Kiểm tra chất lượng nấm
trước khi đưa vào sử dụng - Ảnh: TTXVN
TCCS - Trong cuộc sống hằng ngày, người dân luôn bị đe dọa bởi thực phẩm không an toàn. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải là trách nhiệm chung của cộng đồng: Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Những năm gần đây, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu ngày càng đạt yêu cầu cao về chất lượng, kim ngạch mỗi năm một tăng. Theo hệ thống cảnh báo hằng tuần của châu Âu về chất lượng thực phẩm cho nguời và thức ăn chăn nuôi, trong ba năm liền 2005, 2006, 2007, số hàng thực phẩm của Việt Nam không đạt yêu cầu giảm dần từ 124 lô xuống 68 lô và 45 lô, xếp lần lượt thứ 7, 13 và 18 trong số các nước bị cảnh báo.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần chỉnh đốn về mặt chất lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước. Năm 2008 là năm có nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác quản lý VSATTP, điển hình như dịch cúm gia cầm, dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố; sữa nhiễm melamin, rượu có chứa metanol cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Gần đây nhất trong năm nay, đã phát hiện nước uống đóng chai nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, sữa đậu nành đường phố nhiễm vi khuẩn đường ruột. Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể vẫn xảy ra nghiêm trọng. Theo thống kê, trong năm 2008, cả nước đã xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm (liên quan tới 7.828 người, 61 người tử vong), trong đó có 66% số vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Thực trạng vi phạm VSATTP tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận

Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều chính sách kiểm soát chặt chẽ VSATTP. Nhưng hai năm gần đây vẫn còn tình trạng rau quả nhiễm thuốc trừ sâu; bánh phở nhiễm formol; giò chả nhiễm hàn the; thủy sản nhiễm kháng sinh, thuốc diệt nấm mốc; thịt heo nhiễm hóa chất độc hại bị cấm clenbuterol hay salbutamol được trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích lợi nhuận.

Thủy hải sản xuất khẩu được đánh giá chung gần 100% không nhiễm kháng sinh, thế nhưng VSATTP về thủy sản tiêu dùng trong nước gần như còn bỏ ngỏ. Năm 2008, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc Ký Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Công ty Sắc Ký Hải Đăng) tiến hành kiểm tra chloramphenicol trong 63 mẫu tôm, cá, mực thu mua ngẫu nhiên tại các chợ và siêu thị, kết quả cho thấy 43/63 mẫu bị nhiễm khoảng 10 #g/kg trở xuống, trong khi quy định của thế giới và Việt Nam thì chloramphenicol không được có trong thủy hải sản.

Tình hình chế biến thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố còn vi phạm rất nghiêm trọng về VSATTP. Người tham gia sản xuất chế biến chưa có ý thức bảo đảm vệ sinh cá nhân, không mang khẩu trang, không rửa tay cẩn thận trong lúc chế biến thực phẩm, không đủ nước sạch để rửa bát đối với thức ăn đường phố, do đó thực phẩm dễ dàng bị nhiễm vi sinh. Kết quả kiểm tra vi sinh của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, gần đây trên các mẫu sữa đậu nành đường phố và từ các lò sữa đậu nành cung ứng cho các nhà trẻ, tiệm cơm bình dân, các quán giải khát đều có chứa nhiều loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy cũng như các loại nấm mốc nguy hiểm với hàm lượng cao gấp hàng trăm, hàng nghìn lần tiêu chuẩn cho phép. Đáng lưu ý là có những mẫu chứa Bacillus cereus (gây buồn nôn và tiêu chảy) nhiều gấp 900 lần tiêu chuẩn cho phép, trong khi bình thường nếu được đun sôi đủ sẽ bị tiêu diệt, Coliform gấp 30.000 lần; E. Coli gấp 250 lần, tổng số nấm men mốc gấp 7 lần, tổng vi sinh vật hiếm khí gấp 6.800 lần quy định.

Vi phạm VSATTP cũng có thể xảy ra từ khâu chế biến. Trường hợp điển hình của nước tương bị nhiễm 3-MCPD, nước giải khát nhiễm độc chất benzen khi chứa đồng thời vitamin C và natri benzoat do các chất này tự phản ứng tạo ra benzen. Về mức độ nhiễm benzen của nước giải khát, các phân tích của Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc Ký vào cuối 2007 cho thấy, trên 104 mẫu nước giải khát của 51 nhãn hiệu lưu hành trên thị trường, có 3 nhãn hiệu chứa benzen ở khoảng mức tối đa cho phép của tiêu chuẩn TCVN 10 #g/L về benzen trong nước uống.

Sự thôi chậm hóa chất phụ gia có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng như 2-etylhexyl phtalat từ bao bì, giấy bọc bằng nhựa PVC vào thực phẩm hiện đang sử dụng rộng rãi trên thị trường cần được quan tâm theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, VSATTP cũng có thể bị đe dọa bởi các độc chất gốc tự nhiên như tetrodotoxin trong cá nóc, mực xanh..., glycozit xianogen trong khoai mì, măng, độc tố sinh học gây tiêu chảy trong nghêu, sò, hoặc bởi các độc chất sinh ra do bảo quản thực phẩm không đúng quy cách như aflatoxin trong bắp, cám, các hạt có dầu, ochratoxin trong cà-phê, histamin trong thủy hải sản.

