Văn bản chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
Hoạt động quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về nội dung chi hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo đó, nội dung chi cho Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm: 1- Chi chế độ bồi dưỡng hàng tháng đối với các thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cụ thể, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng 3.900.000 đồng; Ủy viên Hội đồng 3.250.000 đồng.
2- Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
3- Chi chế độ công tác phí đối với các thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi đi giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo phân công của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ công tác phí đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Kinh phí thực hiện các nội dung trên do Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm từ nguồn chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được giao hàng năm theo quy định của pháp luật.
Thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em. Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Phó Chủ tịch thường trực), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Các Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Ủy ban quốc gia về trẻ em có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quyền và các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em; các báo cáo thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban.
Quy chế hoạt động Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo quy chế, Hội đồng họp toàn thể định kỳ 6 tháng một lần, họp chuyên đề 3 tháng một lần, khi cần thiết có thể tổ chức họp đột xuất do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
Các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tham gia vào các hoạt động chung của Hội đồng, thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về công tác được phân công.
Ý kiến tư vấn, đề xuất của Hội đồng được thảo luận tập thể và do Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định.
Đối với chủ trương và chính sách quan trọng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quyết định mở rộng thành phần mời họp Hội đồng.
Đối với những đề án, chương trình trọng điểm, Hội đồng giao cơ quan thường trực của Hội đồng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà báo, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trước khi đưa ra Hội đồng thảo luận.
Hội đồng tổ chức họp bằng các hình thức: Họp tập trung, họp trực tuyến, họp chuyên đề với các tiểu ban chuyên môn; lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng bằng văn bản hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử.
Hội đồng có 6 tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban giáo dục mầm non, Tiểu ban giáo dục phổ thông, Tiểu ban giáo dục đại học, Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp, Tiểu ban phát triển nhân lực, Tiểu ban giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời.
Cơ quan thường trực Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng chương trình công tác giai đoạn 2017 - 2021 và đề xuất nội dung các cuộc họp Hội đồng, báo cáo Chủ tịch Hội đồng phê duyệt; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các Ủy viên Hội đồng, tiểu ban chuyên mônchuẩn bị báo cáo những vấn đề liên quan theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng; gửi tài liệu cần thiết cho các thành viên Hội đồng; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà báo, các tổ chức về các vấn đề cần xin ý kiến; tổ chức triển khai các kết luận của Hội đồng, thường trực giải quyết các công việc của Hội đồng giữa các kỳ họp; báo cáo Chủ tịch Hội đồng xử lý các thông tin, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức về cơ chế, chính sách, đề án liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực...
Hỗ trợ người nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp khắc phục tình hình tôm hùm nuôi chết tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên thuộc vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) có khoảng 13.300 lồng nuôi tôm hùm. Từ ngày 15-5-2017, tại khu vực này xảy ra hiện tượng nước có màu nâu đỏ, tôm hùm và một số loài cá, cua, ghẹ sống tầng đáy bị chết bất thường. Kết quả phân tích mẫu bệnh, tôm hùm nuôi tại vùng này có biểu hiện bám lưới, trồi lên mặt lồng rồi chết với tỉ lệ từ 20-100% số tôm trong lồng nuôi. Phân tích 12 mẫu tôm cho kết quả 4/12 mẫu dương tính với Rickettsia like bacteria (bệnh sữa) và 7/12 mẫu dương tính với V. Alginolyticus (bệnh đỏ thân).
Theo thống kê nhanh của các xã, phường có tôm chết, đến ngày 01-6 đã có 769.175 con tôm bị chết của 502 hộ nuôi tại các vùng nuôi nói trên, trong đó tôm hùm bông là 267.155 con, tôm hùm xanh 502.040 con. Số lượng tôm hùm chết khoảng 350-400 tấn, ước thiệt hại trên 700 tỷ đồng, trong đó có khoảng 70-80% số hộ nuôi bị mất trắng... Hiện đời sống các hộ dân đang rất khó khăn và bị áp lực lớn về nợ nần.
Xét báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên về tình hình tôm hùm nuôi chết tại thị xã Sông Cầu và một số kiến nghị về giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng giao các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, xem xét giải quyết các kiến nghị của UBND tỉnh Phú Yên; trong phạm vi thẩm quyền của mình triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.
Nhật Bản lần đầu thực hiện chuyến bay tới quần đảo tranh chấp với Nga  (18/06/2017)
Đẩy mạnh tuyên truyền về hợp tác xã kiểu mới  (18/06/2017)
Việt Nam chia buồn về việc cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl từ trần  (18/06/2017)
Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 2,15 tỷ USD vốn FDI trong 6 tháng  (17/06/2017)
Cuba khẳng định độc lập chủ quyền trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ  (17/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay