợ; kiềm chế sự lan tràn của những nội dung mang tính khủng bố hoặc liên quan tới khủng bố trong không gian mạng, nhất là trên các trang mạng xã hội; chặn đứng hoạt động buôn lậu vũ khí, cũng như hoạt động đi lại của các phần tử khủng bố, nhất là ở những khu vực giáp biên giới của ba nước...
Theo tuyên bố chung, các ngoại trưởng nhất trí với Kế hoạch Hành động được đề xuất nhằm ngăn chặn nỗ lực của phiến quân IS muốn thành lập “vương quốc Hồi giáo” hoặc cơ sở của chúng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh và tình báo ba nước về những mối đe dọa khủng bố; thảo luận biện pháp chống khủng bố thông qua giáo dục và sự tham gia của cộng đồng.
Hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt là hai vụ nổ lớn được cho là đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta (Indonesia) và chiến sự kéo dài một tháng qua giữa quân đội chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute tuyên bố trung thành với IS tại thành phố Marawi, cho thấy lực lượng này đã thay đổi chiến lược “vươn sang” sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria. Không phải ngẫu nhiên IS lại chọn khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực có dân số trên 600 triệu người, trong đó cộng đồng Hồi giáo lên tới gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Malaysia, Indonesia, Philippines. Đông Nam Á cũng là khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh tại những vùng hẻo lánh hay những hòn đảo biệt lập, nơi chính quyền khó quản lý. Lợi dụng một biên giới mở nhờ sự gắn kết trong ASEAN, IS đã mở rộng địa bàn hoạt động tại khu vực này, thiết lập quan hệ với hơn 60 tổ chức cực đoan địa phương, truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường cực đoan.
Thực tế cho thấy, IS đã có một chiến lược khá bài bản để hiện thực hóa âm mưu bành trướng sang Đông Nam Á, khi bắt tay với các nhóm phiến quân trong khu vực như Jemaah Islamiyah ở Indonesia, Abu Sayyaf ở Philippines. Bên cạnh đó là một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn hòng gieo rắc tư tưởng cực đoan bằng những hình thức khác nhau, cũng như ý tưởng thành lập cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” tại Đông Nam Á, nhằm lôi kéo ngày càng nhiều công dân các nước Đông Nam Á gia nhập IS. Giới chuyên gia cho rằng, điều đáng lo ngại là một khi các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, Malaysia và Indonesia gia tăng liên kết, khả năng hình thành một mô hình như “Mặt trận Hồi giáo thống nhất” hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, Đông Nam Á sẽ trở thành mặt trận thứ hai của IS trên thế giới, và tình trạng bất ổn an ninh là điều khó tránh khỏi. Nếu điều này xảy ra, các vụ tấn công khủng bố đẫm máu quy mô lớn tại Đông Nam Á do IS thực hiện hoặc chỉ đạo các nhóm cực đoan thực hiện như ở châu Âu sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Do vậy, việc Philippines, Malaysia và Indonesia tổ chức cuộc họp ngoại trưởng nhằm thúc đẩy nỗ lực hợp tác ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng từ IS vào thời điểm này được cho là vô cùng cần thiết./.
Thủ tướng trả lời cử tri về bất cập trong quy hoạch bán đảo Sơn Trà  (26/06/2017)
Chủ tịch Quốc hội Campuchia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (26/06/2017)
Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ  (26/06/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến ngày 25-6-2017  (26/06/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân lên đường thăm chính thức Cộng hòa Belarus  (26/06/2017)
Giao lưu thanh niên, sinh viên tiêu biểu của 3 nước Việt-Lào-Campuchia  (25/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay