1. Hội nghị Hội đồng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN lần thứ 1

Ngày 24-8-2009, tại Băng-cốc, Thái Lan, diễn ra Hội nghị Hội đồng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN lần thứ 1. Tham dự có bộ trưởng phụ trách trong các lĩnh vực văn hóa - thông tin, ngoại giao và phúc lợi xã hội của 10 nước thành viên ASEAN. Đây là Hội nghị đầu tiên của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ ngày 15-12-2008. Hội nghị đã đưa ra Chương trình, kế hoạch tổng thể cho hoạt động của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN. Hội nghị bàn và thống nhất các vấn đề ưu tiên chung do các nước đề xuất, trong đó có các vấn đề giáo dục; khủng hoảng tài chính toàn cầu; biến đổi khí hậu; y tế và dịch bệnh. Hội nghị cũng đưa ra dự thảo cơ chế phối hợp giữa các nước trong Cộng đồng; đề xuất vấn đề thông tin truyền thông và chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ hai vào ngày 22-10-2009 bên cạnh Hội nghị cấp cao ASEAN.

2. I-ran yêu cầu các cường quốc không chống lại chương trình hạt nhân của nước này

Ngày 24-8-2009, trong bối cảnh Mỹ và các cường quốc phương Tây khác tiếp tục thúc ép I-ran ngừng hoạt động làm giàu u-ra-ni do nghi ngờ Tê-hê-ran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao I-ran, ông Hát-xan Gát-ha-vi (Hassan Ghashghavi) đưa ra tuyên bố, I-ran yêu cầu các cường quốc trên thế giới chấm dứt việc tìm cách chống lại chương trình hạt nhân của nước này, thay vào đó nên thực hiện một chính sách cộng tác với Tê-hê-ran để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Lãnh đạo I-ran vẫn khẳng định nước này làm giàu u-ra-ni chỉ nhằm sản xuất nhiên liệu cung cấp cho nhà máy điện hạt nhân, đồng thời cho rằng việc theo đuổi phát triển công nghệ hạt nhân của họ hoàn toàn phù hợp với Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT) mà Tê-hê-ran đã ký tham gia. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma yêu cầu I-ran đến cuối tháng 9-2008 phải trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới cứng rắn hơn.

3. Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên

Ngày 24-8, bất chấp những động thái tích cực trong quan hệ liên Triều thời gian gần đây, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên với tuyên bố Bình Nhưỡng cần phải “giải trừ hạt nhân hoàn toàn và có kiểm chứng”. Phát biểu trong cuộc gặp tại thủ đô Xơ-un, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Uy Xung Nác (Wi Sung-Lac) và nhà ngoại giao Mỹ phụ trách thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên, ông Phi-líp Gôn-bớt (Philip Goldberg), cùng khẳng định mục tiêu là “phải giải giáp hoàn toàn và có kiểm chứng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên”. Ông Gôn-bớt hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên, đồng thời tái khẳng định Oa-sinh-tơn chỉ đối thoại với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ đàm phán sáu bên. Cùng ngày 24-8, báo chí Hàn Quốc đưa tin thông qua phái viên của mình, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng In đã gửi thông điệp đến Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc về việc ông muốn tiến hành một hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

4. Kết quả bầu cử tổng thống ở Áp-ga-ni-xtan

Ngày 25-8-2009, kết quả ban đầu cuộc bầu cử Tổng thống Áp-ga-ni-xtan do Ủy ban bầu cử độc lập của nước này công bố cho thấy, số phiếu bầu cho hai ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Ha-mít Ca-dai và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áp-đu-la không chênh lệch nhiều và cả hai không đạt đủ số phiếu cần thiết để trúng cử. Theo luật bầu cử Áp-ga-ni-xtan, nếu không ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu bầu tại vòng một, vòng hai sẽ được tổ chức sau hai tuần. Tuy nhiên, ngày 23-8 vừa qua, Ủy ban phụ trách khiếu nại bầu cử của Áp-ga-ni-xtan (ECC) thông báo đã nhận được khoảng 225 đơn khiếu nại về những hành vi sai phạm trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử địa phương. Trong số đơn khiếu nại trên có nhiều đơn gửi từ tỉnh Can-đa-ha, miền Nam Áp-ga-ni-xtan, nơi được cho là căn cứ trọng yếu của Ta-li-ban. Sau những cáo buộc gian lận vừa qua, nhiều khả năng kết quả bầu cử chưa thể công bố vào giữa tháng 9-2009 như dự kiến.

5. Bùng phát căng thẳng ngoại giao I-rắc và Xy-ri

Ngày 25-8-2009, Chính phủ Xy-ri đã triệu đại sứ tại I-rắc về nước để trả đũa việc I-rắc triệu hồi đại sứ tại Xy-ri và yêu cầu Đa-mát giao nộp hai thủ lĩnh cấp cao của Đảng Bát nước này, bị cáo buộc chủ mưu các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại Bát-đa vừa qua. Phản ứng trên của Xy-ri được đưa ra ngay sau khi Chính phủ I-rắc triệu đại sứ nước này tại Xy-ri về nước, đồng thời yêu cầu Xy-ri giao nộp Mô-ham-mét Y-u-nít An A-mét và Xét-tam Pha-han, hai quan chức của Đảng Bát trung thành với cố Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen đang sống tại Xy-ri. Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Xy-ri kiên quyết bác bỏ thông báo trước đó của người phát ngôn Chính phủ I-rắc liên quan đến các vụ tấn công ở Bát-đa ngày 19-8, đồng thời phản đối mạnh mẽ vụ khủng bố này. Xy-ri đã yêu cầu I-rắc cung cấp các bằng chứng có giá trị để buộc tội những kẻ tình nghi chủ mưu các vụ tấn công nói trên, nếu không Xy-ri sẽ coi những thông tin do I-rắc đưa ra là bịa đặt nhằm đạt được những mục đích chính trị trong nước.

6. Nga phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Mông Cổ

Ngày 26-8-2009, kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Mông Cổ, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống Mông Cổ S.En-béc-đô-gi (S. Elbegdorj) đã ký Tuyên bố về phát triển quan hệ đối tác chiến lược Nga - Mông Cổ cùng một loạt văn kiện khác nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi truyền thống, hai nước có đủ điều kiện và quyết tâm giải quyết mọi vấn đề khó khăn và phức tạp hiện nay trong quan hệ song phương. Lãnh đạo hai nước đã chú trọng bàn việc thực hiện các dự án phối hợp đầu tư quy mô trong ngành khai thác quặng, giao thông - vận tải, nông nghiệp. Hai bên cho rằng cần phải thực hiện những biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hơn nữa kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa các cơ quan biên phòng và các khu vực giáp biên giữa hai nước. Hai nước cũng ủng hộ việc cải cách và nâng cao vị thế của Liên hợp quốc, các quá trình liên kết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những nỗ lực đối phó các nguy cơ và thách thức mới đối với thế giới hiện nay.

7. Tổ chức An ninh Tập thể (ODKB) diễn tập quân sự chung

Ngày 26-8-2009, Tổ chức An ninh Tập thể (ODKB) tổ chức cuộc diễn tập quân sự chung lần đầu tiên có sự tham gia của Lực lượng phản ứng nhanh. Cuộc diễn tập này sẽ kéo dài trong 2 tháng, chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1, Bộ Tư lệnh liên hợp ODKB đóng tại Mát-xcơ-va sẽ tiến hành cuộc diễn tập Bộ Tư lệnh; giai đoạn 2, được tiến hành tại Bê-la-rút vào trung tuần tháng 9-2009 với sự tham gia của lực lượng quân sự các nước Nga, Bê-la-rút, Ác-mê-ni-a và Ca-dắc-xtan; giai đoạn 3, với sự tham gia trực tiếp của Lực lượng phản ứng nhanh sẽ được tiến hành trong lãnh thổ Ca-dắc-xtan vào tháng 10-2009. Mục đích chính của cuộc diễn tập này là nâng cao khả năng phản ứng của Lực lượng phản ứng nhanh, nỗ lực tìm kiếm các hoạt động chung để xoá bỏ các mối đe doạ nhằm vào chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của ODKB. Dự kiến, có hơn 6.000 quân tham gia cuộc diễn tập này.

