Sau 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã khôi phục quyền lợi cho hơn 13.600 công dân thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 15-12-2016, tại Hà Nội.
Khôi phục quyền lợi cho hơn 13.600 công dân thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, sau 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 386.572 đơn khiếu nại, tố cáo với 268.225 vụ việc.

Tuy chỉ có hơn 12-16% khiếu nại, tố cáo của người dân đúng sự thật, nhưng qua 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã thu hồi về cho Nhà nước gần 860,7 tỷ đồng, 316ha đất; khôi phục quyền lợi cho 13.617 công dân với số tiền 512 tỷ đồng và gần 420ha đất.

Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn 2012-2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với những giai đoạn trước, số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 54,6%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm 39,3%.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương, nhất là những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Đặc biệt, tình hình khiếu kiện đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là khiếu nại, tố cáo đang bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, bôi xấu, đe dọa và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý, của cán bộ, nhân dân.

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội; khiếu nại đòi lại cơ sở tôn giáo; khiếu nại tranh chấp nhà đất; tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Kim, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại hiện nay là do chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về nội dung còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ; đặc biệt là về đất đai liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phương án đền bù khi thu hồi đất, chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, một số chủ trương, chính sách đất đai còn bất cập, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người sử dụng đất, giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thực tế.

Công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội ở nông, lâm trường, vùng tái định cư.... chưa giải quyết hài hòa lợi ích các bên nên người bị thu hồi đất bức xúc, khiếu kiện gay gắt.

Đồng thời, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định.

Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không thực hiện đúng quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, không tổ chức đối thoại, cá biệt một số trường hợp thiếu công tâm, vi phạm chính sách, pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tỷ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn khá nhiều, chưa có xu hướng giảm.

Khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật

Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 đã bổ sung nhiều quy định mới, tiến bộ, khắc phục được những hạn chế, bất cập của những quy định trước đó, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, một số các quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo còn tồn tại hạn chế bất cập, chưa đồng bộ với các quy định pháp luật đất đai, pháp luật tố tụng hành chính.

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị cần tập trung sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, thiết thực đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc sửa đổi Luật theo hướng quy định rõ, đầy đủ, cụ thể, chi tiết hơn về trình tự, thủ tục giải quyết theo hướng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đảm bảo quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý về tố cáo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh; đảm bảo xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tổng hợp vướng mắc, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đất đai; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai cho người dân./.