Các thực phẩm nhập từ Trung Quốc, nhất là các thực phẩm nhập không chính thức qua biên giới Việt - Trung. Cuối năm 2006, đã có vấn đề trứng gà vịt nhiễm phẩm màu công nghiệp Sudan, tiếp đến 2008 là sữa và sản phẩm từ sữa nhiễm melamin, tiếp đó là rau củ Trung Quốc nhập tiểu ngạch ồ ạt qua biên giới phần lớn chưa qua kiểm soát kỹ về VSATTP.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực phẩm không an toàn

Đối với sản xuất cho tiêu dùng trong nước, sự giám sát của cơ quan chức năng chưa thật chặt chẽ, người sản xuất tự công bố chất lượng mặt hàng của mình, trên nguyên tắc có hậu kiểm về mặt nhà nước, nhưng rất khó bảo đảm thực hiện hậu kiểm được 100%. Nhiều hóa chất dùng trong thực phẩm, chăn nuôi, nhiều loại thuốc thú y không rõ nguồn gốc, gần như được bán dễ dàng qua quen biết ở một số chợ. Người chế biến thực phẩm, chăn nuôi mua và sử dụng có thể không biết tác hại hoặc biết nhưng vì lợi nhuận cứ mua và sử dụng.

Quản lý nhà nước về VSATTP vẫn còn chồng chéo, khó quy trách nhiệm cụ thể, công tác tổ chức thanh tra VSATTP gần như không có tác dụng đáng kể ở cấp phường xã vì lực lượng quá mỏng. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa vẫn còn gặp nhiều hạn chế do số phòng thí nghiệm có trình độ còn ít, trong khi xã hội hóa mở rộng phân tích kiểm nghiệm cho các đơn vị ngoài chức năng (trường, viện nghiên cứu...) mới ở giai đoạn chuẩn bị các điều kiện, quy định.

Về phía người tiêu dùng, chắc chắn có nhiều bức xúc về chất lượng hàng hóa, tuy nhiên do cuộc sống còn không ít khó khăn nên chưa tạo đủ sức ép đối với nhà sản xuất.

Những vấn đề cần giải quyết sớm và hiệu quả

Về phía quản lý, trên cơ sở các văn bản pháp quy, Chính phủ sớm có phương thức tổ chức quản lý nhà nước về VSATTP. ở các tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương, nên có một Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân điều phối chung các công tác liên quan đến VSATTP.

Gấp rút tăng cường ở cấp phường xã hệ thống quản lý thị trường và thanh tra VSATTP, điều chỉnh lại mức phạt vi phạm VSATTP nặng hơn mới tạo được hiệu lực răn đe.

Đối với thức ăn đường phố, chính quyền địa phương cần kiên trì giáo huấn, giám sát, nhắc nhở về VSATTP. Chính người tiêu dùng qua lựa chọn, sẽ góp phần quyết định sự tồn tại của các gánh hàng rong.

Các loại thuốc thú y, phụ gia thực phẩm, hóa chất khác đang được bán trên thị trường phải được kiểm soát chặt. Việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi cũng phải khắt khe như thực phẩm dành cho người.

Nhanh chóng xã hội hóa công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, tận dụng các phòng thí nghiệm ở các đơn vị ngoài chức năng kể cả các phòng kiểm nghiệm tư nhân nếu chứng minh được khả năng kiểm nghiệm tốt.

Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng rà soát lại, bổ sung, thiết lập thêm các quy định liên quan đến hóa chất, phụ gia đã bị cấm sử dụng ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên thông tin rộng rãi đến người sản xuất và người tiêu dùng những vấn đề liên quan đến VSATTP trong và ngoài nước.

Về phía nhà sản xuất, tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Quản lý sản xuất theo hệ thống chất lượng thích hợp với ngành nghề (HACCP, GMP...).

Không sử dụng hóa chất, phụ gia ngoài danh sách cho phép; thường xuyên theo dõi các thông tin về VSATTP trong và ngoài nước.

Trước mắt, các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn trường học phải cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết để sản xuất chế biến an toàn.

Về phía cơ quan truyền thông, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hội khoa học kỹ thuật có liên quan, thông qua nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, các hội đoàn góp phần nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhất là các kiến thức về chất lượng sản phẩm hàng hóa, về VSATTP.

Các hội phát huy mạnh vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải là chỗ dựa tin cậy của người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng, thực tế, người tiêu dùng rất khó lựa chọn khi đứng trước quá nhiều nhãn hiệu của cùng một mặt hàng. Cơ bản phải mua sắm ở những siêu thị, chợ có uy tín và dựa trên một số tiêu chuẩn như thương hiệu có tiếng, hạn sử dụng, các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn ghi trên nhãn. Tuy cuộc sống của người dân nhìn chung còn khó khăn, nhưng không vì thế mà quá dễ dãi trong ăn uống sẽ gây hại cho mình. Mọi người tiêu dùng đều có trách nhiệm giám sát, phát hiện những cách làm ăn gian dối, không mua những mặt hàng kém chất lượng. Việc thể chế hóa quyền khởi kiện của công dân trong trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cần được nghiên cứu ban hành.

Bảo đảm VSATTP phải là trách nhiệm của cộng đồng, của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng./.