Các chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
23:06, ngày 05-04-2017

TCCSĐT - Tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước là một trong những chỉ đạo mới của Chính phủ.

Ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết Quốc hội về nông thôn mới

Ngày 04-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 414/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23-11-2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Quyết định nhằm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23-11-2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp với nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả; xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 trên phạm vi cả nước.

Theo Quyết định, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy định tại Nghị quyết số 32/2016/QH14 theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Quyết định 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ rà soát, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành quản lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, nhiệm vụ để triển khai Nghị quyết; tiếp tục tổ chức quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến về nhận thức của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, xác định rõ tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo.

Phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng miền, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; cơ bản hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình, gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ khác trên địa bàn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức kinh tế-xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức và chất lượng của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới...

Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch theo nhiệm vụ phân công, bảo đảm tiến độ, chất lượng hiệu quả. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản tới 2 tỷ đồng

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước quy định tại Nghị định này gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.

Nghị định quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 - 12 tháng.

Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Về hình thức xử phạt bổ sung, Nghị định quy định tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-24 tháng; đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-12 tháng; tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác; buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường...

Khẩn trương hoàn thiện các phương án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam


Thông báo kết luận nêu rõ, Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương chuẩn bị các phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta có khoảng 2.000km đường bộ cao tốc như Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-01-2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra, Chính phủ quyết tâm thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, với tinh thần quyết liệt, minh bạch, không tham nhũng, lãng phí, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh quy mô quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam thành 6 - 10 làn xe cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước; thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch.

Về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến các đoạn sẽ được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 và sau năm 2020 theo quy mô Quy hoạch đã được phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các dự án; giao Bộ Giao thông Vận tải lập lại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉ định thầu tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế theo quy định; Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp vào cơ chế, chính sách đầu tư chung để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh, trên cơ sở thiết kế kỹ thuật được duyệt.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tư vấn chủ động lập các dự án đầu tư thành phần để triển khai xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư dự án, trên tinh thần chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, nhưng cần tạo động lực thu hút đầu tư, trình Chính phủ quyết định; đưa vào nội dung tờ trình Quốc hội xin quyết định chủ trương đầu tư đối với các cơ chế vượt thẩm quyền của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án theo đúng quy định.

Chức năng, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường


Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợptài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Cụ thể, về lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về quản lý, sử dụng đất sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất trình Chính phủ ban hành hoặc để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; hướng dẫn việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai; lập bản đồ giá đất; xây dựng, tổng hợp, cung cấp dữ liệu, thông tin về khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể; phát hành và quản lý việc sử dụng phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật...

Về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bao gồm cả khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy định của pháp luật; hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc quản lý chất lượng môi trường nước, đất, không khí, lưu vực sông, biển đảo, khu đô thị, nông thôn, khu dân cư, khu vực công cộng theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác đăng ký, xác nhận, cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề về môi trường theo quy định của pháp luật...

Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm có 23 đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Viễn thám quốc gia; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.

Thủ tướng chỉ thị tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa nội địa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Chỉ thị nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và trong phạm vi quản lý của mình chủ động rà soát và chỉ đạo thực hiện các nội dung trong công tác đấu thầu.

Cụ thể, về phân chia gói thầu, Thủ tướng yêu cầu việc phân chia các gói thầu thuộc dự án, dự toán đối với mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc phân chia gói thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo việc làm cho lao động trong nước.

Nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước. Trường hợp phát hiện việc phân chia gói thầu không đúng với quy định thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định; đề xuất xử lý nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Chỉ thị cũng nêu rõ, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị, máy móc, phương tiện trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA. Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế.

Trường hợp gói thầu áp dụng đấu thầu quốc tế thì trong hồ sơ mời thầu cần quy định rõ: Nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Nghiêm cấm các chủ đầu tư, bên mời thầu khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu có quy định cho phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu thực hiện gói thầu, đặc biệt là lao động phổ thông.

Trường hợp tổ chức đấu thầu trong nước, khi lập và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra yêu cầu hoặc định hướng đối với việc nhà thầu tham dự thầu phải chào hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa trong nước đã sản xuất hoặc lắp ráp được đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả.

Nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, catalô của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó. Trường hợp không thể mô tả chi tiết thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện nghiêm túc việc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được trong công tác đấu thầu; các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Danh mục máy móc, thiết bị,vật tư, nguyên liệu, thuốc và vật tư y tế trong nước sản xuất được phải được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành danh mục. Danh mục tổng hợp phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn và Trang thông tin điện tử của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Cũng tại chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước phải chủ động tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nghiên cứu bám sát thị trường để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, phát triển năng lực sản xuất để cung ứng các sản phẩm máy móc, thiết bị đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, yêu cầu trong việc thực hiện các dự án, gói thầu./.