8. Nga nỗ lực chống lại mọi âm mưu xuyên tạc lịch sử về chiến tranh thế giới thứ hai

Ngày 27-8-2009, Nga đề xuất Liên hợp quốc (LHQ) đưa vào chương trình làm việc khóa họp Đại hội đồng mục đề cập tới hoạt động kỷ niệm 65 năm Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai sẽ được tổ chức vào năm 2010. Đại sứ thường trực của Nga tại LHQ, ông Vi-ta-li Sớc-kin (Vitaly Churkin) đã chuyển thông điệp tới Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Kimoon) đề nghị thảo luận vấn đề này trong kỳ họp và sau đó tiếp tục xem xét trong khuôn khổ cuộc họp toàn thể của Đại hội đồng. Bức thông điệp nêu rõ, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai là thảm họa lớn đối với nhân dân châu Âu và toàn thế giới. Ngày nay, loài người cần nhớ tới bài học chiến tranh và tưởng nhớ những người đã ngã xuống, những người đã đóng góp nỗ lực và hy sinh tính mạng để thế giới có thể nhận thức được về sự cần thiết thành lập các cơ cấu hòa bình quốc tế đáng tin cậy. Hơn thế, mong muốn loài người mãi mãi thoát khỏi hiểm họa chiến tranh đã trở thành cơ sở sáng lập ra tổ chức Liên hợp quốc với Hiến chương là nguyên tắc xử thế của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, là văn bản được tất cả công nhận phục vụ sự hình thành trật tự thế giới mới và hệ thống luật pháp quốc tế. Trong khi đó, đang có những biểu hiện âm mưu viết lại lịch sử, bóp méo sự thật về nguyên nhân và kết cục cuộc chiến tranh này.

9. Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản nhiệm kỳ thứ 45

Ngày 30-8-2009, 103 triệu cử tri Nhật Bản đi bỏ phiếu bầu Hạ viện nhiệm kỳ thứ 45. Theo thông báo của Ủy ban bầu cử, Đảng Dân chủ giành được 241 ghế trong số 480 ghế tại Hạ viện, chiếm đa số và được quyền đứng ra thành lập chính phủ mới sẽ do ông Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma làm Thủ tướng. Đảng Dân chủ tự do đã từng nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản trong 50 năm qua, chỉ giành được 55 ghế. Số ghế còn lại thuộc về Đảng Cô-mê-i-tô (10 ghế), Đảng Cộng sản (2 ghế), Đảng xã hội chủ nghĩa (2 ghế), Đảng Nhân dân (3 ghế), các tổ chức khác (8 ghế). Với số ứng cử viên vượt xa cuộc bầu cử bốn năm trước và diễn ra giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn tìm đường thoát khỏi suy thoái, cuộc bầu cử lần này thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Nhật Bản cũng như dư luận quốc tế. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đảng đối lập DPJ luôn dẫn trước LDP trên 10% tỷ lệ ủng hộ với khoảng một phần tư số cử tri trên đã từng ủng hộ LDP. Theo nhiều nhà quan sát, với cương lĩnh tranh cử nhấn mạnh cải cách bộ máy hành chính, bảo vệ các tầng lớp dân chúng trong xã hội và chống nạn quan liêu, DPJ sẽ có cơ hội lớn kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử./.